Tuesday, May 24, 2011

CHÍNH SÁCH TÂY TẠNG CỦA TRUNG HOA VẪN KHÔNG KHẢ THI (Bhaskar Roy)



Soạn bởi: Nhóm Phân tích Nam Á (South Asia Analysis Group – SAAG)
Tác giả Bhaskar Roy
Eurasia Review   -    17 tháng Năm 2011

Người dịch: Đại Phúc
Đăng bởi anhbasam on 24/05/2011

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải hiều điều này: chẳng có ai thích cảnh rối loạn ở Tây Tạng cả. Đã biết bao nhiêu lần Ấn Độ nói rõ ra rằng nước này sẽ không dính líu vào chuyện này vì đó là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Trong chính sách mới nhất của mình, không muốn nhắc đi nhắc lại đến buồn nôn đường lối Tây Tạng của Trung Hoa và Đài Loan trong từng tuyên bố song phương, Ấn Độ đã gửi một thông điệp cho Bắc Kinh (yêu cầu) “để cho chúng tôi được đứng ngoài các chuyện rắc rối nội bộ của các vị”. Ấn Độ ngay từ đầu đã ngừng bình luận về tình hình ảm đạm về nhân quyền, về các quyền tôn giáo và về các vấn đề phải giải quyết đối với các dân tộc thiểu số của Trung Quốc.

Đối với Đạt-Lai Lạt-Ma và chính phủ lưu vong của ngài, cảnh lộn xộn chỉ đem lại thêm đau khổ cho người Tây Tạng trong nước Tây Tạng. Do vì đã thất bại trong việc thuyết phục người Trung Hoa đồng ý với những yêu cầu tối thiểu về tự trị cho nhân dân Tây Tạng, thậm chí có khi còn thấp hơn điều chính phủ trung ương Trung Quốc từng đồng ý trong hiệp nghị 17 điểm vào năm 1951, ngài đã quyết định rút lui khỏi các trách nhiệm chính trị.

Người Âu châu thì không sao tránh được chuyện họ nghĩ gì thì nói nấy ngay cả khi họ đã có các trao đổi quan trọng về kinh tế với Trung Quốc. (Vì thế mà) vấn đề quyền con người và quyền tự do tôn giáo là nền tảng cơ sở của hệ ý thức Âu châu, và nhân dân châu Âu sẽ không bao giờ cho phép chính phủ của họ tảng lờ các vấn đề ấy.

Hoa Kỳ thì có vô số cử tri tập trung chú ý vào các quyền con người và tự do tôn giáo, và họ coi Đạt-Lai Lạt-Ma như là biểu tượng của những vấn đề này. Hạ viện Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới (những điều đó) và sẽ không cho phép công việc điều hành đất nước hàng ngày đi quá xa khỏi những vấn đề ấy. Và về chuyện này, họ không buông tha cho bất kỳ quốc gia nào hết.

Tại nhiều quốc gia ở đó các chính phủ không đề cập tới các vấn đề phải giải quyết này ra với Trung Quốc, thì nhân dân nói chung rất quan tâm. Đạt-Lai Lạt-Ma và chính sách của ngài được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân. Như ở Nga, tại nước Cộng hòa Kalmyk, ở đây nhân dân theo đạo Phật và tổng thống là một học trò của Đạt-Lai Lạt-Ma, thì ngài được đông đảo dân chúng hoan nghênh.

Song không nước nào ủng hộ chuyện Tây Tạng độc lập cả. Thế nhưng đây lại là điều gì đó các nhà lãnh đạo Trung Hoa từ chối không chịu tin. Liệu họ còn tẳng lờ dư luận quốc tế được trong bao lâu nữa, nhất là khi Trung Hoa là một thành viên quan trọng của ngôi làng toàn cầu này.

Điều còn quan trọng hơn hết, ấy là những người lãnh đạo Trung Hoa không chịu nghe quan điểm và ý kiến của nhân dân nước họ, những người tộc Hán, về cách giải quyết vấn đề Tây Tạng. Một tổ chức phi chính phủ Trung Hoa, Trung tâm nghiên cứu luật pháp Công Dân tại Bắc Kinh, đã tiến hành một cuộc khảo nghiệm dã ngoại bề sâu tại Tây Tạng, đã đi tới tận những ngôi làng xa tít tắp. Mục tiêu của họ là làm sáng tỏ cho chính phủ thấy cách thức chi tiêu đồng tiền ở Tây Tạng, tiền đã không vào những nơi cần rót, mà lại rót vào tay dân định cư người Hán. Bàn báo cáo công bố năm 2008 không chỉ dẫn tới việc đóng cửa tổ chức phi chính phủ kia, mà bản báo cáo của tổ chức đó còn bị cầm lưu hành.

Đã có những cuộc bàn thảo trong giới trí thức Trung Hoa, những người càng ngày càng chán ngấy chính sách Tây Tạng của Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Hoa.
Cách tiếp cận cứng rắn đối với vấn đề Tây Tạng lần đầu tiên đã được cất tiếng sau cuộc nổi dậy năm 2008 ở thủ đô Lhasa, và còn được nói to lên từ miệng bí thư Đảng Cộng sản Tây Tạng Zhang Qingli trong kỳ họp Quốc hội Trung Hoa tại Bắc Kinh hồi tháng Ba. Ông này hứa hẹn sẽ đập tan không khoan hồng bất kỳ người Tây Tạng nào tham gia các cuộc biểu tình phản đối.

Sự việc ai ai cũng rõ rằng Đạt-Lai Lạt-Ma rút lui khỏi chính trường và mở đường cho một thủ tướng và một chính phủ được bầu ra để điều hành các vấn đề chính trị của chính phủ Tây Tạng lưu vong đã làm lúng túng chiến lược Tây Tạng xác lập từ lâu đời của Trung Hoa. Dĩ nhiên Trung Hoa có thể không chấp nhận và đối thoại với ông thủ tướng (chức vụ gọi bằng Kalon Tripa) và chính phủ của ông này vì điều này hẳn sẽ có thể dẫn đến việc thừa nhận phong trào (chính trị của người Tây Tạng). Song vấn đề đặt ra là liệu có nối lại không các cuộc thương lượng giữa câc đại diện của Đạt-Lai Lạt-Ma với các nhà cầm quyền Trung Hoa và chúng sẽ tiến hành ở đâu và vào lúc nào?

Bây giờ thì đã có câu trả lời. Trong cuộc trả lời phỏng vấn số tạp chí Tây Tạng của Trung Hoa mới ra, thứ trưởng Zhu Weiqun của Cơ quan Mặt trận Đoàn kết thuộc Đảng CS Trung Hoa tuyên bố rằng bất kỳ cuộc thương thảo nào (với những người Tây Tạng lưu vong) sẽ chỉ giới hạn trong vấn đề về thể chế chính trị của Đạt-Lai Lạt-Ma và tiến hành giữa Bắc Kinh và phái viên riêng của Đạt-Lai Lạt-Ma mà thôi.

Zhu Weiqun nói rõ rằng Đảng CS Trung Hoa có “hai điều cơ bản liên quan đến chuyện thương thuyết”, rồi nói rõ thêm rằng, “điều cơ bản thứ nhất là: nhân thân của phía bên kia chỉ có thể là những đại diện cá nhân Đạt-Lai Lạt-Ma. Điều cơ bản thứ hai là chủ đề chỉ giới hạn trong chuyện tương lai của cá nhân Đạt-Lai Lạt-Ma hoặc cùng lắm là có thể thêm về tương lai của một vài ba người trợ lý của Đạt-Lai Lạt-Ma mà thôi”. Ông này cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể tiến hành đàn áp bằng quân sự nếu người Tây Tạng làm bất kỳ chuyện náo loạn nào.

Về “thành tích” của Đạt-Lai Lạt-Ma, ông Zhu trách Đạt-Lai Lạt-Ma là nguồn bất ổn xã hội chủ yếu tại Tây Tạng, gọi Đạt-Lai Lạt-Ma là “công cụ vương giả của các thế lực quốc tế chống Trung Hoa”. Các nhận xét của ông Zhu được đưa ra ngay trước kỳ kỷ niệm 60 năm ngày Trung Quốc tiến vào Tây Tạng.

Những quan điểm của Zhu Weiqun là quan điểm đạt nhất trí cao trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư 9 người của Đảng CS Trung Hoa đứng đầu là Tổng bí thư và Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, ông này cũng là người lãnh đạo nhóm các vấn đề Tây Tạng và trước đây là Bí thư Đảng CS Tây Tạng trong thời kỳ các nhà sư nam nữ nổi dậy phản đối vào năm 1987.

Rõ ràng là họ muốn Đạt-Lai Lạt-Ma tiếp tục vai trò chính trị của ngài. Đồng thời họ cũng hạn chế nghiêm nhặt phạm vi các cuộc thảo luận – không bàn bạc gì hết đến thể chế tương lai của Tây Tạng. Theo quan điểm của Đảng CS Trung Hoa, vấn đề này đã được giải quyết xong xuôi rồi.

Điều mà người Trung Hoa muốn đem thảo luận với các đại diện của Đạt-Lai Lạt-Ma để đạt tới một thỏa thuận hòa hiếu về sự thừa nhận đúng tiến trình đối với vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ 15 và việc khôi phục các phái viên của Đạt-Lai Lạt-Ma tại Trung Hoa nhưng không nhất thiết là tại Lhasa trong những thiết chế như Quốc hội Trung Hoa và Hội nghị Hiệp thương Nhân dân Toàn quốc Trung Hoa, một tổ chức bao gồm cả những người không cộng sản nhưng vẫn do Đảng CS Trung Hoa lãnh đạo.

Ta không thể nói chắc điều Zhu Weiqun nói có phải là toàn bộ những gì Trung Quốc đề xuất trong các cuộc thương thuyết. Nhưng nếu đúng thế, thì sẽ khó khăn cho Đạt-Lai Lạt-Ma trong việc chấp nhận các đề xuất đó, vì như vậy ngài sẽ bị tước đoạt mất giấc mộng cơ bản tối thiểu cho nhân dân Tây Tạng. Ngài đã thỏa hiệp nhiều cho phía Trung Hoa rồi. Nếu lại chấp thuận thì có nghĩa là hy sinh mọi thứ gì sự nghiệp của Tây Tạng đang còn giữ được. Và Đạt-Lai Lạt-Ma đâu có chịu bỏ rơi nhân dân Tây Tạng của ngài.

Chính sách o ép gia tăng đối với Tây Tạng ngày càng rõ trong cách người Trung Hoa xử lý hồi cuối tháng Ba với các nhà sư ở chùa Kirti thuộc tiểu khu Ngba. Các nhà sư đã biểu tình phản đối ý đồ của chính quyền lôi những nhóm nhà sư ở đó đi cải huấn chính trị. Vấn đề ở đây vẫn còn tiếp tục với nhiều vụ bắt bớ và nhiều nhà sự bị các lực lượng an ninh đánh đập. Còn người Tây Tạng sinh sống trong đất nước Trung Hoa đang được cảnh báo rằng trước mắt sẽ còn nhiều gian truân.

Phát ngôn và hành động của người Trung Hoa không tạo ra niềm tin. Nhưng ngược lại, chúng cho thấy sự lúng túng và sự quan tâm cao độ trong giới lãnh đạo Trung Hoa muốn tìm cách giải quyết toàn bộ vấn đề Tây Tạng.

Có vẻ như giới lãnh đạo Trung Hoa đang cùng nhau đào một cái hố. Đầu tháng này, họ giải tán những thánh đường tại gia. Theo con số chính thức, Trung Hoa đã có 160 triệu giáo dân. Những tiếng nói ủng hộ nền dân chủ bị tống giam trong tù ngục với số lượng ngày càng tăng, nghệ sĩ danh tiếng gần đây nhất bị bắt là Ngải Vị Vị.

Rất đáng gửi cho giới cầm quyền Trung Hoa lời khuyên là họ nên đánh giá lại các chính sách đối nội nếu họ muốn giữ cho Đảng CS vai trò lãnh đạo duy nhất của Trung Hoa. Hãy thỏa mãn những khát vọng cơ bản của nhân dân như vị hoàng đế nhân từ theo truyền thống Khổng giáo xưa, hãy cho phép nhân dân được cất tiếng nói, hãy học hỏi nhân dân và sửa chữa mọi sai lầm. Rất ít người trong quốc gia này muốn có thể chế chính trị đa đảng. Nhưng đem cái búa để đập chết con ruồi có thể tạo ra kết quả là vô vàn con ruồi sẽ chui xuống dưới tấm thảm khiến cho một ngày nào đó chúng cùng bốc bay với cả tấm thảm ngụ ngôn. Ngay hôm nay thì chuyện đó chưa diễn ra, ngày mai hoặc sau ngày mai cũng vậy. Nhưng cuối cùng chuyện đó sẽ xảy ra. Con người sinh ra đã là kẻ tự do!

(Tác giả là nhà phân tích người Trung Hoa danh tiếng với nhiều năm trải nghiệm. Có thể liên hệ với ông tại địa chỉ grouchohart@yahoo.com)

Người dịch: Đại Phúc
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

.
.
.

No comments: