Tuesday, May 3, 2011

HỌC VIÊN PHÁP LUÂN CÔNG Ở VIỆT NAM LÊN TIẾNG (Trà Mi, VOA)


Trà Mi-VOA | Washington DC
Thứ Ba, 03 tháng 5 2011

Dù không có luật cấm Pháp Luân Công tại Việt Nam, nhưng các học viên thực tập môn này trong nước thường tố cáo bị chính quyền sách nhiễu và đàn áp, dưới áp lực từ Trung Quốc, nơi coi đây là một tà giáo và chính thức cấm hoạt động. Trong vụ mới đây nhất, Việt Nam vừa truy tố 2 học viên Pháp Luân Công là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành vì đã phát thanh các chương trình radio nói về Pháp Luân Công vào Trung Quốc. Pháp Luân Công là gì? Tình hình sinh hoạt của môn này trong nước ra sao? Trà Mi mời các bạn cùng tìm hiểu qua cuộc trao đổi với 3 người trẻ đang thực tập Pháp Luân Công ở 3 miền đất nước.

Nguyên: Em tên Lê Anh Nguyên, sinh năm 79, hiện đang ở tỉnh Quảng Bình. Em đến với Pháp Luân Công từ năm 2005.

: Em là Nguyễn Anh Tú, 25 tuổi, ở Sài Gòn, bắt đầu tập Pháp Luân Công từ đầu năm 2006.

Trí: Tôi tên Trí, học viên Pháp Luân Công ở miền Bắc. Tôi theo học từ năm 2000.

Trà Mi: Với những người chưa được biết Pháp Luân Công là gì, các bạn sẽ giới thiệu với họ thế nào Pháp Luân Công?

Trí: Đây là một môn khí công từ Trung Quốc, có lợi ích rất tốt về sức khỏe. Gia đình tôi ai cũng tập cả. Khí công khác với các hình thức chữa bệnh khác ở chỗ mình không dùng thuốc mà dùng các biện pháp nâng cao thể chất và tinh thần qua các bài thiền hoặc các bài tập để khí huyết lưu thông.

Trà Mi: Xin được tìm hiểu cụ thể về nội dung môn học này. Có phải nó chỉ đơn thuần là các bài tập để thư giãn tinh thần, bồi bổ sức khỏe, hay còn có đặc điểm nào khác nữa? Xin mời Tú.

Tú: Sau khi tìm hiểu về môn này, em thấy nó rất hay, phù hợp với đam mê của mình. Mỗi ngày mình tập 5 bài công pháp. Ngoài ra, còn có các bài giảng hướng đạo cho người tu luyện theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Môn này hiện đang bị đàn áp bên Trung Quốc. Cho nên khi người ta nghe tới rất sợ, dù khi tập xong mang lại kết quả rất tốt.

Trà Mi: Xin hỏi thăm người bạn ở miền Trung. Nguyên, làm thế nào bạn biết tới Pháp Luân Công? Cơ duyên nào khiến anh quyết định gia nhập môn học này?

Nguyên: Khi được sinh ra 1 năm, em bị mắc chứng bệnh bại liệt do viêm não Nhật Bản. Khi lớn lên, thân thể em bị biến dị rất nhiều, sức khỏe rất yếu. Cho nên em cố ý đi tìm một môn khí công để tập. Khi lên mạng, em tìm thấy trang www.phapluan.org
 . Môn này có nguyên lý tu trước, luyện sau, thực hành tu tâm tính theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn giúp chữa bệnh khỏe người và nâng cao tâm tính.

Trà Mi: Đến với Pháp Luân Công để chữa bệnh cho mình. Sau 6 năm theo thực tập môn này, bạn thấy hiệu quả thế nào?

Nguyên: Về lợi ích thì rất nhiều. Sức khỏe của em bây giờ sau 6 năm tập thì tất cả những chứng bệnh trước đây em thường mắc phải trong những lúc giao mùa hay những di chứng của bệnh bại liệt không còn nữa. Suốt 6 năm qua em không dùng 1 viên thuốc nào. Sự hiểu biết về xã hội của em cũng phát triển rất tốt.

Trà Mi: Anh Trí có thể cho biết khi theo học Pháp Luân Công, anh đã tích lũy cho mình được những gì?

Trí: Trước khi học Pháp Luân Công, tôi theo học hình thức thiền của Phật giáo. Sau này khi phát hiện thấy Pháp Luân Công rất hay, tôi chuyển qua tập môn này và có một con đường tu tập tâm linh phù hợp với con người hiện đại chẳng hạn như cách ứng xử tu tâm tính trong gia đình hay trong môi trường làm việc có cạnh tranh.

Trà Mi: Các bạn tự học hỏi qua internet, tự tìm tư liệu để trao dồi môn này hay có những buổi tập họp để cùng trao đổi kiến thức và tập luyện chung với nhau?

Nguyên: 3 năm đầu em tự mình tập. Cuối năm 2007 trên mạng có trang diễn đàn www.chinhphap.com
, và em bắt đầu tham gia vào diễn đàn này.

Trà Mi: Nghĩa là sự trao đổi chỉ diễn ra trên mạng thôi. Trong sinh hoạt đời thường, các bạn có các buổi tập trung để tập luyện khí công hay trao đổi kinh nghiệm thực tế với nhau không?

Tú: Ở Sài Gòn, bọn em có một số nhóm tập ở ngoài công viên.

Trí: Ở miền Bắc, các học viên có thể tập trung để trao đổi tại nhà hay tại công viên, ví dụ như tại nhà tôi có tổ chức vào chủ nhật hằng tuần.

: Tuy là một môn tu luyện, nhưng Pháp Luân Công cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích, chứ không chỉ những người già tập để dưỡng sinh hay giữ gìn sức khỏe.

Trà Mi: Các bạn cho biết môn này mang lại nhiều lợi ích về mặt tâm linh và sức khỏe thể chất, nhưng Pháp Luân Công không mấy phổ biến tại Việt Nam, hoặc có người cũng biết tới nhưng ngần ngại tham gia. Các bạn có biết lý do vì sao?

Trí: Đúng là tại Việt Nam có một lực cản nhất định từ phía chính quyền. Ví dụ ở công viên Thống Nhất, nơi tôi từng quan sát và cũng từng tham gia tập Pháp Luân Công tại đây, có những học viên bị công an tới vận động thôi đừng tập môn này nữa. Có khi học viên Pháp Luân Công còn bị công an đánh nữa. Có trường hợp học viên vừa tập Pháp Luân Công ở nhà tôi đi ra bị công an đánh. Tôi tu tập tâm linh là vì tôi, chứ đâu phải vì Chủ tịch nước, hay vì đảng đâu. Tôi tu cho tôi cơ mà. Người ta có cản cũng chả cản được.

Trà Mi: Anh Nguyên sinh hoạt Pháp Luân Công ở miền Trung có ghi nhận thế nào?

Nguyên: Cũng có khó khăn. Ở Việt Nam ít người biết đến Pháp Luân Công và cũng có người ngần ngại tham gia vì thiếu thông tin về Pháp Luân Công, và do áp lực và sự lừa dối từ chính quyền Trung Quốc. Trung Quốc tuyên truyền rằng Pháp Luân Công là tà giáo có liên quan tới chính trị. Cho nên mọi người khi chưa hiểu rõ về sự thật cũng rất ngần ngại. Ở miền Trung, sau khi tập Pháp Luân Công một thời gian, em cũng gặp sự can nhiễu từ phía chính quyền. Công an xã, huyện, tỉnh có mời lên làm việc. Sau khi em đưa tất cả những tài liệu và thực chứng ra, một số người cũng hiểu, nhưng một số người thì không.

Trà Mi: Tình hình sinh hoạt Pháp Luân Công ở miền Nam ra sao, anh Tú?

Tú: Cũng có trở ngại. Nhiều khi công an tới tịch thu tài liệu, sách vở. Nhiều khi họ cấm tập.

Trà Mi: Khi làm việc với các bạn, họ có nêu ra những quy định cấm bằng văn bản, có luật cấm Pháp Luân Công hay không?

: Không có. Khi họ mở Nghị định về Tự do tôn giáo cho em coi, trong đó không có điều khoản nào cấm hết. Điều luật của họ lại mâu thuẫn với việc họ làm. Học viên Pháp Luân Công cũng đã nhiều lần hỏi chính quyền rằng có giấy tờ, văn bản, hay điều luật nào cấm Pháp Luân Công hay không. Họ chỉ có nói miệng thôi, chưa có văn bản cụ thể hay điều luật nào.

Trà Mi: Họ giải thích miệng, nhưng họ giải thích như thế nào?

Nguyên: Mấy lần em làm việc với chính quyền, họ bảo cái này ở Việt Nam cấm. Em hỏi cấm bằng văn bản nào. Họ bảo đó là văn bản cấm mật, nghĩa là văn bản đưa ra chỉ trong nội bộ công an biết. Em bảo “Các anh cấm mật thế thì người dân biết đâu mà tránh? Mà như vậy là cấm các anh tập chứ đâu phải cấm người dân tập?” Lúc đó họ bảo rằng Pháp Luân Công ở Việt Nam chưa được cho phép. Theo em, Pháp Luân Công là tự nguyện, tự do tôn giáo, tự mỗi cá nhân tự tập thì không có cái gọi là đi xin phép.

Trà Mi: Ở miền Bắc, khi chính quyền gây cản trở, khó dễ, họ giải thích thế nào, có thuận tình hợp lý không anh?

Trí: Công an họ rất lúng túng, nhưng vẫn gây khó khăn. Hồi đó tôi làm giảng viên giảng dạy, họ cũng tới gặp giám đốc để tác động, rồi họ tới gây sức ép cho gia đình.

Trà Mi: Lúc nãy các bạn chia sẻ rằng những khó khăn này xuất phát từ Trung Quốc vì nước này gọi đây là tà giáo. Những vấn đề xuất phát Trung Quốc vì sao ảnh hưởng tới Việt Nam? Các bạn có tìm hiểu không?

Tú: Cơ chế hành chính Việt Nam và Trung Quốc tương đối giống nhau, làm ảnh hưởng đến tình hình ở Việt Nam. Thật ra không chỉ công an, mà người dân sống trong đất nước này, đã có những quan niệm rập khuôn rồi. Việc em bị công an bắt giữ đối với gia đình em rất “nhạy cảm” vì cả nhà em phục vụ cho đảng cộng sản Việt Nam. Mẹ em la rầy em rất nhiều, nhưng sau khi em đưa cho mẹ em xem sách về Pháp Luân Công, mẹ em cũng theo tập luôn và giới thiệu cho những người họ hàng theo tập. Bây giờ người nhà em theo tập Pháp Luân Công cũng rất nhiều. Đối với một chính quyền chuyên chính, việc giữ được sự tồn tại của chính quyền, họ đặt lên hàng đầu. Những vấn đề khác như lợi ích đối với người dân, với đất nước, với an sinh xã hội, họ không quan tâm. Họ chỉ quan tâm làm sao giữ được vị thế của họ luôn luôn độc tôn.

Trà Mi: Vì Trung Quốc cấm nên Việt Nam cũng không cho phép, hoặc cũng không hoan nghênh. Ý kiến của các bạn ra sao?

Nguyên: Cấm người dân thực tập Pháp Luân Công là không thỏa đáng.

: Thật ra khi em tiếp xúc với công an, em thấy họ chưa hiểu gì về Pháp Luân Công hết. Những gì học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang phải chịu đựng thật sự là một sự bất hạnh. Nguyên nhân không phải là họ làm gì sai trái mà do chính quyền của họ quá tàn nhẫn.

Trà Mi: Thế nhưng vì một nước bạn cấm nên mình cũng cấm, ý kiến của các bạn về điều này như thế nào?

Trí: Đứng trên quan điểm là một công dân, tôi cho rằng Việt Nam vì Trung Quốc đàn áp nên đàn áp theo, đó là một việc làm rất ư là quốc sỉ, rất là sai. Là một học viên Pháp Luân Công thấy chính quyền sai trái mình có trách nhiệm phải nói lên sự thật.

Trà Mi: Trong những lúc làm việc với chính quyền, các bạn có thắc mắc tại sao Việt Nam không có luật cấm mà các học viên Pháp Luân Công lại bị chính quyền khó dễ? Và các bạn nhận được câu trả lời thế nào?

Tú: Dạ có. Công an trả lời rằng “Chúng tôi không cấm Pháp Luân Công, nhưng môn này chưa được nhà nước cho phép.” Đại ý họ nói muốn hoạt động phải xin phép trước đã. Khi nào nhà nước cho phép mới được hoạt động. Thế nhưng, lúc trước có một học viên đã đứng ra đăng ký nhưng không có kết quả gì. Họ nói vậy thôi chứ cho phép thì chắc cũng khó.

Trà Mi: Trước tin 2 học viên Pháp Luân Công bị truy tố, ý kiến các bạn về việc này ra sao? Và Pháp Luân Công tại Việt Nam đang làm gì để hỗ trợ cho các học viên của mình?

Trí: Hai anh Trung và Thành phát sóng vào Trung Quốc, không liên quan gì tới Việt Nam cả mà lại bị bắt. Trên thế giới có phát sóng nói về Pháp Luân Công hoặc đưa các thông tin về sự đàn áp của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công vào Trung Quốc lâu nay có ai bị sao đâu? Ở Việt Nam sao lại có chuyện ngược đời như thế?

Trà Mi: Có những khó khăn trong bối cảnh còn nhiều nhập nhằng giữa việc cấm hay không cấm, các học viên Pháp Luân Công trẻ tuổi như các bạn có những nguyện vọng gì muốn đề đạt với những người hữu trách?

Nguyên: Trước tình hình các bạn đồng tu Pháp Luân Công ở Việt Nam bị sự can nhiễu như thế, tất cả học viên Pháp Luân Công trong nước đều lên tiếng yêu cầu chính quyền trả tự do cho 2 học viên Trung và Thành. Một học viên ở Đà Nẵng đã viết thỉnh nguyện thư gửi tới chính quyền các cấp. Nguyện vọng lớn nhất của học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam là mong muốn được tự do tìm hiểu và tu luyện.

Trà Mi: Ba thanh niên đang thực tập Pháp Luân Công tại 3 miền đất nước vừa giúp chúng ta hiểu thêm về môn phái này, những khó khăn mà họ đang gặp phải, cũng như nguyện vọng của những người thực tập Pháp Luân Công ở Việt Nam. Qúy thính giả có thể chia sẻ cảm nghĩ, bình luận, và trao đổi với độc giả khắp nơi về câu chuyện này trong mục Tạp chí Thanh Niên trên website của VOA ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên facebook ở http://www.facebook.com/VOATiengViet. Tạp chí Thanh Niên mong được đón tiếp qúy vị và các bạn trong các câu chuyện về giới trẻ người Việt khắp nơi trên làn sóng của đài VOA mỗi tuần. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.
.
.
.

No comments: