Thursday, March 24, 2011

VĂN BẢN PHÁP LUẬT NÀO QUY ĐỊNH CÔNG DÂN VIỆT NAM KHÔNG ĐƯỢC BÀN VIỆC SỬA ĐỔI ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP ?

Nguyễn Đại
Thứ Năm, 24/03/2011

Kính gửi Truongton (Trường tồn?),
Tôi may mắn được đọc bài viết của anh trên Dân Luận. Link của nó đây: http://danluan.org/node/8242. Và tự thấy phải có đôi lời cùng anh.

Về việc anh cho rằng có một số phần tử “xuyên tạc và lu loa bằng những luận điệu cũ rích rằng “Hành vi của CHHV là hợp pháp” và vì những luận điệu này “làm cho CHHV ngày càng thêm bảo thủ và một số thân nhân của Vũ tiếp tục có những hành động xa rời thực tế”. Tôi xin đặt 3 câu hỏi nhờ anh trả lời:
Thứ nhất, khi công an bắt một cá nhân nào đó, thì người dân, thân nhân cùng các luật sư có liên quan đến vụ án có quyền bàn bạc và ý kiến không? Theo tôi hiểu thì “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật – điều 73 Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam (HP)”. Nếu anh trả lời là “Không” thì xin anh cho biết tại sao. Nếu anh trả lời là “Có” thì mong anh bỏ các chữ “xuyên tạc” và “lu loa” dùm cho.
Cái luận điệu cũ rích mà những người quý mến anh Vũ đang sử dụng có cũ bằng các luận điệu mà chúng tôi đã nghe vài chục năm nay. Cái quan trọng là luận điệu nào hợp lý hơn?
Hành động xa rời thực tế của người thân anh Vũ là gì? Đó là việc chị Xuân Bích gửi đơn cầu cứu? Chị Dương Hà yêu cầu được làm luật sư cho chồng mình? Nếu các hành động tôi vừa nêu ra đúng ý của anh là “xa rời thực tế” thì xin anh cho biết, những phụ nữ trí thức, chân yếu tay mềm đó biết làm gì trước cái thực tế cay nghiệt này?

Từ đoạn 2 đến đoạn 3 anh viết thật sự đọc khó hiểu. Từ chuyện anh Vũ “đưa ra một yêu cầu khá bất ngờ là muốn được Tòa án tối cao xét xử sơ thẩm” nhảy qua chuyện anh Vũ “ý thức không cần hiểu và thực hiện theo pháp luật đã thể hiện ở chính các hành vi tự do tuyên truyền không theo quy định của pháp luật”. Điển hình như câu văn này, tôi không còn biết chủ ngữ, vị ngữ là đâu cả: “Căn cứ các quy định nêu trên, các hành vi của CHHV như viết bài, trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), đài Châu Á tự do (RFA) với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi xoá bỏ điều 4 Hiến pháp;... CHHV còn tự viết nội dung các bài trả lời phỏng vấn và lưu vào máy tính xách tay, lưu giữ ở nhà và công khai đưa lên mạng Internet là hành vi chủ quan của CHHV nhằm tuyên truyền rộng rãi các quan điểm, phát biểu, bài viết có nội dung bị pháp luật nghiêm cấm”.
Ngắn gọn lại, anh Vũ đã “vi phạm pháp luật” vì đã:
1. Viết bài, trả lời phỏng vấn VOA, RFA
2. Kêu gọi đa nguyên, đa đảng,
3. Đòi xóa bỏ điều 4 HP.
4. Công khai tuyên truyền các bài này (có nội dung bị pháp luật nghiêm cấm) trên mạng.

Tôi lại xin hỏi anh:

Pháp luật có cấm viết bài, trả lời phỏng vấn đài VOA, RFA hay không? Nếu có, xin anh trích dẫn. Và ngoài VOA và RFA, còn đài nào trong danh sách cấm hay không? Nếu còn, thì rất - rất cần công khai để dân biết mà tránh.

Pháp luật có cấm “kêu gọi đa nguyên, đa đảng” không? Nếu có, xin anh trích dẫn. Nếu không, thì với nguyên tắc là công dân được làm những gì pháp luật không cấm, anh Vũ không vi phạm pháp luật.

Pháp luật có cấm “đòi xóa bỏ điều 4 HP” không? Nếu có, xin anh trích dẫn. Và ngoài điều 4 ra, còn điều nào nằm trong danh sách cấm “đòi xóa bỏ” hay không? Nếu còn, thì rất - rất cần công khai để dân biết mà tránh.

Nhân tiện, tôi xin có đôi dòng để anh truongton tham khảo. Cũng mong nhận được phản hồi của anh.

Thử đặt một vấn đề là Nếu anh truongton nói “tôi không thích luật pháp quy định đánh bài là có tội” thì có bị coi là vi phạm pháp luật không? Câu trả lời là Không. Một công dân có quyền thích hoặc không thích bất kỳ một điều khoản nào trong hiến pháp, trong luật pháp, cũng như bất kỳ một văn bản nào của Nhà Nước. Vấn đề tiếp theo là vì anh truongton không thích, anh muốn xóa bỏ nó bằng cách kêu gọi trưng cầu dân ý, bằng cách viết thư kêu gọi bỏ điều khoản đó ra ngoài bộ luật thì anh có vi phạm pháp luật không? Câu trả lời là Không. Một công dân có quyền muốn bỏ bất kỳ một điều khoản luật nào đó.

Chúng ta thường nghe những tranh cãi xung quanh điều 4 Hiến Pháp, trong đó quy định "Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội”. Điều 4 Hiến Pháp hay bất kỳ điều khoản nào khác đều có giá trị như nhau. Không có sự phân biệt mức độ quan trọng nặng nhẹ giữa điều này và điều kia. Do đó, khi anh không thích điều 4 Hiến pháp, anh không vi phạm pháp luật. Anh được quyền bày tỏ “tôi không thích điều 4 HP”, “tôi thấy điều 4 HP nó vô lý thế nào ấy”. Và vì không thích, anh muốn bỏ điều 4 HP, thì anh có quyền trình bày “tôi đề nghị bỏ điều 4 HP”, hoặc “tôi muốn trưng cầu dây ý xem có nên để điều 4 HP không”. Những việc đó cũng không vi phạm pháp luật.

Ví dụ cho dễ hiểu, điều 83HP có quy định “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.” Vì tin yêu ĐCS, anh đề nghị bỏ điều này, anh đề nghị thay bằng “Đảng cộng sản là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”. Ở tình huống này, anh không hề vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề là khi một điều khoản pháp lý nào đó còn tồn tại thì anh phải tuân thủ. Anh rất thích bài bạc, anh quan niệm tiền của anh, anh thua cháy túi cũng không sao. Anh rất ghét điều khoản quy định “đánh bạc có tội”. Nhưng anh đánh bài thì anh vẫn vi phạm pháp luật. Tương tự, khi điều 4 Hiến Pháp còn tồn tại, thì dù ghét hay thích, anh cũng không được tham gia một đảng phái chính trị để cạnh tranh quyền lãnh đạo với ĐCS! Nên nhớ cho là anh Vũ thì không hề tham gia bất kỳ Đảng nào, thậm chí không một câu lạc bộ, một nhóm nào.

Trở lại bài viết của anh, anh lại tiếp tục cho rằng “Các quan điểm trả lời phỏng vấn, các tài liệu của CHHV có nội dung đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước và xã hội,... là những hành vi vi phạm pháp luật”, với lý do là “Hiến pháp của nước ta là đạo luật cơ bản được Quốc hội thông qua, tại Điều 4, Hiến pháp quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là ý nguyện của toàn dân”. Tôi xin đặt 3 câu hỏi, nhưng chỉ cần anh trả lời câu thứ hai:
Công dân Việt Nam có quyền đòi bỏ một điều trong HP hay không? Câu hỏi này anh không cần trả lời, vì tôi đã giải thích ở trên. Trừ khi anh nói “Không”(!?)

Anh có căn cứ gì để nói rằng “Hiến pháp quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là ý nguyện của toàn dân” không? Nếu có, xin anh trích dẫn.

Theo anh, có cần trưng cầu ý dân về điều 4 không? (Xin anh cứ nghĩ điều 4 như một điều bất kỳ trong HP, đừng quá nhạy cảm). Câu này anh không cần trả lời vì tôi biết câu trả lời sẽ là “không cần vì… điều 4HP chính là ý nguyện của dân. Và quay lại câu hỏi 2.

Về phần miêu tả công lao của ĐCS và thành quả đạt được, tôi cho rằng đây mới chính là luận điệu “cũ rích và sáo mòn”. Trong bài “huề tiền” viết cách đây đã khá lâu, tôi có đề cập đến chuyện này. Bài đó đây: http://danluan.org/node/4441.

Nhưng nếu anh truongton không thích đọc thì anh hình dung thế này nhé. Anh đang có hai tay hai chân, sinh hoạt bình thường. Có một ông trùm vào nhà anh, trói chân tay anh lại, không cho anh ăn uống, đi lại, đại –tiểu tiện. Cho đến khi anh gần chết,chịu không nổi thì nó “cởi trói” cho anh. Anh có ca ngợi công lao nó “cởi trói” cho anh không?

Anh cho rằng “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Tôi lại đặt 3 câu hỏi:
Sao anh biết đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta?
Dựa vào đâu mà anh cho đó là sự lựa chọn đúng đắn? Thậm chí anh có hiểu CNXH là gì không và CNXH thời bao cấp khác với CNXH thời nay như thế nào không?
Vậy theo anh, hiện nay chỉ có vài quốc gia kiên định đi lên CNXH là phù hợp xu thế phát triển của lịch sử thôi sao? Thế hàng trăm quốc gia khác, trong đó không hiếm “thằng” đang rót vốn cho ta là trái quy luật?

Riêng những tính chất ưu việt của một Xã hội xã hội chủ nghĩa mà anh cho rằng ta đang xây dựng (Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh v.vv.. và v.vv..) tôi lại thấy nó đang có sẵn ở các nước đã chuyển từ mô hình Tư Bản hoang dã sang mô hình Tư Bản văn minh như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch… Cho nên tất cả những gì anh ca ngợi, theo tôi mới chính là cũ rích và sáo rỗng. Có một điều Mark nói đúng là CNTB đã giãy chết. Thực tế thì không có gì vĩnh viễn trên cõi đời này. CNTB của Marx thật sự đã chết, nhưng thay thế nó không phải là bạo lực cách mạng, không phải là đấu tranh giai cấp, không phải là chuyên chính vô sản. Thay thế nó là CNTB với các tổ chức công đoàn bảo vệ người lao động, là chính sách thuế hợp lý, là chia sẻ quyền lợi thỏa đáng giữa chủ tử bản và công nhân…

Cuối bài, anh cho anh Vũ một số lời khuyên rất trịch thượng và kẻ cả. Thôi thì chuyện đó là việc cá nhân anh. Nhưng theo tôi, hiện anh Vũ bị tạm giam, anh “đánh” người 2 tay bị trói thì có vẻ phi quân tử quá. Lúc trước, khi anh Vũ viết “bậy bạ”, sao anh không có một bài viết tranh luận với anh Vũ một cách khoa học, công khai trên báo chí. Biết đâu anh Vũ đã được anh thuyết phúc, và giờ anh Vũ đang ngồi nhà bên vợ con? Nghĩ lại, thấy Marx và Engels gặp may. Hai ông được tự do viết lách, tự do bày tỏ tư tưởng “CNTB đang giãy chết của mình”.

Hay tôi đề nghị với anh truongton thế này. Anh đề nghị đăng đàn tranh luận cùng chị Dương Hà, đại diện cho anh Vũ. Anh và chị Hà công khai tranh luận trực tiếp hoặc gián tiếp để xem ai có cơ sở lý luận tốt hơn. Anh nghĩ thế nào?

Nguyễn Đại – tháng 3/2011

-------------------------

Tin liên quan

.
.
.

No comments: