Tuesday, May 31, 2011

TRUNG QUỐC TIẾP TỤC NGỤY BIỆN, VU CÁO (PLTP)


PLTP
01/06/2011 - 00:39

Sự kiện tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược xâm phạm thềm lục địa - vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sáng 26-5 đã tạo phản ứng mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân Việt Nam.


Hôm qua (31-5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tiếp tục đưa ra tuyên bố theo kiểu đổi trắng thay đen, phủ nhận chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này. Thái độ trịch thượng này một lần nữa thách thức lòng yêu nước của người Việt Nam. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận những ý kiến phản đối của các giới.
Không vì lý anh mạnh lên, nhiều tàu, lực lượng của anh lớn mà anh lấn át người khác. Cách xử sự như thế không phải là của một nước lớn...

Ông LÊ KẾ LÂM, Chủ tịch BCH Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM:
Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật quốc tế
Những động thái ngày càng leo thang làm phức tạp tình hình trên biển Đông của Trung Quốc có thể giải thích bằng nhiều nguyên do, trong đó phải kể đến nguyên do dầu mỏ. Trung Quốc có nhu cầu về dầu mỏ rất cao, năm 2010 họ tiêu thụ gần 500 triệu tấn dầu, trong đó nhập khẩu khoảng 260 triệu tấn. Họ mua dầu từ các nước Trung cận Đông, Bắc Phi nhưng gần đây tình hình khu vực này có những bất ổn. Trung Quốc đã tìm nhiều cách để xâm nhập vào khu vực này và lấy lòng nhiều nước ở châu Âu nhưng việc tranh thủ các nước Pháp, Anh, Ý là không dễ vì đó là những nước ở xa.
Trong khi đó, biển Đông vừa ở gần, vừa có trữ lượng dầu mỏ rất lớn, theo phân tích của các nhà địa chất thế giới và dự kiến của Trung Quốc là 19 tỉ thùng. Họ lại muốn khai thác dầu ở vùng tranh chấp trước, còn của họ thì vẫn giữ đó! Từ đó đẩy lên vấn đề biển Đông hết sức căng thẳng.
Chúng tôi cho rằng để bảo vệ quyền lợi của nhân dân Việt Nam nói chung và ngư dân Việt Nam nói riêng, các nước phải tôn trọng Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng quyền làm ăn vừa lâu đời vừa có tính chất truyền thống ở trên biển của các nước. Không vì anh mạnh lên, nhiều tàu, lực lượng của anh lớn mà anh lấn át người khác. Cách xử sự như thế không phải là của một nước lớn, nhất là trong khi họ luôn nói là không có tư tưởng bá quyền, bành trướng.
Nhân danh Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam theo Luật Biển quốc tế!

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU:
Phải đồng lòng bảo vệ chủ quyền đất nước
Việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế - thềm lục địa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một bước leo thang rõ ràng trong việc thể hiện bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Hành động ấy là biểu hiện việc Trung Quốc đang cố tình hợp thức hóa “đường lưỡi bò” phi lý và ngang ngược của mình. Họ không thắng được Việt Nam về chứng lý lịch sử - địa lý; họ không thuyết phục được luật pháp quốc tế bằng căn cứ pháp lý thì họ sử dụng sức mạnh để thực thi điều phi lý ấy.
Với vấn đề to lớn, thiêng liêng này, ngoài vai trò cầm trịch, Nhà nước cần huy động mạnh mẽ sức mạnh toàn diện của dân tộc Việt Nam, làm sao đó để ai nấy đồng lòng ra sức bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ đó phải kiên trì và kiên quyết đấu tranh dựa trên luật pháp quốc tế và tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam để giải quyết vấn đề trên một cách hợp lý, hợp pháp, đúng sự thật.

Ông LÊ HƯNG QUỐC, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM:
Đừng làm tổn thương quan hệ hai nước
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ hữu nghị lâu đời đã được các thế hệ cả hai nước cùng nhau vun đắp. Sự kiện ngày 26-5 đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân hai nước, vi phạm vào thỏa thuận cấp cao của hai Đảng và Chính phủ hai nước về việc giữ gìn đoàn kết hữu nghị, giải quyết các vấn đề bằng thương lượng hòa bình.
Ở góc độ là một tổ chức Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP, vốn có truyền thống hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, chúng tôi hy vọng nhân dân Trung Quốc sẽ nhận thức những vấn đề chưa đúng từ hành động vừa rồi của các tàu hải giám Trung Quốc và cần có những tiếng nói để ngăn chặn ngay những hành động làm tổn thương tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước. Việc bất kỳ một bên nào đơn phương có những hành động trái với Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông đều là không nên.

NHÓM PV
.
.
.

No comments: