Trọng Nghĩa - RFI
Thứ năm 26 Tháng Năm 2011
Với chuyến công du Philippines của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, tranh chấp chủ quyền giữa Manila với Bắc Kinh và các láng giềng Đông Nam Á đã thu hút sự quan tâm của báo giới Philippines. Sau khi có bài lên án Trung Quốc xây dựng thêm nhiều tiền đồn trên các hòn đảo do họ kiểm soát tại vùng Trường Sa, tờ The Philippine Star vào hôm nay đã quay sang chỉ trích Việt Nam.
Tác giả bài báo đã không ngần ngại đánh đồng Việt Nam và Trung Quốc khi cho rằng : “Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã xây dựng và từng bước củng cố các tiền đồn và đơn vị quân đội đồn trú trong khu vực thuộc phạm vi lãnh thổ của Philippines tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.”
Tờ báo nhắc lại là Việt Nam hiện kiểm soát 23 hòn đảo tại Trường Sa, trong đó có bẩy đảo thuộc nhóm mà Philippines gọi Kalayaan và đòi hỏi chủ quyền. Đó là đảo Binago (tên quốc tế là Namyit, mà Việt Nam đặt tên là Nam Yết), đảo Sin Cowe East Island (Việt Nam gọi là Sinh Tồn Đông), đảo Lagos (tên quốc tế là Spratly Island, Việt Nam gọi là Trường Sa), đảo Kalantiyaw (tên quốc tế là Amboyna Cay, tiếng Việt là Đảo An Bang), và các bãi đá như Gitna Reef và Hizon Reef.
Theo tờ Philippine Star, một tài liệu của chính phủ Philippines nói rằng : “Việt Nam đang ở tuyến đầu trong các hoạt động xây dựng (tại khu vực quần đảo Trường Sa), với số lượng công trình xây thêm nhiều nhất từ năm 1998 đến nay”. Các hoạt động của Việt Nam bao gồm việc cải tạo, tu sửa, bổ sung thêm nhà cửa trên các vùng chiếm đóng. Tài liệu kể trên ghi nhận sự gia tăng của số lượng các tấm pin mặt trời và cầu tàu, "là dấu hiệu cho thấy hoạt động của Việt Nam gia tăng tại các vùng lãnh thổ đó."
Bên cạnh đó, tài liệu nói trên còn đánh giá Việt Nam là nước "năng động nhất" trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của các tiền đồn của mình, với các ụ súng và lều che súng được thấy trên nhiều hòn đảo do Việt Nam kiểm soát. Tài liệu cũng tiết lộ rằng Việt Nam đã hoặc đang có kế hoạch xây dựng thêm các ụ súng ở Collins Reef (Đá Cô Lin), Parades Reef (hoặc Đá Lớn), Ladd Reef (Đá Lát) và Len Dao Reef (Đá Len Đao). Việt Nam cũng có kế hoạch phục hồi một phi đạo trên đảo Trường Sa.
Vào hôm qua, tờ Phlippine Star cũng đã đả kích các hành động tăng cường lực lượng của Trung Quốc tại các đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng tại Trường Sa, và công bố hẳn một số bức ảnh chụp từ vệ tinh mà tờ báo có được cho thấy rõ các cơ sở được xây dựng, từ các ổ súng cho đến ăng ten Parabole.
Theo tờ báo, tại bãi đá ngầm Kagitingan (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử, tên Việt Nam là Đá Chữ Thập) Trung Quốc đã xây dựng trạm thông tin liên lạc thường xuyên và đài quan sát hàng hải có thể chứa 200 quân. Họ còn xây dựng một bãi đáp cho trực thăng, một doanh trại hai tầng và cầu tàu dài 300 mét cho phép các tàu hậu cần và tàu tuần tra cập bến. Trung Quốc thiết kế nơi này thành khu chỉ huy chính với hệ thống truyền tin qua vệ tinh, đài rađa, và các ổ súng hỏa lực mạnh …
Các tài liệu mà tờ báo tham khảo được cũng cho thấy là Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở của họ tại Bãi đá ngầm Panganiban (tên quốc tế là Mischief Reef, tên Việt Nam là Đá Vành Khăn) mà Trung Quốc lấn chiếm từ tay Philippines vào năm 1995. Bắc Kinh cho rằng đó chỉ là công trình giúp ngư dân trú bão, nhưng Philippines không tin vì các nơi gọi là dùng để trú ẩn đó lại được trang bị hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và radar.
Các tài liệu còn cho thấy là ngoài các đơn vị đồn trú, Trung Quốc còn đẩy mạnh những dự án hàng hải trên quy mô lớn, nhằm củng cố các đòi hỏi chủ quyền của họ đối với Trường Sa, như xây dựng cầu cảng, sân bay, hải đăng, đài quan sát hải dương và mạng lưới khí tượng hàng hải.
.
.
.
No comments:
Post a Comment