Tuesday, May 24, 2011

CHÍNH SÁCH TRUNG ĐÔNG CỦA TỔNG THỐNG OBAMA TRONG KHUÔN KHỔ NỖI DẬY HOA NHÀI – HAY CUỘC TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KÉO QUÁ DÀI (TS. Đinh Xuân Quân)



TS. Đinh Xuân Quân
Tuesday, May 24, 2011


Nhiều chính quyền tại Trung Đông đã mất sự ủng hộ của quần chúng và đã phải cuốn gói ra đi vì các cuộc “xuống đường ôn hoà” còn gọi là nổi dậy Hoa Nhài. Sau Tunisia là Ai Cập và nay là Bahrain, Yemen, Syria, và dĩ nhiên, cả Libya.


Lực lương đặc biệt (LLĐB) Mỹ đã hạ sát trùm khủng bố - Osama Bin Laden (OBL), trùm Hồi giáo quá khích kêu gọi dùng vũ lực thay đổi các chính quyền trên thế giới, tại Abbotabad – nơi trú đóng của trường võ bị Pakistan.

Khi ra tranh cử, ông Obama hứa sẽ giải quyết vấn đề Israel – Palestine. Năm 2009 TT Obama đã diễn thuyết tại Cairo về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với thế giới A rập. Một thời gian sau các cuộc nổi dậy gọi là Cách Mạng Hoa Nhài đã làm thay đổi hoàn toàn vùng Trung Đông và làm cho nhóm trẻ tại đây phấn khởi.

Trong bối cảnh này TT Obama phải lên tiếng, xét lại chính sách ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông. Ông cam kết với Israel và Palestine là họ có thể sống chung hoà bình bên cạnh nhau. Một nước Palestine độc lập theo các biên giới 1967 và sẽ thương thuyết để mang lại việc đổi chác đất để đi đến một nước Palestine vững bền và một Israel được bảo vệ. TT Obama đã nêu rõ các vấn đề Trung Đông kéo dài từ hơn 60 năm mà vẫn không có giải pháp ổn thoả cho cuộc tranh chấp Israel và Palestine. Đây là cố gắng nắm lại thế chủ động trong việc đối đầu với các vấn đề trung đông. "Quân đội Israel phải rút lui khỏi Palestine song song với một nước Palestine phi quân sự” TT. Obama nói, “cộng đồng thế giới mệt mỏi về một cuộc thương thuyết không kết quả và giấc mơ một nước Do Thái dân chủ sẽ không thành hình qua một cuộc chiếm đóng (Palestine) vô thời hạn.”

Trong 45 phút TT Obama nói về lợi ích của Mỹ là sự thay đổi chính trị tại TĐ và Bắc Phi. Ông nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Mỹ đi song song với các giá trị của nước Mỹ đề cao các nguyên tắc dân chủ và quyền cá nhân. Theo ông nước Mỹ sẽ gần dân chúng đòi hỏi dân chủ hơn là các chính quyền.

Tại sao các cuộc nổi dậy gọi là “Hoa Nhài” đã mang nhiều thay đổi tại Trung Đông? Những bài học của các cuộc nổi dậy Hoa Nhài? Những khó khăn trong việc lập một quốc gia Palestine vững bền và một hoà bình vĩnh cửu cho Trung Đông?

Bối cảnh Trung Đông: Hồi Giáo - Tranh Chấp Israel – A Rập và vùng TĐ

Vào thế kỷ 7 người A rập là nền văn minh lớn của thế giới. Vào thời trung cổ, văn minh Hồi Giáo (HG) lan tràn trên thế giới còn hơn văn minh Tây Phương. Nhưng rồi từ đó HG xuống dốc, làm cho người A Rập nản chí. Họ thua tây phương và bị chiếm đóng. Ý thức chính trị theo Hồi Giáo là làm sao trở nên hùng mạnh như vào thế kỷ thứ 7. Niềm ước mơ ấy của HG trở thành một công cụ chính trị cho phe HG quá khích. Nhưng họ yếu kém ở chỗ: các nước HG không biết cách nào giải quyết các khó khăn kinh tế, chính trị cho các xã hội TĐ, và không biết làm sao giải quyết vấn đề Israel - Palestine.

Họ coi các tổ chức theo Tây Phương tại Phi Châu hay Israel là “đế quốc văn hoá” trong khi HG (quá khích) là “chính thống.”

Sau thế chiến thứ 2, dân Do Thái tìm trở lại Palestine lúc đó dưới quyền của đế quốc Anh để xây lại nước Israel. Đã có nhiều cuộc chiến giữa Israel và các nước A rập.

Sau 1972 TT Anwar Sadat của Ai cập đã ký hoà bình với Israel và vì vậy bị coi là phản bội, thân Tây Phương. Nước khác ký với Israel là Jordan và vì vậy hai nước này (Ai cập và Jordan) được Mỹ viện trợ.

Tại sao Mỹ ủng hộ Israel coi như vô điền kiện? Các phân tích cho biết là phe lobby Israel lúc nào cũng chi trung bình 25% của các cuộc bầu cử tại Mỹ ủng hộ các dân biểu hai phe, vì vậy ít chính trị gia giám phản đối Israel mặc dù Israel làm nhiều điều bất hợp pháp như chiếm đất ở West Bank và có cả khí giới hạt nhân.

Phe HG quá khích chỉ nói về luật Sharia, về Koran nhưng không biết giải quyết các khó khăn kinh tế, xã hội hàng ngày của dân A rập. Tại vùng Trung Đông, bất kể là ở trong thể chế nào (Cộng Hoà hay quân chủ), các tổ chức HG quá khích ngày càng có ảnh hưởng với quần chúng vì họ khôn khéo che giấu các yếu kém và chủ trương chống lại các chính quyền Ả rập mà họ cho là cho là thân Israel.

Ảnh hưởng ý thức HG lên cao vì một phần quần chúng nản lóng vì cuộc tranh chấp Israel- Palestine không giải quyết được, vì chia rẽ giữa phe A rập, dân chúng cho là các chính phủ tại Trung Đông không giải quyết được các vấn đề xã hội như thất nghiệp, gia cư, giáo dục, y tế, kể cả vấn đề chính trị. Các tổ chức HG lợi dụng chỗ hở này để phát triển các tổ chức như: Muslim Brotherhood (MB – Huynh đệ HG tại Ai cập), Hezbollah tại Lebanon, vv. Các tổ chức HG quá khích đã không chỉ ép mình vào ý thức phục vụ xã hội mà còn ủng hộ việc dùng vũ lực và ám sát để gây sức ép với chính phủ để có tiến bộ xây dựng một nước Palestine.

Qua nhiều đời TT Mỹ vấn đề Israel – Palestine đã không giải quyết được vì QH Mỹ thiên về Israel, một nước nhận được nhiều viện trợ nhất của Hoa Kỳ. Dưới thời TT George W. Bush (TT Bush cha) và Bill Clinton, chính sách ngoại giao của Mỹ là làm sao có thoả hiệp giữa Israel -Palestine dựa trên biên giới 1967 và trao đổi các vùng lãnh thổ. Dưới thời “TT Bush con” thì ông ta (có lẽ dưới ảnh hưởng của lobby Do Thái) đã bỏ quên nêu lên biên giới 1967 – được LHQ công nhận.

Kỳ này TT Barack Obama nhấn mạnh là với thay đổi chính sách tại TĐ việc giải quyết tranh chấp Israel-Arập để kiến tạo hoà bình là cần thiết. Không có hoà bình thì người Palestine sẽ không có một nước và Israel sẽ không bao giờ yên. Theo ông thì các thương thuyết phải đi đến hai nước sống chung dựa trên biên giới năm 1967. Đây là điều mới đối với chính quyền Obama và việc thương thuyết chắc là sẽ đầy khó khăn.

Bài học từ các cuộc nổi dậy Hoa nhài

Trong cuộc nổi dậy Hoa nhài tại Tunisia, Ai cập, Yemen và nay tại Syria dân chúng xuống đường không dùng khẩu hiệu Hồi Giáo mà chỉ có khẩu hiệu “đòi dân chủ, chống tham nhũng, kêu gọi bẩu cử, vv” không có gì là quá khích theo kiểu Hồi giáo.

Tại Ai cập và tại Tunisia, phe HG quá khích đóng một vai trò rất nhỏ trong cuộc nổi dậy Hoa nhài. Bài học của các cuộc nổi dậy cho thấy:

Chiêu bài “cơm no – áo ấm” theo kiểu TQ chưa đủ để thoả mãn đòi hỏi của dân. Nay giới trẻ có học hơn, họ không có chỉ có đòi hỏi bao tử mà còn đòi hỏi về trí tuệ. Ví dụ Libya với GDP/đầu người là US$14,192 cao hơn nhiều nước kể cả Âu châu; phụ cấp thất nghiệp $730/tháng; lương y tá $1,000/tháng; không có hay ít thuế; giáo dục và y tế miễn phí; mua nhà hay mua xe có thể mượn tiền không lãi suất. Libya không nợ IMF và có nhiều dầu hỏa và họ dùng tiền để “mua lòng” dân chúng qua các phụ cấp xã hội.

Phe HG theo “chế độ theo thế tục – thiên về dân chủ” đang trên đà thắng thế, muốn giải quyết các vấn đề xã hội qua việc quản lý tốt đất nước và xã hội dân chủ.
Qua các cuộc nổi dậy ta thấy các các vụ ám sát hay đe doạ của phe quá khích không hữu hiệu bằng các vụ xuống đường ôn hoà đã làm đổ các chế độ độc tài – công an trị. Các chế độ này sụp đổ mau chóng vì dân không còn sợ hãi nữa - cũng như các vụ nổi dậy tại các nước Đông Âu làm sụp chế độ CS trước đây.

Ý thức HG quá khích - ảnh hưởng của Osama Bin Laden dùng vũ lực chưa bắt rễ. Các tổ chức trực thuộc Al Queda như tại Bắc Phi gọi là AQIM, hay al-Queda tại Arập Saoudi gọi là AQAP không nhiều ảnh hưởng đối với đa số dân chúng A rập. Cuộc nổi dậy Hoa nhài cho thấy các cuộc “xuống đường ôn hoà” hiệu nghiệm hơn vũ lực.

Vì vậy TT Obama đã phải thay đổi chính sách ngoại giao TĐ để giải quyết các khó khăn tại đây. Vấn đề TĐ càng ngày càng khó vì Mỹ không được hai bên tin như trước – Palestine thì nhìn Mỹ như kẻ thiên về Israel. Phe Cộng Hoà tại Quốc hội Mỹ thì “phá – để ủng hộ Israel”, trong khi TT Netanyahou của Israel thì lại bác bỏ ý kiến của Mỹ về TĐ.

3. Những khó khăn trong thương thuyết

Các bản đồ sau đây cho thấy các khó khăn trong việc thương thuyết Israel – Palestine :

Bản đồ này cho thấy nếu có nước Palestine độc lập thì nước ấy bị chia ra thành hai mảnh (Gaza và West Bank). Một nước Palestine chia lìa như thế không thể sống một cách tự trị - không thể sinh hoạt như một nước bình thường – sẽ bị Israel bắt chẹt hoài hoài;

Trong suốt thời gian thương thuyết qua nhiều đời Tổng thống Mỹ – Israel đã chiếm và xây dựng nhiều khu dân cư trong vùng «tạm chiếm» (xem bản đồ và các vùng Israel xây dựng thành những «khu vết dầu loang.») Phe Israel quá khích cho là đây là đất của họ và cứ tiếp tục ăn dần ăn mòn vào vùng Gaza;

Tại vùng Gaza, đảng Hezebollah nắm quyền một cách dân chủ, qua lá phiếu. Nhưng họ không công nhận Israel - muốn phá Israel và luôn luôn pháo kích Israel gây căng thẳng giữa hai bên. Phe Hezebollah được Iran ủng hộ và « gây bất ổn » trong vùng. Họ tranh nhau với phe của Al Fatah của TT Madmoud Abbas muốn thương thuyết với Israel. Vì thương thuyết trong nhiều năm không thành công, phe Abbas muốn LHQ công nhận một nước Palestine độc lập. Nay trong bối cảnh « Hoa Nhài, » hai phe Hezebollah và Al Fatah làm hoà với nhau - mở đường cho thương thuyết đi tới việc lập một quốc gia Palestine.

Trong nhiều năm qua Mỹ bị bận tại Iraq và Afghanistan nên đã bỏ quên vụ Palestine-Israel. Ông Tony Blair Thủ tướng Anh, và nay đại diện của TT Mỹ ông Mitchell đã phải xin từ chức - chịu thua vì Israel không chịu thương lượng và tiếp tục xây dựng các khu dân cư trong các vùng tạm chiếm tại vùng West Bank (xem các vết dầu loang đang một cách gián tiếp trở thành vĩnh viễn dưới quyền Israel).
Quân đội Israel còn đồn trú trong nhiều vùng xứ «Palestine tương lai». Những việc trên ngăn cản một ý chí thương thuyết nghiêm chỉnh nhất là khi QH Mỹ vẫn bị ảnh hưởng lobby Do Thái.


Bản đồ cho thấy vô số khu cư dân Israel chiếm đóng tại West Bank trái với nghị quyết LHQ

Một vấn đề gây cấn là « quyền người Palestine bị đuổi » trong cuộc chiến với Israel trở về quê quán của họ và được đền bù. Vấn đề này còn nan giải.

Jerusalem là một vấn đề nan giải vì hai bên Do Thái và Palestine đều coi là thánh địa và thủ đô của họ.

Mặc dù các khó khăn nói trên, ván bài TĐ cần có nước Mỹ nhúng tay vào và ảnh hưởng trực tiếp trong việc thương thuyết. Kinh nghiệm đã cho thấy là Israel và Palestine, nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, sẽ không đi đến thoả thuận được. Âu châu thì chia rẽ, TQ không muốn và không có khả năng nhảy vào và Nga thì ngoài cuộc chơi.


Tạm kết

Nơi nào có bất công có nghèo đói nơi đó ý thức HG có thể lợi dụng. Các cuộc nổi dậy Hoa nhài cho thấy là ôn hoà, bất bạo động hữu hiệu hơn vũ lực, đàn áp. Dân chúng tại các nước này ngày càng có học, hiểu biết về IT, Twitter, Facebook, Paltalk, vv. cho nên các chính quyền độc đoán khó có thể bưng bít bằng công an, bằng tường lửa hay mua chuộc, bằng kiểm soát internet, hay đàn áp để tạo sợ hãi.

Do đó Mỹ cũng phải tính một chính sách ngoại giao mới về TĐ, không thể kéo trên 60 năm mà không giải quyết vấn đề Israel và Palestine. Cái khó của Mỹ là nhờ lobby Do Thái, Israel được “sự ủng hộ và viện trợ vũ khí vô điều kiện của QH Mỹ” đã kéo dài tình trạng chia rẽ Palestine (Một chi tiết ngoài lề: gia đình cựu Tổng thống Clinton là sui gia với một gia đình Do Thái). Israel không chịu thực tình thương thuyết - ngày càng chiếm đất của Palestine qua các khu dân cư lập trên các vùng đất tạm chiếm.

Lần đầu từ khi vào nhà trắng, TT Obama đã cho thấy viễn tượng một xứ Palestine sống chung với Israel trong khuôn khổ bên giới từ năm 1967 (chiến tranh 6 ngày giữa Israel và các nước A rập). Việc này đòi hỏi Israel trả lại một phần Jerusalem và bỏ các khu dân cư tại vùng West Bank. Việc này khó thành công vì Lobby Do Thái khá mạnh tại QH Mỹ. TT Obama chủ trương cuộc thương thuyết này là can đảm vì có thể do đó mà ảnh hưởng đến việc tái tranh cử vào năm 2012, đó là chưa kể lobby Do Thái có thể “phá đám”.

Một cuộc thay đổi như vậy không phải là dễ. Trong quá khứ các ưu tiên của Mỹ là chống khủng bố, chống khí giới hạt nhân, tạo tự do thương mại, ổn định trong vùng, bảo vệ Israel và hoà bình A rập-Israel. Các cuộc nổi dậy “Hoa Nhài” đã ảnh hường toàn diện đến TĐ. Hậu quả là Mỹ phải có giải pháp toàn thể cho vùng TĐ đối với các nước Arập cũng như đối với Israel. Đây là cuộc đổi mới chính sách ngoại giao quan trọng đối với Israel, Palestine và các nước A rập. Liệu Mỹ có thuyết phục được Do Thái thuận theo một chiến lược mới mẻ cho cả vùng Trung Đông?

TS ĐXQ

.
.
.

No comments: