Canhco
Mon, 05/30/2011 - 09:59
Mấy hôm nay hai chuyện xảy ra liên tiếp làm hao tốn không ít giấy mực của báo chí. Chuyện thứ nhất là tàu Dìn Ký, con tàu du lịch cho khách thuê tổ chức tiệc sinh nhật cho cháu bé 3 tuổi đã chìm lỉm giết chết 16 người trong đó có 10 người là thân nhân ruột thịt của cháu bé. Người sống sót trong gia đình này là một người Đài Loan cha của cháu.
Nhìn bức hình ông ngồi ôm tấm hình của con bất động, nỗi nghẹn ngào khó lòng ngăn được bởi niềm thương xót cho hoàn cảnh của ông. Lại nữa nếu biết được trong 10 người thân của người chồng xấu số này đã bỏ mình thì có tới 9 người trong gia đình vợ của ông có lẽ người ta lại càng đau đớn hơn.
Chị là người Quảng Bình, lấy ông là người Đài Loan và cuộc tình duyên dị chủng này kết thúc bằng 10 xác người. Cả gia đình chị từ Quảng Bình và Hà Tĩnh vào chung vui tiệc sinh nhật không ngờ rằng lại trở về chung trên một chuyến xe tang. Cuộc đời sao lắm điều rơi lệ đến vậy?
Xao xuyến về những con người bất hạnh này chưa hết thì lại nghe thêm chuyện chồng Hàn giết vợ Việt. Khó mà tưởng tượng được tại sao một người đàn ông lại có thể cầm dao đâm vào mặt vợ mình hơn ba chục nhát, trong khi chị không phạm một tội gì nghiêm trọng có thể khiến cho máu cuồng sát của y nổi lên như thế. Đứa con mới sinh 19 ngày tuổi là nhân chứng cho sự dã man của cha nó.
Điều làm người Việt được an ủi là sự tốt bụng của cộng đồng người Hàn tại nơi cô Nam chết. Họ đã hết lòng lo toan mọi việc hậu sự cho cô gái xấu số này. Những cử chỉ đầy ắp tình người của người Hàn quốc đã xoa dịu phần nào nỗi đau đớn của thân nhân cô từ Việt Nam qua.
Chưa hết, sau khi hỏa táng cho cô, bà mẹ trở về Việt Nam với sự đón tiếp long trọng của cộng đồng người Hàn tại Việt Nam. Đâu ai bắt họ làm như thế! Cảm giác liên đới trách nhiệm đã thúc đẩy họ làm điều gì đó để xin lỗi và an ủi gia đình người bị hại. Từ Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam ra tận phi trường đón tiếp đến hàng trăm Hàn kiều khác của Hội Hàn kiều cũng như các tổ chức của người Hàn tại Việt Nam đã làm lễ chia buồn với gia đình cô dâu Hoàng Thị Nam. Ngay cả việc tổ chức về tận quê của cô để thăm viếng gia đình người bị hại cũng được họ lo chu đáo.
Nhìn những cử chỉ này mà người Việt càng thêm đau lòng, pha chút xấu hổ.
Chủ chiếc tàu Dìn Ký là ông Châu Hoàn Tâm đã chính thức lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân. Ông cho biết ngoài 10 triệu đồng hỗ trợ mỗi nạn nhân, Dìn Ký đã chi 500 triệu đồng lo mai táng chín nạn nhân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, 180 triệu đồng cho ba nạn nhân ở Bình Dương và 32.000 USD để đưa thi hài bốn nạn nhân người Trung Quốc về nước.
Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp còn trách nhiệm của nhà nước thì sao?
Người cha trong câu chuyện tàu Dìn Ký là một người Đài Loan sang Việt Nam làm ăn rồi cưới vợ Việt. Ông đã tỏ ra là người yêu quý gia đình vợ khi mời cả nhà từ Quảng Bình và Hà Tĩnh vào tận Bình Dương để ăn sinh nhật cho con trai mình. Không biết nói tiếng Việt nên chỉ ngồi khóc than trong niềm đau vô bờ vậy mà ai là người an ủi con người khốn nạn này?
Không một ai hết. Không một lời chia sẻ, không một cử chỉ sót thương.
Người ta lo vạch lá tìm cho ra nguyên nhân nào làm cho tàu bị chìm. Ai là người trách nhiệm trong vụ này, liệu có gì không ổn cần phải sửa sai? Vân vân và vân vân…và điều quan trọng nhất thì họ lại quên đó là tính nhân bản trong câu chuyện này không có người nào theo dõi và trách nhiệm.
Mười sáu con người xấu số không đáng để nhà nước tỏ ra một động thái nào khả dĩ an ủi cho gia đình họ hay sao? UBND tỉnh Bình Dương, quê hương của đương kiêm chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không hề có một lời chia sẻ với gia đình các nạn nhân. Họ bận lo chạy tội giết người bằng cách điều tra này nọ. Họ quên mất trách nhiệm đầu tiên mà người tử tế nào cũng phải có đó là cúi đầu trước quan tài người chết vì sự cố xảy ra trong vùng đất mà họ trách nhiệm.
Họ cần phải học cái cúi đầu thật sâu của ông tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam trước tro cốt của cô Hoàng Thị Nam. Họ cần phải học nói lời chia buồn tới người cha Đài Loan xấu số mất một lúc cả gia đình nhà vợ. Và còn nhiều thứ họ phải làm lắm trứơc khi bắt tay vào cuộc điều tra mà ai cũng biết chỉ là hình thức.
Hình như lãnh đạo Việt Nam chỉ quen với việc cắt băng khánh thành nơi này chốn nọ mà không hiểu được rằng trong tận cùng suy nghĩ của người dân thì đây chỉ là cái hào nhoáng bên ngoài khi bên trong những vị này hoàn toàn thiếu vắng ý thức cộng đồng. Từ Thủ tứơng đến Chủ tịch nước hay Tổng bí thư, chưa bao giờ có sự hiện diện kịp lúc của họ trước những nỗi đau tập thể của người dân. Họ chỉ xuất hiện khi báo chí rụt rè lên tiếng. Văn hóa trách nhiệm của người lãnh đạo quá thiếu vắng trên đất nước vốn thừa thải đau đớn này.
Lời chia sẻ đối với họ khó nói đến vậy sao?
Người dân của xứ sở này thật không đáng được một lãnh tụ chia buồn khi có tới 16 người bị giết bởi sự vô tâm của cả một hệ thống lấy lợi nhuận làm cứu cánh, lấy sự hào nhoáng giả hiệu biện minh cho những sai lầm của mình. Người dân chúng tôi, lạ thay chịu đựng một cách kiên nhẫn những cư xử bạc bẻo này.
Và đâu đó trên con đường trở về quê của người chồng Đài Loan kia, không chừng nỗi hận vì bị đối xử lạnh lẽo còn lớn hơn nỗi buồn mất mát người thân của ông nữa.
Cái chết của Hoàng Thị Nam không biết có đánh động được chút nào trong lòng các bậc cha mẹ còn nuôi ước muốn gửi con gái mình vào cuộc phiêu lưu lấy chồng xứ lạ nữa hay không, nhưng dù sao thì cử chỉ của tập thể Hàn kiều đã nói lên đựơc một điều: Kẻ sát nhân chỉ là một con sâu rất nhỏ trong nồi canh nhân bản của người Hàn.
Còn Bình Dương rất to, rất đẹp sắp sửa có cả con phố mang tên China Town nữa thì sao?
.
.
.
No comments:
Post a Comment