Friday, March 4, 2011

TRUNG QUÔC MONG "NGUYÊN" THAY "ĐÔ LA" (Ngô Nhân Dụng)

Ngô Nhân Dụng
Đăng ngày 03/03/2011 lúc 15:32:32 EST
.
Sau khi lên giữ chức chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Ðào đã tổ chức nhiều buổi “học tập” bí mật với các chuyên gia; trong đó một số người đã thuyết trình về vận thăng trầm của các cường quốc trong lịch sử. Các người lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa học được một điều, là một nước chỉ chiếm được địa vị siêu cường nếu đồng tiền của họ được các nước khác dùng làm một “ngoại tệ dự trữ”. Tức là đồng tiền của một siêu cường được các nước khác dùng để thanh toán khi mua bán với nhau, dùng như một thứ tiền tệ chung.
------------------------------
.
Thế kỷ 19 các nước trong đế quốc Anh giữ đồng Bảng Anh làm dự trữ; các thuộc địa của Pháp bị bắt buộc phải giữ đồng Franc. Sau Ðại Chiến Thứ Hai, Nga Xô buộc các nước chư hầu sử dụng đồng Rúp khi thanh toán thương mại, mặc dù họ trao đổi theo kế hoạch chung không cần đến tiền tệ làm trung gian cũng được. Bên ngoài khối cộng sản, thì đồng đô la Mỹ chiếm ưu thế. Các nước khi mua hay bán với nhau muốn được thanh toán bằng đô la, khi đi vay nợ cũng vay, trả lẫn nhau bằng đô la. Các ông Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo đã nghĩ tới tương lai, khi nào đồng Nguyên (gọi là tiền nhân dân, nhân dân tệ) cũng chiếm được một địa vị, nếu chưa bằng đô la Mỹ thì ít nhất cũng ngang với đồng Euro của Âu Châu, đồng Franc Thụy Sĩ, hay đồng Yen Nhật Bản.

Vì sức mạnh và cơ cấu cởi mở của nền kinh tế Hoa Kỳ, mọi người biết khi cầm đô la Mỹ trong tay là có thể mua được nhiều thứ hàng cần thiết, mà không ai từ chối. Sau Ðại Chiến Thứ Hai, đô la Mỹ chiếm địa vị thống ngự tài chánh thế giới. Có đô la đem đi đâu cũng đổi được ra đồng tiền bản xứ mà chi dùng. Các nước mua bán với nhau, dùng đô la thanh toán. Người Brazil muốn mua ngọc của Miến Ðiện khỏi phải đi mua đồng “ky-ét”, tiền của nước này; người Angola muốn mua dầu lửa Mexico cũng không cần tìm mua đồng peso. Mọi người, đi mua cái gì, mua của ai, đưa đô la Mỹ ra trả, đều được chấp nhận. Những người bán các món hàng mà cả thế giới cần mua lẫn của nhau như dầu lửa, quặng mỏ, gạo, lúa mì, xe hơi, vân vân, đều yêu cầu được trả bằng tiền của Mỹ.
.
Một hậu quả là các nước cần giữ đô la Mỹ trong tay. Ngoài ra họ còn phải cất giữ một số đô la Mỹ trong nhà, coi như tiền dự trữ, phòng khi cần đến. Chẳng hạn, một nước bình thường mỗi tháng nhập cảng 100 tỷ đô la hàng hoá thì cần giữ sẵn ít nhất 200 hoặc 300 tỷ đô la. Ðủ để thanh toán hai, ba tháng số tiền mua hàng từ nước ngoài, dù nước đó có xuất cảng được bao nhiêu cũng vậy. Chỉ cốt dự phòng thế thôi, để lỡ khi những người mua hàng của mình không thanh toán được thì mình vẫn có tiền để mua dầu lửa, mua giấy, mua máy móc về dùng.

Một nước không giữ đủ tiền dự trữ thì sẽ bị thiệt hại. Như ở Việt Nam hiện nay, số đô la dự trữ chỉ đủ để trả hơn một tháng hàng hoá nhập khẩu; trong khi cán cân thương mại thì khiếm hụt nặng, tức là mua vào nhiều hơn bán ra. Những nước bán hàng cho một nước dự trữ yếu sẽ ngần ngại không muốn bán chịu cho họ. Bán chịu, giao hàng rồi cho anh trả trễ 3 tháng, 6 tháng, lỡ đến lúc thanh toán mà anh hết tiền dự trữ thì sao? Ai dám nhận đồng tiền của nước anh khi anh không có đô la? Nếu anh vẫn năn nỉ xin mua chịu, thì người bán cũng có thể châm chước, nhưng xin anh coi số tiền trả trễ đó như một món tiền anh nợ tôi, phải trả tiền lãi; tôi sẽ tính lãi suất hơi cao vì hơi rủi ro; và xin anh trả trước tiền lãi cho nó chắc! Một nước mà dự trữ thấp quá cũng khó đi vay tiền trên thế giới. Nghĩa là khi đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn bình thường.

Vì những lý do trên, các quốc gia đều giữ ngoại tệ dự trữ, mà từ giữa thế kỷ 20 phần lớn đều giữ đô la Mỹ. Trung Quốc đang giữ một số ngoại tệ dự trữ trị giá khoảng 3 ngàn tỷ Mỹ kim, mà hơn một nửa trong số đó là giữ đô la Mỹ. Các nước giữ đô la Mỹ trong nhà cũng biết đầu tư vào một thứ “dụng cụ tiền tệ” khác, là công trái của chính phủ Mỹ. Thay vì cất đô la trong két sắt ngân hàng trung ương của mình, họ đi mua công khố phiếu của Mỹ, cất trong két sắt các ngân hàng lớn ở New York, Zurich, vân vân, để kiếm chút tiền lãi.

Như vậy, một nước có đồng tiền đóng vai “tiền chung” của thế giới được hưởng nhiều điều lợi, mà cũng có trách nhiệm rất lớn. Trách nhiệm đầu tiên là họ phải giữ giá trị đồng tiền của họ ổn định, nếu không thì kinh tế cả thế giới bị xáo động. Nhưng trên nguyên tắc không có giấy tờ nào nêu rõ trách nhiệm đó. Mà cũng không có cơ chế nào để ràng buộc nước Mỹ phải tham khảo ý kiến các nước khác khi thi hành các chính sách tiền tệ của mình. Tức là trách nhiệm hoàn toàn có tính cách tự nguyện, mối ràng buộc duy nhất lá lòng tin của thế giới. Còn những điều lợi được hưởng thì rất hiển nhiên.

Một điều lợi là cái nước làm chủ đồng tiền chung đó có quyền “vay nợ” và có thể “quỵt nợ” một cách tự nhiên, không cần công bố hay xin phép ai cả.

Chúng ta nên biết đồng tiền nào cũng là một thứ “giấy nợ”. Khi bạn cầm trong tay một đồng Euro thì coi như các nước Âu Châu trong khối Euro đang nợ bạn... một Euro. Bạn có quyền đòi họ thanh toán món nợ đó bằng một số hàng hoá ở các nước dùng đồng tiền này. Tất cả các nước đó là “con nợ” của quý vị. Một đồng “kíp” ở nước Lào là giấy nợ mà khi quý vị đến nước Lào là có quyền đòi họ trả nợ bằng hàng hoá, dịch vụ ở đó. Khi tôi trả một đồng kíp cho cậu chủ quán Internet tại Vientiane để được sử dụng mạng lưới gửi bài này về báo Người Việt ở California, tôi đang “đòi nợ” dân Lào. Vì tôi cầm đồng kíp, một tờ giấy nợ mà chính phủ Lào đã ký kết, và dân Lào phải trả nợ. Cái quán cà phê Internet này mang tên rất oai: Computer Solutions, đang trả nợ cho chính phủ của họ. Ðồng đô la Mỹ cũng vậy, đó là thứ giấy nợ mà Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang và bộ Tài Chánh Mỹ ký kết với quý vị nào đang giữ đô la trong túi. Quý vị cũng có quyền “đòi trả nợ” bằng một số hàng hoá, dịch vụ. Ðiểm khác nhau giữa đồng kíp của Lào và đô la của Mỹ là tôi có thể đem tờ giấy nợ mang tên đô la đi hầu hết các nơi trên thế giới, ở đâu tôi cũng có thể “đòi trả nợ” được. Trong khi đó, đồng kíp đem ra khỏi nước Lào thì coi như thành tiền Lèo, không ai muốn nhận cả.

Ðó là một lợi điểm của quốc gia có đồng tiền được cả thế giới dùng, đồng đô la hiện nay chẳng hạn. Coi như chính phủ Mỹ và Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang Mỹ có quyền đi vay nợ cả thế giới mà không cần xin phép ai cả - đôi khi cần xin phép các đại biểu Quốc Hội đại diện của 300 triệu dân Mỹ.

Không những thế, khi chính phủ Mỹ làm cho đồng đô la của nước họ xuống giá so với các đồng tiền mạnh khác, của Nhật Bản, Âu Châu, Thụy Sĩ, vân vân; thì tất cả những người đang cầm đô la trong tay, hoặc giữ trong nhà, đều bị thiệt hại, bị mất tiền. Ðồng đô la họ đang cầm mà xuống giá thì họ chỉ “đòi nợ” được một số hàng hoá và dịch vụ nhỏ hơn trước! Nói cách khác, khi chúng ta nhớ mỗi đồng tiền là một tờ giấy nợ, thì thấy ngay là nếu tiền Mỹ xuống giá là nước Mỹ đã tự động giảm bớt số nợ của họ, đối với tất cả những người đang cầm đô la trong tay, tức là cả thế giới! Thử tưởng tượng chính phủ Bắc Kinh đang giữ 1,000 tỷ đô la trong nhà, mỗi lần đô la Mỹ xuống giá 1% là 10 tỷ đô la mất biến! Cái giấy nợ viết 1,000 đồng, bây giờ chỉ còn 990 đồng mà thôi!

Riêng một điều này cũng đủ khiến cho các người lãnh đạo Trung Quốc sốt ruột rồi! Trong bài báo trên tạp chí Cầu Thị, tác giả Từ Vận Hồng đã đề nghị chính phủ Trung Quốc phải dùng ảnh hưởng thương mại ngày càng lớn của mình để thuyết phục các nước khác thay thế vai trò của đô la Mỹ bằng đồng nhân dân tệ. Nói cách khác, đồng Nguyên sẽ tranh giành địa vị bá chủ của đồng đô la Mỹ.

Ông Từ Vận Hồng chỉ nói lại một điều hiển nhiên. Vì đó là một mục tiêu mà chính quyền Trung Quốc vẫn nhắm từ lâu, ít nhất từ thời các ông Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo tựu chức. Tuy nhiên, con đường từ đây tới đó còn rất xa xôi, mà cuối cùng kết quả vẫn không ai đoán trước được!

Những người ngồi trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc nuôi giấc mơ đưa đồng Nguyên lên hàng “tiền dự trữ”, ít nhất ngang với địa vị của các đồng tiền Euro của Âu Châu đồng Yen của Nhật, đồng Franc Thụy Sĩ. Trước khi sang tham nước Mỹ vào cuối năm 2010, ông Hồ Cẩm Ðào trả lời các nhà báo Mỹ đã nói thẳng rằng hệ thống tiền tệ thế giới hiện nay, lấy đô la Mỹ làm trung tâm vì các nước đều dùng đô la Mỹ làm ngoại tệ dự trữ, là một di sản của quá khứ, trong tương lai sẽ phải thay đổi. Chắc chắn là người Trung Hoa mong có ngày đồng Nguyên sẽ thay thế vai trò thống ngự thế giới của đồng đô la Mỹ. Có thể coi đây là một kế hoạch trường kỳ, kéo dài hàng 50 năm, 100 năm không chừng; nhưng như Lão Tử nói, cuộc hành trình vạn dậm nào cũng bắt đầu bằng một bước! Sau ông Hồ Cẩm Ðào, chắc ông Tập Cận Bình sẽ còn nhắc lại câu nói đó. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ lập lại điều này, “Ðồng Nguyên sẽ thay thế Ðô la Mỹ” trong vòng 30, 50 năm nữa. Dù không nghiên cứu kinh tế học, quý vị cũng biết rằng khó ai đoán trước được vận mạng kinh tế loài người trước một thế kỷ hay nửa thế kỷ. Nếu 100 năm nữa không ai còn dùng đến tiền tệ nước nào nữa, mọi giao dịch được thanh toán theo cách khác thì sao? Hơn 40 năm trước, Nhật Bản tuyên bố sẽ bỏ tiền nghiên cứu “thế hệ máy vi tính thứ 5” để vượt IBM của Mỹ. Ngay chủ tịch công ty IBM cũng nói không ai lại ngu đi mua computer để trong nhà mình dùng; và ông tiên đoán cả thế giới sẽ chỉ cần đến 5 cái computer lớn là đủ. Trong 20 năm sau đó, các doanh nhân Mỹ họ lại chỉ lo làm những việc nhỏ mọn, như chế ra những máy vi tính tí hon để trên bàn cho mỗi cá nhân. Cuộc chạy đua kinh tế bao giờ cũng đầy những bất ngờ. Thử tưởng tượng một lực sĩ gắng sức leo dốc để tới đích trước mọi người; nhưng khi leo đến nơi thì cái cột mốc đã biến mất rồi, mà cũng không còn ai dự cuộc chạy đua leo dốc đó nữa, họ sang ngọn núi khác rồi! Như nhà kinh tế Keynes từng nói: Chỉ có một kế hoạch trường kỳ, thật lâu dài và chắc chắn nhất, đó là cái chết!

Nhưng giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc nói là làm ngay. Họ đang bắt đầu công việc “quốc tế hoá” nhân dân tệ. Việc đầu tiên là làm sao cho loài người làm quen với đồng Nguyên, dù không đặt chân lên đất Trung Quốc. Nhưng trước hết phải làm sao cho các nhà đầu tư, tức là những người có sẵn tiền, và nhiều tiền, trên thế giới tập thói quen dùng đồng Nguyên, không phải chỉ ở trong nước Trung Hoa mà cả bên ngoài nữa. Trước hết, họ nhắm vào những dân có tiền ở mấy nước chung quanh. Hương Cảng là địa điểm ưu tiên. Vì Hồng Kông vẫn là một trung tâm tài chánh, một thị trường vốn mà giới đầu tư thuộc nhiều quốc gia đang sử dụng. Bao giờ mà các người làm ăn ở Hồng Kông thấy việc cầm đồng Nguyên trong tay cũng tự nhiên như cầm đồng Euro hay đồng Mỹ kim; bao giờ họ đi mua, bán với nhau, vay nợ, trả nợ nhau, mà thanh toán bằng nhân dân tệ không khác gì sử dụng đồng tiền Mỹ hay tiền Âu Châu, thì lúc đó giấc mơ của ông Hồ Cẩm Ðào sẽ thành sự thật. Nhưng “bao giờ” là bao giờ? Trong 30 năm, nửa thế kỷ, hay một thế kỷ nữa?

Trong một bài sau, chúng tôi sẽ trình bày một số hành động của chính quyền Bắc Kinh trong nỗ lực quốc tế hoá đồng “tiền nhân dân” của họ. Nhưng chúng ta có thể đoán trước nỗ lực của chính phủ Bắc Kinh còn gặp rất nhiều gian nan. Vì hiện nay họ vẫn theo một dụng cụ của hệ thống kinh tế chỉ huy, tập trung, là kiểm soát ngoại tệ. Một du khách tới nước Trung Hoa cầm đồng Nguyên muốn đổi lấy đô la, hay có đô la muốn đổi lấy Nguyên, phải tìm dúng một ngân hàng được chính quyền cho phép làm công việc hoán chuyển này. Nếu không tìm ra ngân hàng Bank of China trong thị xã mình tới, là kẹt. Bắc Kinh kiểm soát việc hoán chuyển ngoại tệ để phòng ngừa cho họ khỏi bị ảnh hưởng của các cơn biến động tài chánh quốc tế. Ðiều đó tốt, nhưng cũng gây hậu quả xấu. Không khác gì các bậc cha mẹ không dám cho con lội xuống nước, vì sợ nó chết đuối; cứ như thế đứa con sẽ không bao giờ biết bơi cả! Bao giờ chính phủ Bắc Kinh mới dám cho đồng Nguyên được hoán chuyển tự do? Ít nhất phải 15 hay 20 năm nữa. Sau đó, lại phải làm sao cho đồng Nguyên được làm quen với giới đầu tư quốc tế, cũng mất một thế hệ nữa.

Còn một yếu tố nữa quyết định địa vị của đồng Nguyên, là nền chính trị ở nước Trung Hoa. Ðồng tiền một nước chỉ lên địa vị bá chủ, được các nước khác dự trữ, nếu nền chính trị nước đó được ổn định. Mà chính trị ở Trung Quốc thì chưa ổn định.

Nếu quý vị nghi ngờ điều này, cho rằng chính trị ở Trung Quốc đang rất ổn định, không lo chuyện đó, thì chúng tôi xin quý vị nhớ lại quá khứ. Trước đây 30 năm, nền chính trị ở Liên Xô có vẻ ổn định hay không? Thế cái gì xẩy ra năm 1989? Trước năm 1990 có ai ở ngoài khối cộng sản muốn giữ đồng Rúp làm dự trữ ngoại tệ, trong ngân hàng hay trong nhà của mình hay không? Trước đây một tháng, ai nói nền chính trị Ai Cập không ổn định, chắc cũng bị thiên hạ nghi ngờ. Cũng giống như Lybia, Bahrain vậy. Tại sao dân Nga thời còn cộng sản vẫn muốn cất giữ đô la Mỹ? Có những cụ già người Nga để dành tiền bằng Mỹ kim dù chả bao giờ tính đi thăm nước Mỹ cả! Chỉ vì họ biết nền chính trị nước Mỹ nó rất ổn định. Không ai sợ một chính phủ Mỹ mới lên sẽ thay đổi đồng tiền của chính phủ Mỹ. Hiến Pháp Mỹ cũng không cho phép nhà nước “chơi” với đồng tiền của dân, như các chế độ độc tài lâu lâu lại làm.

Một quốc gia chỉ có ổn định thật sự nếu người dân được tham gia vào các quyết định chính trị và kinh tế chung của cả tập thể. Khi nào nhà nước còn phải dùng công an mật vụ đe dọa và đàn áp dân, thì chưa thể nào coi là ổn định được. Khi đó, ngay đồng tiền của họ cũng không ai muốn cất giữ. Cho nên khi nuôi giấc mơ có ngày đồng Nguyên thay thế đô la Mỹ, hoặc ít nhất cũng có địa vị “ngang cơ với mỹ kim, những người lãnh đạo Trung Quốc họ đều biết: Phải cải tổ chính trị trước đã! Khi ông Ôn Gia Bảo nói điều này ra vào cuối năm ngoái, ông đã “buột miệng” nói một sự thật, một nhu cầu đích thực của nước ông.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt online
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: