Monday, May 30, 2011

MẤT QUYỀN LỰC MỀM VÌ NHỮNG "NGƯỜI TRUNG QUỐC XẤU XÍ" (Harvey Dzodin)



Tác giả: Harvey Dzodin*
Bài đã được xuất bản.: 30/05/2011 05:00 GMT+7

Nếu các du khách Trung Quốc vẫn tiếp tục lối cư xử "xấu xí" như hiện nay, họ sẽ hủy hoại nhiều thành tựu gần đây trong chính sách quyền lực mềm và ngoại giao văn hóa mà nước này đạt được.

Đằng sau những con số đáng mừng
Sau Pháp và Mỹ, Trung Quốc hiện là địa điểm tham quan du lịch lớn thứ ba trên thế giới, vượt cả Tây Ban Nha. Các chuyên gia tại Liên Hợp Quốc dự tính Trung Quốc sẽ đánh bại Pháp để vươn lên vị trí thứ nhất vào năm 2015.
Không chỉ vậy, số lượng du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Năm ngoái, hơn 57 triệu lượt người Trung Quốc xuất cảnh, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước; và người Trung Quốc hiện xếp thứ tư thế giới về độ "bạo tay" trong chi dùng cho thú chơi du lịch.
Nhưng đằng sau những con số ấn tượng đó là một thực trạng đáng báo động. Điều khiến tôi lo ngại là các du khách Trung Quốc tương lai rồi sẽ nhanh chóng tiếp bước những "người Mỹ xấu xí" của thế kỷ 20.
Nếu họ vẫn tiếp tục lối cư xử "xấu xí" như hiện nay, tôi đoan chắc rằng họ sẽ hủy hoại nhiều thành tích gần đây trong chính sách quyền lực mềm và ngoại giao văn hóa mà Trung Quốc đạt được - bởi một lẽ, "trăm nghe không bằng một thấy". Khi bị xô đẩy, nhổ nước miếng vào mặt - dù vô tình hay hữu ý - hay lâm vào trạng thái "điếc lâm sàng" vì ai đó bên cạnh cứ vô tư trò chuyện oang oang trên điện thoại di động, thì thường không chỉ cá nhân đối tượng gây phiền toái bị ghét, mà ngay đất nước của đối tượng đó cũng sẽ bị "ghét lây".
"Xấu xí" ở đây không đề cập tới ngoại hình mà tới lối cư xử, bất kể ngoại hình của họ ra sao. Đây là một "danh hiệu" tiêu cực dành cho những người khi đang ở thăm hoặc sinh sống tại nước ngoài nhưng lại gây mất trật tự, thô lỗ, và không thông hiểu văn hóa nước sở tại, chỉ biết đánh giá mọi việc theo chuẩn mực của nước mình.
Thuật ngữ này được sử dụng phổ biến sau khi cuốn sách Người Mỹ xấu xí xuất bản năm 1958. Một nhân vật trong tác phẩm này đã có nhận xét rất xác đáng về những người Mỹ xấu xí: "Họ tự cô lập mình khỏi xã hội. Họ có lối sống phô trương, giả tạo. Họ ồn ào và màu mè... Có lẽ họ không được rèn luyện tử tế và mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết".
Tôi e rằng một mô tả tương tự cũng có thể dành cho những du khách Trung Quốc trong tương lai.
Trong bầu không khí tưng bừng của năm diễn ra kỳ Olympic 2008, người Trung Quốc, cùng với người Pháp và Ấn Độ, được xếp vào hàng những du khách tồi tệ nhất thế giới trong một cuộc thăm dò ý kiến đối với 4.000 khách sạn. Hình ảnh về họ là những người hay nhổ nước miếng bừa bãi, ăn uống ồn ào, hút thuốc, và chen lấn khi xếp hàng.
Kể từ đó cho tới nay đã ba năm trôi qua, và họ có gì thay đổi không? Ngày càng có thêm nhiều du khách Trung Quốc lắm tiền nhiều của để vung vãi khắp nơi nhưng cách cư xử thì thật tệ hại.

Tầm quan trọng của những đại sứ phi chính thức
Dù họ có thể không nhận thức được điều này, nhưng khi ở nước ngoài, mỗi người trong số họ đều đang thực hiện vai trò đại sứ phi chính thức của Trung Quốc. Đáng buồn là, mặc dù trong nước họ là người yêu nước và có tinh thần tự tôn dân tộc, song phần lớn lại làm ngược lại sau khi bước chân ra khỏi biên giới quê nhà.
Ở Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm các khóa đào tạo lái xe, giáo dục giới tính, thậm chí là tái đào tạo, thế nhưng, tìm đỏ mắt cũng không thấy khóa học nào hướng dẫn lối cư xử đúng đắn cho đội ngũ các đại sứ phi chính thức đang ngày một đông đảo hiện nay. Theo quan điểm của tôi, những khóa đào tạo như vậy là hết sức cần thiết.
Hình ảnh tốt đẹp về đất nước Trung Quốc được gây dựng từ những học viện Khổng học, các vở kịch và phim, các cuộc triển lãm du lịch, cùng nhiều yếu tố khác có thể bị bào mòn mỗi khi một người nước ngoài tiếp xúc với một du khách Trung Quốc thô lỗ, hoặc ngược lại, khi các du khách nước ngoài tới Trung Quốc và bắt gặp những người lái xe lỗ mãng, những người chen lấn, xô đẩy nhau khi xếp hàng, hay thậm chí là cả những người Trung Quốc nói chuyện như hét qua điện thoại di động chốn đông người.
Thú thực, tôi những tưởng rằng chỉ cần những cái "loa phóng thanh" kia tăng âm lượng thêm một chút xíu nữa thôi, thì có lẽ người ở đầu máy bên kia có thể nghe rõ tiếng họ mà chẳng cần đến... điện thoại.
Vì những lý do trên, nên khi tới Trung Quốc, tôi nhận ra rằng mình có những nghĩa vụ đặc biệt trên đất nước này.
Tôi đi xe buýt bất kỳ lúc nào có thể, không chỉ bởi vì tôi tiết kiệm mà bởi vì tôi cho rằng nhiều người Trung Quốc vẫn nghĩ người nước ngoài nào cũng có xe ô tô xịn, có tài xế riêng. Khi ngồi trên xe, tôi nhường ghế cho người già hoặc người đưa trẻ nhỏ đi cùng bởi vì tôi cho rằng nhiều người Trung Quốc vẫn nghĩ người nước ngoài là những kẻ ngạo mạn và ích kỷ.
Tôi thường tới khu dành cho người Anh ở Trường Đại học Nhân dân để những người ở đó có thể làm quen và biết một người nước ngoài như tôi, bởi vì nhiều người Trung Quốc vẫn chưa tiếp xúc nhiều, thậm chí chưa từng tiếp xúc trực tiếp, với chúng tôi - những gì họ biết vẫn chỉ là thông qua cái nhìn của các phương tiện truyền thông.
Tôi thành tâm hy vọng rằng các du khách Trung Quốc cũng hành động tương tự khi họ ra nước ngoài với số lượng ngày một lớn như hiện nay.

Diệp Phong (theo Thời báo Hoàn cầu - Trung Quốc)

* Tác giả Harvey Dzodin là cựu giám đốc và Phó chủ tịch ABC Television (Australia)

.
.
.

No comments: