Tuesday, May 31, 2011

ĐỪNG ĐỂ MẤT TRÍ THỨC & NHÂN TÀI (RFA)



Đỗ Hiếu, phóng viên RFA, Bangkok
2011-05-31

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, mới đây đã tổ chức cuộc hội thảo để gặp một số nhà trí thức, khoa học, chuyên gia, học giả.
Theo ý kiến chung phát biểu trong buổi sinh hoạt này, là nhà nước cần có quyết tâm, có cơ chế phù hợp, thì mới kêu gọi được đội ngũ trí thức tích cực tham gia vào bộ máy quản lý của chánh phủ và của thành phố.

Đóng góp quan trọng không thể thiếu của thức

Nhiều ý kiến của giới trí thức, khoa bảng được nêu lên trước diễn đàn này nhấn mạnh đến vai trò hàng đầu của trí thức là tư vấn, phản biện, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, giám định xã hội, phát triển công nghệ hiện đại, do đó trí thức cần phải được tôn vinh xứng đáng qua những đóng góp thiết thực của họ, lâu nay.
Cũng có lập luận khác cho rằng, chánh phủ cần lắng nghe các nhà trí thức, khoa học, giúp cho những chủ trương, chính sách của trung ương cũng như của thành phố thêm hiệu quả, thêm đúng đắn.
Qua một số góp ý khác, các hội thảo viên cũng trình bày quan điểm cho rằng, trí thức hay nói thẳng, nói thật, họ thấy rõ cái đúng, cái sai, vì có sự hiểu biết, sự phán xét, thăm dò, nghiên cứu tường tận, chính xác, vì thế có những điều “khó nghe” nhưng là “chân lý” là “lẻ phải”. Hơn nửa, đối với nguồn nhân lực có trí tuệ, có trình độ, tay nghề cao, vốn liếng quý báu, được gọi là “chất Xám”, thì nhà nước Việt Nam cần phải chi hàng tỷ đô la , mới có thể đào tạo, gầy dựng được.
Nói chung, giới trí thức đều ra lời kêu gọi lãnh đạo đảng, chánh phủ và thành phố nên tìm biện pháp khả thi, hầu phát huy được những đóng góp hữu ích, nhiệt thành vì họ sẵn sàng cống hiến tâm huyết, lòng tận tụy và xin đừng nghĩ rằng những ý kiến trái chiều là chống đối, là phản động.

Đặc tính của trí thức là gì, nhà giáo Phạm Toàn, hơn nửa thế kỷ phục vụ ngành giáo dục, hiện ở Hà Nội, góp ý qua câu chuyện với RFA”
“Không bao giờ tôi nghĩ là tôi chống đối, cái gì phải thì là, có lúc tôi lên miền núi ở 8, 9 năm, nghiên cứu dạy tiếng Việt cho người dân tộc, tôi thấy phải thì làm, mình không làm, ai làm. Còn người ta, trong cuộc sống, nếu tự nhận là trí thức thì anh phải có nhận thức, không cao xa, nhận thức về cái phải làm, nên làm và cần phải làm. Trong khi làm anh nghĩ cái của anh là đúng, nên nếu những người có động cơ không tốt thì thấy như anh chống lại người ta.”

Cùng đưa ra nhận định về vai trò, sự đóng góp và phản ứng của giới trí thức trong nước hiện giờ, kỹ sư Đỗ Nam Hải, một nhà dân chủ, đang sinh sống tại Saigon, nhấn mạnh:
 “Khi lên tiếng như vậy tức là trí thức đã thể hiện sự bức xúc của họ, chế độ, cơ chế này rất coi thường trí thức, dù là họ nói luôn tôn trọng trí thức, tôn trọng lao động của tần lớp trí thức. Những người lên tiếng để phản biện lại những công trình đầu tư thiếu hiệu quả, đầy tính tham nhũng lãng phí, đều trở thành lạc lỏng hay những người chống đối. Nặng hơn nửa nếu phê phán thẳng vào chế độ chính trị này, độc tài, toàn trị, nó là vấn đề của mọi vấn đề , nguyên nhân của mọi nguyên nhân, dẫn tới sự tụt hậu của đất nước, dân tình điêu linh, như thế này, thì họ lại hình sự hóa những tiếng nói đó, cho là đi ngược lại lợi ích của tổ quốc, của nhân dân, đồng hóa sự độc tài, toàn trị của họ với nhân dân, với tổ quốc.”

Ý kiến trái chiều không phải là chống đối, là phản động

Nhá giáo Phạm Toàn phân tích thêm về điều mà ông gọi là “không làm cho người ta bằng lòng”:
“Người ta quen đi bộ rồi, anh có xe đạp đi, đó là một sự hổn xược, mọi người quen đi bộ rồi, anh có cái ôtô, trong cuộc sống này, nó không nói là tôi hơn anh, nhưng mọi người thấy đau khổ vì mình thua. Bản thân anh trí thức làm, không thể nói là phỉ báng ai cả, trí tuệ thì không thể nhờ người khác làm được.”

Theo ông Phạm Toàn thì chuyện gặp gỡ, tiếp xúc, ghi nhận sự đóng góp của trí thức mà thành phố vừa thực hiện là vấn đề lẽ ra phải được xúc tiến từ lâu rồi:
 “Điều mà các vị nói như thế về trí thức thì hơi muộn, phải nghĩ cao hơn thế, đừng cho là người ta chống đối mình, vớ vẫn, đừng cho phản biện là sai, là chống đối, tức là lâu nay anh nghĩ là chống đối. Đấy là một cách nghĩ tầm thường, chữ phản biện nghe thành tồi tệ, tôi chả phản biện ai cả, tôi chỉ làm cái đúng thôi.”

Sau khi nghe thông tin về cuộc hội thảo quy tụ giới chuyên gia, trí thức, ông Đỗ Nam Hải trình bày những suy nghỉ của mình:
 “Khi đã lên tiếng như vậy, có nghĩa là bao nhiêu năm qua trí thức bị coi rẻ, đến lúc giọt nước làm tràn ly, họ phải lên tiếng, tất nhiên với sự xảo quyệt của nhà cầm quyền này, thì họ tìm cách làm ra vẻ như tôn trọng tiếng nói của giới trí thức. Thực tế trí thức vẫn bị coi thường, chính vì thế đất nước vẫn điêu linh như thế này, nhất là đối với những người đã lên tiếng phê phán chế độ độc tài, toàn trị này là lực cản cho đất nước phát triển, thì bị bắt bỏ tù, nếu không bắt vào tù thì cũng bao vây, ngăn chặn, không cho họ con đường làm ăn sinh sống nào cả và gia đình họ, bản thân họ khốn đốn như thế nào thì tôi cũng không phải trình bày nửa. Con đường duy nhất là phải đấu tranh để dân chủ hóa đất nước, nghĩa là phải thay thế được chế độ độc tài hiện nay bằng chế độ đa nguyên, đa đảng, tiến bộ trong tương lai.”

Dịp này, nhà giáo Phạm Toàn cũng nói lên những điều mà trí thức kỳ vọng:
“Trí thức không chống phá ai cả, trong đầu họ luôn luôn muốn có cái khác, kể cả có cái đẹp nhất rồi, vẫn muốn có cái đẹp hơn nửa. Làm gì có sức mạnh để phá ai, những anh cứ nghỉ như thế là những anh nhát gan, một là ít học, hai là có quyền lợi, luôn nghỉ xấu cho người ta, vì sợ mình bị mất quyền lợi.”

Qua lời góp ý vừa rồi của hai trí thức trong nước thì, nhà nước nên tạo điều kiện cho họ được lên tiếng qua những cuộc tranh luận, bàn bạc, xem ai đúng ai sai, vì không thể né tránh, che dấu sự thật, không thể quy chụp tội “tuyên truyền, chống phá nhà nước” hay “âm mưu lật đổ chế độ” đối với những tiếng nói dân chủ, mạnh dạn và công khai yêu cầu tự do, nhân quyền cho toàn dân, bằng mọi hình thức, mọi phương tiện vận động, đấu tranh cho lý tưởng và nguyện vọng chung đó.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments: