12:01:am 03/03/11
Những biến chuyển tại Trung Đông quá bất ngờ và sâu rộng nên cần thêm một thời gian dài mới nhìn thấy hệ quả. Người viết chỉ xin ghi lại nơi đây vài suy nghĩ riêng lẻ về sự kiện vô cùng phức tạp này.
***
Điểm tương đồng giữa cuộc cách mạng ở Đông Âu vào cuối thập niên 90 và phong trào quần chúng tại Trung Đông hiện giờ, là cả hai làn sóng đã xảy ra quá đột ngột rồi sau đó lây lan rất nhanh ra toàn khu vực. Ít ai ngờ khối Xô Viết có thể tự sụp đổ mà không phải trải qua chiến tranh, và cũng khó tiên liệu được các chế độ độc tài như Mubarrak tại Ai-Cập, Khadaffi ở Lybia lại có thể bị đe doạ bởi các phong trào quần chúng tự phát thay vì đảo chánh hay mưu sát.
Hệ quả là tâm lý của các nhà cầm quyền độc tài còn lại tại Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ, Á Châu đều hết sức lo âu. Họ siết chặc kiểm soát nhưng vẫn phập phồng vì không biết khi nào vận nước sẽ xoay vần.
***
Bầu không khí lạc quan hy vọng lan tràn khắp nơi sau cuộc cách mạng tại Đông-Âu; nhưng bù lại thế giới mang hai tâm trạng vừa phấn khởi vừa bất định trước những biến động tại Trung Đông.
Nguyên nhân trực tiếp vì Trung Đông vốn là kho dầu hoả quốc tế nhưng cũng lại là nơi phát xuất khủng bố Hồi Giáo. Người ta e ngại các thành phần cực đoan sẽ chiếm vai trò lãnh đạo và dùng dầu hoả làm khí giới đưa thế giới vào một cơn khủng hoảng trầm trọng cho dù là ở Mỹ, Âu, Trung Hoa hay Ấn Độ.
Không ai biết rằng các biến động tại Trung Đông liệu có sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn vô chính phủ hay một mô hình tôn giáo độc đoán? Dân chủ nhưng thiếu quyền tự do cá nhân đồng nghĩa với độc tài của đám đông cho dù mang nhản hiệu tôn giáo hay đoàn kết dân tộc.
Thế giới đa nguyên ngày nay không thể tiến bộ nếu xã hội không chấp nhận những khác biệt nơi giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay tư tưởng.
***
Vào đầu thế kỷ 20 chính sách thực dân là chia để trị, cố tình chia cắt Trung Đông thành nhiều quốc gia rồi đưa các nhóm thiểu số lên cai trị đa số nhằm tạo sự lệ thuộc vào Âu-Mỹ. Sau đó nhiều nhà cầm quyền độc tài đã biện minh cho tính chính đáng của chế độ và che lấp các thất bại bằng cách đề cao những giáo điều tôn giáo – xã hội lạc hậu.
Tây Phương đã để lại các di sản tệ hại nơi nhiều vùng đất thuộc địa, nhưng bù lại sau khi chủ nghĩa thực dân cáo chung cũng đã đóng góp cho nhân loại với các ý niệm về dân chủ và tự do.
Âu-Mỹ giờ không còn ảnh hưởng quyết định tại vùng Trung Đông. Người dân vùng đất sa mạc đã đứng lên khẳng định vai trò của mình, liệu họ có tự chọn dân chủ tự do hay sẽ bị sa lầy trong các chia rẻ từ quá khứ – không ai biết trước được.
***
Chiến tranh lạnh chấm dứt là sự chiến thắng của kinh tế thị trường so với chính sách kinh tế tập trung.
Trái lại, những cuộc nổi dậy tại Trung Đông có thể xem là do quần chúng tự phát đứng lên đòi lật đổ mô hình ổn định giả tạo, lạc hậu và bất công. Nói cách khác, người dân Trung Đông muốn dành lại quyền quyết định cho tương lai của chính mình.
***
Các quốc gia Trung Đông hoặc sẽ thành hình được nền dân chủ tự do, hay rơi vào nội chiến và độc tài đa số. Có người sẽ từ đó kết luận rằng không phải xã hội nào cũng sẵn sàng tiến lên dân chủ, và cũng không thể có các giá trị phổ quát mà bỏ qua nét đặc thù của từng dân tộc.
Nhưng thực tế chi có quần chúng – chớ không phải giai cấp cầm quyền hay chuyên gia nào – mới quyết định được khi nào các điều kiện đã đủ chín mùi. Nền dân chủ được xây dựng do người dân chọn lựa chớ không phải vì quyền lợi của thiểu số lãnh đạo hay ngoại bang xúi dục.
***
Nước nào may mắn, dưới chế độ độc tài nhưng còn giữ được vài cơ cấu tương đối độc lập và được dân chúng tin tưởng như quân đội, công đoàn, tôn giáo thì có nhiều cơ hội để sớm ổn định và xây dựng dân chủ.
Nước nào kém may vì nhà cầm quyền triệt tiêu mọi tiếng nói độc lập; đến khi bị lật đổ không có một lực lượng nào khả dĩ đủ uy tín lấp vào chổ trống thì sẽ rơi vào nội chiến hổn loạn hay rơi vào các khuynh hướng quá khích cực đoan.
***
Cuộc cách mạng cơ khí vào thế kỷ thứ 16 đã mang đến nhiều mô hình xã hội khác nhau như dân chủ, thực dân, phát xít, tư bản và cộng sản.
Cuộc cách mạng tin học chỉ mới bắt đầu từ 30 năm nay đã mở ra các cánh cửa và trào lưu không thể dự trù trước. Trước những cơn chấn động sẽ xảy ra về kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội, chỉ có niềm tin làm kim chỉ nam qua phong ba bão táp, rằng mỗi người không phân biệt tôn giáo, xứ sở, giai cấp đều có quyền quyết định cho tương lai hạnh phúc của họ; cộng thêm vào tấm lòng cởi mở để thông cảm và giải quyết các mâu thuẩn trong văn hoá và quyền lợi.
© Đoàn Hưng Quốc
-----------------------
Các bài khác:
.
.
.
No comments:
Post a Comment