Trịnh Hội
Thứ Ba, 24 tháng 5 2011
Đa số các bạn đã cho biết ý kiến là tôi nên đi sang Miến Điện (Burma, nay đã được đổi tên là Myanmar). Thế là tôi quyết định đi. Đi để biết thêm về đất nước này như một số bạn đã đề nghị. Tôi cũng muốn đi để có thể thấy tận mắt, nghe tận tai những gì người dân đang thật sự suy nghĩ, đang thật sự ngóng chờ ở tương lai.
Không như một số bạn cho rằng tôi không nên đi vì có thể tôi sẽ gặp nguy hiểm, tôi lại nghĩ nhà cầm quyền quân phiệt chắc là không “care” lắm về vấn đề này. Vì thật ra tôi chẳng là gì trong mắt họ. Nếu tôi là một nhà hoạt động người Miến ở ngoại quốc về, có thể tình hình sẽ khác. Còn đằng này tôi chỉ là một anh ngoại quốc đi du lịch kiểu tây ba lô, vô thưởng vô phạt, như hàng vạn người khác. Chắc chắn tôi sẽ không phải là một mối hiểm nguy cho chế độ. Chắc chắn là họ sẽ cho tôi vào.
Thế là tôi quyết định đi.
Và điều đầu tiên tôi làm là đi mua cho mình quyển “thánh kinh” Lonely Planet mới nhất nói về xứ sở này. Sách được xuất bản vào năm 2009 và không như những quyển sách khác nói về hàng trăm đất nước khác, đề tài đầu tiên và dài nhất mà tác giả đề cập đến là chúng ta có nên đi hay không?
À, thì ra cũng có nhiều người phải trăn trở với vấn đề này như tôi!
Cũng may là tôi đã quyết định đi trước khi mua quyển sách chứ nếu không, sau khi đọc xong những lời bình luận ra vào, có lẽ tôi đã quyết định không đi. Mặc dù cuối cùng theo sự phân tích của tác giả thì chúng ta nên đi. Nhưng với điều kiện là mọi người cần phải tuân thủ theo một số thủ tục, thông lệ như sau:
1. Tuyệt đối không bước chân đến những nơi sang trọng, ở khách sạn hạng sang vì đây là những nơi hoàn toàn do chính phủ đầu tư và kiểm soát. Tiền của mình sẽ bay sang túi của họ, không giúp được gì cho những người dân mà mình muốn giúp đỡ qua các dịch vụ du lịch.
2. Không đổi tiền qua các hệ thống ngân hàng chính thức của chính phủ. Nếu có thể nên dùng các dịch vụ đổi tiền tư nhân nhưng cần đề phòng bị ăn chặn, gian lận.
3. Hạn chế nói chuyện về chính trị với những người mà mình không biết rõ vì có thể mình sẽ gặp khó khăn hoặc tệ hơn là mang sự phiền phức đến với những người vừa mới nói chuyện với mình, dám nói xấu chế độ (cái này thì nghe hình như quen quen!).
4. Cuối cùng, nếu có thể, chúng ta nên dùng càng nhiều dịch vụ càng tốt. Đừng chú trọng và chỉ dùng một thương hiệu hoặc một công ty mà thôi để tránh tình trạng chỉ có một thành phần nhỏ trong xã hội hưởng được hết tất cả những lợi ích và tiền bạc mà kỹ nghệ du lịch mang lại.
Thì ra chỉ đi chơi thôi cũng lắm… công phu phải không bạn? Không như những nơi khác, đi để thư giãn, đi để cảm thấy đời nó tươi, vui và đẹp hơn – như ở ngay tại thành phố Bangkok này chẳng hạn – đối với Miến Điện, chưa bước ra khỏi nhà đã thấy mình phải suy nghĩ, đắn đo ngắn dài tự hỏi mình nên ở đâu, cần làm gì, nói gì… bởi vậy ít người muốn sang nước này cũng có lý do của nó!
Đấy là chưa kể đến việc phải làm đơn xin visa, trả lệ phí 30 đô và chờ đến 3 ngày sau mới biết kết quả.
Huh? Đến những 3 ngày à? Vé máy bay tôi đã mua trên mạng rồi. Hai ngày nữa phải khởi hành. Thế thì làm sao mà tôi có thể chờ đến những 3 ngày để lấy visa?
Có một điều tôi cần phải xác nhận ngay là cũng có thể vì tôi mang passport Úc từ nhỏ, đi đâu cũng dễ dàng và đối với hầu hết các nước trên thế giới tôi đều không cần phải xin visa trước nên không biết từ bao giờ tôi đã quen thói… ỷ lại, kiểu được nuông chiều quá mức nên luôn đặt câu hỏi là tại sao mình cần phải làm những thủ tục quá rườm rà như vậy?
Mặc dù tôi cũng biết đối với đại đa số mọi người, nhất là những người mang passport Việt Nam, thì đây lại là một chuyện quá ư là bình thường. Không phải xin visa trước khi đi mới là chuyện lạ. Chứ còn phải xin visa hoặc bị từ chối là chuyện dĩ nhiên!
Hôm tôi tự mò đến tòa đại sứ Miến Điện để xin visa thật tình mà nói tôi cũng không biết là mình cần phải làm gì để kịp đi hai ngày sau đó. Tôi chỉ mong là sẽ có đường khác. Hy vọng. Biết đâu hai năm sau từ ngày quyển sách được xuất bản đã có một vài thay đổi tích cực nhất định?
Mà đúng vậy. Bước vào phòng xin visa thấy chỉ có loe hoe một vài người đang ngồi đợi, tôi đi thẳng đến quầy làm đơn hỏi ngay:
Excuse me. Xin lỗi, ông vui lòng cho tôi biết làm sao tôi có thể xin visa ngay trong ngày hôm nay?
Đây, đơn này. Cứ điền vào.
Nhưng khi nào thì tôi lấy được?
Chiều nay.
Oh. Vậy sao? Bao nhiêu tiền vậy ông?
1500 bahts.
À. 50 đô. Thì ra là vậy. Tiền có thể không mua được tình. Nhưng chắc chắn nó có thể mua cho mình tí thời gian ngay trong lúc này. Cũng đáng để mua đấy chứ, phải không bạn?
Thế là chỉ trong vòng 10 phút tôi đã điền đơn xong và nộp lệ phí đầy đủ. Và ngay trong buổi chiều hôm đó tôi đã được cấp visa cho vào Miến Điện đúng 1 tháng. Cũng có thể đó là vì tôi đã nghe theo lời căn dặn của quyển guidebook không nên khai mình đang làm ký giả hay nhà báo. Chứ nếu không, nếu tôi khai thật là tôi viết blog trên đài VOA cho các bạn xem và đó mới thật sự là lý do tôi muốn đến Miến Điện, thì chưa chắc tôi đã được cấp visa ngay trong ngày.
Bởi vậy mới thấy đối với những đất nước độc tài, chậm phát triển, kém văn minh, chính cái thể chế, quyền lực áp đặt ấy buộc mọi người phải nói láo. Ngay cả khi họ không cần phải nói láo. Hay không muốn nói láo.
Nhưng mà thôi. Đấy lại là một đề tài khác. Bây giờ tôi cần phải đi mua cho mình một cái ba lô dã chiến để một lần nữa có dịp chu du thiên hạ.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment