Monday, March 28, 2011

TƯƠNG LAI TRẺ EM CÁC VÙNG DU LỊCH VIỆT NAM (Phương Nam)

Phương Nam
28-3-2011

Trẻ em ở các khu du lịch có điểm chung nhất, đại đa số trong đó đều là con nhà nghèo, đều không đến trường, hoặc đã từng đến trường nhưng vì cuộc sống khó khăn nên bỏ học.

Đội quân không tương lai
Đến bất kỳ khu du lịch nào của VN, càng nổi tiếng thì càng nhiều trẻ em "hành nghề" ăn theo các dịch vụ, sản phẩm du lịch."Đội quân" này thường trực bất kể giờ giấc, ngay cả đêm khuya, mưa lạnh mù mịt sương giá buốt, hay nắng nóng chang chang giữa trưa rát bỏng, cứ có khách là có ít nhất 1, 2 cô cậu bé lượn lờ bên cạnh vòi vĩnh mua, thuê hay gạ gẫm xem hàng hóa.
Chúng có thể là giúp việc cho một chủ cửa hàng, cũng có thể là "PR" cho cha mẹ đang buôn bán kiếm sống ngay tại khu du lịch, mà có khi chính bản thân phải mưu sinh cho cuộc sống của mình và cả gia đình...
Đến Sa Pa, không một du khách nào bị hay được bỏ sót bởi những em bé người H' Mông, Dao chào mời mua các món đồ thổ cẩm hay đồ trang sức kim loại mạ bạc, đồng...
Không chỉ ở ngay con đường trung tâm "Phố Cầu Mây" nhan nhản những em bé dân tộc đi bán hàng lưu niệm, mà ngay cả khi xuống tới bản xa Tả Van, Tả Phìn, thung lũng Mường Hoa, Cầu Mây, Bãi đá cổ... thậm chí cả ở chân núi, nơi chuẩn bị cho các khách du lịch chuẩn bị hành trình chinh phục đỉnh Phanxipang, cũng luôn có 1 đội quân những em bé dân tộc bám đuôi năn nỉ mua một món gì đó cho chúng.
Ở Tam Đảo, cách Hà Nội chưa đầy 100km, nhưng ở đây cũng có 1 đội quân tí hon toàn trẻ cỡ 10-15 tuổi đi bán đủ các thứ, từ chim rừng đến cây lá thuốc, bó rau susu... Đi dọc theo các khu du lịch nằm trong địa chỉ tour , từ Ninh Bình- khu Chùa Bái Đính (mới), Hoa Lư, Tam Cốc, Bích Động... xa hơn là các vùng biển Bãi Cháy, Hạ Long, Cát Bà... tưởng chừng trong động hay trên biển thì không có trẻ em, nhưng ngược lại, trẻ em ở đây cũng không thua gì các "đồng nghiệp" ở các khu du lịch miền núi. Chúng tích cực bơi thuyền đeo bám khách, đến nỗi khách muốn thoát thân cũng phải mua 1 chai nước, hay cái vỏ ốc...
Ở vùng biển Mũi Né (Phan Thiết), nơi mà thiên nhiên ưu đãi có những cồn cát mang vẻ đẹp đường nét tuyệt vời, thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm, thì cũng là nơi mà có cả trăm em bé con nhà làng chài đã lăn lộn với cát kiếm sống bằng nghề cho khách thuê ván trượt giải trí.
Ngay cả ở TP.HCM, một nơi tưởng chừng phồn hoa hạng nhất nước, thì cũng vẫn có rất nhiều em bé hàng ngày sống bám vào du khách, nhất là ở khu phố Tây- Phạm Ngũ Lão, Đề Thám. Không chỉ bán hàng lưu niệm, làm những việc vặt như đánh giầy, bán báo, phục vụ quán ăn, tiệm nước, mà còn manh nha những biến tướng của việc lam dụng tình dục trẻ em (truyền thông của TP HCM đã từng đề cập).
Đi xuống tới miệt vườn miền Tây Nam Bộ, những em bé sông nước cũng "chìm, nổi" lênh đênh theo các chuyến ghe tàu du lịch tham quan vườn trái, chợ nổi, các làng nghề cổ truyền bánh tráng, kẹo dừa... Không nơi nào vắng bóng bọn trẻ, kể cả ở nơi heo hút khắc nghiệt như ở vùng di tích Thành cổ Quảng Trị, Bảo tàng Tà Cơn, Khe Sanh...
Trẻ em ở các khu du lịch có điểm chung nhất, đại đa số trong đó đều là con nhà nghèo, đều không đến trường, hoặc đã từng đến trường nhưng vì cuộc sống khó khăn nên bỏ học.
Mưu sinh bấp bênh, bữa no bữa đói, áo sống không lành lặn, đủ ấm thân, đếm từng ngày tồn tại qua đồng tiền thu nhặt được từ khách du lịch... Nhiều em không biết chữ, nhiều em quên mặt chữ, không kiến thức văn hóa, gia cảnh nghèo khó, rồi chúng lớn lên, tương lai sẽ như thế nào? Một câu hỏi không chỉ dành cho bọn trẻ, gia đình họ, mà là dành cho cả xã hội ta.
.
.

Nghịch lý vùng du lịch
Bộ VH-TT & DL vừa ký Quyết định số 3146/QĐ-BVHTTDL phê duyệt đề cương bản Đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030", nhằm xây dựng hướng đi mang tính chiến lược phát triển ngành du lịch của VN.
Đây có thể nói là một dự án chiến lược về ngành du lịch hoàn toàn mang tính phát triển cao, hợp lý, tiến bộ. Nhưng vẫn thấy rõ ràng, trong chiến lược phát triển ngành cho đến 30 năm sau, không thấy có dự án hay mục tiêu nào gắn kết sự phát triển ngành du lịch với địa phương và với ngay chính những con người đang sinh sống tại nơi phát triển du lịch.
Điển hình là việc giải quyết như thế nào về tình trạng trẻ em làm việc, kiếm sống ở các khu du lịch, thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử...? Trong các quy hoạch phát triển du lịch, có nhà chiến lược nào nghĩ tới tương lai của bọn trẻ ở những vùng này sẽ ra sao. Khi mà như một nghịch lý, càng phát triển du lịch thì càng thêm nhiều trẻ em bỏ học kiếm sống ăn theo?
Rồi trong các dự án phát triển du lịch của ngay chính địa phương, ngoài việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, làm ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú... có khoản nào nghĩ đến việc tạo một môi trường cho bọn trẻ vừa có thể làm việc kiếm sống, vừa tạo điều kiện học tập, và sau này đào tạo thành nguồn nhân lực tương lai cho chính khu du lịch của địa phương mình?
Lâu nay, trong các dự án chiến lược hay quy hoạch phát triển du lịch, thường các nhà hoạch định chỉ nghĩ đến làm thế nào để thu lợi nhuận cao nhất ở ngành công nghiệp không khói này. Ngoại trừ các vấn đề về mội trường, văn hóa... thì gần như các kinh tế gia ngành du lịch đã bỏ quên việc ngành này trả "vốn" cho người dân nơi mà du lịch phát triển như thế nào.
Không chỉ lợi nhuận đóng góp vào công khố quốc gia là đã đủ. Không chỉ tạo vẻ bề ngoài để thu hút khách du lịch, ngành du lịch cần nghĩ đến tương lai của người dân, nơi ngành du lịch đã từ đó mà thu lợi nhuận. Đó cũng là nghĩa vụ hay là một hình thức trả "vốn" mà ngành du lịch đã hưởng lợi.
Đã có chiến lược gia ngành du lịch này thử điều tra, tổng kết xem du lịch đã mang lại điều gì cho người dân nơi đó, ảnh hưởng cuộc sống, ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ ra sao?
Rộng hơn và cụ thể hơn, đã có chiến lược gia ngành du lịch nào thử đánh giá xem tỉ lệ thất học, mù chữ của trẻ em vùng du lịch phát triển?
Để kết thúc bài viết này, tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ. Không chỉ ở Sa Pa, mà cả ở Mũi Né, TP.HCM, tôi đã tận mắt chứng kiến những vị khách du lịch, cả người Mỹ, Pháp, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... (mà ta thường gọi họ là Tây ba lô), tụ tập một đám trẻ bán hàng lưu niệm, đánh giày, bán báo hay cho thuê ván trượt cát... lúc rảnh không có khách, và dạy chúng nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Nhật.
Họ dạy chúng có khi chỉ 1 buổi, nhưng tiếp sau đó bọn trẻ ít khi nào bị lỡ, ngắt đoạn, vì khi họ về nước, họ lại giới thiệu cho tốp bạn đồng hương đi sau tiếp tục dạy bọn trẻ. Và kết quả, bọn trẻ không biết chữ Việt, nhưng nói được tiếng một số tiếng ngoại quốc. Hỏi họ vì sao làm như thế, họ nói rằng: Đó là muốn tạo sự thân thiện và cũng là muốn cảm ơn bọn trẻ đã cho họ những cảm xúc rất đẹp khi tới VN(!)
.
.
.

No comments: