RFI ĐIỂM BÁO 19-5-2011
Thụy My - RFI
Thứ năm 19 Tháng Năm 2011
Giá cả tăng cao đang là mối quan ngại hàng đầu của cả hành tinh. Ấn Độ sẽ phải hy sinh một phần tăng trưởng cho cuộc đấu tranh chống lạm phát. Tỉ lệ tăng trưởng dự kiến cho năm tài chính 2011-2012 trước đây là 9%, nay chính phủ phải hạ xuống 8 đến 8,5%, trước tình hình lạm phát vượt xa mức trần là 5,5%. Đấu tranh chống lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu, vì có nguy cơ đe dọa tăng trưởng trong trung hạn.
Nhật báo Le Monde trong bài viết « Nạn lạm phát lan tràn khắp nơi trên hành tinh » đã nhấn mạnh, tại các nước mới trỗi dậy cũng như tại Hoa Kỳ hoặc châu Âu, việc giá cả tăng cao trở thành mối quan ngại hàng đầu.
Đây là nỗi lo không chỉ đối với các hộ gia đình mà còn cho các công ty, các định chế tiền tệ. Tất cả đều do một nguyên nhân chung, đó là giá nguyên vật liệu tăng cao, do nhu cầu của các nước mới phát triển. Tại châu Âu, giá cả đã tăng 2,8%, cao nhất từ 30 tháng qua. Còn tại các nước mà thực phẩm luôn chiếm tỉ lệ từ 30 đến 40% trong tổng chi của các gia đình, thì cú sốc lại càng mạnh. Tỉ lệ lạm phát tại Ấn Độ là 8,6%, tại Brazil 6,5%, Trung Quốc 5,3% ...
Thông tín viên của Le Monde tại New Delhi cho biết, Ấn Độ sẽ phải hy sinh một phần tăng trưởng cho cuộc đấu tranh chống lạm phát. Tỉ lệ tăng trưởng dự kiến cho năm tài chính 2011-2012 trước đây là 9%, nay chính phủ phải hạ xuống 8 đến 8,5%, trước tình hình lạm phát vượt xa mức trần là 5,5%. Khác với năm ngoái, lạm phát không chỉ ở giá thực phẩm, mà giá các loại nguyên vật liệu khác đặc biệt là dầu lửa cũng tăng vọt, trong khi nhu cầu và sản xuất công nghiệp vẫn cao.
Bài báo nhắc lại, năm ngoái Ấn Độ đã chọn lựa không chống lạm phát để không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vừa mới khởi đầu trở lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa ổn định. Nhưng nay thì đấu tranh chống lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu, vì lạm phát đang đe dọa tăng trưởng trong trung hạn. Ngân hàng Trung ương vừa tăng lãi suất chỉ đạo, và có thể tiếp tục tăng vào tháng Sáu, bất chấp hoạt động kinh tế có thể bị chững lại.
Vật giá gia tăng là vấn đề hết sức nhạy cảm trong một đất nước có đến 400 triệu người thu nhập dưới 2 đô la/ngày. Chỉ cần giá đường, giá gạo tăng lên vài xu, cũng đủ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cho những hộ nghèo. Trong quá khứ, nạn lạm phát đã gây ảnh hưởng đến chính trị. Năm 1980, chính phủ đã sụp đổ vì giá củ hành tăng – đây là loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn của người Ấn. Ba mươi năm sau, đến lượt giá xăng dầu làm tăng sự bất bình của người dân. Do Ấn Độ phải nhập đến 80% dầu hỏa, giá cả trong lãnh vực này được nhà nước quản lý và trợ giá. Hôm 14/5 khi chính phủ quyết định tăng giá xăng dầu 8,5% vì dầu hỏa thế giới tăng, các công đoàn và đảng phái đối lập đã tổ chức biểu tình trên khắp cả nước. Và như vậy kế hoạch thả nổi giá xăng dầu cũng như kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách đành phải hoãn lại.
Nhìn chung trên toàn thế giới, Le Monde trích nhận định của một chuyên gia : Trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính, hầu hết các nhà kinh tế và lãnh đạo chính trị đều tin rằng nạn lạm phát đã cáo chung, do xu hướng toàn cầu hóa. Trung Quốc với lao động giá rẻ sẽ luôn kéo giá cả phương Tây xuống thấp. Nhưng thực tế ngày nay cho thấy, nạn lạm phát đã quay lại trên toàn cầu.
Tại các nước khu vực đồng euro, tăng trưởng đã bắt đầu tái lập, nhưng nếu lương bổng không tăng, sức mua sẽ bị sụt giảm. Giá thực phẩm và xăng dầu tăng có ảnh hưởng mạnh về tâm lý, làm giảm sút tiền lương thực tế, và người ta có khuynh hướng kìm hãm bớt tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đều đã phải tăng lãi suất chỉ đạo.
Còn tại châu Á và châu Mỹ la tinh thì từ nhiều tháng qua, cuộc đấu tranh chống lạm phát đã luôn là ưu tiên hàng đầu. Ngân hàng các nước này cố gắng siết lại tín dụng. Tại Ấn Độ, lãi suất đã được điều chỉnh đến 9 lần trong vòng 15 tháng qua, còn tại Trung Quốc 4 lần kể từ mùa thu rồi, bất chấp nguy cơ làm kìm hãm hoạt động kinh tế trong một khu vực đang là đầu tàu cho tăng trưởng thế giới.
Theo một số chuyên gia, thì bức tranh thật ra không đến nỗi ảm đạm lắm. Lạm phát và tiền lương tăng tại các nước đang trỗi dậy cũng mang lại cơ hội cho các quốc gia công nghiệp hóa. Nhưng liệu nạn lạm phát toàn cầu sẽ còn kéo dài bao lâu ? Tại khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự đoán đến cuối năm 2011 tình hình sẽ trở lại bình thường. Mọi việc tùy thuộc vào giá cả nguyên vật liệu trong những tháng tới, nhưng khó ai có thể đoán trước được điều gì.
Nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị vẫn bị giam không rõ lý do
Nhìn sang châu Á, Le Monde chú ý đến việc nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị vẫn luôn bị giam cầm mà không biết vì tội gì.
Cho đến ngày 15/5, bà Lưu Thanh, vợ của nghệ sĩ mới bất ngờ được phép gặp ông sau 43 ngày bị giam giữ, trong khi luật pháp quy định chỉ được bắt giam một nghi phạm không quá 37 ngày. Thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh trích lời một người chị em gái của Ngải Vị Vị cho biết, chính quyền chưa hề thông báo ông phạm những tội danh gì. Bà Lưu Thanh chỉ được nói chuyện với chồng khoảng hơn 10 phút, và bị buộc chỉ nói những chuyện gia đình, có một số người theo dõi và ghi chép. Cảnh sát khi đưa bà đi cũng không cho biết là sẽ được gặp chồng. Nghệ sĩ Ngải Vị Vị năm nay 53 tuổi, bị cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim, chỉ được nói chuyện có vài phút.
Sự « mất tích » của nghệ sĩ nổi tiếng thường chỉ trích sự lạm dụng quyền lực của chính phủ Bắc Kinh, đã gây xúc động lớn cho các công dân mạng. Tuy nhiên kiểm duyệt và trấn áp đã làm cho những người mạnh dạn nhất cũng phải im tiếng. Chỉ có tờ hôm 12/5 vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm trận động đất Tứ Xuyên, đã dành bài xã luận để tưởng niệm các trẻ em đã thiệt mạng vì các trường học xây dựng ẩu bị sụp đổ. Tuy không trực tiếp nêu tên ông Ngải Vị Vị, nhưng như thế bài báo như một lời cảm ơn đối với người nghệ sĩ vốn đã thu thập bằng chứng để tố cáo nạn tham nhũng trong việc xây trường học tại đây.
Sáu triệu người Bắc Triều Tiên có nguy cơ bị đói
Cũng liên quan đến châu Á, thông tín viên của nhật báo công giáo La Croix tại Seoul cho biết thêm các tranh luận chung quanh việc viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên, khi nạn đói đang đe dọa 6 triệu người dân nước này.
Tờ báo đề cập đến sự kiện đặc sứ Mỹ về nhân quyền, ông Robert King sẽ đi thăm Bình Nhưỡng vào tuần tới. Đánh giá của ông về tình hình khủng hoảng lương thực tại đây sẽ giúp Washington quyết định có tái viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên, đã bị ngưng từ 2008 đến nay, hay không. Vào đầu tháng 5, Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) đã đưa ra kế hoạch trợ giúp khẩn cấp cho ba triệu rưỡi người Bắc Triều Tiên đang bị nạn đói đe dọa nhiều nhất. Theo người đứng đầu cơ quan này, thì vừa bị mất mùa, lại thêm một mùa đông giá rét, và viện trợ quốc tế giảm, nên nạn thiếu lương thực càng trầm trọng. Tuy vậy, cũng không thể so sánh với trận đói khủng khiếp hồi thập niên 90 đã làm cho 600 ngàn đến một triệu người chết. Người dân Bắc Triều Tiên hiện nay có thể tạm sống sót nhờ hệ thống chợ đen và các mảnh ruộng khoán không bị nhà nước kiểm soát.
Kế hoạch khẩn cấp của PAM cần 140 triệu euro, nhưng chỉ mới huy động được một phần nhỏ. Hai nước viện trợ nhiều nhất là Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều đang do dự, đặc biệt là Hàn Quốc không muốn giúp đỡ người láng giềng đã tấn công quân sự hai lần trong năm qua. Seoul cho rằng tình hình chưa đến nỗi nào, và có thể Bình Nhưỡng tìm cách dự trữ lương thực để dành cho năm 2012, năm sẽ tưng bừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của « lãnh tụ vĩ đại » Kim Il Sung.
Một tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc có khuynh hướng bảo thủ cũng khẳng định, các nhà điều tra của PAM đã bị Bình Nhưỡng qua mặt, gạo và bắp đã bị mang đi khỏi các căn nhà mà họ đến thăm. Tổ chức này cho rằng viện trợ nhân đạo khiến chế độ độc tài Bình Nhưỡng có thể rảnh tay tập trung cho việc triển khai vũ khí và cho chương trình nguyên tử. Ngược lại, một tổ chức phi chính phủ của Phật giáo ước lượng, 30% dân Bắc Triều Tiên có nguy cơ chết đói nếu không được cứu trợ.
Vụ DSK vẫn sôi nổi trên báo chí Pháp
Vụ Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Dominque Strauss-Kahn (DSK) bị bắt tại Mỹ tuy hôm nay đã bước sang ngày thứ tư, nhưng vẫn tiếp tục chiếm trang nhất của nhiều nhật báo Pháp ra ngày hôm nay.
« Vụ DSK : Nạn nhân khẳng định bị cưỡng hiếp », tựa của nhật báo cánh hữu Le Figaro. Tờ báo dành 6 trang để nói về việc các luật sư của DSK đang mài dũa lý lẽ chống lại nguyên cáo, cho đến các tác động tại IMF và đảng Xã hội Pháp. Nhật báo Le Monde chạy tựa « Vụ DSK : Phút nói thật của phía biện hộ ». Ở 6 trang báo bên trong, Le Monde cho biết bà Anne Sinclair, nhà báo truyền hình nổi tiếng và là vợ ông DSK, « chiến đấu đến cùng » để bảo vệ ông. Tờ báo đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ việc những người thân của nguyên cáo bác bỏ giả thuyết quan hệ thuận tình, cho đến sự bối rối của đảng Xã hội, cách xử trí vấn đề của báo chí Pháp.
Nhật báo cánh tả Libération đăng ảnh cánh cửa phòng khách sạn ở Sofitel, với dòng tít « Vụ DSK : Bí mật của căn phòng số 2806 », cho biết hôm qua người phụ nữ dọn phòng phải ra khai báo trước đại bồi thẩm đoàn New York, sẽ quyết định xem ông DSK có phạm tội hay không. Suốt 9 trang báo bên trong, Libération điểm qua từ nhân thân của nguyên cáo, tầm quan trọng của khoa học hình sự trong cuộc điều tra, cho đến áp lực phải từ chức Tổng giám đốc IMF, và cú sốc lên cánh tả, khi chỉ còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp.
Trong xì căng đan sex của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Dominque Strauss-Kahn, Le Monde ghi nhận thành công của các trang web chuyên cập nhật, tổng hợp lượng thông tin trên internet. Khi có một sự kiện quan trọng xảy ra, các trang này luôn cập nhật những tin nóng nhất, hệ thống hóa lại với các đường liên kết kể cả các đoạn video, cho phép người đọc bình luận và đặt câu hỏi. Hôm 16/5 lúc ông DSK ra trước tòa án Manhattan, đã có đến hai triệu rưỡi người truy cập trang lemonde.fr, gởi đến trên 20.000 lời bình. Các kênh truyền hình thời sự cũng có số lượng người xem tăng gấp 4 đến 6 lần. Cụ thể, các trang web tường thuật trực tiếp cử riêng một nhóm nhà báo chuyên theo dõi và chọn lọc các thông tin từ Twitter, các bản tin thông tấn và các nguồn tin khác để đưa lên kịp thời. Riêng phóng viên người Pháp duy nhất được vào tòa án hình sự Manhattan hôm ấy thì gởi tin nhắn cho ban biên tập thay vì qua Twitter để đảm bảo độc quyền.
.
.
.
No comments:
Post a Comment