Friday, May 20, 2011

ĐIỀU THẮC MẮC CỦA CẬU CON TRAI TÔI (Kami)



Kami
Fri, 05/20/2011 - 10:42

Tối qua (19/5), đã khuya lắm khi tôi đang ngồi làm việc trước màn hình máy computer trong phòng của mình, thì bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tôi đứng dậy mở cửa thì thấy cậu con trai đang đứng với vẻ tần ngần. Đoán chắc cậu bé có việc gì muốn trao đổi với bố, tôi cất giọng bảo con trai vào trong phòng, rồi kéo ghế bảo con ngồi xuống và hỏi có chuyện gì?
Cậu con trai nhìn tôi và hỏi:
- Bố có nhớ hôm nay là ngày gì không?
Nghe con trai hỏi, tôi giật mình chợt nghĩ hay là ngày sinh nhật ai đó trong gia đình mà mình quên, xong nghĩ mãi cũng không phải. Tôi liền hỏi lại:
- Ngày gì hả con?
Cậu con trai bảo:
- Ngày sinh nhật Bác Hồ, bố không nhớ à?
Nghe con hỏi tôi cũng lấy làm lạ, thắc mắc sao tự nhiên cậu con trai lại quan tâm tới ngày sinh của cụ Hồ? Nghĩ vậy, nhưng tôi đoán chắc là ở trường của cháu họ tổ có chức kỷ niệm nhân dịp ngày sinh của cụ Hồ, chắc cu cậu có điều gì thắc mắc. Tôi liền hỏi:
- Ừ, đúng rồi, bố quên mất, thế con có chuyện gì liên quan đến ngày sinh nhật Bác Hồ không con?
Nét mặt cậu con trai tôi khi ấy rất nghiêm chỉnh, nó nhìn tôi không chớp mắt và nói:
- Con có chuyện không liên quan trực tiếp tới Bác Hồ, nhưng liên quan tới Cụ thân sinh ra Bác Hồ, là Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Con muốn hỏi bố, vì chẳng dám hỏi ai?
Tôi thầm nghĩ, thằng con trai mình có lẽ bị "hâm", vì ở tuổi chúng nó bây giờ chỉ lo chơi game hay đàn đúm với lũ bạn bè cùng lứa tuỏi. Sao nó lại mất thì giờ với mấy cái chuyện vớ vẩn như thế. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn sẵn sàng trả lời những câu hỏi mà con trai tôi quan tâm.
Cậu con trai vừa xích ghế vào gần máy computer, vừa bảo:
- Bố cho con dùng máy computer của bố một chút, con muốn bố xem những cái này.
Miệng vừa nói, tay nó thoăn thoắt sử dụng công cụ tìm kiếm Google, lấy ra 3-4 trang tài liệu. Xong xuôi nó nói với tôi, đây bố xem đi, rồi con sẽ hỏi bố cụ thể?

Xin trích ra đây những điều, mà con trai tôi yêu cầu tôi đọc:

1. Theo Nguyễn Sinh Sắc – Wikipedia tiếng Việt , thì trong phần Gia đình và sự nghiệp ông Nguyễn Sinh Sắc có ghi (trích):
"Năm 1901, ông đỗ Phó bảng. Sau khi đỗ Phó bảng, ông chỉ ra làm quan một thời gian ngắn rồi bị cách chức vì tội đã đánh 100 roi một người có quyền thế, và sau đó người đó đã chết.[4]"<.i>

"Sau khi đỗ phó bảng trong kỳ thi hội và thi đình năm 1901, ông làm thừa biện bộ Lễ từ 1902 đến 1909, rồi đi tri huyện Bình Khê (Bình Định) tháng 5 năm đó.Từ chức vụ thừa biện (thư ký) ở một bộ đi làm tri huyện (tương đương với quận trưởng thời VNCH hay chủ tịch huyện ngày nay) là thăng chức, chứ không phải xuống chức.(5)
Nguyễn Sinh Sắc bị sa thải chứ không phải bị cách chức.(6) Lý do sa thải cũng không phải vì “vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp“. Ông bị sa thải vì ông đã hành xử tàn bạo với dân chúng. Trong một cơn say rượu, Nguyễn Sinh Sắc đã dùng roi mây trừng phạt và đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Dù tri huyện Nguyễn Sinh Sắc đã chối cãi rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải.(7) Có tài liệu nói rằng chính nhờ ông Cao Xuân Dục (1842-1923), một thượng thư trong triều che chở, nên Nguyễn Sinh Sắc chỉ bị mất chức mà không bị phạt đánh trượng.(8) Cao Xuân Dục là người Nghệ An, cùng tỉnh với Nguyễn Sinh Sắc."

"Sau khi đỗ phó bảng trong kỳ thi hội và thi đình năm 1901, ông làm thừa biện bộ Lễ từ 1902 đến 1909, rồi đi tri huyện Bình Khê (Bình Định) tháng 5 năm đó. Từ chức vụ thừa biện (thư ký) ở một bộ đi làm tri huyện (tương đương với quận trưởng thời VNCH hay chủ tịch huyện ngày nay) là thăng chức, chứ không phải xuống chức.(5) Nguyễn Sinh Sắc bị sa thải chứ không phải bị cách chức.(6) Lý do sa thải cũng không phải vì "vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp". Ông bị sa thải vì ông đã hành xử tàn bạo với dân chúng. Trong một cơn say rượu, Nguyễn Sinh Sắc đã dùng roi mây trừng phạt và đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Dù tri huyện Nguyễn Sinh Sắc đã chối cãi rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải.(7)"

4. Theo ông Hồ Sĩ Sênh (bút hiệu Trường Lam, hội viên Hội Văn nghệ Nghệ An), một người cháu mà theo gia phả họ Hồ, gọi cụ Hồ bằng bác. Trong bài viết Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết (trích) :
"Cuộc đời làm quan và phiêu bạt của ông Sắc tính từ đây. Năm 1907, ông Sắc được bổ Tri huyện Bình Khê và chỉ bốn năm sau đã vướng vào trọng tội… Bữa đó, ông Sắc đang ngồi tự lự, mượn chén rượu giải sầu, lòng tràn nỗi niềm thương cảm đối với vợ con. Ông tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo khổ, mái tranh, vách đất, chẳng chút tài sản nào dư dả để nuôi con… Bỗng có lính bẩm báo:
“Thưa quan, mấy gã chống thuế hôm qua lại đến.”
Ông lập tức truyền cả bọn vào và giữa lúc ngà ngà say, ông bảo:
“Bọn bây phải biết rằng, chỉ có vua mới miễn được thuế. Còn ta chỉ có đồng lương ít ỏi phải bù cho số thuế thiếu kia. Ta đã cho người dò la kỹ rồi: Nhà tụi bây còn giàu hơn cả quan đây. Làm ruộng thì phải đóng thuế, chống lại là cớ làm sao?”
Cả đám lập tức nhao nhao nói hỗn, chửi bới, chỉ trích quan tham nhũng, ông Sắc nổi cáu, truyền:
“Lôi ra ngoài đánh bọn chúng cho ta.”
Bọn lính lôi cả đám ra ngoài đánh đập thỏa sức. Bất đồ một người trong bọn trúng chỗ hiểm, lăn ra chết… Lệnh ông ban quên không hạn chế mấy roi, nên bọn lính đã quá tay. Triều đình triệu ông về Kinh chịu tội. Vua phê: “Trảm!”. May nhờ có các ông Thượng thư họ Hồ, họ Cao và Đào Tấn cùng rập đầu xin vua tha chết. Cả ba ông đều tâu vua: “Nguyễn Sinh Huy làm quan thanh liêm, xử án công minh, bốc thuốc chữa bệnh người rất tận tâm… Việc xảy ra chỉ là do sơ suất và bọn lính đã quá tay…”
Vua cũng biết Nguyễn Sinh Huy là quan thanh liêm, không hề có tư túi gì, nên sau một lúc suy nghĩ đành giảm xuống “Trảm giam hậu!” (giam chờ chém sau) và phạt đánh 100 roi. May nhờ có Thượng thư Bộ binh Đào Tấn lo lót cho bọn lính nên được nhẹ đòn và ông Huy thoát chết. “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Nhân buổi lộn xộn chưa quyết, nhờ có người ngầm giúp, ông Huy chuồn thẳng! Các cụ già quê tôi, người thì bảo ông cải trang làm phu xe theo đoàn khách thương chở hàng vô Nam, kẻ lại bảo ông xuống một thuyền buôn dông thẳng vào Gia Định. Mỗi người một phách, nhưng cũng chẳng sao. Điều cơ bản là ông Huy đã thoát khỏi cái lưỡi dao thái thịt người đang lơ lửng trên đầu và có thể hạ xuống bất ký lúc nào… "
Thật sự đọc xong các tư liệu của cậu con trai cho xem tôi hoàn toàn bị sốc, bị sốc do không phải vì những thông tin cũ này, mà tôi đã biết từ lâu. Mà sốc vì cậu con trai tôi, mới 17 tuổi đời, với nó tôi vẫn luôn luôn nghĩ nó còn rất trẻ con và trong trắng. Vậy mà không biết nghe ai xui, ai khiến mà nó lại tìm đọc các tài liệu "phản" động như thế. Tuy vậy, tôi vẫn tỏ ra rất bình tĩnh coi như không có chuyện gì xảy ra, và hỏi con trai tôi:
- Những tài liệu con vừa cho bố xem, nó có ý nghĩa và mục đích gì đối với con?
Cậu con trai tôi trả lời ngay:
- Con và bạn bè đọc trên mạng, được biết hiện giờ ở Việt nam có tình trạng các chú Công an thường xuyên đánh người dân đến chết trong và ngoài trụ sở, như vụ anh Lê Minh Khương ở Bắc Giang, ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà nội v,v... và gần đây nhất là cái chết trong trụ sở công an của anh Nguyễn Công Nhựt công ty Kumho ở Bình dương.
Tôi hỏi ngay:
- Thế theo con và các bạn thì những chuyện kể trên, thời bây giờ thì liên quan gì đến cụ Phó bảng Nguyễn sinh Sắc?
Thật không ngờ, khi cậu con trai tôi trả lời thẳng thừng:
- Thì chuyện bây giờ, khác gì chuyện cụ Phó bảng đánh chết dân lành ngày xưa hả bố? Nhà nước ta luôn vận động nhân dân sống và làm việc theo đạo đức của Bác Hồ. Người Việt nam có câu "Cha nào, con ấy", "Hổ phụ sinh Hổ tử". Cụ Nguyễn Sinh Sắc làm quan, nhưng là một kẻ phạm trọng tội, uống rượu say trong lúc làm việc, ngộ sát dân lành trong lúc làm quan rồi bỏ trốn, vậy mà bây giờ được tôn vinh, xây Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh để tưởng nhớ. Như vậy khác nào khuyến khích hành động giết dân lành? Không có nhẽ nhà nước cần phải lưu ý để mọi người, nhất là mấy chú công an noi theo gướng Bác Hồ chứ đừng noi theo gương cụ Phó bảng Nguyễn sinh Sắc là cha của Bác Hồ ? Không như vậy thì dân còn chết nữa, tại sao lại có chuyện phi lý như thế hả bố?
Nghe con trai tôi nói vậy, tôi vã hết mồ hôi vì thấy con trai tôi, mới 17 tuổi mà nó ăn nói "phản động" quá. Tôi nghiêm giọng bảo cậu ta:
- Đây là chuyện của người lớn, bọn con còn trẻ thì phải lo học hành, thi cử, khi nào rỗi bố sẽ nói chuyện với con. Bây giờ khuya lắm rồi, đi ngủ để mai dậy sớm đi học.
Con trai tôi đứng dậy, ra đến cửa phòng nó còn ngoái lại trêu tôi "Đêm nay bác đừng không ngủ nhé" và nhe răng ra cười.

Nó đi rồi mà tôi ngồi chết lặng ngưới, không hiểu ai xui chúng nó mà bây giờ cái gì chúng nó cũng biết. Không có lẽ vì chúng ta để cho con cháu dùng internet tìm hiểu thông tin một cách tự do mà không có định hướng. Suốt đêm qua tôi không tài nào chợp mắt được vì lo cho tương lai thằng con trai của mình, chẳng nhẽ cũng vì "Cha nào, con ấy"? Ai, độc giả nào có cách gì thì làm ơn bảo giúp cho tôi, để kéo con trai tôi và bạn bè của nó thoát ra khỏi vòng "phản động", kể cả chuyện nó nói ra với tôi là hoàn toàn đúng và rất đáng để mọi người cùng suy nghĩ.

Qua điều thắc mắc nho nhỏ của cậu con trai tôi, thiết nghĩ trong việc tuyên truyền, giáo dục các tấm gương này khác của đảng và chính quyền ở Việt nam cũng cần phải cẩn trọng, biết gạn đục để khơi trong. Đừng có kiểu vì là bố của Cha già dân tộc, thì cái sai cũng thành cái tốt và luôn luôn đúng. Nhất là trong thời đại thông tin internet bùng nổ như hiện nay, không có cái gì có thể dấu diếm mãi được. Đừng để một sự bất tín với dân chúng rồi sau đó vạn sự sẽ trở nên bất tin mãi mãi .

Ngày 20/5/2011
—————————–
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
.
.
.

No comments: