Wednesday, May 25, 2011

TẠI SAO GIỚI LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC LẠI ĐANG LO Ợ LẠM PHÁT ? (Minxin Pei)

The Diplomat   -   Ngày 23 tháng 5 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 25/05/2011

Sang năm Trung Quốc sẽ có sự thay đổi trong các vị trí lãnh đạo đảng cho nên hiện nay giới lãnh đạo Trung Quốc rất dễ hoảng sợ trước bất cứ điều gì có thể làm tăng thêm sự mất ổn định.

Nước nào cũng đều coi lạm phát là một tai họa. Nhưng riêng ở Trung Quốc thì lạm phát dường như còn được xem là một tai họa tồi tệ hơn so với ở bất kỳ nước nào khác. Tại thời điểm này thì nỗi ám ảnh của Bắc Kinh là phải làm sao duy trì tốc độ lạm phát hàng năm ở dưới 4%, đó là mục tiêu được họ tuyên bố công khai. Song, dựa vào những số liệu gần đây nhất thì chính phủ đang bị thất bại trong cuộc chiến chống lạm phát.

Trước hết hãy xem xét một số dữ kiện và một chút tình hình hiện nay. Có một điều chắc chắn là lạm phát liên tục gia tăng không phải là một thách thức kinh tế gần đây đối với Trung Quốc – giá cả đã liên tục tăng vọt ngay từ hồi đầu mùa thu năm ngoái. Điều làm cho đợt chống lạm phát mới đây nhất của Trung Quốc trở nên đáng chú ý ấy là những biện pháp của chính phủ rõ ràng là không có hiệu quả, trong đó có việc tăng lãi suất, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc (CPI) đã tăng 5,3% trong tháng Tư tiếp theo tỉ lệ tăng cao hơn một chút là 5,4% hồi tháng Ba. Tốc độ lạm phát trong sáu tháng qua vẫn tiếp tục ở mức xoay quanh tỉ lệ lạm phát hằng năm là 5%, con số này được coi là cao theo các mức lạm phát đã xảy ra trước đây ở Trung Quốc (tốc độ lạm phát mỗi năm là 4,3% từ năm 1994 đến năm 2010).
Đối với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc thì lạm phát có lẽ là không thể tránh khỏi. Nhưng ở trường hợp của Trung Quốc lại có những nguyên nhân khác nữa đã làm cho giá cả càng tăng vọt mạnh hơn. Sự bùng nổ tín dụng ồ ạt do chính phủ thả lỏng nhằm khôi phục lại tăng trưởng đã đạt được hồi năm 2009 – nhưng có lẽ đã quá đà. Nguồn cung ứng lao động trở nên khan hiếm hơn do dân số tăng đã tạo ra sức ép phải tăng tiền lương. Giá thực phẩm trên thế giới tăng vọt cũng ảnh hưởng tới Trung Quốc – giá gạo trong tháng Tư đã tăng 11%, tức là gấp đôi CPI.

Các chính sách của Bắc Kinh đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ đi. Điều đầu tiên là tỉ lệ lãi suất là quá thấp. Mặc dù gần đây Bắc Kinh đã nhiều lần tăng tỉ lệ lãi suất [của ngân hàng] song tỉ lệ lãi suất cho vay một năm hiện nay đang là 6,31%, tức là chỉ cao hơn tỉ lệ lạm phát có một phần trăm. Tỉ lệ lãi suất tiền gửi 3% một năm vẫn thấp hơn tỉ lệ lạm phát, điều này đang khiến cho người dân thấy không bõ gửi tiền vào ngân hàng ở Trung Quốc. Trong khi đó thì việc thắt chặt cho vay bằng cách tăng dự trữ bắt buộc đã tỏ ra không đem lại hiệu quả – kể từ tháng 10 năm ngoái Bắc Kinh đã tám lần tăng tỉ lệ dự dữ bắt buộc của các ngân hàng, lên tới tỉ lệ kỷ lục là 20% (nghĩa là lượng tiền mà ngân hàng không được phép cho vay chiếm một phần năm lượng tiền dự trữ). Thế nhưng hệ thống phi ngân hàng của Trung Quốc, bao gồm các công ty tài chính phi ngân hàng và các thương vụ lách luật khéo léo đâu có dễ bị khuất phục.

Vì thế vấn đề dường như là Trung Quốc sẽ còn phải chịu lạm phát tăng vọt trong một thời gian dài nữa, điều này làm cho lạm phát trở thành một vấn đề chính trị đáng chú ý: liệu lạm phát gia tăng có dẫn đến sự bất ổn xã hội ở Trung Quốc hay không và nếu có thì sự bất ổn sẽ diễn ra như thế nào?

Giới lãnh đạo Trung Quốc có lý do chính đáng để lo sợ lạm phát. Chính phủ Quốc dân đảng đã thua những người Cộng sản trong cuộc nội chiến hồi cuối những năm 1940 theo lời giải thích như chuyện cổ tích thì chủ yếu là bởi vì họ đã để cho siêu lạm phát tàn phá của cải của tầng lớp trung lưu ở thành thị. Một giai thoại khác thường được các nhà quan sát viện dẫn về Trung Quốc đó là phong trào vì dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989. Năm 1988, cuộc cải cách giá cả của Trung Quốc thất bại đã dẫn đến giá cả tăng liên tục và tình trạng hoảng hốt mua sắm ở các thành phố. Như vậy là một số nhà quan sát đã quy cuộc biểu tình ồ ạt toàn quốc hồi mùa xuân năm 1989 là có nguyên nhân từ lạm phát hồi đó.

Nhưng giải thích theo cách như vậy có lẽ là giản lược quá. Đúng là lạm phát có khuynh hướng làm tăng những sự bất bình trong nền kinh tế và làm giảm nhiệt tình của những người thuộc tầng lớp trung lưu, nhưng chỉ riêng lạm pháp thôi thì hiếm khi làm nổ ra các cuộc cách mạng. Để cho lạm phát tạo ra một tác động chính trị thực sự đáng kể thì nó phải xảy ra trong một bối cảnh chính trị đặc biệt. Chẳng hạn, không phải là bản thân lạm phát đã làm nổ ra cuộc biểu tình ở Thiên An Môn – hai yếu tố chính trị đã tạo động lực cho các cuộc đối đầu hồi mùa xuân năm 1989. Thứ nhất, những trí thức có đầu óc tự do và sinh viên đại học đã không thỏa mãn với tốc độ cải cách chính trị. Thứ hai, những chia rẽ nghiêm trọng bên trong giới lãnh đạo cao nhất – giữa [một bên là] những người tự do ôn hòa như Triệu Tử Dương và [một bên là] những người bảo thủ cứng rắn – đã xuất hiện từ rất lâu trước khi xảy ra lạm phát tăng vọt hồi năm 1988.

Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay thực sự hiểu được chính trị của lạm phát giỏi hơn nhiều nhà phân tích vẫn đang ca ngợi họ. Đặc biệt, giới lãnh đạo Trung Quốc rất hiểu hai cơ chế mà lạm phát có thể dẫn đến bất ổn xã hội và chính trị.

Cơ chế thứ nhất ấy là để cho lạm phát gia tăng được biến chuyển thành sự bất mãn chung thì nó phải tác động tới tầng lớp bình dân. Trong một chế độ độc đảng như Trung Quốc thì các chính sách của chính phủ sẽ dẫn đến bất công xã hội và quan chức lạm dụng quyền lực và điều này không tránh khỏi tạo ra rất nhiều người oán hận. Trong những tình huống bình thường thì những phần tử bất bình – nhưng vô tổ chức – có thể được xử lý tương đối dễ dàng. Khi họ phản kháng hoặc họ tham gia các hoạt động chống lại chính phủ thì Bắc Kinh có thể dùng cảnh sát chống bạo động dập tắt một cách hiệu quả những vụ làm loạn đó bởi vì họ hầu hết là những nhóm có quy mô nhỏ và cục bộ.

Tuy nhiên, động lực chính trị của sự phản kháng xã hội sẽ đột ngột thay đổi khi lạm phát liên tục tăng ở mức cao. Lúc này lạm phát mang chức năng phối hợp sự chỉ trích mang tính chính trị – lạm phát cao sẽ phát tín hiệu tới nhiều nhóm riêng rẽ, mỗi nhóm đều đang bất bình với hiện trạng vì những lý do khác nhau và vào những thời điểm khác nhau. Lạm phát phi mã làm cho các nhóm này đồng loạt bày tỏ sự bất bình cùng một lúc. Có thể dễ dàng hình dung ra hậu quả: lạm phát càng tăng cao thì sự rối loạn xã hội càng lan rộng và điều này sẽ hút các nhóm khác nhau lại với nhau và làm cho sự rối loạn càng trở nên mãnh liệt.

Cơ chế thứ hai ấy là để cho lạm phát biến thành một thùng thuốc súng chính trị thì nó phải tác động tới tầng lớp lãnh đạo cao nhất. Bí quyết tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc nằm ở sự đoàn kết của giới lãnh đạo cao nhất. Sự đoàn kết này dễ được duy trì hơn khi cải cách kinh tế diễn ra tốt đẹp, nhưng sẽ trở nên mong manh hơn khi các chỉ dấu kinh tế trở nên xấu đi. Rất dễ hiểu tại sao vào những thời điểm khó khăn thì mối đoàn kết của giới lãnh đạo bao giờ cũng bị xói mòn: một số khu vực cử tri quan trọng trong chế độ, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước, các chính quyền địa phương hoặc các doanh nghiệp tư nhân có mối liên hệ chặt chẽ với các quan chức chính phủ sẽ bị tổn thương bởi những sự điều chỉnh chính sách cần thiết. Chính trị trở thành một thứ trò chơi người này được miếng to thì người khác phải bớt đi miếng của mình [zero-sum]. Biện pháp hạn chế tín dụng, chẳng hạn, đã làm suy giảm thị trường bất động sản mà ở đó các nhóm lợi ích có thế lực đã bỏ vào đó những khoản tiền khổng lồ. Như vậy là nếu nhà nước bảo vệ lợi ích của các nhóm đó thì sẽ gây ra việc các nhóm đánh lẫn nhau. Mối đoàn kết của giới lãnh đạo cao nhất cũng suy yếu đi khi lạm phát tăng lên bởi vì lúc ấy sẽ xảy ra trò chơi quy trách nhiệm – một số quan chức cao cấp bắt buộc phải nhận trách nhiệm cho tình trạng hỗn loạn. Năm 1988, Triệu Tử Dương bị những người theo phái bảo thủ chỉ trích là đã quản lý kém các cuộc cải cách giá cả (mặc dù ý tưởng cải cách giá cả ban đầu là của Đặng Tiểu Bình). Hôm nay nếu lạm phát không sớm được chế ngự thì điều gần như chắc chắn là có ai đó ở cấp cao nhất sẽ phải buộc phải đứng ra nhận trách nhiệm.

Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không tăng tốc để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo vào mùa thu năm 2012 thì một sự thay đổi nhỏ về nhân sự ở cấp cao nhất có lẽ sẽ chẳng tạo ra được một thay đổi chính trị to lớn nào. Nhưng như tất cả chúng ta đều biết, cuộc chuyển giao lãnh đạo trong nền chính trị ở Trung Quốc đang bắt đầu bước vào giai đoạn đòi hỏi phải dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Mọi sự đấu đá trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao nhất – dù là đấu đá về bất cứ cái gì – đều có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực và đẩy một quá trình ở một bối cảnh khác thì là một quá trình trật tự nhưng lần này có thể lại là một tình trạng hỗn loạn.

Không có gì ngạc nhiên khi một số lãnh đạo Trung Quốc đang mất ngủ vì những con số lạm phát mới được chế ngự một cách tương đối.

Minxin Pei là một giáo sư của nhà nước và ông hiện đang là thành viên cao cấp của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: