Wednesday, May 4, 2011

LỪA NGỰA KÉO XE (Tạ Phong Tần)

Tạ Phong Tần
04/05/2011

Tiếc thay, có những con người được sinh ra làm người nhưng lại cam sống kiếp lừa ngựa kéo xe. Họ chỉ đọc, chỉ nghe, chỉ xem những cái gì “chủ” muốn cho biết thôi (dẫn tới chỉ làm những gì chủ muốn không cần biết phân biệt đúng sai), dù thế giới phẳng đang mở ra trước mắt nhưng họ vẫn tự mình bịt mắt chính mình chớ không muốn nhìn ra thế giới bên ngoài. Vì vậy, họ sống ở thế kỷ 21 nhưng vẫn tưởng rằng thế giới không thay đổi và họ vẫn cứ thích thể hiện quyền lực, thích chà đạp quyền con người của dân chúng và xem thường tính mạng người dân như thời cải cách ruộng đất. Cuộc đời họ chẳng khác nào bọn lừa, ngựa kéo xe!
------------------------------

Tuổi Trẻ ngày 14/04/2011 cho hay: Ngày 12/4/2011, anh Trần Thanh Chương (27 tuổi, ngụ khu phố 5, phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) bị trung sĩ Nguyễn Hoài Tân (22 tuổi, công tác tại Công an phường Long Bình) dùng súng K54 bắn trọng thương. “Trên người anh Chương có bốn vết thương: một ở vùng bụng trên rốn, một ở cẳng chân trái và hai vết thương ở cẳng tay trái”. “Trung sĩ Tân cho biết có xảy ra xô xát khi anh cùng đồng đội yêu cầu giải tán một nhóm thanh niên tụ tập”. “Bị tấn công, tôi đã rút súng K54 bắn chỉ thiên nhưng bị kháng cự tiếp nên tôi bắn tiếp ba viên nữa vào một người của nhóm thanh niên này. Nổ súng xong, tôi bị một nhóm người tấn công phải nhập viện”.
Theo hồ sơ bệnh án, anh Chương nhập viện lúc 21g50 ngày 12/4/2011, tức là khi anh Chương và nhóm bạn ngồi chơi gần trường THCS Long Bình chưa phải là đêm hôm khuya khoắt, không có hành vi vi phạm pháp luật, nên nhóm của trung sĩ Tân (3 người) không có lý do và không có quyền gì cấm nhóm anh Chương ngồi chổ đó. 4 vết thương trên người anh Chương là hậu quả của 4 phát đạn, là câu trả lời bằng thực tế hùng hồn chứng minh rằng trung sĩ Tân đã nói dối, và không hề có phát đạn chỉ thiên nào hết. Hậu quả đau lòng đã không xảy ra nếu trung sĩ Tân không cố tình lạm dụng quyền lực nhà nước để làm một việc trái pháp luật là xâm phạm quyền tự do cá nhân và xem thường tính mạng người dân.

Cũng ngày 12/4/2011, vì không đội nón bảo hiểm khi đi xe máy mà anh Dương Hải Phong (24 tuổi, trú ngụ tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Sài Gòn) bị công an và dân phòng phường Phú Thọ Hòa chận xe. Một dân phòng đã đấm vào mặt anh Phong nhưng anh Phong né nên trúng vào đầu cháu trai 2 tuổi (Huỳnh Nhật Tân) con anh Phong.

Trước đó, ngày 30/3/2011, ông Trần Văn Dữ (ngụ Ngã Năm, Sóc Trăng) bị Phó Công an thị trấn Ngã Năm là Thượng úy Võ Văn Út Đèo, Phó công an thị trấn và hai công an Trần Văn Khải và Danh Nhãn bắt về trụ sở và đánh chết, đến ngày 10/4/2011 tin này mới bị xì ra báo chí. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Ngã Năm cho biết: “Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ông Dữ bị vỡ gan và lách gây tụ máu bầm trong ổ bụng dẫn đến tử vong. Ngoài ra, ông Dữ còn bị thương nặng ở phía sau đầu.”

Thống kê trên báo chí Việt Nam cho thấy từ giữa năm 2007 đến năm 2010 có hơn 20 người dân vô tội đã chết tức tưởi vì bạo lực trái phép từ tay công an.

Riêng trong tháng 3/2011 đã có 3 người dân bị chết trong trụ sở công an sau khi họ bị bắt vì những lý do rất vu vơ là Nguyễn Lập Phương (Hải Phòng), Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội) và Đặng Ngọc Trung (Bình Phước).

Lừa

Luật sư Lê Quốc Quân, người bị công an Việt Nam bắt giam ngày 4/4/2011 khi ông đang đứng trên đường phố đối diện với Tòa án “để theo dõi phiên tòa xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” cho biết lý do công an bắt ông đơn giản chỉ vì “Thằng này là thằng Quân, bắt nó”. 9 giờ tối ngày 13/4/2011 ông được “hủy bỏ biện pháp tạm giam” cho thấy cái kế hoạch gán cho ông Quân tội “gây rối trật tự công cộng” để khởi tố vụ án, bắt và tạm giam (tôi nhấn mạnh từ “khởi tố”, nếu không khởi tố vụ án và khởi tố bị can thì không có quyền ra lệnh tạm giam đâu nhé) đã được nhà cầm quyền Việt Nam dàn dựng sẳn nhằm lợi dụng công cụ pháp luật bắt bớ (trái pháp luật) người vô tội để trấn áp, trả thù.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn (cùng bị bắt và trả tự do cùng ngày với luật sư Quân) thì nói: “Những quyết định (bắt giữ) đó là những quyết định rất là trái phép, rất là vô lý và ngang ngược, cho nên những biên bản đó không xứng đáng có được chữ ký của tôi”. Nếu không nhờ áp lực dư luận và sự phẫn nộ dâng cao của người dân trong và ngoài nước thì có khi người Việt lại được xem màn kịch thô kệch “xử Cù Huy Hà Vũ” thứ 2, thứ 3.

Bạo lực trái phép lan tràn, lực lượng công an được “lưu manh hóa công khai” để bảo vệ chế độ bằng những thủ đoạn lưu manh. Những vụ án đau lòng kể trên mà trong đó nạn nhân của bạo lực trái phép là người dân vô tội liên tiếp xảy ra làm cho tôi nhớ đến thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1954. Khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam (là các đội cải cách) tha hồ muốn bắt bớ, đánh đập, giết chóc ai cũng được, thậm chí người ta phải cố tình dựng chuyện vu oan cho người khác để đủ chỉ tiêu “địa chủ”, chẳng khác nào nhà đòn ra chỉ tiêu trong năm phải mai táng được bao nhiêu vụ vậy.

Tôi đi lễ nhà thờ, thường gặp những người lạ (tôi không biết họ là ai) nhưng nhiệt tình chào hỏi tôi một cách “quyết liệt” vì họ “biết và thấy hình chị trên mạng”. Ngược lại, những công an phường như Thiếu úy Nguyễn Trường Thành (CAP8 Q3) chưa bao giờ lên mạng đọc cái gì, nghe trong đơn vị kháo nhau tên tôi mà chưa hề biết cái bản mặt tôi tròn méo ra làm sao, nên khi nghe tin tôi đang bị nhốt trong công an phường anh ta vội vàng chạy tới “xem mặt”. Nếu Thiếu úy Nguyễn Trường Thành chịu khó lên mạng đọc để mở rộng tầm mắt thì anh ta không cần phải leo lên tận lầu trên để xem mặt tôi.

Xe ngựa

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện lừa và ngựa kéo xe. Khác với hình ảnh đẹp đẽ, tung vó bay bỗng trong các bức tranh hay những pho tượng điêu khắc tuyệt mỹ, ngoài đời thực bọn lừa, ngựa kéo xe ngoài việc bị đóng yên cương, càng xe vào người còn bị người đánh xe dùng hai miếng da màu đen to hơn bàn tay che hai bên mắt ngựa lại từ lúc bắt đầu đi cho đến lúc trở về chuồng. Bọn chúng chỉ có thể nhìn thấy con đường phải đi phía trước, không nhìn thấy cảnh vật hai bên, cũng không thể nhìn lại phía sau. Người chủ làm thế để lừa, ngựa phải một đường mà đi theo ý chủ, bất kể bọn nó có muốn hay không nó cũng phải tuân theo, đơn giản vì chúng nó chỉ là lừa và ngựa nên không có khả năng phản kháng lại con người. Con lừa thì cứ bước tới rướn ăn bó lúa mạch treo phía trước cổ xe nhưng nó bước hoài mà không tới, chẳng qua người chủ treo để dụ nó bước tới thôi. Còn con ngựa chỉ được ăn nắm cỏ người chủ đưa cho nó, bản thân nó không thể ăn thứ gì khác xung quanh vì nó bị trói buộc, bịt mắt.

Tiếc thay, có những con người được sinh ra làm người nhưng lại cam sống kiếp lừa ngựa kéo xe. Họ chỉ đọc, chỉ nghe, chỉ xem những cái gì “chủ” muốn cho biết thôi (dẫn tới chỉ làm những gì chủ muốn không cần biết phân biệt đúng sai), dù thế giới phẳng đang mở ra trước mắt nhưng họ vẫn tự mình bịt mắt chính mình chớ không muốn nhìn ra thế giới bên ngoài. Vì vậy, họ sống ở thế kỷ 21 nhưng vẫn tưởng rằng thế giới không thay đổi và họ vẫn cứ thích thể hiện quyền lực, thích chà đạp quyền con người của dân chúng và xem thường tính mạng người dân như thời cải cách ruộng đất. Cuộc đời họ chẳng khác nào bọn lừa, ngựa kéo xe!

Tạ Phong Tần
.
.
.

No comments: