Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-03-04
.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang vào ngày 10 tháng 3 sẽ mở phiên xử kín vụ hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm 2 nữ sinh vị thành niên là Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thúy Hằng.
Trong phiên xử kín này không có người bảo hộ của 2 nữ sinh cũng như luật sư biện hộ cho hai em. Tòa án không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Trần Đình Triển, với lý do bị can từ chối luật sư biện hộ.
.
Mong muốn được bào chữa
Mặc Lâm tìm hiều thêm vấn đề qua bài phỏng vấn LS Trần Đình Triển sau đây, trước tiên LS Triển cho biết:
LS Trần Đình Triển: “Sau khi nộp hồ sơ từ đầu thì tôi đã được cấp chứng nhận bào chữa và tôi đã vào trại tạm giam cùng với điều tra viên để gặp cháu Thúy và cháu Hạnh. Trước mặt ông phó thủ trưởng cơ quan điều tra thì các cháu vẫn mong muốn được tôi bào chữa và lúc ấy cháu Thúy kêu lên là lâu nay cháu bị bệnh phụ nữ rất nặng nhưng không được điều trị. Tôi có đề nghị nếu trạm xá không đủ điều kiện thì đưa cháu ra ngoài khám bệnh. Sau đó thì tôi biết được cơ quan điều tra đã giải quyết việc đó. Nhưng rất bất ngờ sau đó khi tôi đến để gặp lại cháu thì cơ quan điều tra gửi một tờ giấy là cháu từ chối luật sư.”
Mặc Lâm: Thưa ông nếu chúng tôi nhớ không lầm thì trong lần ra tòa lần trước cháu Thúy đã từng tố cáo là bị cơ quan điều tra ép cung, có phải lần này thì việc cũ được lập lại hay không?
LS Trần Đình Triển: “Ở cấp sơ thẩm lần trước, cũng như thế này nhưng ra tòa thì các cháu tố cáo cơ quan điều tra ép các cháu phải viết như thế. Hôm đó có cả điều tra viên tôi mới đề nghị vào ngay trại tạm giam để hỏi các cháu cho sự việc được rõ ràng. Nếu cháu từ chối luật sự thật sự thì cũng giải trừ cái suy nghĩ của người dân cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng bắt ép cháu còn nếu cháu có nguyện vọng luật sư thì phải giải quyết cho cháu.”
Mặc Lâm: Và các cơ quan tư pháp có đồng ý với đề nghị của ông không thưa luật sư?
LS Trần Đình Triển: “Đáng buồn là từ cơ quan điều tra đến Viện kiểm sát đều không đồng ý chuyện đó và từ chối, đó là dấu hiệu bất bình thường.”
Mặc Lâm: Hai cháu Thúy và Hằng khi bị ra tòa thì đều dưới tuổi vị thành niên, vậy mẹ cháu hay người giám hộ có quyền yêu cầu sự bào chữa của một luật sư phải không ạ?
LS Trần Đình Triển: “Theo nguyên tắc thì mẹ cháu đựơc gặp thân nhân và mẹ cháu làm đơn rất nhiều lần thì cơ quan điều tra chỉ mới cho gặp một lần thôi. Khi mẹ cháu hỏi tại sao con từ chối luật sư thì cháu khóc lên và nói mẹ không biết đâu trong này khổ lắm, sống như chết và nếu không làm theo lời họ thì con không về được đâu mẹ. Đấy là lời của chị Thơm mẹ của cháu cho tôi biết.”
Mặc Lâm: Trên mặt pháp lý thì điều này xem ra không bình thường, LS có thấy như thế không ạ?
LS Trần Đình Triển: “Đây là dấu hiệu mất bình thường hơn nữa cháu là vị thành niên thì mẹ cháu là người giám hộ liên quan cái tội môi giới mãi dâm thì trên nguyên tắc những thu nhập bất hợp pháp phải bồi thường, và những bồi thường ấy nộp vào ngân sách hay cho người bị hại? Tòa án sơ thẩm lần trước cũng quy định như thế vì các cháu chưa tròn 18 tuổi, không có tài sản riêng thì người giám hộ phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đó. Trước đây tòa xác định chị Thơm là mẹ của cháu, là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và theo luật định thì mẹ của cháu được mời luật sư.
Khi họ từ chối với tôi việc bảo vệ cháu Thúy thì mẹ cháu là chị Thơm đã mời tôi làm luật sư. Tôi làm đầy đủ thủ tục thì người ta bảo cháu Thúy đã trên 18 tuổi. Tức là lươn lẹo, quanh co, bảo vệ những điều hết sức trái pháp luật và có lẽ tới đây họ cũng không mời mẹ cháu tham gia với tư cách là người giám hộ, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan nữa. Trong khi bộ luật hình sự và tố tụng hình sự quy định hành vi ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó để xử lý, nghĩa là cháu ở tuổi vị thành niên. Không hiều vì lý do gì họ rất ngại tôi tham gia.”
Mặc Lâm: Có thể họ ngại vì vụ này dính líu tới nhiều quan chức trong tỉnh Hà Giang mà chính luật sư đã công khai thành một danh sách và chính điều này đã dẫn tới việc họ cấm ông tham gia tranh cãi cũng như ngăn ngừa ông phanh phui các khuôn mặt khác hay không?
LS Trần Đình Triển: “Có mười mấy vị quan chức và tôi nhắc lại đây chỉ là số nhỏ, vì đây chỉ mới là lời khai của cháu Thúy và cháu Hạnh còn 15 cháu nữa thì việc mở rộng nó còn đến đâu, tức là cái thối tha, cái nhục nhã nó thể hiện sự bệ rạc, bỉ ổi của các quan chức sử dụng các cháu như những trò chơi đó thì số liệu không biết sẽ lên đến bao nhiêu. Thật ra bản chất của Sầm Đức Xương cũng như những vị đó mà thôi.
Thứ hai nữa nếu nói môi giới gái mãi dâm thì các cháu khác cũng làm như cháu Thúy, cũng bị ép mà phải làm như cháu Thúy phải làm thì tại sao không truy tố các cháu đó về tội môi giới mãi dâm như cháu Thúy cháu Hạnh?
Cái sự thiếu nghiêm minh đó của cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời những vi phạm tố tụng của các cấp sơ thẩm đáng phải khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án thì họ bỏ ra bên ngoài.”
.
Sẽ tiếp tục kiến nghị
Mặc Lâm: Trước những sự việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy, với tư cách là một luật sư ông đã làm gì để tố cáo hệ thống tòa án của tỉnh Hà Giang thưa ông?
LS Trần Đình Triển: “Tôi đã có văn bản gửi các cơ quan cao nhất của Đảng của nhà nước và đề nghị Bộ công an và Viện Kiểm sát tối cao rút hồ sơ lên để trực tiếp điều tra mới thể hiện đựơc sự khách quan. Tôi cũng đã làm việc với Viện kiểm sát Tối cao cử đoàn đi lên rồi nhưng không hiều sao tình trạng hiện tại đã quên lãng nó đi.
Tôi cũng rất trân trọng vì văn bản kiến nghị của văn phòng Luật sư Vì dân đã có ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, hiện nay là Tổng bí thư ông đã chỉ đạo công an, tòa án kiểm sát xử lý nghiêm khắc việc này.”
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng trong vai trò mới thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ quên nhưng việc mà ông kiến nghị hay không? Ông có nghĩ rằng sẽ tiếp tục nhắc nhở ông Trọng để ông ấy biết vụ này hay không?
LS Trần Đình Triển: “Ngày mai ngày kia tôi sẽ sắp xếp thời gian để tiếp tục gửi lên các cơ quan cao nhất của Đảng và nhà nước kiến nghị tiếp về việc này.”
Mặc Lâm: Với tư cách một luật sư ông có nhận xét gì về mặt pháp lý của phiên tòa này? Và nếu được góp ý với nhà nước với Đảng thì ông sẽ nói gì?
LS Trần Đình Triển: “Với tư cách một luật sư tôi mong muốn các cơ quan của Đảng của nhà nước phải chỉ đạo làm rõ việc này, xử lý nghiêm minh, có như vậy mới giữ được niềm tin yêu của nhân dân, với Đảng với nhà nước. Còn nếu không thì sẽ đánh mất đi niềm tin của nhân dân mà đó là tài sản vô giá của một chế độ.”
Mặc Lâm: Theo ông thì hình ảnh phiên tòa sắp tới sẽ ra sao qua kinh nghiệm tòa án của ông?
LS Trần Đình Triển: “Vụ án tới đây tôi tin chắc rằng người ta cũng sẽ xử kín không cho báo chí tham gia và thậm chí đối với mẹ của hai cháu cũng không được tham gia. Tóm lại phiên tòa chỉ có luật sư của Sầm Đức Xương còn lại ngồi chật hội trường sẽ là cán bộ công an, tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng của tỉnh Há Giang và sự việc tiếp tục xử bưng bít như vậy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn luật sư Trần Đình Triển về những thông tin mà ông đưa ra trong buổi phỏng vấn hôm nay.
Thưa quý vị luật sư Trần Đình Triển cũng cho chúng tôi biết là văn phòng luật sư Vì Dân do ông điều hành đã có một website để thông tin các việc có liên quan đến vụ án Sầm Đức Xương. Những hồ sơ hay kiến nghị mà ông gửi lên các cơ quan cao nhất của chính phủ cũng sẽ được post trên website này.
.
Quý vị có thể truy cập vào địa chỉ www.luatvidan.vn để biết thêm chi tiết. Xin cám ơn quý vị.
.
Theo dòng thời sự:
.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment