Thursday, March 10, 2011

TÌM MỘT MẶT TRẬN CHUNG CHỐNG TRUNG QUỐC (Asia Sentinel)

Asia Sentinel  -  Ngày 9-3-2011

Người dịch: Đỗ Quyên
Đăng bởi anhbasam on 10/03/2011
.
Philippines và Indonesia nhất trí thúc đẩy hợp tác về vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa.

Mặc dù hội nghị Jakarta giữa các nguyên thủ quốc gia của Indonesia và Philippines, diễn ra hôm thứ ba vừa qua, được xem như tập trung chủ yếu vào hợp tác chống khủng bố và các vấn đề khác, nhưng có lẽ có một chuyện còn lớn hơn thế đang gây ảnh hưởng – đó là nỗ lực của các quốc gia trên Biển Đông nhằm hình thành một mặt trận chung chống lại các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên hai chuỗi đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Hôm thứ ba, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói với báo giới rằng, sau cuộc gặp của ông với người đồng nhiệm Philippines Benigno S. Aquino III, Trường Sa có thể được biến thành một “khu vực hợp tác”. “Tôi tin chắc cơ hội hợp tác là mở, và chúng ta hy vọng – không có gì phải nghi ngờ – rằng Biển Nam Trung Hoa không trở thành một vùng xung đột mở, mà trên thực tế, sẽ là một khu vực hợp tác kinh tế đầy tiềm năng”.
Tổng thống Aquino tán thành, phát biểu rằng đàm phán giữa các nước nên được duy trì, và bất cứ nước nào cũng không nên hành động đơn phương.

“Về vấn đề Trường Sa, không có chỗ cho hành động đơn phương” – Tổng thống Aquino nói. “Hy vọng là, với tư duy đồng thuận rằng đây là một vấn đề chung và đồng thời cũng là cơ hội chung, chúng ta sẽ có thể tiến thêm một bước trong việc sử dụng những nguồn lực của khu vực đặc biệt này, vì lợi ích của tất cả các quốc gia có yêu sách liên quan”.

Đây là hai nước gần đây nhất công khai chống lại (nguyên văn: wriggle free, nghĩa đen là vùng vẫy thoát ra khỏi) vòng kiềm tỏa toàn diện của Trung Quốc đối với chai chuỗi đảo, mà mỗi hòn đảo (*) trong đó đều kéo theo chủ quyền lãnh thổ do nó có vùng thềm lục địa bao quanh. Tháng 8 năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã vận động đưa được vấn đề Trường Sa trở lại chương trình nghị sự của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), qua đó khẳng định vai trò đi đầu của họ đối với khối hiệp ước này trong vấn đề Trường Sa và trong việc làm Trung Quốc nổi khùng. Cũng như Mỹ, Nhật Bản, Nga và Ấn Độ đều đang tiếp tục thắt chặt quan hệ với Việt Nam trong các vấn đề biển đảo và nhiều chuyện khác.

Cuộc gặp ở Jakarta có vẻ làm Bắc Kinh điếng người. Gần như cùng vào lúc hai vị tổng thống gặp mặt nhau, từ Bắc Kinh, nữ phát ngôn viên Khương Du của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố với báo chí: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Đông và vùng nước liền kề chúng”. Tuy nhiên, bà nói thêm: “Chúng tôi đã cam kết tiến hành đối thoại và tham vấn để giải quyết cho phù hợp tranh chấp trên Biển Đông, cũng như làm việc với các quốc gia có liên quan để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông”.

Gần như không hòn đảo (**) nào đủ lớn để xây dựng một cơ sở nào trên đó. Nhưng các đảo đều được cho là rất giàu dầu lửa và khí đốt. Do đó các đảo đều bị tuyên bố chủ quyền toàn thể hoặc một phần, bởi Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Philippines, Việt Nam và Malaysia. Có quá nhiều những yêu sách mâu thuẫn nhau, khiến cho việc có được một giải pháp là đặc biệt khó khăn, nhất là khi Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo, căn cứ vào cái mà họ gọi là chủ quyền lịch sử.

Còn một vấn đề thứ hai nữa kéo Indonesia và các nước khác vào cuộc. Đó là tự do hàng hải trên Biển Đông – một trong những vùng biển có mật độ đi lại cao nhất thế giới, nơi phần lớn lượng cung cấp dầu thô của thế giới được vận chuyển qua. Do đó, xuất hiện lợi ích của Mỹ, Ấn Độ và những nước khác.

Cho đến gần đây, các nước ven Biển Đông (tức quốc gia có bờ biển là Biển Đông – ND) đã không ngừng tranh cãi với nhau về những yêu sách chồng lấn nhau. Điều này làm vị thế của họ yếu đi trong quan hệ với Trung Quốc. Một mặt trận chung chống lại người láng giềng khổng lồ phương bắc sẽ cho họ thêm tương đối nhiều quyền lực phi chính thức.

Vấn đề Trường Sa là xương sống của cuộc tranh cãi. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Trường Sa dựa trên quyền chiếm hữu lịch sử, bất chấp một thực tế là phần lớn đảo ở đây nằm gần Philippines và Malaysia hơn. Philippines ra yêu sách đòi phần lớn nhưng không phải tất cả các đảo, trên cơ sở một hỗn hợp nguyên tắc: nguyên tắc quần đảo, nguyên tắc thềm lục địa 200 dặm (***), và nguyên tắc về chiếm hữu vùng đất không người. Các yêu sách của Malaysia và Brunei dựa trên nguyên tắc thềm lục địa: các đảo nằm trên đáy biển với độ sâu dưới 200 mét được mở rộng đường bờ biển. (Nguyên văn: the islands lie in seabed of less than 200 meters in depth extending from their coastline.)

Việt Nam hiện chiếm giữ khoảng 20 đảo nhỏ (islet), đảo đá (rock) và bãi ngầm (shoal), Trung Quốc giữ 9, và Philippines trên dưới 4, Malaysia 3, Đài Loan 1. Hoàng Sa, nằm gần Đà Nẵng về phía đông, thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực cướp Hoàng Sa vào những ngày hấp hối của chế độ miền nam Việt Nam. Chỉ có Trung Quốc và Philippines tranh chấp bãi Scarborough (Scarborough shoal, Trung Quốc gọi là bãi đá Hoàng Nham – ND) và bãi ngầm Macclesfield (Macclesfield bank, Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa – ND).

Mới hồi tuần trước, Philippines vừa có khiếu nại sau khi hai tàu Trung Quốc đuổi một tàu khảo sát thăm dò dầu khí khỏi một địa điểm trong vùng đảo Trường Sa. Chính phủ Philippines đã ra lệnh cho lực lượng Tuần tra Bờ biển của họ hộ tống tàu khảo sát này. Gần đây, Việt Nam cũng phàn nàn về sự quấy phá của các tàu hải quân Trung Quốc.

Người dịch: Đỗ Quyên
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Chú thích của người dịch:
(*) và (**): Các từ “đảo”, trong bản tiếng Anh, tác giả sử dụng từ “islet”, nghĩa là “đảo nhỏ”, có diện tích 0,001 – 1 hải lý vuông; khác với “isle” (1-1.000 hải lý vuông) và “island” (hơn 1.000 hải lý vuông).
(***) Nói đúng hơn là “hải lý” chứ không phải “dặm”.

------------------------

TIN LIÊN QUAN :

.
.
.

No comments: