Wednesday, May 25, 2011

LẠI CHUYỆN HÒA BÌNH GIỮA ISRAEL & PALESTINE (Nguyễn Văn Khanh)

Nguyễn Văn Khanh
Wednesday, May 25, 2011

LTS. Hôm Thứ Năm, 19 Tháng Năm, trong bài diễn văn về tình hình Trung Ðông, Tổng Thống Barack Obama, giống như các vị tiền nhiệm, lại một lần nữa đề cập đến hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng có phần cứng rắn hơn, nhất là khi ông đề nghị biên giới của hai nước phải được lập lại như hồi năm 1967. Sự kiện này được báo giới chú ý và làm Israel phản ứng dữ dội. Liệu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thành công lần này trong việc đem lại hòa bình cho Trung Ðông hay không?

-----------------------------------

Khi Thủ Tướng Benjamin Netanyahu bước vào đại sảnh của Hạ Viện Hoa Kỳ, chiếc đồng hồ trên tường chỉ đúng 11 giờ 15 phút. Ðây là lần thứ nhì ông có mặt trong căn phòng này để đọc bài diễn văn trước các vị dân cử Hạ và Thượng Viện Liên Bang Mỹ.

Cũng tựa như lần trước diễn ra hồi 1996, bài nói chuyện của ông sẽ rất dài, trong đó ông khẳng định quyết tâm xây dựng hòa bình mà chính phủ cực hữu do ông lãnh đạo sẵn sàng thể hiện, nhưng không chấp nhận những thua thiệt hay điều kiện gây ảnh hưởng bất lợi cho nền an ninh quốc gia.

Ông bắt tay với Phó Tổng Thống Joe Biden, nở nụ cười tươi hơn khi đưa tay chào ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner - người mời ông nói chuyện trước lưỡng viện Quốc Hội, trước khi quay người đưa mắt nhìn các vị dân cử của cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang đứng vỗ tay nồng nhiệt chào đón mình.

Trong số những người hiện diện, một số khá đông khi ra tranh cử được sự ủng hộ tối đa của cộng đồng người Israel và trong suốt nhiều năm trời họ hết lòng ủng hộ các chính quyền nước ông. Bằng chứng rõ rệt nhất là ngay ở đại hội của Ủy Ban Người Mỹ gốc Israel mới tổ chức hôm Chủ Nhật vừa rồi tại thủ đô Washington DC, chính Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Khối Ða Số Thượng Viện Harry Reid đã bảo “không có một áp lực nào có thể gây cản trở cho mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 dân tộc và 2 quốc gia.” Ðiều đó được hiểu là lời cam kết của Quốc Hội Mỹ với nước ông và cũng là niềm tin mà ông sẽ mang theo về Jerusalem ngay buổi chiều cùng ngày.

Tất cả mọi người không ngạc nhiên khi thấy ông dùng những lời lẽ khá đanh thép trong bài diễn văn kéo dài gần nửa giờ đồng hồ. Ít nhất 20 lần các vị dân cử Cộng Hòa và Dân Chủ đứng lên vỗ tay hoan hô, ủng hộ những điểm quan trọng ông đưa ra.

Ông nói rõ mục tiêu hòa bình chính là mục tiêu người dân Israel đã trông chờ trong nhiều thập niên qua, nhắc lại những nỗ lực mà hai quốc gia đã cùng thể hiện trải qua bao nhiêu đời tổng thống của Hoa Kỳ. Ông cho biết sẵn sàng lùi những khu vực định cư vào trong lãnh thổ của Israel, nhưng không chấp nhận đàm phán trên căn bản phải trả lại tất cả những phần đất mà Israel đã chiếm đóng của người Palestine sau cuộc chiến 6 ngày hồi 1967, nhấn mạnh “biên giới (của Israel và Palestine) sẽ không giống như biên giới đã có (trước ngày cuộc chiến diễn ra). Israel chúng tôi sẽ giữ nguyên những phần đất chúng tôi đang bảo vệ.” Ông cũng khẳng định không thể chia đôi Jerusalem, nói rõ thánh địa này là “thủ đô không thể phân chia của quốc gia Israel.”

Ðối với Palestine, ông đặt ra một số điều kiện trước khi hai bên có thể bắt tay nhau đi tìm hòa bình. Ðiều kiện thứ nhất là ngày nào chính phủ của Chủ Tịch Mahmud Abbas còn hợp tác làm việc chung với khủng bố Hồi Giáo Hamas, ngày đó ông sẽ không trở lại bàn hội nghị, đồng thời cho biết trở ngại lớn nhất vẫn là phía bên kia “không công nhận sự hiện hữu của quốc gia Israel và dân tộc Israel.”

Ông không quên kêu gọi thế giới đừng ủng hộ đề nghị lập quốc mà chính quyền Palestine sẽ yêu cầu Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc thảo luận vào Tháng Chín tới đây, cho rằng mấu chốt của vấn đề “là thương thuyết” để 2 quốc gia có thể sống hòa bình ngay bên cạnh nhau. Nhưng ông bảo thêm “ngay ngày hôm nay chúng tôi đã sẵn sàng để ngồi xuống đàm phán hòa bình với chính quyền Palestine. Tôi tin tưởng chúng ta có thể tạo dựng một tương lai hòa bình thật tươi sáng cho con cháu chúng ta. Nhưng Israel sẽ không thảo luận với một chính quyền Palestine được hỗ trợ bởi những kẻ khủng bố.”

Tất cả những điều ông trình bày và sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc Hội Mỹ cho thấy lập trường của ông và của Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ rất giống nhau, nhưng hầu như hoàn toàn khác với những gì Tổng Thống Barack Obama muốn đồng minh Israel làm để đem lại hòa bình.

Trước và sau khi Thủ Tướng Netanyahu đọc bài diễn văn, tất cả các quan sát viên chính trị ở Washington và Jerusalem đều biết mục đích của bài nói chuyện nhắm vào điểm trấn an dân chúng Israel là chính phủ do ông lãnh đạo không nhượng bộ áp lực đến từ phía Hoa Kỳ. Hầu hết mọi người đều tin ông đã thành công ở điểm này, nhưng đồng thời cũng đào thêm hố sâu cách biệt giữa ông và chính quyền Obama.

Ðiều này được thể hiện rõ từ trưa Thứ Năm tuần trước, ngay sau khi Tổng Thống Obama vừa kết thúc bài diễn văn trình bày chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Ðông và kế hoạch xây dựng hòa bình cho Israel-Palestine. Phản ứng đầu tiên là bản thông cáo do văn phòng ông Netanyahu phổ biến, vỏn vẹn chỉ có mấy câu như sau: “Tôi chia sẻ ước mong muốn xây dựng hòa bình của tổng thống Hoa Kỳ và ca ngợi những nỗ lực ông đã làm cũng như đang làm để đạt được mục tiêu đó.” Thông cáo này mang ý nghĩa: những gì Hoa Kỳ muốn làm là chuyện của Hoa Kỳ, những gì người dân Israel muốn làm mới là điểm quyết định, không nhất thiết phải chia sẻ đúng với quan điểm của Washington.

Bài diễn văn kết thúc, ông đưa tay chào mọi người trước khi lên xe ra phi trường về lại Jerusalem. Một số vị dân cử không bỏ lỡ cơ hội níu kéo ông lại để chụp hình chung. Sự nồng nhiệt của họ khiến ông thêm tin tưởng, nhớ lại những gì mà ông từng nghe nói từ ngày mới bước vào sinh hoạt chính trường: Tổng thống thì vài năm sẽ thay đổi một lần, chỉ có Quốc Hội mới tồn tại vĩnh viễn. Ông biết không có Tổng Thống Hoa Kỳ đứng bên cạnh, nhưng rõ ràng ông có Quốc Hội đứng sau lưng.

Ðoàn xe chở thủ tướng Israel chưa đến sân bay, văn phòng đại diện Palestine ở Liên Hiệp Quốc đã cho phổ biến bản thông cáo, trong đó có đoạn viết nguyên văn như sau: “Không có gì mới trong bài diễn văn ông Netanyahu đọc, mà chỉ có thêm những trở ngại trước mặt cho tiến trình xây dựng hòa bình... Hòa bình chỉ thật sự đến với điều kiện Israel phải trả lại tất cả những vùng đất đã chiếm hồi 1967 và phía Ðông Jerusalem sẽ là thủ đô của dân tộc Palestine.”

-----------------


.
.
.

No comments: