Friday, March 11, 2011

ĐỪNG ĐỂ DÂN "TỨC NƯỚC VỠ BỜ" (RFA)

Khánh An, phóng viên RFA, Bangkok
2011-03-11

Ngày hôm qua, nhiều người dân Hà Nội đã đến thăm gia đình ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gây chấn thương cổ và chết vào hôm 8/3.
Biểu ngữ đòi công lý cho ông đã được giăng trước cửa nhà khiến cho nhiều người đi đường dừng lại xem gây ra ùn tắc giao thông.Tiếp xúc với gia đình, chị Trịnh Kim Tiến, con gái ông Tùng cho Khánh An biết về diễn tiến xử lý vụ việc đánh chết người này:

Gia đình kêu oan
Chị Kim Tiến: Hiện tại đã có giấy khởi tố bắt giam bị can và lệnh bắt giam được phê duyệt bởi Viện kiểm sát. Nhưng người ta vẫn bảo là chờ đợi giấy khám nghiệm y khoa. Gia đình em vẫn đang chờ đợi nhưng mong là mau chóng có được cái giấy ấy để biết được nguyên nhân cái chết của bố em để có thể chôn cất bố em một cách tử tế để bố em ra đi một cách thanh thản.

Khánh An: Hiện nay gia đình chị chưa chôn cất ông Tùng?
Chị Kim Tiến: Dạ vâng, tại vì phải rõ được nguyên nhân chết của bố em ra sao. Nếu không, chôn bố em xuống rồi sau chưa rõ nguyên nhân chết, lại đào lên thì rất có tội với người đã khuất.

Khánh An: Được biết có nhiều người dân thành phố Hà Nội đã đến để chia buồn với gia đình chị và đòi công lý cho bố chị, điều này có đúng không?
Chị Kim Tiến: Thật ra là mọi người đến chia sẻ với gia đình em.

Khánh An: Vâng. Và mọi người còn treo băng rôn để đòi lại công lý, phải không?
Chị Kim Tiến: Dạ không. Đấy là do chính tay em, chính tay gia đình em kêu oan cho bố em, không làm gì trái pháp luật vì em làm ngay tại cửa nhà em. Đấy là lời kêu oan, chỉ muốn giành lại công bằng cho bố em, của chính gia đình em chứ không liên quan đến ai. Mọi người chỉ đến chia buồn thôi.

Khánh An: Khi gia đình chị treo băng rôn để kêu oan như thế thì có bị xử lý không?
Chị Kim Tiến: Không, em không làm gì sai với pháp luật. Em không gây rối trật tự vì đó là trước cửa nhà em và băng rôn nhà em chi ghi là “Xin đề nghị pháp luật xử lý nghiêm minh”. Không làm gì trái pháp luật, đấy chỉ là một lời kêu oan, mong muốn đòi lại công bằng cho bố em.

Khánh An: Vâng, vì nghe nói có công an đến và yêu cầu dẹp biểu ngữ này có phải không?
Chị Kim Tiến: Vâng ạ. Chính quyền có đến và mong muốn để những biểu ngữ đấy xuống vì sẽ gây tắc đường và nhà em cũng chấp hành. Khi nhìn thấy lệnh khởi tố bị can, nhà em cũng hết sức chấp hành pháp luật, nghe theo chính quyền và cũng đã tháo bỏ xuống.

Lạm dụng quyền hành và vũ lực
Khánh An: Phát biểu với tư cách là một người dân và người chứng kiến vụ việc, anh Phạm Quang Hùng, chính là người lái xe ôm đưa ông Trịnh Xuân Tùng ra bến xe, cho biết:
Anh Phạm Quang Hùng: Cũng chỉ vì cái mũ, anh Tùng tháo ra để gọi điện thoại đấy mà. Không may, tôi là người lái xe cũng không để ý. Nhưng vì công an họ xử sự, họ bắt đè tôi ra phạt, tôi không chấp nhận. Sau đó chắc là anh Tùng thấy bức xúc thế nào, vẫn chưa giải quyết được thì anh ấy có nói gì không biết mà hai bên giằng co nhau. Theo tôi thì việc đấy là tôi không đồng ý với cách xử sự của các anh, làm nó không được ấy mà chặt chẽ quá đâm ra tôi cảm thấy có sự không ổn, đâm ra tôi đã không ký vào biên bản.

Trong khi đó, Đài Á Châu Tự Do tìm đến ông Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc công an Hà Nội, người trực tiếp chỉ đào việc điều tra vụ án.

Khánh An: Alô. Vâng, thưa ông Chung phải không?
Ông Nguyễn Đức Chung: Vâng.
Khánh An: Tôi chỉ muốn hỏi thăm việc điều tra của…
Ông Nguyễn Đức Chung: Chị không có cái gì có thể hỏi được cả, nhá.
Khánh An: Tại sao vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Chung: Tôi không tiếp ai ngoài này cả, nhá. Chị nhầm máy rồi.
Khánh An: Tôi được biết số này là số chính xác của ông…
Ông Nguyễn Đức Chung: Chị nhầm máy rồi, nhá.

Khánh An: Đã nhiều lần, lực lượng công an sử dụng vũ lực gây thương tích và làm thiệt mạng người dân, khiến cho công luận rất bất bình. Không chỉ riêng gia đình ông Tùng, mà rất nhiều người dân đang chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng từ phía các cơ quan công quyền để không phải “tức nước” đến “vỡ bờ”!

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: