Thursday, March 17, 2011

TỘI PHẠM VIỆT NAM TẤN CÔNG BA LAN (Grazyna Zawadka)

Tác giả: Grażyna Zawadka. Mạc Việt Hồng chuyển ngữ từ trang rp.pl

Lời người dịch: Mấy chục ngàn người Việt Nam ở Ba Lan thực sự là một xã hội thu nhỏ, có tốt, có xấu; có cư trú hợp pháp và bất hợp pháp; có hội nọ, đoàn kia ; có sinh hoạt đảng Cộng sản và có lực lượng đối lập…
Không lạ gì nếu trong cộng đồng có tội phạm nhưng đây là lần đầu tiên báo cáo của Cục Điều tra Trung Ương Ba Lan cho biết, xuất hiện tội phạm có tổ chức người Việt. Những băng nhóm này hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến cần sa. Dù mới xâm nhập vào Ba Lan chừng hơn 2 năm nay nhưng họ ngày càng lấn át các băng nhóm Ba Lan về địa bàn hoạt động, chất lượng và giá cả sản phẩm.
Rồi đây liệu có xảy ra đâm chém, bắn giết nhau giữa các băng đảng như đã từng diễn ra ở Đức, ở Anh hay thanh toán nhau giữa tội phạm bản địa và tội phạm nước ngoài hay không? Khó mà biết được.
Dưới đây là bài viết đăng trên trang mạng Ba Lan ngày 14/3.

————————————————–

Một vườn cần sa của người Việt bị cảnh sát phá vỡ tại Raszyn. Ảnh Policja.pl

Ở Ba Lan có 547 băng nhóm tội phạm. Phần lớn trong số này (501) là tội phạm bản xứ. Báo cáo của Cục Điều Tra Trung Ương Ba Lan (CBŚ) năm 2010 cho biết như vậy.
Tội phạm bản địa không phải là điều bất ngờ, lợi nhuận của các tổ chức này vẫn chủ yếu từ ma túy. Nhưng đã xuất hiện một xu hướng mới: Các băng đảng đến từ nước ngoài, chủ yếu là Việt Nam.
Những băng nhóm này chi phối việc sản xuất cần sa – Ông thanh tra Michalkiewicz Sebastian, người đứng đầu cơ quan điều tra chống tội phạm của Vac-sa-va cho hay. Trong số 61 vụ trồng cần sa mang tính chuyên nghiệp để từ đó sản xuất ra ma túy, bị khám phá năm ngoái, có một nửa là của băng nhóm Việt Nam.

Trong nhà như trong rừng rậm
Các ‘đồn điền’ cần sa của Việt Nam thường được trang bị đầy đủ hệ thống đèn nhiệt và đặc biệt là hệ thống phun tưới tạo độ ẩm và thông gió. Giá của các trang thiết bị này trung bình khoảng 200 nghìn zł (xấp xỉ 70 ngàn đô- la) – thường được lắp đặt tại các ngôi nhà thuê. Không một ai, kể cả hàng xóm có thể ngờ rằng, ở trong đó, giống như rừng rậm với nhiệt độ lúc nào cũng trên 40 độ C và độ ẩm rất cao.
Những người chủ nhà thường không hay biết gì và đôi khi họ nhận được những hóa đơn với số tiền khổng lồ bởi những thiết bị chiếu sáng tiêu tốn rất nhiều điện. Bọn tội phạm thường biến mất trước khi các hóa đơn tới hạn phải thanh toán.
Mỗi tháng, cảnh sát có thể khám phá ra vài ‘đồn điền’ chuyên nghiệp kiểu như vậy.
Tháng Sáu năm 2010, tại Bydgoszcz, Torun và Vac-sa-va, sáu cơ sở trồng cần sa đã bị phát hiện. Cảnh sát đã thu giữ ba ngàn khóm cần sa và 20 kg của thành phẩm khô, tóm cổ 12 công dân Việt Nam.
Chúng tôi đã phát hiện ra dấu vết khi từ một văn phòng môi giới bất động sản khi họ (người Việt Nam -ND) muốn thuê vài ngôi nhà và chỉ quan tâm tới những ngôi nhà ở nơi xa vắng- Một sỹ quan cảnh sát tiết lộ.
Tháng tư năm qua, trong hai ngôi nhà tại Piaseczno, một số người Việt đã ‘canh tác’ 1500 cây cần sa, mà từ đó có thể sản xuất hàng trăm kg thành phẩm. Người ta cũng thu được ở đó 50 kg ma túy.

Khó khăn vì khép kín
Ai là người điều khiển các băng nhóm Việt Nam là điều mà cơ quan cảnh sát Ba Lan chưa thể xác minh được. Một sỹ quan điều tra cho biết, chính sự khác biệt về diện mạo của các tội phạm này đã gây khó khăn cho công an trong việc xâm nhập.
Được biết, cần sa do người Việt Nam sản xuất tại Ba Lan còn được xuất ra nước ngoài. Các nhóm tội phạm Việt Nam rất khép kín, không có liên hệ với các băng đảng Ba Lan nên rất khó phá vỡ- Adam Maruszczak, Giám đốc CBŚ cho biết. Ông cũng cho rằng, số lượng cần sa trồng trong năm 2010 đã tăng lên gấp đôi.
Những kẻ trồng cần sa chuyên nghiệp này đã di chuyển tới Ba Lan từ Cộng Hòa Séc- Michalkiewicz tiếp lời.
Báo cáo của cơ quan điều tra cho biết, 112 người nước ngoài đã bị kết án năm ngoái, nhiều hơn năm trước đó 40 người. Chiếm số đông là người Việt Nam, Ucraina và Litva.
Số lượng băng nhóm người Ba Lan vẫn ở mức gần như cũ. Mặc dù tăng thêm 40 tổ chức nhưng đó là do các băng đảng chia nhỏ ra. Đứng đầu là 407 ông sếp. Bản báo cáo cho hay, trong đó có 213 nhóm tội phạm ma túy, cao hơn so với năm 2009 là 50 nhóm.
Số lượng tội phạm kinh tế là 177 nhóm, tăng thêm 13 so với năm trước. Các băng đảng này buôn bán thuế VAT, lợi dụng sự thay đổi về thuế suất để quay vòng.
Các băng tội phạm bản xứ đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy bất hợp pháp, chẳng hạn như sản xuất thuốc lá. Số băng đảng hoạt động trộm cướp ít hơn, chừng 90 nhóm, bởi hoạt động này đem lại lợi nhuận ít hơn là buôn bán ma túy.
Vẫn theo bản báo cáo, hiện không có băng đảng nào đủ mạnh để thâu tóm toàn bộ lãnh thổ Ba Lan.
Cũng trong năm 2010, CBŚ đã đập tan 150 găng của người Ba Lan và tội phạm quốc tế, bắt giữ khoảng 3500 người. Hơn 5300 người đã bị truy tố với tổng cộng 17 ngàn tội danh.

Một số hoạt động của CBŚ trong năm 2010
Năm qua CBŚ đã phá vỡ 13 địa điểm sản xuất ma túy tổng hợp, 61 vườn cần sa gốc Ấn Độ (trong đó một nửa do người Việt Nam canh tác).
Lực lượng cảnh sát đã tịch thu 1200 kg ma túy (con số này năm trước là 917kg), hơn 721 kg cần sa khô, 233 ngàn viên thuốc lắc, hơn 70 kg hashish, và hơn 332 kg thuốc gây nghiện khác.
Ngoài ra, họ cũng phát hiện 2 đường dây sản xuất thuốc lá lậu và thu giữ 70 triệu sản phẩm. Tổng số tiền tang vật mà CBŚ tịch thu là 229 triệu Zl (so với năm trước là 171 triệu), tài sản được thu hồi được năm qua là trị giá 29 triệu Zl, cao hơn năm trước 1 triệu.

© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: