Thursday, May 26, 2011

ANH QUỐC VỚI VAI TRÒ CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM (BBC)


BBC
Cập nhật: 13:04 GMT - thứ năm, 26 tháng 5, 2011

Anh Quốc tiếp quản Thụy Điển với vai trò điều phối nhóm các nhà tài trợ trong nỗ lực chống tham nhũng tại Việt Nam.
Trên cương vị này, Vương quốc Anh sẽ đóng vai trò điều phối các đối tác phát triển để cùng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực chống tham nhũng, theo  tin đưa trên trang web Đại sứ quán Anh tại Hà Nội ngày 26/05.
Tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy khâu chịu trách nhiệm là hai trong số ba mục tiêu chính trong khoản viện trợ không hoàn lại 70 triệu bảng Vương quốc Anh cam kết cho Việt Nam cho tới năm 2015.
Tuyên bố được đưa ra trong dịp ông Alan Duncan, nghị sỹ, Quốc vụ khanh Bộ Phát triển Quốc tế Anh thăm Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt vào ngày 26/05, ông Alan Duncan cho biết một vài mục tiêu của Anh trong nỗ lực hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Alan Duncan: Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung vào mảng bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, và quản lý điều hành nhà nước. Đồng thời hỗ trợ khu vực tư nhân, vốn có thể là khu vực giúp tạo động lực phát triển và thịnh vượng, mang lại lợi ích cho những người nghèo khó nhất.
Thay vì duy trì quan hệ với Vương quốc Anh theo hướng viện trợ phát triển thì mối quan hệ Anh và Việt Nam giờ đây đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn. Thay vì chỉ hợp tác trên lĩnh vực chống đói nghèo và phát triển thì chúng tôi sẽ mở rộng ra giáo dục, và hợp tác các ngành nghề công nghiệp, thương mại khác nữa. Tôi hy vọng đây là tin vui đối với Việt Nam và cả hai nước đều sẽ được lợi từ việc phát triển kinh tế thương mại.

BBC: Là người ủng hộ cho nỗ lực chi tiền viện trợ làm sao phải có hiệu quả và phải quản lý tiền viện trợ cho tốt, ông thấy các dự án dùng tiền của các nhà tài trợ nước ngoài nói chung và DFID tại Việt Nam nói riêng có điểm gì có thể cải thiện được thêm?
Alan Duncan: Quan điểm của chúng tôi là luôn luôn cho rằng cần phải cải thiện thêm, để tránh tự mãn. Do đó chúng tôi vừa tiến hành rà soát lại kỹ càng mọi thứ mình đang làm ở các quốc gia khác nhau, và cả với các tổ chức đa phương nữa. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi đặt ra những nguyên tắc công khai minh bạch, qui định chặt về khâu chịu trách nhiệm. Đồng thời chúng tôi cũng thành lập tổ chức để giám sát tác động của viện trợ.
Suy cho cùng, chúng tôi làm việc và sẵn sàng nói với mọi người rằng, hãy nhìn xem, chúng tôi rất công khai. Đó là cách tốt nhất để đạt được tiêu chuẩn cao nhất trong phát triển và Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

BBC:Tại Hà Nội ngày hôm nay diễn ra Đối thoại về “ Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản”. Được biết phía Anh cũng có đại diện tham gia thưa ông.
Alan Duncan: Sự kiện này quan trọng đến mức chính Ngài Đại sứ đã tới dự. Đồng thời ngày hôm nay, Ngài Đại sứ Anh cũng đã tiếp quản vai trò điều phối các đối tác phát triển để làm việc với Việt Nam nhằm chống tham nhũng.
Đúng là chống tham nhũng là vấn đề rất rất quan trọng. Và nếu người ta muốn có nền kinh tế hoạt động hiệu quả và công bằng thì phải giảm thiểu tham nhũng và tăng cường tính minh bạch và khâu chịu trách nhiệm.
Và với việc nước Anh giữ vai trò điều phối chống tham nhũng này, cùng hoạt động với các quốc gia viện trợ khác thì tôi hy vọng là chúng tôi sẽ dần tạo ra sự thay đổi ở đây. Bởi vì suy cho cùng thì nếu người ta giảm bớt được tham nhũng thì sẽ gia tăng cơ hội và thịnh vượng cho mọi người trong quốc gia.

BBC: Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom được báo chí Việt Nam trích dẫn nói “Một nền báo chí mạnh mẽ, chuyên nghiệp và tự do cần phải được khuyến khích để phát hiện những sai phạm trong quản lý và những hành vi tham nhũng và nếu không làm như vậy, thất bại sẽ ở ngay trước mắt - Thưa ông Đại sứ Anh có chia sẻ quan điểm này không?
Alan Duncan: Liên quan đến nghị trình của chúng tôi về vấn đề quản lý điều hành nhà nước thì dù ở bất cứ quốc gia nào, chúng tôi cũng ủng hộ báo chí hoạt động tự do và có trách nhiệm. Tôi nghĩ đó là một tiêu chí quan trọng đảm bảo cho sự tự do nói chung.
Tôi nghĩ là sự cởi mở sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia khi quốc gia ấy sẵn sàng tạo điều kiện để điều đó diễn ra. Đúng là rà soát kỹ càng, mang ánh sáng tới với sự thật luôn luôn là điều tốt trong việc bài trừ tham nhũng và tăng cường tự do của mỗi cá nhân.

.
.
.

No comments: