RFI ĐIỂM BÁO NGÀY 27-5-2011
Thụy My - RFI
Thứ sáu 27 Tháng Năm 2011
Hôm nay, đặc phái viên của nhật báo công giáo La Croix tại Rangun, Nga Shan Taung nhận định : Hai đường ống dẫn dầu về Trung Quốc giúp củng cố thêm chế độ độc tài Miến Điện. Nạn cưỡng bức lao động vẫn diễn ra thường xuyên. Dân chúng làm việc không công trên các công trường xây dựng ống dẫn dầu.
Bài báo tả lại quang cảnh một công trường xây dựng ở Patheingyi, gần Mandalay ở miền trung Miến Điện, mà theo tác giả, trông giống như một doanh trại quân đội. Được vây quanh bởi các hàng rào kẽm gai, cổng ra vào được cảnh sát và nhân viên của công ty dầu khí nhà nước Miến Điện và Trung Quốc canh gác, chỉ cho phép các xe tải chở bê-tông vào. Một người dân cho biết, công ty Trung Quốc đã lấy mẫu đất để nghiên cứu trước khi lắp đặt đường ống. Cánh đồng của người dân này đã bị đào xới, và hoa màu bị phá hủy.
Hai đường ống dẫn dầu khổng lồ chạy suốt chiều dài đất nước Miến Điện với trên 1.100km, trong hai năm nữa sẽ vận chuyển dầu khai thác từ Trung Đông, và khí đốt từ ngoài khơi Miến Điện đến Trung Quốc. Các đường ống này sẽ giúp cho Bắc Kinh đưa được nguồn dầu khí về bằng đường bộ, tránh được eo biển đầy nguy hiểm Malacca ở ngoài khơi Indonesia.
Giám đốc hiệp hội Arakan Oil Watch ước tính: “ Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu nhập lớn nhất của chính quyền Miến Điện: trên 1,4 tỉ euro một năm. Khi các đường ống này được đưa vào hoạt động từ năm 2013, mỗi năm chính quyền sẽ bỏ túi thêm được 700 triệu euro nữa ». Trong năm nay, chế độ cầm quyền nhìn nhận chỉ dành dưới 6% ngân sách cho giáo dục và y tế, nhưng lại chi gấp bốn lần cho quân đội, hiện có trên nửa triệu quân nhân. Nguồn lợi từ dầu khí được ưu tiên dành cho quốc phòng, và cho việc trấn áp những người đối lập.
Tác giả bài báo nhận định, với nhà nước chuyên chế Miến Điện, tất cả các dự án hạ tầng đều khiến người ta lo ngại cho tình trạng vi phạm nhân quyền. Tại Kyaukpyu, việc xây dựng ống dẫn dầu đi kèm với việc cưỡng bức di dời. Một thanh niên người làng cho nhà báo xem đoạn video quay lén : « Đây nhé : ba chiếc xe ủi đất đang đốn ngã cây cối, san bằng các thửa ruộng, tàn phá hết mọi thứ. Ngày càng có nhiều lính tráng trong vùng này, họ cản trở những ai muốn đến gần công trường. Tôi phải giấu máy quay phim dưới lớp áo mưa đấy ! ».
Tại Miến Điện, nạn cưỡng bức lao động vẫn diễn ra thường xuyên. Từ cuối năm ngoái, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế ở Răngun đã đề nghị hỗ trợ chính quyền trong việc phát hiện các vụ cưỡng bách làm việc không công trên các công trường xây dựng ống dẫn dầu, nhưng đến nay chưa hề được trả lời, và nạn nô lệ thời hiện đại vẫn tiếp diễn.
Còn ở làng Nga Shan Taung thuộc miền trung, từ bốn năm qua người dân đã khai thác dầu hỏa nằm trên cạn bằng phương pháp thủ công, với các ống nhựa, dây thừng, máy nổ…Hàng ngàn giếng dầu nhỏ đã mọc lên, nhưng những người khai thác bị buộc phải bán lại dầu thô cho các công ty thân cận với chính quyền, chỉ được giữ lại một ít cho tiêu thụ trong gia đình. Giá thu mua được ấn định chỉ bằng 40 đến 70% giá thị trường. Một số người lén bán ra ngoài đã bị bắt, giếng dầu bị tịch thu. Những tấm băng-rôn đỏ giăng xung quanh các tháp khoan của khu khai thác cạnh đó, thuộc một công ty thân nhà nước, đã cảnh cáo : « Tất cả những ai trộm dầu sẽ bị phạt mười năm tù ».
Thiếu nước ? Trung Quốc di chuyển các nhánh sông
Cũng liên quan đến châu Á nhưng tại Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài điều tra mang tựa đề « Khi Trung Quốc dịch chuyển các dòng sông », cho biết để khỏi chết khát, Bắc Kinh muốn nắn lại một chi lưu của giòng sông Dương Tử. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu có quá tham vọng hay không ?
Đặc phái viên của Les Echos cho biết, từ nay đến năm 2014, 340.000 người dân Trung Quốc sẽ phải di dời để nhường chỗ cho hồ nước nhân tạo tại Đan Giang Khẩu, được đào để đưa nước từ miền nam lên miền bắc. Chi phí của công trình này lên đến trên 50 tỉ nhân dân tệ, tương đương trên 5,5 tỉ euro, trong đó đến 95% dành cho việc tái định cư.
Xưa nay miền bắc Trung Quốc vẫn luôn thiếu nước sinh hoạt. Riêng tại Thiên Tân và Bắc Kinh, lượng nước cho mỗi nhân khẩu chỉ đạt 3,5% so với lượng trung bình trên thế giới. Nhưng nếu trước đây tại Bắc Kinh phải đào sâu đến 10m mới có nước, thì nay phải đến 24m, và thủ đô chỉ có thể cung cấp cho mỗi cư dân 100m3 nước mỗi năm, thấp hơn mức báo động trên toàn quốc đến 10 lần !
Theo dự án, nước từ miền nam sẽ được đưa lên miền bắc theo ba con đường. Tuyến thứ nhất ở miền đông, với việc mở rộng hệ thống kênh đào có từ thời nhà Nguyên, hàng năm sẽ đưa 14 tỉ m3 nước đi dọc chiều dài trên 1.000km, lên một độ cao 40m. Tuyến thứ hai ở miền tây, đưa nước từ độ cao 3.500m của cao nguyên Tây Tạng xuống. Tuyến thứ ba từ miền trung, mà thử thách đầu tiên là nâng độ cao hồ chứa Đan Giang Khẩu để đạt dung tích 34 tỉ m3 nước.
Nhưng chỉ trữ nước thôi không đủ, hàng năm còn phải đưa 9 tỉ m3 nước về phương bắc, tương đương với việc đào hẳn một con sông nhân tạo bằng giòng sông Seine ở Paris. Không chỉ cần có tiền, mà còn phải vượt được các thử thách về kỹ thuật, đặc biệt là việc thu hẹp chiều rộng của giòng sông Hoàng Hà vốn thất thường, từ 9km chỉ còn 3,5km.
Tờ báo đặt câu hỏi, quá tham vọng hay hoang tưởng ? Đối với đa số các nhà quan sát bên ngoài, thì Bắc Kinh đã đi quá xa. Thật ra không có chọn lựa nào khác, vì quy hoạch thủ đô cho năm 2010 dựa trên con sông nhân tạo trên. Nhưng người ta lo ngại về các rủi ro sinh thái, khi con người can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Giòng sông Dương Tử sẽ phản ứng như thế nào khi mai đây một chi lưu cung ứng nước cho nó bị làm khô cạn, và mực nước xuống thấp liệu có làm nước mặn tràn vào vùng duyên hải ?
Làm thế nào giải quyết được nạn hạn hán đang hoành hành ở phương nam ? Các hậu quả về sinh thái càng thêm đáng ngại, ở thời điểm mà các tác động tiêu cực của đập Tam Hiệp đã được chính thức nhìn nhận. Bên cạnh đó, việc tước đoạt tài nguyên nước của miền nam để phục vụ cho miền bắc liệu có hợp lý ? Bài báo kết luận, và cũng đừng quên rằng chi phí tổng thể dự án lên đến 75 tỉ đô la, gấp ba lần Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Mladic : tội phạm chiến tranh Serbia
Sự kiện tội phạm chiến tranh Radko Mladic bị bắt vào trưa qua tại Serbia đã gây chú ý cho nhiều tờ báo Pháp. Ảnh trên trang nhất của nhật báo cánh tả Libération cho thấy những thây người bị thảm sát ở Srebrenica, với tựa đề « Tên đồ tể ở Srebrenica đã bị bắt ». Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix mang tựa « Thời điểm của công lý ». Các báo khác đều có những bài bình luận ở trang trong.
Trong bài xã luận, nhật báo cánh tả Libération nhận xét « Mladic cuối cùng đã bị Serbia bỏ rơi ». Theo tờ báo, chính là nhờ nỗ lực không ngơi nghỉ của châu Âu mà tên đao phủ của Sarajevo, đồ tể của Srebrenica, sẽ phải đối diện với công lý. Ratko Mladic là tội phạm châu Âu quan trọng nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến, mà theo nhận định của một thẩm phán là hiện thân của « cái nhìn từ địa ngục lên những trang đen tối nhất của nhân loại ».
Cựu Tổng tham mưu của quân đội chính quyền tự phong người Serbia tại Bosnia, sẽ gặp lại thủ lãnh chính trị của mình là Radovan Karadzic trong tù. Cả hai hồi năm 1995 đã bị Tòa án Quốc tế về Nam Tư cũ kết án tội phạm chiến tranh, tội phạm chống nhân loại và diệt chủng, vì đã tiến hành chính sách « thanh lọc chủng tộc » tại Bosnia từ 1992 đến 1995 làm cho trên 100.000 người chết, cũng như vụ vây hãm Srebrenica năm 1995, thảm sát 8.000 thường dân.
Theo Libération, thì trước hết là nhờ sự kiên quyết của Pháp và Ý, mà cuối cùng Hoa Kỳ đã chiều theo để thành lập một tòa án hình sự hoàn toàn độc lập để xét xử các tội ác ở Nam Tư cũ. Và Bruxelles phải mất đến 10 năm gây áp lực không ngừng lên chính quyền Serbia : không đàm phán, không thương lượng, không có việc hội nhập Liên hiệp châu Âu nếu không bắt giữ tên tội phạm trên, không hợp tác với tòa án hình sự, không hòa giải với các nước cộng hòa Nam Tư cũ. Thái độ không khoan nhượng, nhân danh công lý và tự do của châu Âu cuối cùng đã gặt hái được kết quả.
Cuối cùng, nhận xét về hội nghị thượng đỉnh G8 đang diễn ra ở Deauville, Pháp, nhật báo Le Monde cho rằng « Phương Tây muốn tái khẳng định vị thế vượt trội của mình ». Tờ báo cánh hữu Le Figaro, khi nhắc đến căn nhà lộng lẫy mà cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang thuê tạm với cái giá 50 ngàn đô la một tháng, trong khi chờ ra tòa ở New York, đã nhận định « Nơi ở sang trọng của ông DSK làm cho phía đảng Xã hội lúng túng ». Nhật báo cộng sản L’Humanité thì đả kích Bộ trưởng Nội vụ Pháp về các nhận định tiêu cực đối với người nhập cư với tựa chính « Bốn điều dối trá của ông Guéant ». Cũng về nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Giá bất động sản lại phá kỷ lục », đặc biệt là tại Paris, giá cả đã lên cao nhất từ hai chục năm qua.
.
.
.
No comments:
Post a Comment