Sunday, March 20, 2011

VIỆT NAM và THẢM HỌA CỦA NHẬT BẢN (Song Chi)

Song Chi
Sunday, March 20, 2011

Những ngày này, báo chí truyền thông khắp thế giới tràn ngập những tin tức về Nhật Bản kể từ khi thảm họa kép-trận động đất mạnh 8.9 độ Richter và sóng thần cao 23 m đổ ập xuống đất nước này vào ngày 11 tháng 3 vừa qua.

Các nạn nhân của trận động đất và sóng thần tạm trú ở trung tâm di tản Rikuzentakata, Nhật Bản, ngày 19 tháng 3 năm 2011. Số nạn nhân thiệt mạng đã kiểm kê được là 7,1979 người và dự trù còn lên rất nhiều nữa với cả chục ngàn người bị ghi nhận mất tích. (Hình: Paula Bronstein/Getty Images)

Thế giới bàng hoàng vì sự mất mát, thiệt hại quá lớn về nhân mạng, cơ sở vật chất cũng như những gì mà người dân Nhật Bản đang phải gánh chịu. Họa vô đơn chí. Bây giờ lại đến hiện tượng rò rỉ phóng xạ và nguy cơ nổ tại một số nhà máy điện hạt nhân, đe dọa trực tiếp và gián tiếp đến sinh mạng của hàng chục triệu con người, không chỉ ở Nhật Bản mà còn lan sang các nước khác.

Song song bên đó, những câu chuyện cảm động về tinh thần, văn hóa, cách hành xử của người Nhật trước thảm họa khiến cả thế giới phải khâm phục, ngưỡng mộ. Người ta nói đến một chính phủ Nhật Bản đã dẹp hết mọi chuyện để lo cho dân, đã phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng, bài bản như thế nào để giảm thiểu và khắc phục tối đa sự thiệt hại; và từng cá nhân người Nhật đã thể hiện sự điềm tĩnh, quả cảm, đức hy sinh, tinh thần cao thượng, ý thức vì cộng đồng... ra sao. Khi có một thảm họa to lớn xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào, thì các nước đều xúm vào giúp một tay, nhưng có lẽ chỉ có dân Nhật mới khiến mọi người khâm phục như vậy, do đó, cũng không ngạc nhiên khi thế giới nhiệt tình hỗ trợ người Nhật bằng mọi cách có thể, trong điều kiện, hoàn cảnh của từng nước.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Người Việt vốn có thiện cảm với người Nhật. Từ nhiều năm qua, Nhật Bản là nước giúp đỡ Việt Nam rất nhiều và thật lòng mong muốn Việt Nam phát triển, giàu mạnh.

Khi báo chí đưa tin “chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200,000 USD để góp phần khắc phục hậu quả”, kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng viết trong bài “Xấu hổ”: “200,000 USD, khoảng hơn 4 tỉ VNÐ. Chưa đủ tiền xây chỉ một trong nhiều cái tượng đài không đáng có mà chúng ta đang dựng tràn lan khắp nơi. Chỉ đủ tiền mua đúng 4m2 đất ở trung tâm Hà Nội. Chỉ là một con số lẻ so với số tiền người ta đổ vào lễ hội Ngàn Năm Thăng Long vừa qua...”

May mà người dân Việt Nam, thông qua lời kêu gọi của các tổ chức hội đoàn, các tờ báo khác nhau, rồi giới doanh nhân nồng nhiệt đóng góp thêm nên cũng đỡ... xấu hổ! Thì bao giờ mà chả thế. Ngay thiên tai bão lụt trong nước xưa nay nhà nước Việt Nam vẫn dựa vào tinh thần “lá rách đùm lá nát” của người dân là chính. Bây giờ đến thảm họa trên thế giới cũng vậy.

Chỉ khen được họ một điều, đó là họ đã để cho báo chí thoải mái đưa tin về thảm họa tại Nhật Bản để người dân tự nguyện đóng góp giúp nước bạn. Chứ ở “nước lạ mà ai cũng biết là nước nào ấy” thì thông tin chưa chắc đã đầy đủ, cập nhật như ở Việt Nam. Có gì đâu, đưa tin về tinh thần của người Nhật để cho lòng tự hào dân tộc của “nước lạ” vốn tự cho mình là nước lớn bị tổn thương ư, hay đưa tin về cách mà chính phủ Nhật chuẩn bị phòng xa cũng như đối phó khi thảm họa xảy ra, không khéo dân “nước lạ” lại chạnh lòng nhớ đến trận động đất Tứ Xuyên mà con số người chết sở dĩ cao đến thế, một phần cũng vì động đất vừa xảy ra là hàng trăm hàng ngàn ngôi nhà, trường học đổ sụp xuống đầu dân do bị “rút ruột”, xây ẩu...

Những câu hỏi vì sao người Nhật có thể ứng xử tuyệt vời khi thảm họa xảy ra cũng đã được nêu ra và lý giải theo nhiều cách: Vì dân Nhật đã quen và được chuẩn bị tốt cho những tình huống tai họa, vì văn hóa, nền tảng giáo dục luân lý, tính cách của họ và vì dân Nhật tin vào chính phủ họ sẽ làm những gì tốt nhất có thể, cho nhân dân, đất nước...

Nhìn lại người Việt Nam, chưa nói đến thảm họa, trong cuộc sống ngày thường người Việt rất ít khi biết nhường nhịn nhau, chưa kể còn tranh thủ những dịp đông người như lễ hội hay khi có chuyện gì để thủ lợi riêng. Một ví dụ nhỏ: Báo chí đưa tin sáng sớm ngày 26 tháng 1 một ô tô chở bia từ thành phố Vinh (Nghệ An) hướng Hà Tĩnh, bị lật trên cầu Bến Thủy, hàng ngàn lon bia 333 đổ ra đường. Người đi đường đổ xô nhặt bia khiến giao thông trên Quốc lộ 1 ách tắc suốt 6 tiếng đồng hồ! Ðối mặt với các sự cố như động đất nhẹ, cháy nhà, chìm thuyền... đã từng xảy ra, không ít người Việt Nam hốt hoảng, chen lấn, giẫm đạp mong thoát thân...

Người dân không được học để đối phó với thảm họa, lại không có tinh thần cộng đồng bởi vì ai cũng nghĩ rằng nếu không chen, giành thì người khác cũng giành giật, chẳng còn đến phần mình.

Và nếu như lòng tin vào chính phủ là một điều rất quan trọng giúp cho người Nhật bình tĩnh, an tâm thì người Việt không có được “diễm phúc” này! Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần chứng tỏ một sự kém cỏi từ tầm nhìn, chiến lược chuẩn bị cho đến cách đối phó, xử lý khi có sự cố xảy ra, chưa kể thói vô cảm, coi thường mạng sống của người dân. Chỉ riêng chuyện bão lũ, năm nào cũng có hàng trăm người chết và mất tích, hàng ngàn người bị mất nhà cửa, tài sản, thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế của đất nước. Bao nhiêu ý kiến đóng góp tâm huyết của người dân về việc phải có một giải pháp quy hoạch tổng thể phòng chống lũ lụt để những tai họa tương tự không xảy ra hoặc bớt thiệt hại hơn, nhưng rồi mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Năm sau lũ lại xảy ra, lại kêu gọi nhân dân đóng góp, lại mì gói. Lãnh đạo lại đi thuyền xuống vùng lũ, tự tay trao cho người dân thùng quà có dòng chữ “Quà của văn phòng thủ tướng chính phủ”, báo chí chụp hình, TV quay phim, v.v. mọi người cảm động!

Thật ra chả ai cần ông thủ tướng và những người đứng đầu nhà nước làm những chuyện lặt vặt mang tính phô diễn, mỵ dân như vậy. Những chuyện đó nếu biết xây dựng một xã hội dân sự tốt với những hội đoàn, tổ chức phi chính phủ... sẽ đảm nhiệm. Cái mà người dân cần ở nhà nước là làm sao để năm sau ngăn ngừa, hạn chế được thiệt hại do bão lũ. Chưa kể nhiều chuyện trái tai gai mắt như năm vừa rồi miền Trung bão lũ tang thương mà Hà Nội thì cứ tưng bừng đại lễ 1000 năm Thăng Long vô cùng tốn kém. Khi dư luận nói quá thì lãnh đạo thành phố Hà Nội bèn tuyên bố ngừng bắn pháo hoa tại một số điểm trong đêm bế mạc, tiết kiệm 5 tỷ đồng dành tặng miền Trung. Người dân nghe vậy lại mềm lòng. Người hiểu chuyện thì cười ruồi. Ai chả biết, pháo hoa để bắn vào dịp đại lễ phải chuẩn bị mua từ trước đó khá lâu, đâu thể phút cuối mới mua mà bảo dừng lại? Hay chả phải vụ nổ pháo hoa sân Mỹ Ðình trước đó làm số lượng bị hụt đi, không thể bắn tại nhiều điểm như đã dự kiến? Rồi bảo tặng miền Trung 5 tỷ đồng, có ai thử kiểm tra xem có thật không, số tiền đó đưa đi đâu rồi, hay chỉ nói cho có tiếng?

Từ nguy cơ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, nhiều nước từ Âu sang Á “giật mình” nhìn lại việc xây dựng và phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, ở Việt Nam, trước sự lo ngại của giới chuyên môn, chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội Trần Ðình Ðàn khẳng định tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9 vào chiều 17 tháng 3: Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì sẽ sử dụng các công nghệ mới, an toàn hơn so với... Nhật!

Cũng như dạo xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary, giới khoa học, trí thức, đông đảo người dân Việt Nam trong và ngoài nước lại nhắc lại lời cảnh báo về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Nhưng rồi nhà nước Việt Nam vẫn cứ tiến hành. Và những “ông lớn” ủng hộ dự án này tuyên bố mọi việc sẽ an toàn, rằng đã tính toán rất kỹ và ta sẽ sử dụng những công nghệ mới hơn, an toàn hơn Hungary. Ðúng là nói lấy được. Hungary là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong công nghệ sản xuất nhôm, vậy mà tai họa vẫn xảy ra. Và bây giờ, người Nhật với một nền công nghệ sản xuất điện hạt nhân tiên tiến, đầy kinh nghiệm, cũng không tránh nổi họa từ trên trời rơi xuống. Có ai tin Việt Nam sẽ hơn được những quốc gia này và khi xảy ra sự số, sẽ xử lý tốt hơn họ?

Trước đó nữa, đã từng có những tai họa như vụ cháy Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế ITC tại Saigon năm 2002 hay vụ sập cầu Cần Thơ, dư luận xôn xao quanh chuyện nguyên nhân, hậu quả, bài học rút ra... rồi mọi chuyện lại êm ắng.

Cho nên bài học ở Nhật Bản-xét trên nhiều phương diện, từ góc độ của cả nhà nước và người dân, rồi cũng sẽ không được học thuộc ở Việt Nam!

No comments: