Thursday, May 5, 2011

ĐỌC BÀI "TÌM MÃI YÊU THƯƠNG" của MỘT NHÀ BÁO TẠI VIỆT NAM (Sơn Tùng)

Sơn Tùng
April 28, 2011

Vào dịp 30.4.2011, Ông Nguyễn Thượng Long, một nhà báo ở Hà Đông, Việt Nam, đã viết bài “Tìm Mãi Yêu Thương” với nội dung nói lên những trăn trở, dằn vặt về ngày mà ông nói được những người vui gọi là “quốc khánh”, còn những người buồn thì gọi là “quốc hận”.

Bài của Nhà báo Nguyễn Thượng Long, được viết như một “hoài niệm về ngày 30 tháng 4”, đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến ngày đáng ghi nhớ này và liên quan đến lịch sử hay thời sự Việt Nam nhưng có rất ít câu trả lời.

Ông Nguyễn Thượng Long viết:
Thế hệ chúng tôi và anh NHT sinh ra và lớn lên cùng với sự ra đời của nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Tuổi ấu thơ chúng tôi trôi đi cùng với những cuồng nộ của một thế thái nhân tình rất xa lạ với những phẩm chất truyền thống của một dân tộc bản chất là hiền hoà. Kí ức đầu đời của thế hệ chúng tôi chưa thể nhạt nhoà về những gì đã đến sau những phát triển quái gở của chủ thuyết “Đấu tranh giai cấp”, về con đường chuyên chính vô sản, về bạo lực cách mạng mà những người cộng sản đã du nhập vào đất nước chúng tôi. Vẫn còn nguyên đó những câu hỏi đầy ám ảnh: – Tại sao lại phải “Đào tận gốc, trốc tận rễ” đám Trí – Phú – Địa – Hào… rồi bây giờ lại gọi đó mới chính là nguyên khí của đất nước! – Tại sao sau CCRĐ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thay mặt Đảng thanh minh trước quốc dân đồng bào rằng : Một Đảng biết nhận ra khuyết điểm của mình, Đảng đó còn có thể tiến bộ, rồi ông lặng lẽ rút khăn tay lau nước mắt. ( !?). – Tại sao lại phải cải tạo thực ra là đánh sập công thương nghiệp tư bản tư doanh tới 2 lần (Miền Bắc sau năm 1954 – Miền Nam sau 30/4/1975). Sau 1986 đến nay lại phải làm lại gần như từ đầu. – Tại sao lại phải mở ra các “Pháp trường trắng” trong vụ đàn áp nhân văn giai phẩm và xét lại chống Đảng. Pháp trường trắng là : “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết” – (Nguyễn Tuân). Thời gian và năm tháng đã trôi qua đã đủ để minh oan cho những con người tài hoa, dũng cảm và trung thực đó. Đến nay trên thực tế không ít người trong họ đã được vinh danh trở lại thì hỡi ôi người còn, người mất, người đang sống nhưng phải sống đời sống thực vật, cỏ cây, người tha hương biệt xứ mãi mãi ôm theo những kí ức đầy ám ảnh nặng nề, tại sao lại phải làm như thế? Hôm nay, lại một ngày kỷ niệm 30/4 nữa đến với đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta. Cái ngày lịch sử mà cựu Thủ tướng, cựu Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt đã từng ngậm ngùi mà nói : “Có triệu người vui ! Cũng có triệu người buồn !”. Không biết có phải vì đây là tiếng nói của một lãnh tụ cao cấp mà có tình trạng người vui thì gọi ngày 30 – 4 là ngày “Quốc Khánh”, còn người buồn thì gọi ngày này là ngày “Quốc Hận !”, xin được phép hỏi: Tại sao sau ngày 30/4/1975 ngày con Lạc ở miền Bắc chiến thắng cháu Hồng ở miền Nam, người chiến thắng không thực lòng hoà hợp, hoà giải mà lại tạo ra những thương tổn không đáng có trong lòng những kẻ bại trận. Những ngày tháng tù đầy, cải tạo và phân biệt đối xử với quân nhân, viên chức chính quyền cũ và vợ con gia đình họ đến nay vẫn là những kí ức đầy hãi hùng. Vì những hãi hùng này mà ngày đó hàng triệu người con đất Việt phải liều thân bỏ xứ ra đi, mong kiếm tìm một vận hội mới. Người chiến thắng không chỉ làm ngơ mà còn không hiếm những kẻ trục lợi dựa trên cuộc tháo chạy kinh hoàng diễn ra trong nhiều năm đã làm biết bao gia đình tan nát, bao nhiêu người phải chết trong tuyệt vọng, phải khuynh gia bại sản, phải nhơ nhuốc vì hải tặc, phải hoài thân trong bụng cá, phải bỏ xác trên đảo hoang. Người sống sót không mấy ai tránh khỏi những sang chấn tinh thần không dễ bình phục. Sau nhiều năm tha hương biệt xứ, nay người thành đạt, người không thành đạt, nhưng mỗi khi nhớ về quê hương, xứ xở bên cạnh những bồi hồi là nỗi ngậm ngùi : “Tổ Quốc ! Một dĩ vãng cần phải quên đi”. Đến nay đã có nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ VNCH… quyết định tìm về cố quốc với nhiều lý do, nhưng thực ra chỉ để được gửi nắm xương tàn, đã phải nhắm mắt bước qua những thị phi của người trong nước, phải bịt tai trước những la ó, của nhiều tha nhân cùng cảnh ngộ. Đặc biệt trong đoàn người ra đi năm đó, đến nay vẫn có quá nhiều người dường như vẫn chưa ra khỏi những ám ảnh của hận thù, thậm chí nhiều người vẫn thề không đội trời chung, không đứng cùng đất với cộng sản, đó chính là nguyên nhân làm nổ ra những cuộc biểu tình phản đối các vị nguyên thủ hôm nay của Việt Nam khi họ xuất ngoại, đặc biệt khi họ công cán qua những nơi có đông người đồng bào của mình ở & thực tế đã cho hay, cũng chẳng có gì là vui vẻ dành cho các nguyên thủ cũ, các nhân vật nổi tiếng của VNCH khi họ trở về Việt Nam. Sự dè bỉu đến với họ không chỉ đến từ những người Quốc Gia đang ở hải ngoại, mà còn đến từ chính những người dân trong nước. Nhiều người trong nước đã có một thái độ hợp lý đối với họ, nhưng đâu có phải người trong nước nào cũng vui vẻ với họ. Cho đến lúc này, không chỉ ở những hãng thông tấn vỉa hè, tôi chứng kiến quá nhiều người Việt Nam ở trong nước vẫn còn vô tư ngộ nhận rằng năm 1972 chính ông Nguyễn Cao Kỳ đã chỉ huy chiến dịch giải cứu tù binh Mỹ bị giam giữ ở quê hương Sơn Tây của ông ! Hãy nghe mấy ông Nhạc Sĩ Nhân Dân, đỏ ngực là huân chương, huy chương là giải thưởng nhà nước…lườm nguýt, chê bai, dè bỉu những gì về ông Phạm Duy ngay trên những trang báo lề phải.” (ngưng trích)

Người Việt ở hải ngoại đọc những hàng trên đây chắc sẽ không tránh khỏi bực mình và thốt lên: “Cứ hỏi quanh co mãi! Tại cộng sản chứ còn tại cái gì?”
Nhưng với người đọc tại Việt Nam, có lẽ tác giả được khen là can đảm, và có thể không tránh khỏi những phiền nhiễu với nhà nước.

Dưới một chế độ độc tài, người ta quen “đọc giữa hai dòng chữ” để cố bắt được những gì tác giả thực sự muốn nói. Nhưng trong tình trạng tồi tệ bế tắc hiện nay tại Việt Nam, kiểu viết trên đây đã trở nên cổ hủ, không đóng góp vào việc thúc đẩy một cuộc cách mạng dân chủ đáy tầng, ngược lại, có thể còn vô tình giúp kéo dài một chế độ độc tài đã hoàn toàn thối rữa không còn lý do để tồn tại.

Hơn ai hết, những người đã tiếp tay góp sức, nhiều hay ít, dựng nên chế độ quái gở hiện nay tại Việt Nam – những người như Nguyễn Thượng Long, khi đã nhận ra bộ mặt thật ghê tởm và tội ác kinh rợn cuả nó, cần can đảm đứng lên vạch mặt chỉ tên – như Tô Hải, như Trần Mạnh Hảo, như Cù Huy Hà Vũ …đã làm.

“Tìm mãi yêu thương” ở đâu?

Yêu thương chỉ có khi chấm dứt hận thù. Muốn chấm dứt hận thù, cần tiêu diệt nguyên nhân gây nên hận thù.

Miền đất trải dài từ Xi-bê-ri ở Bắc Á đến dọc sông Danube ở Đông Âu đã ngập chìm trong hận thù, máu và nước mắt suốt hơn nửa thế kỷ dưới sự thống trị của cộng sản. Sau khi Đế quốc Gian ác này (Evil Empire, theo cách gọi của Tổng thống Reagan) sụp đổ, hận thù đã chấm dứt, yêu thương đã nở hoa, tuy một vài nơi còn chém giết một thời gian do hậu quả của quá khứ hung ác.

Trong hoàn cảnh đen tối của Việt Nam ngày nay, yêu thương không thể đến bằng cách đi tìm trong hoài niệm. Yêu thương chỉ có thể đến do hành động, do cách mạng, do lòng dũng cảm và sự hy sinh.

Tất cả những thảm kịch tại Việt Nam ngày nay đều do một nguyên nhân mà Ông Nguyễn Thượng Long đã giả vờ như không biết để đặt câu hỏi: “Thử hỏi trong lịch sử dân tộc, có giai đoạn nào, có thời kỳ nào và vì ai mà nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì chia rẽ, vì ngờ vực lẫn nhau lại dai dẳng, bi thương, sâu sắc & nghiêm trọng đến như vậy! Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao? Ai là người có lỗi trước tiền nhân? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây?” Ai phải chịu trách nhiệm và ai có thể chấm dứt đêm đen để đem bình minh đến với dân tộc Việt Nam?
Bình minh ấy của dân tộc không thể đến theo kiểu “xin-cho” từ những kẻ đã đưa nước Việt Nam vào đêm đen ngày nay (mà ông Nguyễn Thượng Long gọi là các “Đấng chăn dân”), và tuy vận mệnh đất nước Việt Nam nằm trong tay người dân trong nước, nhưng không phải những kẻ chiến bại ngày 30.4.1975 hiện đang sống ở hải ngoại đã hoàn toàn bị loại ra khỏi cuộc đấu tranh cho tự do tại Việt Nam khi họ đang nắm trong tay nhiều loại vũ khí: lòng yêu nước, tài năng, tiền bạc, chất xám. Quan trọng nhất là chất xám cộng với lòng yêu nước Việt Nam.

Trong trào lưu dân chủ đang dâng cao trên toàn thế giới ngày nay, Việt Nam sớm muộn cũng phải vùng lên, đứng dậy. Nhưng đứng dậy để đi theo con đường nào?

Mới đây, “Nhóm Nghiên Cứu Khoa Học Chính Trị cho Dân Chủ Việt Nam và Á Châu (The Vietnamese-American Political Study Group in USA for Democracy of Việt Nam and Asia) do Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn hướng dẫn vừa hoàn thành một tập nghiên cứu tựa đề “Ý Thức Cách Mạng Dân Chủ Đáy Tầng tại Việt Nam, Hoa Lục và Á Châu”, đặt nền tảng lý thuyết cho một cuộc cách mạng dân chủ thực sự tại Việt Nam và một số nước trong vùng Á Châu còn sống dưới các thể chế độc tài, và đã được chuyển cho những chiến sĩ dân chủ ở trong nước.

Đây là một cẩm nang với những khám phá mới và chỉ hướng cần thiết cho giới lãnh đạo tương lai tại Việt Nam và Á Châu, đặc biệt là Hoa Lục và các nước chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, nơi những chế độ độc tài lạc hậu phản tiến hoá “đã hiện diện trên dòng sinh mệnh của con người và dòng sử mệnh của Đông phương từ hơn 2,000 năm qua”, như tập nghiên cứu nhận định.

Chế độ cộng sản giả hiệu ngày nay tại Việt Nam và lục địa Trung Hoa chỉ là biến thể của những chế độ quân chủ chuyên chế thời Hán-Đường-Tống-Nguyên-Minh-Thanh với giới nho quan hủ bại, tham ô, độc đoán, “chăn dân” như chăn bầy cừu, mà người dân chỉ biết cúi đầu câm nín trong tủi nhục, uất nghẹn, van xin. Tâm lý này còn kéo dài cho đến ngày nay trên đất nước Việt Nam trước trào lưu dân chủ đang dâng cao trên toàn thế giới, và gián tiếp trả lời cho câu hỏi: “Tại sao cha đẻ của Cộng sản Việt Nam là Cộng sản Liên Sô sụp đổ đã 20 năm mà Cộng sản Việt Nam vẫn chưa chết?”

Đây không còn là lúc để “hoài niệm”, “xin-cho”, hay nói quanh co, tránh né.

Đây là lúc mọi người dân Việt Nam cần thoát ra khỏi não trạng sợ hãi (yếu tố giúp cho bạo quyền tồn tại), dõng dạc đứng lên đòi lại quyền làm người, làm chủ đất nước của mình, làm chủ cuộc sống của mình. Như Patrick Henry, nhà cách mạng ái quốc Hoa Kỳ, đã hiên ngang nói: “Give me liberty or give me death.”

Ngày nào dân Viêt Nam cùng nhau đứng lên và nói lớn như vậy, ngày ấy Việt Nam sẽ có Tự Do và có Yêu Thương.

Sơn Tùng
Tháng 4 Năm 2011

--------------------------------

HOÀI NIỆM 30 -4 : TÌM MÃI YÊU THƯƠNG    -  Nguyễn Thượng Long   -  22-4-2011

Hoài niệm 30 – 4: Tìm mãi yêu thương   -   Nguyễn Thượng Long   -   Thứ Sáu, 22/04/2011

.
.
.

No comments: