Trọng Nghĩa - RFI
Thứ tư 18 Tháng Năm 2011
Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Đài Loan nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Trường Sa ngoài Biển Đông. Trên đây là nội dung tuyên bố hôm qua, 17/05/2011, của ông David Carden, Đại sứ Mỹ đầu tiên bên cạnh khối ASEAN nhân dịp ghé thăm Philippines.
Trả lời tờ báo Philippines Tribune, Đại sứ Mỹ nhận định là tranh chấp Biển Đông không đơn thuần là một hồ sơ khu vực, mà liên can đến rất nhiều quốc gia ngoài vùng, trong đó có Hoa Kỳ. Lý do là vì mọi nước đều muốn duy trì tình hình tự do thông thương tại Biển Đông.
Đối với ông Carden : « Trọng tâm của Mỹ hiện nay là làm sao giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền của mọi nước, và Hoa Kỳ đang thúc đẩy bản Tuyên bố về cách ứng xử tại vùng Biển Đông của ASEAN ». Nhà ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng là các tiến triển tới đây sẽ tạo điều kiện để nói về các tranh chấp.
Theo hãng tin Mỹ AP, hôm 16/05 vừa qua, Đại sứ Mỹ bên cạnh ASEAN cũng đã cho rằng các nước đòi hỏi chủ quyền trên các hải đảo trong vùng Biển Đông cần phải thiết lập một cơ chế khu vực mạnh mẽ để giải quyết tranh chấp. Theo ông, cơ chế đó cần bao gồm các quốc gia khác ở bên ngoài, nhưng có năng lực trợ giúp khu vực như Hoa Kỳ chẳng hạn.
Xin nhắc lại tại vùng Biển Đông, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong lúc Philippines, Malaysia và Brunei, thì chỉ đòi hỏi chủ quyền trên một số đảo ở Trường Sa mà thôi.
Chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã xác định vào tháng 7 năm 2010 là tuy không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ là sự tự do thông thương trên biển, và Washington sẵn sàng đứng ra làm trung gian để giúp đỡ các nước trong vùng đàm phán để tìm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp.
Đề nghị của Mỹ đã bị Trung Quốc phản đối vì không muốn hồ sơ Biển Đông bị quốc tế hóa. Bắc Kinh chủ trương đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp, một chiến thuật bị giới phân tích cho là vừa nhằm mục tiêu « chia để trị », vừa để dễ dàng dùng uy lực nước lớn gây sức ép trên các láng giềng yếu kém hơn.
Phải chăng chiến thuật của Bắc Kinh đang thành công đối với Manila ? Câu hỏi này đang được gợi lên với phản ứng của Thứ trưởng ngoại giao Philippines sau tuyên bố của Đại sứ Mỹ bên cạnh ASEAN.
Cũng trên báo Tribune, ông Erlinda Basilio cho biết là ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu thương thảo về một bản hướng dẫn thực hiện bản Tuyên bố vế các "Quy tắc ứng xử" tại Biển Đông (DOC). Ông đồng thời tiết lộ rằng hai bên cũng đang phác thảo một bộ "Quy tắc ứng xử" mang tính chất ràng buộc nhiều hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng ngoại giao Philippines từ chối không cho biết thêm chi tiết.
.
.
.
No comments:
Post a Comment