24.05.2011
Trong hai tuần lễ đầu tháng Năm vừa rồi, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc liên tiếp viết ba bài về bài thơ “Con cóc”. Ông viết vì bài thơ này đã trở thành nỗi ám ảnh của ông:
Tôi vẫn đọc thơ nhưng hầu như bài thơ nào đang đọc dở dang cũng đều bị cắt ngang bởi một bài thơ rất vô duyên: thơ “Con cóc”. Từ đâu đó, tận trong tiềm thức, bài thơ “Con cóc” nhảy chồm ra, giành giật, chen lấn, xô đẩy, cuối cùng, thật oái oăm, bao giờ nó cũng thắng thế.
Một buổi trưa không biết ở thời nào Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao… Con cóc trong hang Con cóc nhảy ra…
Cứ thế. Có thể nói, suốt mấy năm nay, cơ hồ tôi không đọc trọn vẹn một bài thơ nào ngoài bài thơ “Con cóc”. Bận bịu quá, quên đi thì thôi, còn hễ nhớ đến thơ thì bao giờ cũng thế, bài thơ “Con cóc” lại hiện ra, sừng sững, án ngữ hết mọi nẻo đường, không cho bài thơ nào khác có được cái quyền được ngâm nga nữa.
Như để giải tỏa nỗi ám ảnh của mình, ông Nguyễn Hưng Quốc dựa vào văn học Đông Tây kim cổ để phân tích bài thơ dưới mọi khía cạnh, đi từ chỗ cho là bài thơ dở nhất, đến chỗ cho là bài thơ hay nhất, và tại sao nó hay nhất. Ông Quốc còn cho rằng: “Trong số những bài thơ khuyết danh tại Việt Nam, dễ không có bài thơ nào được nhiều người nhớ như bài thơ “Con cóc”. Ngay cả những người hoàn toàn hờ hững với thơ ca cũng thuộc lòng bài thơ ấy”.
Người viết bài này không thuộc loại “hoàn toàn hờ hững”, nhưng rất dở trong lãnh vực thơ ca. Tuy vậy, đúng như ông Quốc nói, cũng thuộc lòng bài thơ “Con Cóc”, không biết thuộc tự bao giờ. Có lẽ, khi được nghe lần đầu, đã thuộc ngay, vì nó dễ nhớ quá:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đấy
Con cóc ngồi đấy
Con cóc ngồi đấy
Con cóc nhảy đi
Con cóc nhảy đi
Không phải chỉ một mình ông Nguyễn Hưng Quốc bận tâm về bài thơ Con cóc. Loạt bài của ông khiến người viết nhớ tới cố giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu, từ trên nửa thế kỷ trước, cũng thắc mắc nhiều về bài thơ này.
Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu sinh năm 1916 tại Hà Đông, con nhà nghèo nhưng nổi tiếng học giỏi. Ông được học bổng du học bên Pháp. Trong số người du học thời ấy, phần đông theo ngành luật hay y học, chỉ có Nguyễn Thiệu Lâu và Ngô Đình Nhu học về lịch sử. Vào Sàigòn năm 1954, ông Nhu lo việc chính trị, ông Nguyễn Thiệu Lâu vẫn lo việc nghiên cứu lịch sử, địa dư, và dậy học. Nhưng ngày ông càng uống rượu nhiều, ăn nói bạt mạng, không ai dám mời ông dậy nữa. Ông Trần Chánh Thành hồi ấy là Bộ Trưởng Thông Tin, đã giúp đỡ bằng cách mời ông làm chuyên viên, cho ông một văn phòng, ông muốn làm gì, viết gì cũng được. Nhờ đó, ông tối ngày uống bia, viết sẵn rất nhiều bài về lịch sử hoặc địa lý. Mỗi lần tôi tạt qua, ông đưa cho một đống bài, chọn bài nào thích thì đem về đăng báo.
Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu không có xe. Mỗi lần gặp, ông thường ngỏ ý muốn đi chỗ này chỗ kia cho khuây khỏa, hoặc chở ông ra quán uống rượu. Thường ông chỉ uống, không ăn. Không đủ tiền uống rượu mạnh, bia thì ông vẫn uống thay nước hàng ngày, quá nhạt. Ông nẩy ra sáng kiến pha bia với rượu đế. Hầu truyện ông, đôi khi cũng được nghe những ý kiến lạ. Ông tự xưng tao, gọi tôi là mày, tất cả những người khác đều là thằng. Có lần bỗng nhiên ông hỏi: “Mày biết thằng Lưu Bị không?” Trả lời: – Nếu là nhân vật Lưu Huyền Đức trong truyện Tam Quốc, thì biết. Ông bảo: – Chính nó! Cái thằng mất dậy, đạo đức giả. Hỏi tại sao, ông bảo: Thằng Lưu Bị thua trận, bỏ cả vợ con mà chạy. Triệu Tử Long liều mạng cứu được con nó, đem đến cho nó. Thay vì ôm con, quỳ xuống cám ơn họ Triệu đã cứu mạng con mình, nó vất thằng bé xuống đất, nói: “Chỉ vì cái thằng nhãi ranh này mà suýt nữa ta mất một vị tướng tài”. Đồ đểu! Đằng nào con nó cũng đã được cứu, thay vì mừng rỡ cám ơn ân nhân, nó mắng con, làm như không cần, chỉ có mạng tướng của nó mới đáng quý. Vừa khỏi phải mang ơn, vừa ra vẻ trọng người tài. Thằng mất dậy!
Uống xong, thường có mục đi dạo. Nhưng đi dạo với ông, đôi khi cũng căng thẳng. Một buổi tối, từ Chợ Cũ, ra đường Tự Do, đi ngược về hướng Nhà Thờ, đang trên lề đường trước tòa nhà Quốc Hội, ông dừng lại, đái ngay xuống đường. Nói ông đừng làm vậy, cảnh sát bắt thì phiền. Ông bảo: Cảnh sát của thằng Nhu, nếu nó muốn bắt tao thì cứ bắt, đó là việc của nó. Tao đái là việc của tao; việc ai người ấy làm.
Tới Nhà Thờ, quẹo trái về phía Dinh Độc Lập, vẫn vẻ suy nghĩ triền miên, ông nói: Tức quá, tao có một thắc mắc, nghĩ hoài mà không tìm được câu trả lời, mày có ý kiến gì không? – Chuyện gì vậy? – Đó là bài thơ Con cóc. Mày biết không? – Ai mà không biết. Rồi giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu nói rõ thắc mắc của mình:
Ngay đối với ca dao, thường không viết rõ tác giả, nhưng ít nhất, biết nó nói cái gì; có khi còn biết xuất xứ của nó từ miền nào, hay vào thời nào. “Con cóc” là một bài thơ, mà thơ thì phải có tác giả, trừ khi tác giả ẩn danh vì một lý do quan trọng nào đó. Đã không biết tác giả, còn không biết nó được làm vào thời nào, miền nào, và nhất là không biết nó định nói cái gì. Tao tìm hoài, nghĩ nát óc mà không ra, mày có ý kiến gì không?
Trước mặt là Dinh Độc Lập, vừa đi, tôi vừa trả lời bừa: Về nguồn gốc của nó, ông là nhà nghiên cứu, mà không biết, đương nhiên tôi chịu. Nhưng ý nghĩa của nó, tôi có thể đoán được, đúng hay sai không bảo đảm. Trước hết, về con cóc, nó phải chỉ một nhân vật quyền thế. Dân gian vẫn nói “con cóc là cậu ông trời”, trong khi nhà vua là thiên tử, tức con trời. Như vậy, cóc thuộc hàng cha chú của vua, hay ít nhất, cũng không thể kém quan trọng hơn vua. Cóc còn giống nhà cai trị ở chỗ, chỉ nghe tiếng nó, mà ít khi thấy nó – thời chưa có truyền hình. Nhưng mặt khác, dân gian cũng khinh thường cóc, nên bỉ thử ai, thì gọi người đó thuộc hạng “cóc nhái lên làm người”.
Thử tưởng tượng một cảnh có bốn nhà trí thức nho học, mỗi người một bồ chữ, nhưng khôn quá hóa hèn, ngồi uống rượu luận bàn thế sự. Rượu vào lời ra, ngao ngán trước nhân tình thế thái, nhất là về kẻ đang nắm trong tay quyền cai trị đất nước, một người phát ngôn: “Đúng là cóc nhái lên làm người”. Ông thứ hai: “Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra”. Nếu cóc từ trong hang nhảy ra, rồi nhảy đi, thì chẳng có gì đáng phàn nàn. Nhưng điều phiền là, theo ông thứ ba: “Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đấy”. Nó ngồi đấy để đớp mồi. Tuy vậy, ở đời, chẳng có cái gì vĩnh viễn. Con cóc không thể ngồi đấy mãi mãi. Đớp mồi no bụng, hay cảm thấy sợ hãi, cóc sẽ nhảy đi. Ông thứ tư kết luận, như một lời an ủi: “Con cóc ngồi đấy, con cóc nhảy đi”.
Nghe xong, giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu nói: Giải thích của mày có vẻ lạ, tao không thể nói đúng hay sai. Nhưng mày coi chừng! Có ngày đi tù đấy con ạ.
Truyện này xẩy ra vào năm 1958, chín năm trước khi giáo sư Lâu mất ở tuổi 51.
Lời cuối: Không phải chỉ có một con cóc, mà một đàn cóc tía (mầu đỏ thẫm) từ trong hang nhảy ra, chia nhau ngồi chỗ tốt nhất từ trung ương tới địa phương, từ thủ đô, tỉnh thành tới tận làng xã, ì-ộp ồn ào, ăn uống thoải mái, cái gì cũng ăn, từ đất cát cỏ cây đến cao lương mỹ vị, cả mỹ nhân, và tiền bạc quý kim…. Đàn cóc đã ngồi trên 60 năm, vẫn chưa chịu nhảy đi, ngay cả con chết, xác khô vẫn "ngồi" đó.
Cóc trong thơ là "cóc logic", có đến, có đi. Sự hiện hữu của đàn cóc thực tế là "cóc phản logic". Người thuộc bài thơ Con cóc, là cóc logic đã nằm sẵn trong tiềm thức. Khi đối diện với đàn cóc phản logic trong thực tại, bị cóc logic trong tiềm thức nhảy ra quấy rầy, như quấy rầy đầu óc nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, là điều dễ hiểu.
Những ai muốn đọc ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc về bài thơ Con cóc, xin theo các links sau đây:
.
.
.
No comments:
Post a Comment