Trung Nghĩa
Thứ Năm, 03/03/2011
Tác giả hiện đang là một trong những nhà cách mạng "bàn phím" như bao độc giả Dân Luận ở đây.
Tiêu đề này có lẽ sẽ làm nhiều bác đang mơ và nghĩ tới một cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Việt Nam sốc và buồn. Vậy nhưng, sự thật luôn phũ phàng và đôi khi làm rõ nó để đánh thức những con người đang ngủ mơ trong ánh hào quang của các cuộc cách mạng xứ Ả Rập là điều vô cùng cần thiết.
Kể từ lúc cuộc cách mạng ở các nước Ả Rập thành công đã thổi một làn gió tươi mới vào những nhà hoạt động Dân Chủ "bàn phím" như chúng ta, làm cho ai cũng khấp khởi hy vọng vào một cuộc cách mạng Dân Chủ tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam cùng với tình hình biến động giá cả trong vài tháng vừa rồi. Và rồi, theo đà đó các tổ chức, cá nhân đã và đang đấu tranh cho Dân Chủ ở Việt Nam tung ra các lời hiệu triệu, kêu gọi xuống đường, thậm chí kể cả ngọn lửa tự thiêu Phạm Thanh Sơn cũng được tuyên truyền rộng rãi khắp nơi trên mạng. Thế mà, kết quả đáp lại chỉ là sự hờ hững, dửng dưng của đa số người dân Việt Nam.
Để làm rõ vấn đề trên, thiết nghĩ chúng ta phải đứng hẳn ra ngoài để có 1 cái nhìn khách quan, toàn diện, đánh giá tình hình cách mạng Dân Chủ Việt Nam.
1. Ai? Cái Gì sẽ quyết định một cuộc cách mạng.
Khi làm một cuộc cách mạng, điều đầu tiên căn bản đó là phải phân tích xem trong một xã hội tầng lớp nào có nhu cầu cấp thiết để làm cách mạng? Khả năng của các tầng lớp trong xã hội ra sao? Trình độ giác ngộ, nhận thức của họ có phù hợp để làm cách mạng hay không?
Không trả lời cặn kẽ, rốt ráo những câu hỏi trên. Thì những giấc mơ hoa nhài mãi mãi chỉ là những giấc mơ ko bao giờ trở thành hiện thực. Nào chúng ta cùng đi và phân tích xem các tầng lớp xã hội VN hiện nay thực trạng ra sao.
Tầng lớp đại gia, lắm tiền nhiều của:
Tầng lớp này được coi như sống cộng sinh với chế độ. Đa phần các đại gia hiện nay giầu và phất lên nhanh chóng như hiện nay là nhờ câu kết, móc ngoặc với các quan chức của Đảng để trốn thuế và làm giầu trên sự bóc lột xương máu của người dân nghèo. Đối với tầng lớp này, Dân Chủ là điều họ không bao giờ cần, bởi khi có một thể chế minh bạch, công khai họ khó có thể ngồi mát mà vẫn ăn bát vàng như hiện tại. Hơn nữa, với một cuộc sống sung túc và thoải mái Cách Mạng Dân Chủ là điều họ không bao giờ quan tâm. Tầng lớp này coi như không có hy vọng.
Tầng lớp trí thức trung lưu, cán bộ công nhân viên chức, học sinh sinh viên gia đình khá giả.
Tầng lớp này tuy không có cuộc sống thoải mái, sung sướng như tầng lớp thượng lưu. Ngược lại họ là những nạn nhân đầu tiên của bão giá, lạm phát. Nhưng bản thân do có trình độ kiến thức, cho nên đối với họ cuộc sống không đến mức quá thảm họa, nghèo nàn. Khi giá cả tăng cao, lạm phát nhiều, thì cuộc sống của họ chỉ bớt sung sướng, thoải mái đi thôi, chứ không đến mức bị bần cùng hóa. Ví dụ trước kia tuần nhậu 4-5 buổi, thì giờ lạm phát lên cao, tuần sẽ nhậu 1-2 buổi thôi. Hay trước kia cứ tối tối đèo vợ đi dạo mát, lượn lờ quanh phố phường, thì giờ giá xăng tăng, họ lại cắt bỏ khoản đó đi v.v... Ấy là còn chưa kể tới do có bằng cấp, nên họ biết xục xạo, lăn lộn vào xã hội để làm thêm, kiếm thêm tiền, ngoài đồng lương công chức còm cõi.
Đối với tầng lớp này, thực sự đối với họ, Cách Mạng không phải là nhu cầu cấp thiết. Có thể họ bức xúc với tiêu cực bất công, nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ lên mạng làm cách mạng "bàn phím" mà thôi. Chứ nói để đứng lên làm cách mạng thì không bao giờ. Bởi họ còn gia đình, vợ con, sự nghiệp kiếm tiền v.v... - có quá nhiều cái ràng buộc.
Do sự kiểm soát của chế độ, mà từ trước tới nay, việc tuyên truyền Dân Chủ chỉ xuất hiện ở trang mạng internet. Mà tầng lớp này là đối tượng chủ yếu - vì họ có trí thức và biết sử dụng internet.
Nhưng, cũng như Mao Trạch Đông đã từng nói rằng, trí thức là cục phân, tức hàm ý, làm cách mạng thì không bao giờ trông đợi được vào tầng lớp trí thức. Vì bản chất của trí thức là dễ thỏa hiệp, buông xuôi, gió chiều nào theo chiều ấy. Bởi thế, coi như không có hy vọng gì vào tầng lớp này sẽ đứng lên làm cách mạng.
Hãy xem như thời thực dân Pháp, tầng lớp trí thức tư sản luôn thỏa hiệp với Pháp, vì bản thân tầng lớp này có một cuộc sống sung sướng, thoải mái hơn các tầng lớp khác rất nhiều.
Như thế, coi như từ trước tới nay việc chúng ta tuyên truyền tư tưởng kiến thức Dân Chủ chẳng qua cũng chỉ là nơi tạo ra chỗ để cho tầng lớp trí thức xả stress và chửi bởi chế độ mà thôi. Sau đó, ngày hôm sau, tất cả đâu lại vào đấy. Họ lại quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình.
Tầng lớp công nhân, nông dân, người nghèo.
Đây là tầng lớp chủ yếu, nòng cốt quan trọng nhất của mọi cuộc cách mạng. Hơn nữa, tầng lớp này chiếm tới 80 % dân số Việt Nam, bởi thế nên vai trò của họ đối với 1 cuộc cách mạng Dân Chủ là cực kì quan trọng.
Tầng lớp này, tuy hiện tại đã và đang sống dưới đáy tận cùng nghèo khổ của xã hội. Nhưng kì lạ thay, họ ko hề tính tới việc làm cách mạng. Hay nói đúng hơn, khả năng chịu khổ, tự thỏa mãn với hiện tại đã tới mức phi thường (đến mức quốc tế phải xếp VN là dân tộc lạc quan nhất thế giới).
Từ trước tới nay, người ta cứ nghĩ đơn giản rằng: Cứ có nghèo khổ, ắt sinh ra làm cách mạng. Điều đó có thể đúng trong hoàn cảnh nào đó. Nhưng đối với bản tính của dân Việt Nam thì không còn chính xác nữa.
Ở đây đặc tính dân tộc được coi như yếu tố quyết định để giải thích cho việc tại sao cùng khủng hoảng, lạm phát mà người Ai Cập, Lybia, Tunisia v..v đứng lên làm cách mạng, còn dân nghèo VN thì không. Đối với dân các nước Ả Rập, khi gặp khó khăn trong cuộc sống, thì việc đầu tiên họ nghĩ tới đó là phải đứng lên nổi dậy, đòi lại quyền con người cho bản thân và cho xã hội.
Nhưng đối với người Việt Nam. Khi gặp khó khăn kinh tế, lạm phát. Thay vì nghĩ đến việc đứng lên họ lại nghĩ ra trăm phương, ngàn kế để thoát nghèo. Ví dụ như đàn ông thì đi làm nô lệ cho nước ngoài, phụ nữ thì đi làm osin, làm gái điếm cho Hàn Quốc, Đài Loan. Rồi thì, lạm phát tăng cao như thế, thì họ tính toán tới việc chi tiêu, ăn tiêu dè xẻn, lấy chỗ này bù chỗ kia, sao cho trong mọi hoàn cảnh đều vẫn có thể sống khỏe và không chết. Chứ tuyệt nhiên không hề có tư tưởng làm cách mạng.
Nếu ai đó có điều kiện, hãy về các vùng quê nghèo ở Việt Nam. Ở nơi đó, nhà tranh vách đất, trẻ con ăn mặc những bộ quần áo bẩn thỉu, rách rưới, người lớn thì suốt ngày quần quật ra đồng làm việc, bữa cơm thì chỉ có lạc rang muối, rau muống. Vậy nhưng, nụ cười luôn nở trên môi họ một cách đều đặn và thường xuyên. Suốt ngày những con người trên chỉ nghĩ tới việc làm sao để lo cho được bữa ăn ngày mai. Chứ khái niệm cách mạng là hoàn toàn không có trong đầu họ.
Như thế, lạm phát có thế, chứ lạm phát nữa thì tầng lớp này vẫn vậy và không bao giờ thay đổi.
Còn hiện tại mâu thuẫn giữa những người dân bị cướp đất đối với chính quyền địa phương chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với tổng dân số Việt Nam. Hơn nữa, những mâu thuẫn này đều có cái đích của nó là chính quyền địa phương, hay 1 vị quan chức nào đó. Chứ cái đích của nó không phải hướng tới việc lật đổ làm cách mạng. Do đó, cũng hoàn toàn không có hy vọng gì vào việc những người này sẽ đứng lên làm cách mạng. Có chăng cũng chỉ là những biểu tình nhỏ lẻ, tự phát không mang tính đại trà và rộng lớn.
Tương tự, mâu thuẫn hiện tại giữa công nhân và giới chủ. Thì mũi dùi cũng chỉ hướng tới giám đốc phân xưởng, chủ nhà máy. Chấm hết ở đó. Chứ hoàn toàn ko phải hướng tới chế độ chính trị, yêu cầu công đoàn độc lập v.v...
Dĩ nhiên, do bản thân họ là những người ít học, không được tiếp xúc với internet, nên không biết ai là kẻ thù đích thực của mình. Bởi vậy, cần có người tuyên truyền, hướng dẫn họ. Thế nhưng, lực lượng công an ở VN đã quá giỏi trong việc dập từ trong trứng nước mọi ý đồ tuyên truyền, hoạt động Dân Chủ trong phong trào công nhân.
Nói tóm lại: Qua việc phân tích 3 tầng lớp chủ yếu trong xã hội Việt Nam chúng ta có thể tạm kết luận. Việt Nam sẽ không thể có cách mạng bởi nguyên nhân chính: Đặc tính, văn hóa của người dân Việt Nam không phù hợp với cách mạng.
-- Còn tiếp phần 2 --: Đi về đâu hỡi nền chính trị Việt Nam?
.
.
.
No comments:
Post a Comment