Friday, May 13, 2011

TÍNH CHU KỲ TRONG CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC [1/2]

Bài viết đăng trên Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Trung Quốc
Thái Thịnh (gt)
Thứ hai, 09 Tháng 5 2011 17:23

Bài viết đăng trên Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Trung Quốc. Phần một tập trung vào hai vấn đề chính: khảo sát về mối liên hệ giữa tính chu kỳ ngoại giao và diễn biến chiến lược ngoại giao của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến nay. Với nhận định về sự biến đổi mang tính chu kỳ này của ngoại giao Trung Quốc “không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà có tính tất yếu nội tại của nó, đằng sau có căn nguyên sâu sắc”.

Từ năm 1919 tới nay, ngoại giao Trung Quốc có những thay đổi mang tính chu kỳ, mỗi chu kỳ khoảng 30 năm, cho đến nay đã trải qua 3 chu kỳ năm 1919, 1949 và 1979, cuối mỗi chu kỳ lại có một lần điều chỉnh mang tính chiến lược. Bài viết sẽ khảo sát mối liên hệ giữa tính chu kỳ ngoại giao và diễn biến chiến lược ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu thảo luận nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện mang tính chu kỳ này cũng như vấn đề Trung Quốc chuyển đổi mô hình ngoại giao.

I – Chu kỳ ngoại giao và diễn biến chiến lược ngoại giao

Chu kỳ 30 năm đầu tiên của ngoại giao Trung Quốc bắt đầu vào năm 1919, với đặc điểm là Trung Quốc tìm kiếm độc lập và toàn vẹn chủ quyền. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, để giành giật thuộc địa và thị trường nguyên vật liệu, mâu thuẫn giữa các cường quốc trở nên gay gắt hơn, dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Khi đó phương Tây ở vào thế mạnh, còn Trung Quốc ở thế yếu; phương Tây ở trong quá trình bành trướng ra bên ngoài, còn Trung Quốc bị buộc phải tiến hành phòng ngự chiến lược. Và chính do sự xâm lược của phương Tây, Trung Quốc đã biến thành nhà nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc, là nước chiến thắng nhưng Trung Quốc lại không thực sự được hưởng sự đãi ngộ của nước thắng trận. Hội nghị hòa bình ở Pari tháng 1/1919 hoàn toàn là một hội nghị để các đế quốc phân chia của cải, còn Trung Quốc lại liên tục gặp khó khăn tại các hội nghị hòa bình. Sự thất bại về mặt ngoại giao đã dẫn tới “phong trào Ngũ Tứ”, Trung Quốc bước vào thời kỳ cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới. Sau đó, Trung Quốc hết sức thất vọng với phương thức giải quyết ngoài hội nghị của Hội nghị Oasinhtơn về “vấn đề Sơn Đông”, vấn đề “điều thứ 21”, quyền đứng ngoài pháp luật của các nước đế quốc ở Trung Quốc, không được giải quyết. Nội dung chủ yếu của ngoại giao Trung Quốc thời kỳ đó là yêu cầu xóa bỏ hiệp ước bất bình đẳng.
Năm 1929, các nước tư bản chủ nghĩa xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, những tệ nạn của “Hệ thống Vécxai-Oasinhtơn” được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất dần lộ rõ. Năm 1930, để củng cố quyền thống trị, Tưởng Giới Thạch lấy lòng chủ nghĩa đế quốc, vứt bỏ chính sách “liên kết với Liên Xô, liên kết với cộng sản, nâng đỡ công nông”, thực hiện quốc sách cơ bản “chống ngoại xâm trước tiên phải ổn định trong nước”. Năm 1931, Nhật Bản phát động “sự biến 18/9” ở Đông Bắc Trung Quốc, từ lúc này, chống đế quốc Nhật trở thành chính sách ngoại giao chủ yếu của Trung Quốc. Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, tình hình quốc tế biến đổi nhanh. Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến kháng Nhật cộng với cuộc đại chiến đang lan khắp châu Âu, Tưởng Giới Thạch hy vọng thông qua tìm kiếm viện trợ nước ngoài và sự thay đổi của tình hình quốc tế để giải quyết chiến tranh Trung-Nhật, mưu cầu hợp tác với Mỹ và Anh. Năm 1945, Nhật Bản thua trận đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Qua hơn 3 năm nội chiến, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, Trung Quốc cuối cùng đã giành được chủ quyền độc lập và tự chủ trong các công việc trong và ngoài nước, ngoại giao Trung Quốc do đó có những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Chu kỳ 30 năm lần thứ hai của ngoại giao Trung Quốc bắt đầu từ năm 1949, thời kỳ này Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc thoát khỏi tình cảnh bế quan tỏa cảng. Sau khi nhà nước mới thành lập, nhiệm vụ chủ yếu của ngoại giao Trung Quốc là trên cơ sở đảm bảo chủ quyền và độc lập quốc gia không bị xâm phạm, phá vỡ sự cô lập và phong tỏa ngoại giao, tạo môi trường có lợi phát triển trong nước. Nhưng bối cảnh đặc biệt khi đó đã khiến Trung Quốc không thể hoàn thành sự chuyển dịch chiến lược, thậm chí đã xuất hiện chính trị lệch hướng. Trong nước khi đó là một chính quyền mới thành lập, về mặt quốc tế là cục diện Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trước sự bao vây và phong tỏa của phe tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ, Trung Quốc đã đưa ra 3 quyết sách ngoại giao lớn lấy “nghiêng về một bên” làm nòng cốt, gồm “xóa bỏ hoàn toàn tàn tích làm lại từ đầu”, “quét sạch tàn dư rồi mới thiết lập quan hệ ngoại giao” và “nghiêng về một bên”. Đặc trưng chủ yếu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc thời kỳ này là nghiêng về phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu.
Do chịu ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng cực “tả”, năm 1958 Trung Quốc đã tiến hành phong trào “Đại nhảy vọt” ở trong nước, về mặt quốc tế từng bước từ bỏ chiến lược “nghiêng về một bên”. Trung Quốc và Liên Xô chia rẽ là sự thay đổi chủ yếu nhất của ngoại giao Trung Quốc trong thời gian này. Năm 1959, Liên Xô ra “Tuyên bố Tass”, bất đồng Trung-Xô công khai lộ rõ trước thế giới. Sau đó, với việc Liên Xô rút toàn bộ chuyên gia khỏi Trung Quốc, quan hệ Trung-Xô trở nên xấu đi. Lúc này, Mỹ tiếp tục nhúng tay vào Đài Loan, can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc, xâm lược Việt Nam . Trước mối đe dọa xâm lược của Liên Xô và Mỹ, Trung Quốc buộc phải áp dụng chiến lược “chống Mỹ chống Liên Xô”. Chính do sự ra đời và phát triển của phong trào giải phóng dân tộc thời kỳ này, Mao Trạch Đông đã đưa ra tư tưởng ngoại giao “nhân dân cách mạng toàn thế giới đoàn kết lại, đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, đánh đổ chủ nghĩa xét lại hiện đại, lật đổ phe phản động ở các nước”. “Trọng điểm của ngoại giao Trung Quốc thời kỳ này là phát triển quan hệ với châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh rộng lớn, tức là tính đơn nhất; chính sách ngoại giao coi đánh đổ 3 kẻ thù lớn là chính, tức là tính đấu tranh; mục tiêu ngoại giao là đẩy mạnh cách mạng thế giới, tức là tính thế giới”. Tháng 5/1966, Trung Quốc xảy ra “Cách mạng văn hóa”, ở trong nước “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”; về mặt ngoại giao, Trung Quốc xảy ra tranh chấp ngoại giao với rất nhiều nước, gần như ở vào trạng thái cô lập trên thế giới. Chiến lược quốc tế của Trung Quốc năm đó là lấy việc thúc đẩy giá trị phổ quát siêu việt làm cơ sở, những giá trị phổ quát này đòi hỏi không chỉ dựa trên nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc gia mà còn dựa trên “chủ nghĩa quốc tế của giai cấp vô sản” lật đổ trật tự của chủ nghĩa đế quốc, cho phép những người vô sản và nhân dân cách mạng toàn thế giới vùng lên giải phóng mình.
Cuối những năm 60 thế kỷ 20, ngoại giao Trung Quốc có một loạt điều chỉnh, từ bỏ chiến lược đối ngoại “ hai mũi tiến công ” (tức là dựa vào đông đảo các nước Á-Phi-Mỹ Latinh, chống lại chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu và chủ nghĩa xét lại do Liên Xô đứng đầu với phe phản động ở các nước), đi theo con đường cùng Mỹ kiềm chế bá quyền Liên Xô. Sau cuộc chiến ở đảo Trân Bảo tháng 3/1969, Trung Quốc đứng trước sức ép lớn của mối đe dọa Liên Xô, còn Mỹ bắt đầu ở thế phòng thủ trong đối kháng Mỹ-Xô, lại hy vọng thông qua cải thiện quan hệ với Trung Quốc kiềm chế Liên Xô bành trướng, bởi vậy Trung Quốc và Mỹ đã xích gần nhau về mặt chiến lược. Ngày 1/5/1969, Mao Trạch Đông đã gặp gỡ một số sứ giả nước ngoài ở Lầu thành Thiên An Môn, bày tỏ Trung Quốc mong muốn cải thiện và phát triển quan hệ với các nước trên thế giới. Trong bối cảnh này, tháng 7/1971, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kissinger đã bí mật tới thăm Trung Quốc, tới tháng 10 Kissinger lần đầu tiên công khai tới thăm Trung Quốc; tháng 2/1972 Tổng thống Nixon cũng công khai tới thăm Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ do đó có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Tháng 2/1973, trong cuộc hội đàm với đặc sứ Mỹ Kissinger, Mao Trạch Đông đã đưa ra chiến lược ngoại giao “một trục” (Trung Quốc, Nhật Bản, Pakixtan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Mỹ), và “một mảng khối lớn” (tức là tất cả các nước xung quanh trục này cùng nhau đoàn kết chống lại và kiềm chế sự mở rộng đối ngoại của Liên Xô) để kiềm chế bá quyền Liên Xô. Sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đã giúp cải thiện đáng kể môi trường ngoại giao của Trung Quốc, tháng 10/1971 chiếc ghế hợp pháp của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc được khôi phục, tiếp theo đó Trung Quốc lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước phát triển phương Tây.
Chu kỳ ngoại giao thứ ba của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1979, đặc điểm của thời kỳ này là Trung Quốc cải cách mở cửa, tiếp tục phát triển, không ngừng hướng tới thế giới, địa vị quốc tế ngày một nâng lên. Bối cảnh trực tiếp để ngoại giao Trung Quốc bước vào chu kỳ thứ ba là, Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12/1978 đã chấm dứt đường lối tư tưởng “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh” ở trong nước, xác lập chiến lược cải cách mở cửa lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm; Trung Quốc đưa ra chủ đề thế giới hòa bình và phát triển, nhấn mạnh ngoại giao phục vụ cho xây dựng kinh tế trong nước. Năm 1980, Trung ương quyết định thiết lập các đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn, “ngoại giao đối ngoại” của Trung Quốc chính thức khởi động. Cục diện mở cửa đối ngoại từ các đặc khu kinh tế tới mở cửa các vùng duyên hải, vùng ven sông, các dải dọc tuyến, khu vực nội địa từng bước hình thành. Tuy nhiên, cuối những năm 80 thế kỷ 20, sóng gió quốc tế thay đổi bất ngờ. Đông Âu biến động, Liên Xô tan rã, tình hình quốc tế có những thay đổi căn bản. Tháng 6/1986 Trung Quốc xảy ra làn sóng biểu tình sinh viên “4/6”, phe phương Tây đứng đầu là Mỹ lập tức thực thi trừng phạt Trung Quốc. Trước cục diện này, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra phương châm chỉ đạo quan hệ đối ngoại “lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời, đồng thời nói “phải bình tĩnh, bình tĩnh, bình tĩnh hơn, miệt mài làm việc, làm tốt mọi việc là việc của chúng ta”. Thời kỳ này, các công việc ngoại giao của Trung Quốc luôn kiên trì phương châm và lập trường của mình khi phải đối mặt với các sức ép lớn. Sau đó, cùng với những thay đổi của tình hình trong và ngoài nước, ngoại giao Trung Quốc bắt đầu chú trọng ngoại giao xung quanh, ngoại giao đối tác và ngoại giao đa phương, ngoại giao nước lớn của Trung Quốc bắt đầu nổi rõ.
Năm 1997, Đông Á xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ, Chính phủ Trung Quốc đã kiên trì không để đồng nhân dân tệ mất giá, tránh làm cho tình hình tài chính quốc tế xấu đi. Trung Quốc từ lúc này bắt đầu tích cực chủ động tham gia tiến trình nhất thể hóa Đông Á, đây là một sự thay đổi lớn của ngoại giao Trung Quốc, điều này cũng khiến hình tượng nước lớn có trách nhiệm của Trung Quốc xuất hiện trên vũ đài quốc tế, “Thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc” từng hung hăng ngang ngược đã thu hẹp lại. Năm 1999, quan hệ Trung-Mỹ đột ngột xấu đi do Chiến tranh Côxôvô và sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư bị ném bom, sau đó quan hệ giữa hai nước lại trải qua các sự kiện lớn như “sự kiện va chạm máy bay” tháng 4/2001 cũng như tháng 10/2001 Mỹ đưa quân tới Ápganixtan và tháng 3/2003 xâm lược Irắc. Trong thời gian này, Trung Quốc bình tĩnh đối mặt, kiên trì một cách có lý, có lợi, có hạn độ, ngoại giao Trung Quốc có xu hướng nhuần nhuyễn, và từng bước chuyển từ bị động tiêu cực sang tích cực chủ động, ngoại giao nước lớn của Trung Quốc ngày càng tiến bộ hơn.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính mang tính toàn cầu đột ngột xảy ra, từ tháng 9/2008 tới nay, Trung Quốc đã cùng Mỹ và các nước thảo luận về việc làm thế nào đối phó với khủng hoảng, bối cảnh này khiến chính sách ngoại giao đối ngoại của Trung Quốc có những điều chỉnh mới. Hiện nay, việc giải quyết rất nhiều vấn đề quốc tế ngày càng cần sự tham gia của Trung Quốc như “đàm phán sáu bên”, “vấn đề Dafur”, “cướp biển Xômali” và khủng hoảng tài chính thế giới. Về phần mình, một mặt Trung Quốc đã tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh, phóng “Thần Châu 7”, thực hiện ngoại giao có trách nhiệm, thể hiện hình tượng mới với thế giới, mặt khác do nhiều vấn đề tồn tại trong nước nên Trung Quốc bị can thiệp bởi những tiếng nói không hữu nghị trên trường quốc tế. Làm thế nào để các nước và người dân của họ hiểu được Trung Quốc? Làm thế nào đối phó với tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, tạo môi trường quốc tế tích cực phát triển trong nước, duy trì sự bình đẳng lợi ích giữa các nhóm khi Trung Quốc cải cách phát triển? Làm cách nào duy trì sự cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới khi Trung Quốc trỗi dậy hòa bình? Điều này đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc phải thực thi chính sách đối nội đầy sức mạnh và chính sách ngoại giao thiết thực khả thi hơn.

II- Nguyên nhân ngoại giao Trung Quốc thay đổi mang tính chu kỳ

Những thay đổi mang tính chu kỳ của ngoại giao Trung Quốc không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà có tính tất yếu nội tại của nó, đằng sau có căn nguyên sâu sắc, chủ yếu gồm: những thay đổi về so sánh thực lực giữa Trung Quốc và các lực lượng quốc tế khác, mối liên hệ tác động giữa tình hình quốc tế và tình hình Trung Quốc cũng như sự thay đổi, trưởng thành của các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc.

Thứ nhất, sự so sánh thực lực giữa Trung Quốc với các lực lượng quốc tế khác liên tục có những thay đổi lớn, là nguyên nhân chủ yếu khiến ngoại giao Trung Quốc có những điều chỉnh mang tính chu kỳ. Từ năm 1912-1949, Trung Quốc liên tiếp xảy ra loạn lạc, môi trường xấu đi, kinh tế nổi lên trạng thái phát triển bất thường, Trung Quốc khi đó dù về thực lực kinh tế hay thực lực quân sự đều có khoảng cách rất lớn so với các cường quốc phương Tây. Huống hồ khi đó một số nước lớn chủ yếu lại liên kết với nhau xâm lược Trung Quốc, khiến Trung Quốc phải ở trong trạng thái nửa cô lập. Do đó, thoát khỏi sự kiểm soát của phương Tây giành lại chủ quyền và độc lập hoàn toàn là nhiệm vụ chủ yếu của ngoại giao Trung Quốc trong thời kỳ này. Từ năm 1952-1979, ngoài một vài năm tăng trưởng âm do “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng văn hóa” mang lại, GDP của Trung Quốc tăng trưởng ổn định, tăng gần 300 tỷ nhân dân tệ trong khoảng 30 năm. 30 năm phát triển làm cho thực lực của Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ, cộng với việc năm 1964 thử nghiệm thành công bom nguyên tử, năm 1967 lại thử nghiệm thành công bom khinh khí, Trung Quốc đã có ngón sở trường đúng lúc để đáp trả mối đe dọa quân sự của nước ngoài, địa vị và ảnh hưởng trên thế giới ngày một nâng lên. Thực lực tăng lên khiến chính sách đối ngoại của Trung Quốc có những điều chỉnh lớn, ngoại giao Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt về chất từ kết liên minh với Liên Xô tới liên kết với Mỹ, cho tới không liên kết thật sự. Từ năm 1979-2008, kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển với tốc độ cao, GDP tăng trưởng 9,8%/năm, tổng lượng GDP năm 2008 vượt trên 30.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 1651,2% năm 1978, chiếm tỉ trọng GDP thế giới từ 2,49% năm 1979 lên 7,23% năm 2008. Trong thời gian này, sự so sánh thực lực kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có những thay đổi lớn. GDP của Trung Quốc năm 1979 chỉ bằng 10,19% GDP của Mỹ ở cùng thời điểm. Tỉ lệ này nâng lên 24,1% năm 2007, 30,38% năm 2008. Thực lực tăng lên có nghĩa là lợi ích quốc gia của Trung Quốc được xác định lại, cũng khiến tư duy ngoại giao của các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thay đổi lớn, chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc theo đó sẽ được điều chỉnh.

Thứ hai, sự tác động lẫn nhau giữa tình hình trong nước với những thay đổi của tình hình quốc tế thúc đẩy ngoại giao Trung Quốc có những thay đổi mang tính chu kỳ. Chính trị nội bộ và ngoại giao Trung Quốc có mối liên hệ hết sức mật thiết với nhau, có thể nói ngoại giao là một phương thức biểu hiện khác của chính trị nội bộ. Vì vậy, ngoại giao không những có liên quan với ảnh hưởng ở cấp quốc tế, mà còn liên quan chặt chẽ tới những thay đổi của các nhân tố trong nước, sự thay đổi của ngoại giao Trung Quốc chính là kết quả của những ảnh hưởng tổng hợp của hai mặt này.
Một mặt, chính trị trong nước thay đổi và xã hội phát triển thúc đẩy ngoại giao Trung Quốc không ngừng điều chỉnh. Những thay đổi trong nội bộ một nước có quy luật riêng của nó, thường không thay đổi theo ý chí con người. Sau khi phát triển tới một mức độ nhất định, những thay đổi này tương ứng sẽ làm cho chính trị trong nước hoặc các lĩnh vực lớn khác trong xã hội có những thay đổi sâu sắc, Nhà nước do đó sẽ phải xác định lại lợi ích quốc gia, từ đó điều chỉnh tương ứng chính sách ngoại giao nước mình.
Kinh tế, chính trị bên trong một nước thay đổi càng mạnh mẽ, chính sách đối ngoại của nước đó sẽ càng có nhiều thay đổi. Những thay đổi về chính trị và xã hội trong nước do các nhân tố khách quan dẫn tới này có một quá trình biến đổi từ lượng sang chất. Nhìn từ quỹ đạo phát triển của lịch sử Trung Quốc, thường cứ 10 năm các mâu thuẫn kinh tế xã hội lại tập trung hiện ra, cơ bản cứ 30 năm lại có những thay đổi về xã hội mạnh mẽ. Việc Trung Quốc hoàn thành cơ bản chính sách chống đế quốc và xác lập chính sách độc lập tự chủ từ năm 1919-1949 chính là quyết sách chiến lược của Trung Quốc sau khi đã trải qua hàng chục năm xã hội rối ren và sự tùy tiện xâm lược của thế giới bên ngoài. Việc thực thi chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô với chính sách cách mạng thế giới và đưa ra chính sách cải cách mở cửa cũng là sự lựa chọn tất yếu trong bối cảnh để Trung Quốc thoát khỏi sự cô lập quốc tế và “phù hợp với tình hình cách mạng trong nước”.
Mặt khác, những thay đổi mang tính chu kỳ của tình hình quốc tế cũng thúc đẩy ngoại giao Trung Quốc liên tục điều chỉnh. Lâu nay, cộng đồng quốc tế luôn ở trong trạng thái vô chính phủ, còn mỗi nước thì nỗ lực tìm kiếm sức mạnh, an ninh và lợi ích cho mình. Sự thay đổi về cơ cấu quyền lực, cơ cấu an ninh và quan hệ cơ cấu lợi ích giữa các nước, đặc biệt là giữa các nước lớn, trên mức độ rất lớn đã thúc đẩy môi trường quốc tế thay đổi. “Nếu quan hệ quyền lực chỉ thay đổi theo kiểu duy trì phân phối theo tỉ lệ như trước đây, thì hệ thống này có thể tiếp tục ở trong trạng thái cân bằng vô thời hạn. Tuy nhiên, bất luận là tình hình trong nước hoặc quốc tế thay đổi, đều tất sẽ phá vỡ tính ổn định của hiện trạng này.” Sự thay đổi, phát triển mang tính chu kỳ của cộng đồng quốc tế trên mức độ rất lớn đã ảnh hưởng tới những thay đổi và điều chỉnh trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là những thay đổi có mối liên quan mật thiết với lợi ích và an ninh quốc gia trong môi trường quốc tế. Ví dụ, những sự kiện lớn như hai cuộc đại chiến thế giới, Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20, sự bành trướng quyền lực và mở rộng ra bên ngoài của Liên Xô hồi những năm 60-70 thế kỷ 20, Liên Xô-Đông Âu biến động cuối những năm 1980, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008…. đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích và an ninh quốc gia Trung Quốc, buộc ngoại giao Trung Quốc phải có những điều chỉnh mang tính chiến lược. Nói tóm lại, sự thay đổi liên tục và tác động lẫn nhau của tình hình trong nước và quốc tế về mặt khách quan đã dẫn tới ngoại giao Trung Quốc nổi lên đặc trưng mang tính chu kỳ “10 năm một biến động nhỏ, 30 năm một biến động lớn”.

Thứ ba, sự thay đổi, trưởng thành của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc cũng là căn nguyên quan trọng khiến ngoại giao Trung Quốc xuất hiện quy luật thay đổi mang tính chu kỳ. Năm 1912, triều đại phong kiến thống trị Trung Quốc 2000 năm diệt vong, Trung Hoa dân quốc được thành lập. Khi đó do vừa thoát khỏi thể chế triều đại, hơi thở của các triều đại vẫn có ảnh hưởng tới Trung Hoa dân quốc, do vậy đã xuất hiện màn kịch khôi phục đế chế (chẳng hạn sự khôi phục của Viên Thế Khải năm 1915 và sự khôi phục của Trương Huân năm 1917), sau đó mới dần xác lập địa vị thống trị của Quốc Dân đảng ở Trung Quốc. Sau cuộc Bắc phạt, Tưởng Giới Thạch trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Trung Hoa dân quốc. Trung Quốc khi đó rời rạc như cát vụn, thời đại đã tạo ra Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên do Tưởng Giới Thạch “dân chủ quá trớn, độc tài vô độ”, vì vậy Trung Quốc khi đó không hình thành sự thống trị tuyệt đối coi quyền lực trung ương là nòng cốt, các lực lượng trong nước thừa thế xông lên, đám quân phiệt hỗn chiến với nhau, lệ thuộc nghiêm trọng vào Mỹ và châu Âu. Đây là một trong những căn nguyên của chính sách do Tưởng Giới Thạch làm đại diện như “phe ôn hòa”, “dựa vào Hội Quốc Liên” (tiền thân của Liên Hợp Quốc), “ổn định trong nước chống giặc ngoại xâm”, “tuyệt đối không chống lại”. Tưởng Giới Thạch là người theo chủ nghĩa dân tộc, “phàm là một quốc gia luôn cần có tinh thần dân tộc”, do đó, Tưởng Giới Thạch “liên kết với Mỹ nhưng không thân Mỹ”, liên kết với Anh đồng thời lại cảnh giác nước Anh.
Quốc Dân đảng tháo chạy tới Đài Loan tuyên bố sự thống trị thất bại đối với Trung Quốc, ngoại giao cân bằng và ngoại giao mềm yếu của Trung Hoa dân quốc giữa các nước đế quốc cũng tuyên bố chấm dứt. Ngoại giao độc lập tự chủ trở thành khởi điểm mới của ngoại giao Trung Quốc do nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, Trung Quốc từ đó bước vào thời kỳ lãnh đạo của tập thể lãnh đạo thế hệ thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông làm nòng cốt. Mao Trạch Đông là một chính trị gia theo chủ nghĩa lãng mạn, tràn đầy lý tưởng cao cả đối với tương lai, thấu hiểu tình cảnh đói nghèo, theo đuổi bình đẳng, khi đó là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ đối ngoại của Trung Quốc ở trong trạng thái căng thẳng. Những nhân tố này đều có ảnh hưởng sâu sắc tới các chiến lược và chính sách của Trung Quốc như lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, “Đại nhảy vọt”, “công xã nhân dân”, “Cách mạng văn hóa”, “nghiêng về một bên”, “một trục” và ngoại giao cách mạng.
Năm 1976, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức lần lượt qua đời, sau 2 năm trì hoãn, nước Trung Quốc mới bước vào thời kỳ lãnh đạo của tập thể lãnh đạo thế hệ thứ hai do Đặng Tiểu Bình làm nòng cốt. Thế giới lúc này đang chuyển từ thời đại chiến tranh và cách mạng sang thời đại hòa bình và phát triển, một Đặng Tiểu Bình kiên nghị, quả cảm, có tính quyết đoán, có ma lực đã nắm được cơ hội lịch sử này, chiến lược quốc gia của Trung Quốc đã thực hiện bước chuyển ngoặt vĩ đại từ “chính trị đứng đầu” sang “ưu tiên kinh tế”. Chiến lược mở cửa với bên ngoài của Trung Quốc được xác lập là do chịu ảnh hưởng của quan niệm coi trọng phát triển kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Tháng 12/1978, dưới sự chủ trì của Đặng Tiểu Bình, Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng đã phá vỡ được sự ràng buộc của “cánh tả”, xác lập chiến lược cải cách mở cửa. Đặng Tiểu Bình được khen ngợi là “tổng công trình sư” của cải cách mở cửa của Trung Quốc.
Bước sang thế kỷ mới, Trung Quốc từng bước xác lập tập thể lãnh đạo do Hồ Cẩm Đào làm nòng cốt, tình hình chính trị nội bộ, ngoại giao của Trung Quốc do đó đã có những nét đổi mới. Trong thế kỷ mới và thời đại mới, rất nhiều nước coi Trung Quốc là nước láng giềng có mối quan hệ ổn định và hòa bình, vì cái mà Trung Quốc cần chỉ là sự hòa bình và hài hòa của thế giới. Sự ôn hòa, thận trọng và tự tin của tập thể lãnh đạo mới đã tạo ra quan niệm mới thế giới hài hòa và hòa bình phát triển. Tháng 11/2003, Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm “trỗi dậy hòa bình”. Nửa cuối năm 2004, Trung Quốc sửa đổi chiến lược “trỗi dậy hòa bình” thành chiến lược “hòa bình phát triển” ôn hòa hơn. Tháng 4/2005, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tham gia Hội nghị cấp cao Á-Phi, lần đầu tiên đưa ra chủ trương xây dựng thế giới hài hòa. Ngày 15/9/2005, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên chính thức công khai tuyên bố rõ ràng với thế giới Trung Quốc sẽ nỗ lực thúc đẩy xây dựng thế giới hài hòa. Việc đưa ra chiến lược hòa bình phát triển và quan niệm thế giới hài hòa có nghĩa là ý tưởng ngoại giao hòa bình của Trung Quốc đã phát triển và trở nên sâu sắc hơn.

.
.
.

No comments: