Người dịch: Đan Thanh
Đăng bởi anhbasam on 24/05/2011
Dường như đã có lúc Việt Nam là nền kinh tế lớn kế tiếp. Việt Nam đã làm rất tốt trong những năm 1990 và trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ. Tuy nhiên hai năm qua, bất chấp tất cả những lợi thế mà họ sở hữu, chính phủ Việt Nam chỉ làm được mỗi một việc là gây bất ổn cho nền kinh tế đang đầy hứa hẹn. Bên cạnh tất cả những thứ đó, giờ đây, sự vỡ nợ của công ty đóng tàu quốc doanh Vinashin và cách chính phủ xử lý vấn đề đã khiến cho thất bại của Việt Nam trong nỗ lực tư nhân hóa trở nên trắng phớ trước dư luận.
Dứt khoát là Mỹ đáng bỏ công để hợp tác cùng Việt Nam cải thiện tình hình kinh tế. Mối quan hệ song phương giữa hai nước có một quá khứ hợp tác đáng kể trên khía cạnh cải cách. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ đã mang lại thay đổi cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tâm điểm chú ý về thương mại hiện nay – Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa từ Hà Nội. Phần lớn những nội dung mà hiệp định yêu cầu – các quy định không phân biệt đối xử, cho vay không ưu đãi, minh bạch trong quản lý, xóa bỏ các rào cản đối với đầu tư – đều đụng chạm trực tiếp đến khu vực nhà nước được bao bọc.
Với tình hình kinh tế hiện tại, Việt Nam có thể không đủ khả năng tuân thủ những cam kết này và các cam kết mở rộng khác. Hậu quả là, đàm phán về TPP có thể sẽ trở thành con tin của sự yếu kém về năng lực mà khu vực Nhà nước gây ra cho Việt Nam. Mỹ sẽ không cho phép điều ấy xảy ra.
Bất ổn định về giá – mối nguy hiểm
Hiện trạng kinh tế Việt Nam hỗn loạn một cách bất thường. Một trong các vấn nạn luôn luôn là thiếu vắng thông tin đáng tin cậy. Một số nước phát hành báo cáo kinh tế gần như ngay sau khi hết một tháng, quý, hay năm – thật đáng ngờ. Việt Nam nhẹ nhàng tránh vấn đề này bằng cách công bố số liệu trước khi khoảng thời gian nghiên cứu kết thúc. Cái trò này được gọi là “ước tính”, “dự báo”, nhưng hiếm khi có sự kiểm chứng, xem xét lại kết quả sau đó.
Ngay cả số liệu chính xác cũng có thể làm người ta rối tinh lên trong bối cảnh hiện tại. Giá cả biến động quá nhanh khiến hành vi ứng xử của các công ty và cá nhân thay đổi liên tục. Trên số liệu chính thức, lạm phát giá hàng tiêu dùng ở mức gần 14% vào tháng ba, và vẫn đang gia tăng. Tỷ giá thực – giá của đồng tiền nội địa – đã giảm rất mạnh do tỷ giá danh nghĩa mà chính quyền đưa ra không theo kịp với lạm phát. Đồng Việt Nam đã bị phá giá bốn lần trong 15 tháng, nghĩa là giá ngoại tệ tính bằng tiền Việt Nam đang tăng lên. [1]
Hậu quả là thị trường có quá nhiều nội tệ mà không đủ hàng hóa và đồng tiền mạnh. Các công ty lợi dụng vốn rẻ bằng cách đi vay càng nhiều càng tốt (trong nước): Tăng trưởng tín dụng năm 2010 vượt quá 20%, phần lớn số tiền đi vay này do chính quyền trung ương và địa phương trợ cấp. Do nội tệ chẳng có mấy giá trị, các cá nhân đều tích trữ hàng hóa, vàng, và đô la Mỹ. [2] Đây không phải là lạm phát do một loại hàng hóa chủ đạo nào đó như ngũ cốc hay than gây ra; đây là lạm phát lan tràn khắp trong nền kinh tế.
Tương lai bấp bênh
Việt Nam có lẽ là quốc gia đầu bảng trong số các nước đang cố trở thành một Trung Quốc thứ hai. Các nhà hoạch định chính sách bắt chước Trung Quốc kia nên nhớ rằng Trung Quốc từng có những đợt lạm phát nghiêm trọng cả trong thập niên 1980 và 1990, đợt đầu kết thúc với một cuộc trấn áp lạm phát tàn nhẫn và đợt hai kết thúc bằng khủng hoảng tài chính khu vực. Bắc Kinh giải quyết vấn nạn lạm phát bằng cách tạo ra năng suất dư thừa và xuất khẩu phần dư thừa vào nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng. Nhưng ngay cả nếu đặt sang một bên chuyện lãng phí và hủy diệt môi trường thì lựa chọn này hiện tại cũng không thể áp dụng cho Việt Nam.
Cách tốt nhất Việt Nam có thể thực hiện không được hấp dẫn như thế: để cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) thật sự sụp đổ. Việt Nam đã và đang bị mắc kẹt vì cái ham muốn rõ rệt của họ là nâng đỡ các SOE. Chúng hoạt động rất tồi, nhưng chúng lại đòi hỏi ngân sách và hỗ trợ tín dụng rất lớn. Điều này đã phá hoại chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, và tạo tâm lý nghi ngờ về sự ổn định của hệ thống tài chính.
Năm nay, Hà Nội rất cần phải cam kết giảm ngay mọi yếu tố kích thích kinh tế, nhưng quả thật là làm việc này ở chừng mực cần thiết sẽ đòi hỏi một quyết định khó khăn: hy sinh một số SOE, cho phép khu vực tư nhân đi đầu. Hơn nữa, việc chuyển giao cũng sẽ kéo theo nó một giai đoạn tăng trưởng GDP chậm hơn.
Nếu sự hy sinh đó là không thể chấp nhận được trên phương diện chính trị, Việt Nam có thể gặp khó khăn đáng kể về kinh tế. Tăng trưởng trong quý một, được báo cáo vào cuối tháng ba, đạt 5,4%, rõ ràng là thấp hơn quý bốn năm ngoái.
Đất nước đang chảy máu ngoại tệ. Thâm hụt thương mại năm 2010 gần xấp xỉ quy mô dự trữ ngoại tệ vào thời điểm cuối năm, có nghĩa là sang năm tiếp theo, Việt Nam có thể cạn các quỹ khả dụng. [3] Như đã chứng kiến hồi năm 1997, nguy cơ hết dự trữ tiền mạnh có thể không chỉ làm giảm tăng trưởng và tăng thất nghiệp, mà còn làm bùng phát quá trình thu hẹp toàn bộ sản xuất và đẩy đất nước vào khủng hoảng tài chính sâu sắc.
Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần được chú ý nghiêm túc và liên tục. Mối ưu tiên của Hà Nội phải là sửa chữa các sai lầm, khuyến khích một số biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Có lẽ họ không thể cùng một lúc vừa làm việc này, vừa tự do hóa nền kinh tế một cách đáng kể. Sự rút lui khỏi cải cách đó – điều chắc chắn và thậm chí là hợp lý – đi ngược hoàn toàn với mong muốn của Mỹ về việc ký kết một TPP kịp thời và thỏa mãn các tiêu chuẩn cao nhất đặt ra.
Các khuyến nghị
* Mỹ nên xúc tiến TPP càng nhanh càng tốt — không cần tính đến khả năng Việt Nam ký được hay thực hiện được hiệp định theo đúng thời gian biểu mà các bên khác đều có thể tuân thủ. Điều này áp dụng cho hiệp định con về thể thức, dự kiến ký vào tháng 11 tới, cũng như cho cả bản thỏa thuận cuối cùng.
* Nếu Việt Nam không tham gia TPP được, nên có lời mời rõ ràng rằng Việt Nam sẽ gia nhập ngay khi họ đạt được những bước tiến cần thiết, đặc biệt trong việc giảm hỗ trợ cho khu vực nhà nước và cho phép khối tư nhân lớn mạnh.
* Mỹ nên giúp Việt Nam sửa chữa ngôi nhà kinh tế và dứt khoát là phải nghiêm túc thực hiện tự do hóa như TPP yêu cầu. Với vai trò hiện nay của đồng đôla, cần đẩy mạnh hợp tác giữa bộ tài chính của hai nước.
Phép mầu bị trì hoãn
Đưa Việt Nam vào quá trình đàm phán đã từng là việc đúng đắn cần làm. Mối quan tâm của Mỹ đối với Việt Nam là Việt Nam phải làm sao vượt qua các khó khăn hiện tại và phát huy được nội lực hơn. Nhưng Việt Nam đứng trước những quyết định khó khăn và những việc khó thực hiện. Nếu họ không thể ra quyết định và hành động kịp thời, TPP cần được xúc tiến mà không có sự tham gia của Việt Nam.
Tiến sĩ Derek Scissors là nhà nghiên cứu về chính sách kinh tế châu Á và Walter Lohman là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Quỹ Heritage.
[1] Taipei Times, “Investors Looking to Long-Term Promise of Vietnam” số ra ngày 25-4-2011. Địa chỉ: http://www.taipeitimes.com/News/biz/archives/2011/04/25/2003501606 (3-5-2011).
[2] Bloomberg, “Vietnam Needs to Reduce Dollar’s Use in Economy, ADB Aide Says” số ra ngày 6-4-2011. Địa chỉ: http://www.bloomberg.com/news/2011-04-06/vietnam-needs-to-reduce-dollar-s-use-in-economy-adb-aide-says.html (3-5-2011).
[3] Economics Newspaper, “Vietnam: Economic Growth of 5.4% in Q1”. Địa chỉ: http://economicsnewspaper.com/world-economics/vietnam-economic-growth-of-5-4-in-q1-6256.html (3-5-2011).
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment