Tuesday, May 31, 2011

KHÚC REQUIEM & NHỮNG NGƯỜI VỀ TỪ CHIẾN TRƯỜNG XƯA (Nguyễn Xuân Thiệp)


Nguyễn Xuân Thiệp
Thứ Năm, 26 tháng 5 2011

Những ngày của Tháng Tư và Tháng Năm này đầy ắp hình bóng của kỷ niệm từ các cuộc chiến hiện về.

Trước hết xin được nói về Tim Page. Tim là phóng viên ảnh kỳ cựu, gần như một huyền thoại của chiến tranh Việt Nam. Ngoài những tấm ảnh chụp nổi tiếng, ông còn có mặt trong nhiều phim tài liệu –như VN Unseen War (Chiến tranh VN ở phía khuất), đồng thời là tác giả của 9 cuốn sách ảnh trong đó phải kể đến cuốn Requiem – (Tưởng niệm), tập hợp những bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh đã hy sinh trong chiến tranh ở Đông Dương. Mặt khác, những ngày vừa qua, cái chết của phóng viên ảnh chiến trường Tim Hetherington ở Libya đã gây chấn động làng báo quốc tế bởi cuộc đời nhà báo 40 tuổi này gợi lại hình ảnh các phóng viên chiến trường dấn thân và sống chết vì nghề qua nhiều thập niên.

Cùng liên quan đến kỷ niệm nghề báo ở những vùng hung hiểm, chủ nhật 15 tháng 5 mới đây đã có cuộc hội ngộ của những cựu phóng viên khởi nghiệp từ cuộc chiến Việt Nam.


Chủ nhật, 15 tháng 5. 2011 tại Orange County

Bây giờ là 36 năm sau chiến tranh Việt Nam, có người đã qua đời như : Eddie Adams, Hubert Van Es, James Boudier, Henri Huet ,v.v… Xin viết khúc Requiem để tưởng niệm họ, và cùng nhìn lên mây trời để thấy lại: Thời ấy, hai chàng trẻ tuổi Sean Flynn (con trai của tài tử Errol Flynn) và Dana Stone là phóng viên ảnh trong cuộc chiến Việt Nam. Cùng với các đồng nghiệp John Steinbeck IV (Con trai của văn hào John Steinbeck), Michael Herr và Tim Page, họ nhanh chóng nổi tiếng. Khi không tìm được phương tiện nhà binh để di chuyển, những phóng viên trẻ tuổi này dùng xe gắn máy Honda đi vào chiến trận với máy ảnh và giấy bút mang theo.

Mùa xuân năm 1970, quốc vương Norodom Sihanouk bị lật đổ và Campuchia lâm vào nội chiến. Lập tức, Flynn và Stone dùng hai chiếc Honda màu đỏ chói vượt qua biên giới đi làm tin, nhưng hai anh bị một trạm của Việt Cộng chận lại trên Quốc Lộ 1. Từ đó không ai còn nghe tin hai anh chàng phóng viên trẻ tuổi nữa.

Không có kết luận nào rõ rệt về vụ mất tích này. Nhưng Tim Page tiếp tục lần tìm dấu vết của hai chàng. Theo dân trong vùng cho biết, họ bị giam trong một trại tù tạm thời của Việt Cộng trước khi bị hành quyết hoặc chết vì sốt rét rừng. Hai phóng viên trẻ tuổi đáng thương này được tưởng niệm cùng với những phóng viên ảnh khác chết hoặc mất tích trên chiến trường Việt Nam -tất cả có tới 135 người được ghi lại trong sách Requiem của Page. Hai anh cũng là nhân vật trong cuốn Dispatches của Michael Herr - một cuốn sách rất nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam.

Tới đây thiết tưởng cũng cần ghi nhận thêm rằng ba phóng viên ảnh khác cũng đã vượt biên giới xâm nhập vào Campuchia cùng ngày với Flynn và Stone - đó là Claude Arpin, Akira Kusaka và Yujiro Takagi. Những người này cũng không trở về nhưng không ai viết lời tưởng niệm họ. Có lẽ vì họ không di chuyển bằng xe gắn máy chăng? Michael Herr tác giả cuốn Dispatches kết luận.

Với chúng ta, tất cả những phóng viên ảnh đã nằm xuống trên mảnh đất chiến tranh Việt Nam đều xứng đáng được ca ngợi bằng những lời đẹp đẽ và sâu sắc nhất. Và hôm nay, Nguyễn đang làm công việc đó trong mùi hương của những bông lài còn sót lại ở hơi gió ngàn trùng thổi tới từ quê nhà. Những người đã ngã xuống xin ngủ yên trong mùi hương tưởng niệm ấy. Bây giờ là lời dành cho những kẻ còn sống sót trở về từ cuộc chiến Việt Nam.

Hơn 70 phóng viên của chiến trường xưa đã về hội ngộ. Họ nay đã già, gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò thân mật như đã quen nhau từ bao giờ. Vâng, họ nay đã 60, 70 và tự đặt cho mình cái tên “Những cỗ ngựa già” (Old Hacks). Giờ đây họ đều ở tuổi về hưu, nhưng thời trẻ tuổi họ từng xông pha trận địa, băng qua rừng già hay ngồi trên trực thăng vượt qua vùng lửa đạn, cố giữ thăng bằng, điều chỉnh máy hình và bấm máy để thuật lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam.

Hôm Chủ Nhật, 15 tháng 5, các cựu phóng viên thời chiến tranh Việt Nam này đã về Orange County tụ họp tại nhà hàng Brodard Chateau và hội trường nhật báo Người Việt để cùng nhắc lại những kỷ niệm xưa và nhìn lại những hình ảnh của một thời. Họ gồm các cựu ký giả của The Associated Press và United Press International, Khách mời có các các nhà báo của tờ The New York Times và một vài ký giả trong quân đội. Tất cả đều là những người làm công việc trong hệ thống truyền thông quốc tế đến với cuộc chiến Việt Nam.

Các cựu phóng viên gặp nhau để cùng chia sẻ những kỷ niệm xưa, các hình ảnh chiến tranh, và để bày tỏ lòng kính trọng đối với các cựu phóng viên Việt Nam, những người đã từng cùng làm việc với họ trong quá khứ. Các phóng viên Mỹ này cũng đến đây để trả lời câu hỏi, mà họ biết chắc rằng nhiều người trong cộng đồng người Việt tị nạn tại Little Saigon đang muốn nêu lên: Liệu các phóng viên có hối tiếc gì không về những sự kiện mà họ đã tường thuật?

“Chúng tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, tất cả chúng tôi. Chúng tôi đã có nhiều phán xét sai lầm,” ông Richard Pyle nói. Ông Pyle từng là người đứng đầu văn phòng Associated Press tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, ông Pyle cũng thêm rằng, “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đưa tin về cuộc chiến, và không có việc nào khó khăn hơn việc này... Chúng tôi đã cố gắng hết sức và tôi tự hào về điều này.”

Nói về cuộc chiến Việt Nam, ký giả lão thành Tim Page lấy tay chỉ vào đầu, bảo đầu óc vẫn còn lùng bùng vì hậu quả của thương tích, rồi bảo cuộc chiến Việt Nam là một "cuộc chiến đặc biệt."

Tại sao? Tim cho biết: Một phần vì, "đó là chiến tranh đầu tiên và cũng là cuối cùng mà những bài tường thuật không bị kiểm duyệt, và quân đội (Hoa Kỳ) tạo phương tiện cho các ký giả chiến trường có mặt ở khắp các mặt trận và đi khắp nơi trên đất nước Việt Nam."

Trong cuộc chiến mà ông Page gọi là "đặc biệt" này ông đã trả giá đắt cho nghiệp làm báo: Ông đã bị thương ở Việt Nam 4 lần, tất cả vì đạn của "phe mình." Lần bị thương cuối cùng xẩy ra khi ông nhẩy ra khỏi một chiếc trực thăng để cứu những người bị thương, một người đi trước ông dẫm phải mìn VC, và một mảnh mìn đã chạy vào đầu ông. Sau khi bình phục, thay vì muốn quên đi, muốn rời xa nơi đã suýt nữa cướp đi cả mạng sống của mình, ký giả Tim Page đã quyết định về lại Việt Nam, mở những lớp giảng dạy về ngành truyền thông cho giới trẻ.

Ông trích lời bài hát Hotel California: "You can check out any time you like, but you can never leave," để ngụ ý nói người ta có thể ra khỏi Việt Nam, nhưng có lẽ không bao giờ rời xa nó được.

Nữ phóng viên Jurate Kazickas là cộng tác viên của AP, đến Khe Sanh, Việt Nam vào tháng 3 năm 1968, bà làm việc thiện nguyện hơn là một phóng viên chiến trường. Lời bà đầy xúc cảm. Bà Jurate Kazichas chia sẻ rằng nghĩ đến chiến tranh Việt Nam, bà luôn bị ám ảnh với những khuôn mặt non nớt của những người lính trẻ. "Họ sao trẻ đến thế, khoảng 18, 19 tuổi, mặt đầy vẻ non nớt, đầy nhậy cảm và có lẽ chưa bao giờ xa nhà. Nhìn họ tôi không thể dằn được nỗi thương tâm, không khỏi lo cho số mệnh của họ trước sự vô tình của chiến tranh..." Bà Kazickas tâm sự.

Với Richard Pyle, trưởng văn phòng AP tại VN, ông đã mất đi 5 năm của tuổi trẻ mình cho cuộc chiến Việt Nam. Và ông cho đó là kinh nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của ông. "Trong thế hệ của chúng tôi, với giới báo chí, cuộc chiến Việt Nam là câu chuyện lớn nhất cần phải kể. Nếu anh không ở Việt Nam, không tường trình về cuộc chiến đó, thì chưa phải là người làm tròn phận sự với ngành truyền thông." Ông khẳng định.

Tương tự như ông Page, ông tâm sự là những ai đã tường trình về cuộc chiến Việt Nam đều đã tạo ra những mối thâm tình rất sâu đậm với những người Việt ở đó, những chiến sĩ đã hy sinh cho lý tưởng của họ, một dân tộc hiền hòa.

Đặc biệt, người ta ghi nhận ba nhiếp ảnh gia đã từng đoạt giải báo chí Pulitzer. Ông David Kennerly chụp ảnh một người lính Mỹ đứng đơn độc trên ngọn đồi, xung quanh là các gốc cây trơ trụi. Ông Neil Ulevich chụp ảnh một vụ hành quyết tại Thái Lan. Và nhiếp ảnh gia Nick Ut đoạt giải Pulitzer nhờ bức ảnh chụp cô bé trần trụi, bị phỏng vì bom Napalm.

Ông Đặng Văn Phước, cựu phóng viên Việt Nam của hãng AP, và gần 10 cựu phóng viên Việt Nam khác cũng có mặt trong buổi gặp gỡ này.

Nhà văn Trần Mộng Tú cũng có mặt trong buổi hội ngộ hôm chủ nhật 15 tháng 5 ở Quận Cam với tư cách là nhân viên trong văn phòng AP ở Sài Gòn ngày xưa. Với cảm xúc của người viết văn, bà ghi nhận: Đứng trước những tấm hình đang được treo lên trong phòng sinh hoạt của Nhật Báo Người Việt, tôi ngửi lại được mùi chiến tranh đó. Hình ảnh những trực thăng đâm lao xuống, gẫy cánh; hình xe tăng đi giữa một con đường quê vắng ngắt bóng người; hình trao trả tù binh trên cầu Hiền Lương; hình người con gái Việt được lôi lên từ cái bẫy cá nhân trong rừng; hình người mẹ ôm một đàn con ba ,bốn đứa lội qua sông, hình người kéo hàng đàn trên bờ biển tìm đường ra khơi; hình người trèo lên nhau để lọt vào trong toà Đại Sứ Mỹ... Những tấm hình đó che kín hai bên dẫy tường của phòng họp phà ra một mùi chết chóc, mùi thuốc súng, mùi máu, mùi người, mùi đồng loại…

Lại có người, như cô Kim Ngân khi xem những tấm ảnh từ chiến trường xưa đã không cầm được nước mắt.
Chiến tranh Việt Nam. Những người đã nằm xuống và những người đang có mặt giữa cuộc khóc cười hôm nay. Nguyễn xin gởi đến tất cả một khúc requiem và một bản eulogy… Tang ca và tụng ca. Xin cùng nhìn lên mây trời Garland. Từ những đám mây bời bời kia, mưa đang trút xuống. Mưa chiều nay sao như mưa trên những nẻo đường Việt Nam ngày nào. Phải thế không, những người bạn đồng hành của tôi?

Viết trong tháng 5. 2011
(Tài liệu tổng hợp)

NXT

.
.
.

No comments: