Tuesday, March 1, 2011

TRUNG QUỐC - HOA KỲ : BẠN BÈ HAY LÀ GÌ KHÁC? (The Economist)

(The Economist 12/2010)

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 1/3/2011

Đăng bởi anhbasam on 01/03/2011

Sống với sự nổi lên của Trung Quốc sẽ thử thách sự khôn khéo về ngoại giao của Mỹ như chưa bao giờ có trước đó.
Trong một bài tiểu luận mới đây Hugh White, một cựu quan chức an ninh và quốc phòng của Ôxtrâylia, miêu tả cuộc trao đổi sau đây với những người đồng nhiệm ở Mỹ: “Tôi đã đặt ra câu hỏi này cho họ: ‘Các vị có nghĩ rằng Mỹ nên đối xử với Trung Quốc ngang tầm nếu sức mạnh của Trung Quốc phát triển ngang bằng với sức mạnh của Mỹ hay không?’ Câu trả lời luôn là không. Sau đó tôi lại hỏi: ‘Các vị có nghĩ rằng Trung Quốc sẽ bằng lòng với bất cứ thứ gì kém hơn việc được đối xử ngang bằng hay không?’ Câu trả lời cho câu hỏi đó cũng luôn là không. Khi tôi hỏi họ: ‘Vậy thì các vị mong đợi như thế nào vào việc Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ hữu hảo?’ Tôi thường nhận được một cái nhún vai thay cho câu trả lời”.
Cái nhún vai đó cho thấy khó khăn của Mỹ trong việc vạch ra một chính sách đối với Trung Quốc. Mỹ muốn Trung Quốc là một thị trường thịnh vượng tiêu thụ hàng hoá Mỹ. Nước này cũng muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc năng động và có trách nhiệm trong các vấn đề thế giới. Tuy nhiên, đồng thời, Mỹ cũng cảm thấy bị sức mạnh kinh tế, công nghiệp, ngoại giao và quân sự đang tăng lên của Trung Quốc đe doạ. Khi Mỹ không thích một lập trường mà Trung Quốc theo, thì sẽ nảy sinh va chạm. Việc pha trộn giữa sự cộng tác và sự cạnh tranh là công thức cho sự nhầm lẫn.
Một cách để giải quyết những sự căng thẳng này là đặt an ninh lên hàng đầu. Hiện nay Mỹ có thể hướng đến việc ngăn chặn Trung Quốc lúc này khi Trung Quốc trở nên mạnh hơn. Mỹ đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh bằng việc cô lập nền kinh tế Liên Xô và dồn lực lwongj vũ trang của Liên Xô vào thế bí. Nhưng nỗ lực làm lại điều đó là một ý tưởng tồi, như Robert Art giải thích trong số ra mới đây của Tạp chí “Political Science Quarterly”. Trước hết, cái giá phải trả là vô cùng to lớn; mặt khác, Mỹ có thể phải gánh chịu nhiều tổn thất như Trung Quốc. Nền kinh tế của hai nước có mối quan hệ gắn bó với nhau và Trung Quốc sở hữu nợ chính phủ của Mỹ nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Trong chiến tranh, các quốc gia gạt các nhân tố như vậy sang một bên vì cần thiết. Nếu một Tổng thống Mỹ nỗ lực gạt chúng sang một bên trong thời bình coi như một sự lựa chọn, thì ông sẽ phải đối mặt với sự chống đối ở trong nước và sự sỉ nhục ở nước ngoài.

Những rủi ro của chính sach ngăn chặn
Trong bất cứ trường hợp nào, một chính sách ngăn chặn có nguy cơ gây ra kết quả ngược lại với sự mong đợi, trừ việc chống lại Trung Quốc thù địch một cách rõ ràng. Trừ phi Mỹ có thể thuyết phục phần lớn thế giới tham gia, Trung Quốc vẫn sẽ có quyền tiếp cận hầu hết các thị trường. Một nước Mỹ hung hăng có nguy cơ mất đi chính các liên minh ở châu Á mà nước này đang tìm cách bảo vệ. Và Joseph Nye thuộc Trường Kenedy tại Harvard đã lập luận rằng cách tốt nhất để làm cho Trung Quốc trở thành kẻ thù là đối xử với Trung Quốc như một kẻ thù.
Mỹ có thể một ngày nào đó cảm thấy mình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tập trung chỉ riêng vào vấn đề an ninh, là điều mà Trung Quốc lo sợ. Ngược lại, tập trung vào vấn đề kinh tế và lãng quên vấn đề an ninh hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Mỹ có các lợi ích sống còn ở châu Á. Nước này muốn ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Mỹ có các đồng minh để bảo vệ và có các mối đe doạ phải kiểm soát. Mỹ cần các tuyến đường biển có thể ra vào và các thị trưởng mở. Mỹ là cường quốc vượt trội nhất của thế giới. Nước này không thể từ bỏ châu Á mà không bị mất ảnh hưởng ở bất cứ nơi nào khác.
Do đó, trong 15 năm qua, Mỹ đã nhờ cậy vào chính sách hai lộ trình đối với Trung Quốc, Barack Obama đã nói rõ về lộ trình thứ nhất trong chuyến thăm của ông đến Trung Quốc vào tháng 11/2009. Ông nói với các sinh viên tại trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải: “Mỹ nhấn mạnh rằng chúng tôi không tìm cách kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc. Ngược lại, chúng tôi chào đón Trung Quốc như một thành viên giàu mạnh và thành công của cộng đồng các quốc gia”. Điều này có nghĩa là, như Tổng thống sau này đã giải thích trước Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, “nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc gắn liền với các trách nhiệm ngày càng gia tăng”.
“Sự can dự” được hâu thuẫn bởi chính sách thứ hai, được miêu tả tốt nhất như một sự phòng ngừa trước. Mỹ cần phải có khả năng triển khai đủ lực lượng để ngăn chặn Trung Quốc. Các vị tổng thống không hoàn toàn nhiệt tình nói rõ ràng chính sách này, nhưng Đô đốc hải quân Robert Willard, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, đã nói khá rõ trong phát biểu của ông trước Quốc hội vào đầu năm 2010: “Cho tới khi … chúng ta xác định rằng ý định của Trung Quốc quả thực là ôn hoà, thì chúng ta cần phải duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng được bố trí của chúng ta; tiếp tục củng cố cam kết của chúng ta với các đồng minh và các đối tác của chúng ta trong khu vực này; và đáp ứng với mỗi thách thức của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa theo một cách chuyên nghiệp phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Mỹ đã phải đương đầu với một số tính toán thẳng thừng, nếu không nói là khủng khiếp, trong mối quan hệ đơn sắc với Liên Xô. Ngược lại, các mối quan hệ nhiều sắc thái của Mỹ với Trung Quốc ít có ý nghĩa to lớn và bi thảm hơn, nhưng phức tạp hơn gấp nhiều lần – vì thế gần như không thể kiểm soát được.
Về cơ bản, hai lộ trình của chính sách này phù hợp với nhau. Sự can dự được tạo ra nhằm khen thưởng cách cư xử tốt đẹp và ngăn ngừa cách cư xử xấu. Tuy nhiên, trên thực tế, phòng ngừa có nguy cơ phá huỷ sự can dự. Để hiểu tại sao, hãy coi là rằng sự tồn tại của hai lộ trình trong chính sách giống như là cái cớ cho việc để lại các vấn đề quan trọng chưa được giải quyết ở Mỹ. Trung Quốc hiếu chiến và Trung Quốc ôn hoà tất cả đều có thể ủng hộ chính sách này, bởi vì cả hai có thể tiếp tục nghĩ rằng cuối cùng thì chúng cũng tỏ ra là đúng đắn.
Điều đó có ích về mặt chính trị ở Oasinhtơn, nhưng là một chính sách, nó khó có thể là lý tưởng. Sự can dự có xu hướng được các chuyên gia về Trung Quốc trong Bộ Ngoại giao sử dụng và chính sách ngăn chặn có xu hướng được Lầu Năm Góc sử dụng. Về mặt lý thuyết, hai khía cạnh của chính sách này cần phải được cân nhắc phù hợp với việc liệu cách cư xử của Trung Quốc có gây đe doạ hay không. Với tất cả thiện chí đi nữa, các Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng không phải lúc nào cũng hợp tác tốt với nhau. Chính sách hai lộ trình có thể vận hành như hai chính sách riêng biệt.

Hãy hiểu ý tôi
Điều đó có ý nghĩa quan trọng bởi vì những từ ngữ hào phóng của Tổng thống Obama dành cho Trung Quốc không được chấp nhận theo giá trị bề ngoài ở đó. Dù cho chân thành như thế nào đi nữa thì không một vị tổng thống nào có thể nói rằng: những lời cam kết bị phá vỡ còn các vị tổng thống đến và đi. Mỹ gửi đi một tín hiệu khi họ tái triển khai các lực lượng hải quân đến Thái Bình Dương và các đô đốc hải quân của họ nói với Quốc hội rằng “sự quan tâm của Trung Quốc đến môi trường hoà bình và ổn định khó có thể hoà hợp với các khả năng quân sự đang ngày càng phát triển của nước này”. Các đánh giá đó có ý nghĩa đối với an ninh của Mỹ, nhưng chúng cũng cản trở thông điệp rằng Mỹ hoan nghênh sự nổi lên của Trung Quốc và không có ý định ngăn cản điều đó.
Phòng ngừa trước không phải là sự phức tạp duy nhất của sự can dự. Trong hầu hết 15 năm qua thương mại đã khiến Mỹ hướng tới Trung Quốc. Quả thực, toàn cầu hoá đã trở thành phần lớn câu chuyện can dự. Nhưng hiện nay cứ 10 người Mỹ thì có 1 người thất nghiệp, chính sách kinh tế bắt đầu mang hơi hướng của chủ nghĩa bảo hộ. Nếu Trung Quốc mất đi sự hậu thuẫn chính trị trong cuộc vận động hành lang của các doanh nghiệp lớn của Mỹ, mà gần đây ngày càng trở nên khó chịu trước lối cư xử của Mỹ ở Trung Quốc, thì giọng điệu của Oasinhtơn sẽ còn thay đổi hơn nữa. Do đó, thương mại cũng có thể bắt đầu làm tăng thêm những nỗi lo ngại của Trung Quốc rằng cuối cùng thì Mỹ sẽ chọn cách ngăn chặn họ.
Sự nghi ngờ thứ hai về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là liệu Mỹ có hoàn toàn chấp nhận những gì mà sự can dự đòi hỏi ở nước này hay không. Chính sách này phụ thuộc vào hai khái niệm. Thứ nhất, Trung Quốc có thể phát triển như là “một thế lực được thoả mãn” – một thế lực mà cảm thấy không cần thiết phải lật đổ trật tự sau chiến tranh mà Mỹ đã tạo ra và duy trì. Và thứ hai, nếu Trung Quốc ít nhiều tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu thì Mỹ sẽ có thể điều chỉnh các lợi ích của mình. Chính vì vậy sự can dự đặt ra giả thuyết rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tìm thấy một kết hợp ổn định giữa sự tham gia của Trung Quốc và sự điều chỉnh của Mỹ.
Liệu Trung Quốc có tuân theo “các tiêu chuẩn toàn cầu” không? Tại một thời điểm nào đó, có sự tin tưởng phổ biến là, như Bill Clinton đã nói, “khi đề cấp đến vấn đề nhân quyền và tự do tín ngưỡng, Trung Quốc vẫn ở mặt trái của lịch sử”. Một số nhà phân tích phương Tây thích đưa ra những sự dự báo về chiến lược xảo quyệt và nhìn xa trông rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khuôn mẫu chủng tộc này, chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc đã thiết lập chính sách của mình dựa trên câu châm ngôn của Khổng Tử nói rằng cách tốt nhất là giành chiến thắng mà không cần phải chiến đấu.
Các giá trị của Trung Quốc đã thay đổi vượt quá sự thừa nhận kể từ thời đại Mao Trạch Đông, khi khủng bố là lệ thường một cách đáng buồn. Như Richard McGregor viết trong cuốn sách của ông, có tựa đề “Đảng”, khủng bố hiện nay ít khi được sử dụng. Trung Quốc của Hồ Cẩm Đào hoạt động dựa trên sự cám dỗ và mua chuộc hơn là đàn áp. Và tuy nhiên Trung Quốc vẫn là nhà nước một đảng và khủng bố vẫn cần thiết để nước này có thể tồn tại. Khi Đảng cần bảo vệ thì nó sẽ được áp dụng mà không do dự.
Cũng như vậy, trong các vấn đề quốc tế, Trung Quốc không còn hậu thuẫn cho các cuộc nổi dậy chống lại các nước láng giềng hay thường theo những lập trường không khoan nhượng nữa, dường như là vì lợi ích của Trung Quốc. Tuy nhiên, phương Tây vẫn thấy nước này là một đối tác khó khăn. Các nhà phê bình của Mỹ như Gary Schmitt thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Oasinhtơn buộc tội Trung Quốc về “đường hướng siêu thị”: nước này mua những gì cần phải mua, chọn những gì nó muốn và bỏ qua những gì nó không cần.

Hy vọng không phải là một chính sách
Hy vọng là trong những năm tới Trung Quốc sẽ thực sự phát triển dân chủ hơn và nước này sẽ đảm nhận vai trò của mình trong các vấn đề thế giới. Tuy nhiên, Richard Armitage, Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời George Bush, nói: “Hy vọng không phải là một chính sách”. Richard Woolcott, một đặc phái viên cho Thủ tướng Ôxtrâylia, nói rằng do các vấn đề của các chế độ dân chủ phương Tây và sự thành công về mặt kinh tế và sự ổn định tương đối của Trung Quốc, sự chuyển đổi của Trung Quốc sang chế độ dân chủ đa đảng dường như không còn là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Hiện nay, Đảng Cộng sản tỏ ra nắm quyền kiểm soát một cách chắc chắn.
Do đó, giả sử rằng Trung Quốc vẫn là một nhà nước cộng sản, độc đoán và một đảng ngày càng khao khát đi theo con đường riêng của mình. Liệu Mỹ có thể thích nghi với điều đó hay không?
Một số nhà tư tưởng của Mỹ, như John Ikenberry thuộc trường Đại học Princeton, lập luận rằng Mỹ đã tạo ra một hệ thống dựa trên các luật lệ duy nhất có khả năng thu hút các thành viên mới. Các thể chế như Liên Hợp Quốc, G20, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) ít nhất là trên lý thuyết có thể hoạt động thậm chí không cần có sự lãnh đạo của Mỹ. Theo bức tranh này, Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc miễn là nó phù hợp với trật tự này.
Nhưng bức tranh này có thiếu sót. Quả thực Mỹ sẵn sàng để bị ràng buộc bởi các quy tắc theo các cách mà các cường quốc của châu Âu vào thế kỷ 19 không bao giờ bị ràng buộc. Đó là một lý do giải thích tại sao có quá nhiều nước sẵn sàng sống dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, khi Mỹ nghĩ rằng các lợi ích quan trọng đang lâm nguy thì họ vẫn bỏ qua các quy tắc, như sự bá quyền sắp tới. Vào năm 2005, sự trả giá của Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc để mau Unocal của Mỹ, trên thực tế, đã bị ngăn chặn sau sự phản đối của công chúng. Khi Mỹ muốn có một thoả thuận hạt nhân với Ấn Độ, nước này đã coi thường NPT. Mỹ đã chiến đấu ở vùng Balkan vào những năm 1990 và ở Irắc vào năm 2003 mà không có sự ủng hội của LHQ. Nước này cũng có thể tiến đến một cuộc chiến tranh với Iran trên cơ sở tương tự.
Đây không phải là tranh cãi về các giá trị của mỗi trường hợp, mặc dù một số trong các quyết định này có vẻ ngớ ngẩn thậm chí ngay tại thời điểm đó. Chính xác hơn vấn đề là các siêu cường phá vỡ các quy tắc khi họ cần phải làm như vậy – và không một ai có thể ngăn họ lại. Theo thời gian, lôgích này cũng sẽ ngày càng áp dụng với Trung Quốc. Mỹ phải quyết định “việc thích nghi với Trung Quốc” có nghĩa là chung sống với nước này hay là phủ nhận nó.
Trên thực tế, có những khó khăn trong việc đánh giá liệu Trung Quốc có phải là một bên tham gia có trách nhiệm hay không. Theo quan điểm của Trung Quốc, có vẻ như Mỹ thường định nghĩa các ứng xử quốc tế có thể chấp nhận được là sự ủng hộ chính sách của chính mình. Theo lời của Yuan Peng thuộc Viện các mối quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc ở Bắc Kinh, sự phàn nàn của Mỹ không phải là về việc “Trung Quốc nói không với trách nhiệm toàn cầu hay phủ nhận vai trò của mình trong các vấn đề thế giới, mà là về việc Trung Quốc từ chối nói đồng ý với mỗi yêu cầu của Mỹ”.
Sự thích nghi là dễ dàng khi nó có nghĩa là buộc Trung Quốc làm những gì mà Mỹ muốn. Nhưng liệu Mỹ có để Trung Quốc làm những việc mà nước này không muốn hay không? Cái bóng treo lơ lửng trên chính sách can dự của Mỹ là Trung Quốc sẽ không thay đổi đủ để thoả mãn Mỹ và Mỹ sẽ không chịu nhún nhường đủ để thoả mãn Trung Quốc. Điều đó nghe có vẻ trừu tượng, nhưng bất cứ lúc nào nó cũng có thể trở thành thực tế tàn nhẫn, cả trên Bán đảo Triều Tiên lẫn qua Eo biển Đài Loan.

Câu hỏi hóc búa về Triều Tiên
Không một ai biết được liệu chế độ Bắc Triều Tiên sẽ tồn tại hay không và điều gì có thể xảy ra sau thời Kim Jong Il và Kim con. Nhưng tạm thời hãy thử tưởng tượng cảnh sau cái chết của vị lãnh tụ kính yêu, Bắc Triều Tiên lâm vào tình trạng vô chính phủ hay xung đột, như đã từng xảy ra trong vụ tấn công đảo vào tháng 11/2010 đã làm thiệt mạng nhiều quân nhân và dân chúng Hàn Quốc. Cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ thử thách một cách nghiêm khắc khả năng Trung Quốc và Mỹ chung sống với nhau.
Mọi người có thể lo lắng về các vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Có thể Mỹ muốn tịch thu chúng, nhưng Trung Quốc không thích binh lính Mỹ có mặt trên biên giới của mình. Trung Quốc cũng không mong muốn Mỹ hay Hàn Quốc khẳng định quyền kiểm soát đối với Bắc Triều Tiên, một đồng minh đồng thời là vùng đệm cho Trung Quốc. Về lâu dài, Trung Quốc có thể mong đợi giành lại kiểu ảnh hưởng đối với một Triều Tiên thống nhất với tư cách là một cường quốc trên đất liền thống trị khu vực châu Á, mà nước này đã thực hiện trong suốt phần lớn lịch sử.
Việc này làm nảy sinh một loạt các câu hỏi. Mỹ có tin rằng Trung Quốc quét sạch Plutonium và urani đã được làm giàu của Bắc Triều Tiên hay không? Trung Quốc có chấp nhận hay không ý tưởng cho rằng quân đội Hàn Quốc cần phải thiết lập lại trật tự ở Bắc Triều Tiên? Nó có cho phép Triều Tiên thống nhất hai miền hay không? Nếu điều đó xảy ra, cuối cùng thì Mỹ có dự định rút quân khỏi bán đảo này hay không?
Có ít suy nghĩ về những câu hỏi này một cách gây nản lòng. Trong chừng mực mà bất cứ ai cũng biết, Trung Quốc không sẵn sàng ngay cả thảo luận các câu hỏi này với Mỹ, bởi vì nước này không muốn để lộ việc thiếu sự tin tưởng vào đồng mình lập dị của mình ở miền Bắc. Tuy nhiên, nếu nói về Triều Tiên lúc này là bất tiện, thì thậm chí việc đó còn khó khăn hơn trong một cuộc khủng hoảng.
Nếu hai miền Triều Tiên chia sẻ vùng biên giới trên đất liên đáng sợ nhất của thế giới, thì Eo biển Đài Loan là tuyến đường biển đáng sợ nhất. Sự khẳng định của Trung Quốc về tái thống nhất là tuyệt đối. Câu chuyện được kể về việc cách đây một vài năm, chủ biên của một tờ báo của Thượng Hải đã tán dương một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở thành phố này là nhà máy lớn nhất ở Trung Quốc như thế nào. Bởi vì ông đã không nhớ đến Đài Loan, ông đã phải tự phê bình và bị cắt lương.
Tuy nhiên, thay vì đánh Đài Loan bằng một cây gậy, thì những ngày này Trung Quốc xúc cho Đài Loan thìa mật ong. Hàng trăm chuyến bay mỗi tháng nối liền Đại lục với Đài Bắc. Một hiệp định tự do thương mại với Đài Loan đã được ký kết vào mùa Hè năm 2010 bao gồm các biện pháp giúp đỡ người nông dân Đài Loan, những người có xu hướng ủng hộ Đảng Dân Tiến (DPP) thiên về độc lập. Gần đây, Trung Quốc đã nói bóng gió rằng một ngày nào đó nước này có thể sẵn sàng từ bỏ việc chĩa các tên lửa của mình vào Đài Loan.
Hiện nay, chính sách này có vẻ đang có tác dụng. DPP mất quyền lực vào năm 2008. Không cần bận tâm rằng đảng kế nhiệm, Quốc dân đảng, là một đối thủ cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dưới thời Mã Anh Cửu, Đài Loan đang trở nên thực dụng. Người dân Đài Loan tỏ ra vừa không muốn làm Trung Quốc tức giận do tìm kiếm sự độc lập, vừa không muốn giao chế độ dân chủ của họ cho nhà nước một đảng.
Việc này chỉ tốt đẹp với Mỹ. Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng Mỹ vẫn có thể chung sống với một Trung Quốc duy nhất, miễn là việc thống nhất diễn ra một cách hoà bình. Điều mà Mỹ không thể chịu được là sự thống nhất bằng vũ lực. Nói đúng ra thì đạo luật ban hành năm 1979 về các mối quan hệ với Đài Loan không buộc Mỹ phải đến giúp Đài Loan. Tuy nhiên, loại trừ hành động khiêu khích Trung Quốc nghiêm trọng của Đài Loan, Mỹ hầu như không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải can thiệp. Nếu Mỹ chỉ đứng nhìn thì nước này sẽ đánh mất sự tin tưởng của các đồng minh trên khắp thế giới.
Đài Loan vẫn là một điểm nóng. Chế độ dân chủ của Đài Loan có thể dẫn đến một khát vọng độc lập, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có thể khiến cho việc thống nhất đất nước trở nên cấp bách hơn, và Mỹ có thể lo sợ về việc tỏ ra yếu kém. Thậm chí hiện nay, khi tâm trạng tốt, hòn đảo này là một cuộc thử nghiệm về sự kiềm chế của Trung Quốc và Mỹ. Mỹ cần phải làm rõ rằng nước này sẽ không bị thao túng: Đài Loan không thể ngã giá cho sự độc lập dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Trung Quốc cần phải hiểu rằng sự ép buộc đã phá huỷ sự tín nhiệm của nước này với phần còn lại của thế giới. Mỹ không mong đợi Trung Quốc từ bỏ những mục đích của mình, Mỹ mong đợi Trung Quốc đáp ứng chúng trong hệ thống này.
Các nhà hoạch định chính sách thường chế nhạo các nhà ngoại giao vì những sự thoả hiệp và các tuyên bố chỉ có một nửa là sự thật của họ. Tuy nhiên, nghề ngoại giao cao quý là nhằm tìm thuộc giải độc cho các cuộc cạnh tranh làm tổn hại về địa chính trị. Không phải kể từ thế kỷ 19 họ mới có nhiệm vụ lớn là quản lý mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong Chính quyền Obama, họ có một cái tên cho việc này “sự đảm bảo lại về mặt chiến lược”.
*
*       
*
Liệu nước Trung Hoa mới sẽ là một đối tác, một đối thủ cạnh tranh hay một kẻ thù đối với Mỹ? Điều đáng ngại nhất là gì: thành tích của họ hay thất bại của họ? Trước sự nổi lên của siêu cường mới đó, các chuyên gia Mỹ đã đặt câu hỏi và có quan điểm mâu thuẫn với nhau. Tạp chí Le nouvel Observateur số ra cuối năm 2010 đầu năm 2011 viết về vấn đề này như sau:
Hãy dè chừng những “bè lũ Trung Quốc”. Thường xuyên, các chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc đem lại ấn tượng họ được tập hợp lại trong những nhóm với những quan điểm xác thực. Có nhóm bị ám ảnh bởi mối đe doạ quân sự của Trung Quốc, nhóm khác nghi ngờ về sức mạnh của Trung Quốc, trái lại có nhóm cổ vũ cho sự cam kết thân thiện. Và còn có cả những tín đồ của “kịch bản hoà dịu” tin rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ làm nảy sinh dân chủ. Hoặc có những người ủng hộ “kịch bản sụp đổ”, họ cho rằng đất nước này sẽ đi tới thảm hoạ kinh tế hoặc chính trị. Stefan Halper, người đã từng phục vụ trong Nhà Trắng dưới thời chính quyền các Tổng thống Nixon, Ford, Reagan và giảng dạy tại Cambridge, nói: “các nhóm đó tại ra một cuộc tranh luận bị chi phối bởi các kịch bản khác nhau như: Trung Quốc sắp tấn công chúng ta, Trung Quốc sắp mua chúng ta hoặc Trung Quốc sắp hoà nhập với chúng ta”. Nhưng những “bè lũ Trung Quốc” là một ảo ảnh thị giác: trên thực tế, khi liên quan tới việc hình dung ra trật tự thế giới mới cho tới năm 2020 hoặc 2025 và vị trí mà Trung Quốc sẽ chiếm giữ, Mỹ không có những công thức sẵn có. Những người hay chế giễu sẽ nói rằng Mỹ lúng túng; những người thực tế sẽ nói rằng Mỹ lâm vào tình trạng phức tạp của thế kỷ XXI.
Điều đó không tự nhiên mà có. Jeffrey Wasserstrom, giáo sư sử học tại Trường đại học California-Irvina, lưu ý: “Hãy ở vào vị trí của chúng tôi! Chúng tôi quen sống trong một thế giới mà Mỹ có vai trò chi phối tới mức ngay cả vấn đề tồn tại cũng phần nào giống với thất bại”. Vào đầu thập kỷ 2000, những người cầm đầu nhóm gồm hầu hết là những nhân vật bảo thủ còn có thể miêu tả một cuộc chiến tranh các khối như một sự cạnh tranh của các siêu cường trong cuộc Chiến tranh Lạnh mà họ thoát khỏi đó với tư cách là người chiến thắng hay kẻ chiến bại. Hoặc là Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt cho thế giới những giá trị của họ, hoặc “mối đe doạ Trung Quốc” sẽ trút dồn dập vào thế giới tự do.
Nhưng với sự gia tăng tốc độ hư ảo mà Trung Quốc đem lại, những phác thảo cũ không còn giúp được bao nhiêu nữa. James Mann, cựu phóng viên tờ “Los Angeles Times” tại Bắc Kinh, thừa nhận: “Chúng ta thực sự đang ở một vùng đất chưa được biết đến. Người ta chưa bao giờ chứng kiến một nền kinh tế như vậy, chưa bao giờ thấy những quan hệ kinh tế với Mỹ như hiện nay, chưa bao giờ thấy một sự thặng dư buôn bán như vậy…”

“Trung Quốc thu hẹp phương Tây”
Sự bấp bênh càng lớn khi mà trong Trung Quốc bùng nổ thì Mỹ bị áp lực từ bên ngoài: Irắc, Ápganixtan, tình trạng suy thoái nghiêm trọng… Chú Sam không còn gây nên cùng nỗi sợ hãi, cùng sự tôn trọng hoặc cùng sự thèm muốn đối với bên ngoài. Parag Khanna thuộc tổ chức New America Foundation, mỉa mai: “Nếu Mỹ là một dân tộc khổng lồ nhất thế giới, thì hẳn là có một người nào đó quên nói điều đó với Trung Quốc”. Ngược lại, đối với nhiều người Mỹ, Thiên An Môn không còn là một vụ tai nạn trên đường đua nữa: triển vọng về một “chủ nghĩa độc đoán vĩnh cửu” -  như cách nói của James Mann, người không cho rằng hệ thống này sẽ sụp đổ hoặc sẽ dân chủ hoá tức thì – buộc phải xét lại từng câu chữ. “Trung Quốc làm cho phương Tây bị thu hẹp lại, làm cho bản thân nó và những giá trị của nó giảm bớt tính thích đáng”, Stefan Halper nói như vậy khi ông miêu tả chi tiết một “hình mẫu Trung Quốc” rất quyến rũ đối với các chế độ độc tài, bởi nó cho phép kết nối chủ nghĩa tư bản với sự tước bỏ các quyền tự do. Nói tóm lại, những giá trị của phương Tây không còn có tính toàn cầu nữa và “sự cáo chung của lịch sử” mà Fancis Fukuyama dự đoán không còn là một tương lai xa vời nữa. Nhà sử học Niall Ferguson, giáo sư tại trường Đại học Tổng hợp Havard và là người phát minh ra từ “cộng sinh Trung Mỹ”, tóm tắt như sau: “Điều mà ta chứng kiến chính là sự chấm dứt 500 năm thống trị của phương Tây”.
Một số chuyên gia tiếp tục khuấy lên mối đe doạ về “thắng lợi” của Trung Quốc. Martin Jacques, một nhà báo Anh rất nổi tiếng ở Mỹ,. đã nói rằng trong nửa cuối thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ thống trị một thế giới đã phương Đông hoá. Những người dự báo điềm xấu đó chỉ là thiểu số. Niall Ferguson nhấn mạnh: “Chiến lược của Trung Quốc không phải là theo đuổi một sự thống trị thế giới theo hình mẫu của chủ nghĩa đế quốc phương Tây cũng như khôi phục Trung Quốc như một Đế quốc Trung Hoa – một nhà nước chi phối khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Phần lớn các chuyên gia Mỹ mà chúng tôi có dịp phỏng vấn đều cho rằng ít có khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự trong vòng 10 hoặc 15 năm tới, kể cả ở Đài Loan. Trước hết bởi vì ưu thế quân sự của Mỹ, có sức mạnh đè bẹp, là một thực tế trong nhiều năm nữa. Tiếp đó, bởi chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc rất khác với chủ nghĩa bành trướng Xôviết. Quả thật, Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung ứng của họ và các đồng minh ở châu Phi, khu vực Mỹ Latinh hoặc những nơi khác. Stefan Halper dự đoán: “Trong 20 năm tới, tôi thấy đó là một đất nước có lối đi mở rộng tới các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng cần thiết cho sự tăng trưởng của họ, và có thể họ sẽ ở vào một vị thế tốt hơn bất kỳ một nước nào khác”.

Một G-2 Mỹ – Trung chăng?
Nhưng đó là một chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc với ý muốn xuất khẩu một hình mẫu được coi là cao cấp? Banning Garrett, giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Đại Tây Dương, một nhóm cố vấn có ảnh hưởng của Oasinhtơn, nhấn mạnh: “Trung Quốc không khuyến khích một hình mấu luân phiên, họ không nói ‘dân chủ, điều đó không tốt, hãy là người cộng sản hoặc nhà độc tài’. Không giống như những ngày tốt đưp của LIên bang Xôviết, khi đó họ hoàn toàn hài lòng được làm việc với các chế độ dân chủ”. Ross Terill, nhà Trung Quốc học thuộc trường Havard đã viết trong tạp chí “The Wilson Quarterly” như sau: “Những kẻ đang xuống dốc (của phương Tây) không thể hiểu được rằng ‘hoà bình kiểu Trung Quốc’ không tiến triển được. Quyền lãnh đạo thế giới của Mỹ không chỉ bắt nguồn từ thế mạnh kinh tế của họ – hiện vẫn còn quan trọng hơn của Trung Quốc – mà còn từ các sức mạnh khác mà Trung Quốc không có được”. Theo ông, quân đội Trung Quốc “không có khả năng phát tán quyền lực xa Trung Quốc và Trung Quốc còn thiếu một bức thông điệp có sức hấp dẫn đặc biệt hướng tới thế giới để có thể thay thế cho sự hổ lốn của Mỹ về dân chủ, thị trường tự do, văn hoá, một ngôn ngữ hầu như có tính toàn cầu và sáng tạo”.
Ngay cả khi chấp nhận giả thuyết về một hình thức độc đoán Trung Quốc hấp dẫn trong con mắt của nhiều nước, thì hầu như điều đó cũng không thể tưởng tượng được một nước (hoặc thậm chí hai nước) chi phối trật tự thế giới theo kiểu đè bẹp trong một vũ trụ liên phụ thuộc và toàn cầu hoá của chúng ta. Parag Khanna không tin vào một thế giới trong đó Trung Quốc thay thế Mỹ; Thái Bình Dương thay thế Đại Tây Dương; hoặc phương Đông thay thế phương Tây. Một số, như Zbigniew Brzezinski, nguyên cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Jimmy Carter, muốn nói về một kiểu G2 Mỹ – Trung để cai quản thế giới. Jeffrey Wasserstrom không tin chắc về điều đó: “Mỹ luôn hình dung tới hai siêu cường, Trung Quốc và Mỹ, đưa ra những quyết định không có hiệu lực. Trên thực tế, họ rất nhạy cảm với điều đang diễn ra ở các khu vực khác của thế giới”. Một ví dụ ư? Wasserstrom nói: “Nếu Ấn Độ lớn nhanh hơn Trung Quốc, thì điều đó sẽ phủ nhận lý lẽ rằng Đảng cộng sản Trung Quốc phục vụ nhân dân, theo đó nếu bạn muốn có một sự phát triển rất nhanh chóng, thì bạn không thể có một nền dân chủ hỗn độn. Nếu Ấn Độ vượt qua Trung Quốc, điều đó có thể xảy ra, thì điều đó sẽ mở ra một không gian, trong giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho những người cổ vũ một sự cải cách chính trị”.
Thực chất Mỹ có hai mối lo đối với Trung Quốc: họ thành công hoặc họ thất bại. Nỗi sợ thứ hai được bày tỏ rõ ràng bởi bà Susan Shirk, giám đốc Viện nghiên cứu xung đột thế giới và hợp tác toàn cầu của trường Đại học Tổng hợp California. Bà viết: “Những vấn đề lớn của Trung Quốc không làm cho chúng ta yên lòng mà ngược lại làm cho chúng ta lo ngại. Chính sự bất ổn nội bộ của Trung Quốc, chứ không phải sức mạnh gia tăng của họ, bộc lộ một nguy cơ lớn hơn”. Sự chẩn đoán cũng đúng theo kịch bản ngược lại, đó là sự sụp đổ của Mỹ: khủng hoảng của một trong hai siêu cường sẽ mang nặng những nguy cơ, những sự đâm lao theo lao, kể cả trên lĩnh vực quân sự. Banning Garette tại Hội Đồng Đại Tây Dương nói: “Chúng ta, Mỹ và Trung Quốc, ràng buộc với nhau dù điều đó làm chúng ta hài lòng hay không”. Nhưng Stephen Roach, nhà kinh tế học của Morgan Stanley vốn coi châu Á như nằm trong túi mình và nhìn từ xa thấy cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, lại nói: “Rất có khả năng sự cộng sinh Mỹ-Trung chỉ là một giai đoạn quá độ, phản ánh một sự trùng hợp các lợi ích có giới hạn trong một giai đoạn ngắn”.
“Không có sự đồng nhất Trung Quốc”
Tuy nhiên, Ross Terill cho rằng “sự luân phiên giữa những thành tích và những thất bại của các quốc gia ở thế kỷ XX có tính khả quan – Nga, Đức và Nhật Bản đều bứt lên trước khi rơi trở lại. Nhưng ít có cơ hội được chứng kiến điều đó xuất hiện trở lại trong một tương lai gần. Với sự toàn cầu hoá, thất bại của một dân tộc lớn có thể khó có tính toàn bộ, bởi các dân tộc khác có lợi ích trong việc ngăn chặn một kịch bản như vậy. Và một cường quốc bá quyền thế giới mới, tới “lấp đầy khoảng trống” như Mỹ đã từng làm sau năm 1945, là điều khó có thể hình dung được, ở đó còn có lý do toàn cầu hoá”.
Sự lo sợ khác của Mỹ có cơ sở hơn: đó là chứng kiến Trung Quốc sao chép hơi quá nhiều hình mẫu nước Mỹ. Banning Garrett nhắc lại: “Chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm, hình mẫu phát triển không giữ được. Nếu Trung Quốc tiêu thụ dầu lửa tính theo đầu người nhiều hơn Mỹ, thì họ sẽ cần tới 100 triệu thùng mỗi ngày. Việc tiêu thụ của Mỹ vào khoảng 22 triệu thùng, sản lượng thế giới hàng năm từ 84 đến 85 triệu thùng”. Jeff Wasserstrom nói: “Một tỷ người Trung Quốc có xe hơi đã là điều đáng sợ. Nhưng Mỹ ở vào vị trí khó có thể rung lên hồi chuông báo động”. Nhà sử học này giải thích: “đối với những người Mỹ lạc quan, hy vọng của họ là được chứng kiến sự lớn lên của nhóm người Trung Quốc bé nhỏ này đang mong muốn được như chúng ta. Trước hết, đó là hy vọng được thấy họ chuyển sang đạo Cơ đốc. Sau đó là chứng kiến các phần tử ly khai lôi kéo số dân chúng còn lại. Và hiện nay, rốt cuộc chúng ta đã chứng kiến nhóm người Trung Quốc này, những người ngày càng mong muốn được như người Mỹ, vượt lên. Chỉ có điều họ không theo tôn giáo của chúng ta hoặc chế độ chính trị của chúng ta mà chỉ đi theo cách sống của chúng ta. Và đột nhiên nỗi sợ xâm chiếm chúng ta do những tổn hại mà điều đó gây ra đối với hành tinh này. Nỗi sợ của chúng ta mang một cái tên: đó là Mỹ hoá Trung Quốc”.
Nhìn từ nước Mỹ, Trung Quốc vẫn là một đất nước khó nắm bắt. Stefan Halper nói: “Không có sự đồng nhất Trung Quốc. Ở Trung Quốc không có tình cảm thực sự về cái gọi là Trung Quốc và phương hướng mà nó đi tới”. Nhưng đồng thời, đối với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc là một kiểu gương soi. Khó mà có thể hình dung được vị trí của Trung Quốc trong thế giới nếu không tự hỏi về bản thân chúng ta. Banning Garrett nói: “Từ nay tới năm 2050, dân chúng của các nước phát triển sẽ tăng 42 triệu người, so với 2,3 tỷ của các nước mới nổi. Và 2/3, thậm chí 3/4 mức tăng trưởng kinh tế, sẽ đạt được ở các nước này. Phương Tây sẽ phải suy nghĩ lại một cách toàn diện về quan hệ của họ với phần còn lại của thế giới. Kẻ thù chính là chúng ta. Kẻ thù chính là những thất bại của chúng ta chứ không phải là thành tích của họ”.

*
*
*

TTXVN (Hồng Công 21/2)
Cuối tháng 3/2010, sau khi xảy ra vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra vào thời điểm đó như ai gây ra chuyện này, ý đồ đằng sau đó là gì, vụ việc sẽ phát triển theo chiều hướng nào… Tiếp theo “vở kịch Cheonan” ở Đông Bắc Á này, chiến hạm John McCain của Mỹ ngày 10/8/2010 đã ghé thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam, tàu sân bay USS George Washington cũng tiến vào và neo đậu ở vùng biển gần cảng Đà Nẵng, cùng phía Việt Nam tiến hành cuộc diễn tập cứu hộ cứu nạn kéo dài một tuần. Các động thái này cơ bản đã cho thấy Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầy một thời kỳ đối kháng chiến lược trên biển có thể kéo hàng cả trăm năm.
Liên quan tới vấn đề này, tờ “Tín báo” (Hồng Công) ngày 20/2 đã tăng bài viết của Nghê Lạc Hùng, nhà chiến lược quân sự nổi tiếng Trung Quốc, cố vấn Uỷ ban Quỹ năng lượng Trung Hoa. Theo tác giả, cho dù chân tướng của sự kiện tàu Cheonan thế nào, các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn sau đó có thể lý giải ý đồ của Mỹ, đó là đưa tàu sân bay USS George Washington vào Hoàng Hải, yết hầu vùng Hoa Đông. Trung Quốc tất nhiên hiểu rõ ý đồ của Mỹ và đáp trả bằng hàng loạt vụ tập trận trên bộ và trên biển dọc bờ biển của mình, suốt từ Hoàng Hải, qua Hoa Đông xuống Nam Hải (biển Đông Việt Nam), chứng tỏ Trung Quốc cũng không hề chịu lép vế trước sự uy hiếp của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội ngày 23/7/2010 rằng tranh chấp ở biển Đông có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ, có thể thấy rõ ý đồ thực sự của Mỹ trong các động thái vừa qua ở khu vực, rằng Hoàng Hải chỉ là phát súng khai màn, biển Đông mới thực sự là nơi Mỹ muốn nhằm vào.
Ý nghĩa của hành động nguy hiểm này là ở chỗ, ngoài vấn đề Đài Loan, vấn đề chủ quyền biển Đông đã trở thành thùng thuốc súng thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc, quan hệ Trung – Mỹ theo đó lại gia tăng thêm một nhân tố tiêu cực rất lớn, đó cũng là sự cổ vũ to lớn đối với các nước trong khu vực không muốn Trung Quốc trỗi dậy như Ấn Độ, Nhật Bản hay Việt Nam… Xét về lâu dài, tác động tiêu cực trên sẽ ảnh hưởng lâu hơn nhiều so với vụ va chạm giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc với máy bay do thám của Mỹ trên vùng trời biển Đông hồi tháng 4/2001.

Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc lâu dài
Có thể thấy, việc Mỹ muốn chèn ép Trung Quốc là một chính sách bản năng lâu dài và xuất phát từ lợi ích quốc gia của Mỹ. Nếu Trung Quốc mất chủ quyền ở biển Đông, kinh tế Trung Quốc sẽ bị tổn hại về các nguồn tài nguyên hải dương, giao thông Trung Quốc sẽ mất đi một phần quyền kiểm soát tuyến đường hàng hải cốt tử, quân sự Trung Quốc sẽ mất đi sự mở rộng chiến lược trên biển, tuyến phòng thủ của Trung Quốc sẽ phải mở rộng xuống tận đảo Hải Nam.
Từ những đối đầu Trung – Mỹ tại Hoàng Hải đến những tranh cãi giữa hai bên ở Biển Đông, không ai có thể ngờ rằng bên được lợi lớn nhất hiện nay trong “trò chơi” nguy hiểm này lại là Việt Nam. Bình thường, Việt Nam khá theo Trung Quốc, nhưng mỗi khi phía Bắc Trung Quốc gặp sự uy hiếp của đối thủ lớn, Việt Nam lại biết dùng vị trí địa lý chiến lược của mình làm quả cân để mặc cả với Trung Quốc lẫn đối thủ của Trung Quốc. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam từng lợi dụng Liên Xô để đe doạ Trung Quốc; với chiêu thức cũ này, Việt Nam nay lại lao vào vòng tay của Mỹ để chuẩn bị chiếm cứ toàn bộ quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa).
Mục đích của Việt Nam chủ yếu là nhằm chiếm hữu các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mặc dù sẵn sàng cho một trận quyết chiến, song Việt Nam cũng hiểu rõ một khi Trung Quốc tỏ ra cứng rắn, Việt Nam sẽ lâm vào hoàn cảnh “trứng chọi đá”. Do đó, Việt Nam cấp thiết cần sự chi viện từ bên ngoài và hiện chỉ có Mỹ là nước có đủ khả năng và sẵn sàng để Việt Nam cầu cứu chi viện. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có một số nước vào hùa theo Mỹ như Ấn Độ, Nhật Bản, Ôxtrâylia và Inđônêxia…
Bức màn cuộc đối đầu Trung – Mỹ tại biển Đông vừa được kéo lên, Việt Nam đã được món hời. Tới đây, sau khi “trò chơi lớn” diễn ra, không biết sẽ còn bao nhiêu nước cũng được hưởng lợi nữa. Vẫn còn đó nhiều nước đang im hơi lặng tiếng đợi sau khi cả Trung Quốc và Mỹ cùng đều thua thiệt trong cuộc đấu ở biển Đông để đến “thu dọn” tàn cục.
Cần phải nhận thức rõ rằng, Mỹ hiện đang tạo dựng “vòng vây hình chữ C” đối với Trung Quốc. Hiện trong nội bộ Trung Quốc vẫn còn tranh cãi nhiều về vấn đề này, có một bộ phận không công nhận nguy cơ này, cho rằng chỉ là “sự đồn thổi”. Tuy nhiên, xâu chuỗi các sự kiện lại, có thể thấy diễn biến tình hình hiện nay là: Sự kiện Cheonan nổ phát súng đầu tiên, Mỹ – Hàn dồn dập tập trận, Hillary tuyên bố Mỹ can thiệp vào vấn đề biển Đông, cuối cùng trong ánh chớp loé lên hình hài ban đầu của đồng minh quân sự Mỹ – Việt.
Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn còn đủ thời gian xoay chuyển tình thế, trong thời gian trước mắt không có nhiều khả năng nổ ra chiến tranh, xung đột, hai bên hiện ở vào giai đoạn “sẵn sàng chiến đấu”, còn lâu mới đến được giai đoạn đánh nhau chính thức. Ít nhất hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ không có lý do gì để đánh nhau, cũng có thể sau khi diễn xong vở kịch “sẵn sàng chiến đấu”, hai bên sẽ lại “cất giấu súng gươm”, ngồi lại với nhau.

Chưa đến lúc khai chiến
Tập trận xét cho cùng cũng chỉ là “ngôn từ đặc thù” của ngoại giao nhằm biểu đạt ý nghĩa “đặc biệt” nào đó. Do đó, các hành động “diễu võ giương oai”, trước kia đã có, hiện nay cũng có và sau này vẫn sẽ có. Huống hồ, Mỹ có ưu thế về tài nguyên quân sự, những lúc bình thường cũng vẫn cần phải thể hiện ưu thế này. Việc Trung Quốc đáp trả bằng diễn tập quân sự cũng muốn phát đi thông điệp rằng trò chơi vũ lực của Mỹ không có gì đáng ngại.
Hy vọng lâu dài lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc không trở thành mối đe doạ đối với Mỹ về mặt quân sự, Trung Quốc sẽ giống Canada “giàu nhưng không mạnh”.
Sự thất sách của Mỹ là ở chỗ, Mỹ đầu tiên mở ra chiến trường tiềm tàng thứ nhất giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Đài Loan, tạo tiền đề kích động Trung Quốc hiện đại hoá quân sự, đẩy nhanh phát triển toàn diện; tiếp đến, Mỹ tuy kinh tế có sa sút song vẫn là quốc gia số một về quân sự, tiếp tục mở ra chiến trường tiềm tàng thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, hành động này chắc chắn sẽ kích thích Trung Quốc đẩy nhanh hiện đại hoá quân sự. Trừ khi Mỹ có thể khẳng định một cách tuyệt đối rằng Trung Quốc sẽ giống Liên Xô trước đây, tức sẽ sụp đổ trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, nếu không thì đây thực sự là một thất sách lớn nhất của Mỹ.
Liệu sự dựa vào nhau về kinh tế có tránh được chiến tranh không? Lịch sử cho thấy cả hai khả năng “tránh được” và “không tránh được” đều đã xảy ra. Trung Quốc và Mỹ dường như ngày càng gắn bó với nhau về mặt kinh tế, song vẫn đầy rẫy những ngờ vực và đối địch về mặt quân sự, điều này hoàn toàn phù hợp với mô hình “hợp tác mang tính ngờ vực” đầy nguy hiểm giữa hai bên. Có một nhân tố khác có thể ngăn chặn xung đột xảy ra là cả hai đều là cường quốc hạt nhân, cái giá phải trả cho một cuộc chiến hạt nhân khiến các bên đều hết sức thận trọng trong việc xử lý tranh chấp, tất nhiên là các nhà chính trị của cả hai nước hiện chưa có ai mất lý trí./.
.
.
.

No comments: