19/03/2011
Kính gửi Bác sỹ,
Cũng như BS, tôi đã xúc động đến phát khóc khi đọc được câu chuyện có thật mà anh Hà Minh Thành (*) kể lại về sự nhẫn nại, tinh thần hy sinh, quên mình vì người khác của cậu bé người Nhật mới 9 tuổi đã mất cả gia đình trong trận động đất kinh hoàng vừa qua tại Nhật Bản.
Bởi vậy tôi cũng thực sự xúc động khi đọc được trên blog của BS bức thư của ông gửi cho anh Thành xin được nhận cháu bé Nhật vừa đáng thương vừa đáng ngưỡng mộ ấy làm con nuôi. Tôi cũng tin rằng không chỉ có BS mà rất nhiều người có tấm lòng ở đất nước chúng ta có nguyện vọng ấy.
Cá nhân tôi cũng rất muốn nhận nuôi dạy cháu bé người Nhật ấy không những vì sự cảm phục và thương cảm cho một đứa trẻ bất hạnh mà tôi cũng muốn nói rất thật lòng rằng nếu có được một thành viên tuy nhỏ tuổi mà giàu lòng nhân ái như thế thì thực sự quả là một diễm phúc đối với gia đình chúng tôi.
Vì vậy, khi mới đọc bức thư của BS gửi anh Thành, tôi cũng đã định gửi thư cho anh ấy để “tranh giành” với BS cái việc mà bản thân tôi coi là một đặc ân này.
Nhưng rồi sau khi bình tâm nghĩ lại thì tôi lại từ bỏ ý định ấy. Và bằng thư ngỏ này, tôi cũng chân thành xin BS từ bỏ ý định ấy.
Tôi hoàn toàn tin vào sự chân thành của BS khi ông viết trong bức thư gửi anh Thành rằng BS không giàu, làm việc lớn hơn thì ngoài khả năng của mình. Nhưng để nuôi một đứa trẻ có lòng tự trọng như cháu bé ấy thì ông sẵn sàng nuôi dạy cháu nên người, với tất cả những gì ông có thể làm được.
Tấm lòng của BS qua những dòng viết chân thành trên thật đáng trân trọng. Tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với BS rằng để nhận đứa bé ấy làm con nuôi, đối với những người ở tầng lớp trung lưu ở Việt Nam như BS và tôi, chúng ta hoàn toàn đủ sức nuôi dưỡng cháu bé ấy. Mà nếu giả sử chúng ta có thiếu thốn về vật chất thì cũng không đến nỗi không nuôi nổi cháu. Cho dù chúng ta có thể nghèo hơn rất nhiều so với cha mẹ cháu bé ấy khi còn sống, tôi vẫn tin rằng, với một nhân cách và đức tính hy sinh như thế, cháu hoàn toàn có thể thông cảm và chia sẻ cùng chúng ta những khó khăn gian khổ nhất về vật chất, nếu có.
Bản thân tôi hoàn toàn không nghi ngờ lòng tốt của BS. Tôi cũng rất tin tưởng rằng BS có đủ điều kiện để nuôi dạy cháu nên người. Mặc dù chưa có hân hạnh được quen BS, nhưng qua những bài viết của BS mà tôi đọc được trên blog của ông, tôi tin rằng nếu có nhiều gia đình người Việt Nam khác cũng muốn được nhận cháu làm thành viên và cháu cũng đồng ý trở thành công dân Việt Nam thì theo cảm nhận của tôi, gia đình BS sẽ nằm trong số những địa chỉ tốt nhất để cháu có thể lựa chọn.
Vậy thì lý do gì khiến tôi lại khuyên BS không nên nhận em bé ấy làm con nuôi và bản thân tôi cũng từ bỏ ý định ấy?
Đơn giản là vì tôi nghĩ việc chúng ta không nhận cháu bé người Nhật ấy làm con nuôi thì có lẽ tốt hơn cho tương lai của nó.
Trên blog của mình, khi nói về nguyện vọng xin được nhận cháu bé ấy về nuôi, BS cũng đã viết rằng ông đã “vừa đau xót, vừa thương cho một đứa trẻ chỉ mới 9 tuổi phải chống chọi với cuộc đời ô trọc và vượt qua nỗi đau lớn của bản thân và gia đình như thế.”
Riêng tôi thì xin phép BS được “phản biện” lại ý kiến này của BS.
Tôi tin vào sự thương xót của BS dành cho cháu bé, nhưng tôi lại cũng tin rằng, được sống trong một xã hội, trong một cộng đồng đầy nhân bản như Nhật Bản là một niềm hạnh phúc mà không phải hiện nay ai trên thế giới này, trong đó có người Việt Nam chúng ta, có được. Vì vậy tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, trong một cộng đồng văn minh như thế, cháu bé chỉ mới 9 tuổi ấy sẽ được cưu mang, đùm bọc chu đáo vời đầy đủ tình thương và trách nhiệm chứ tôi hoàn toàn không nghĩ rằng nếu như không có những người Việt Nam chúng ta sẵn lòng nhận cháu về nuôi thì cháu bé ấy sẽ phải “chống trọi với cuộc đời ô trọc”.
Qua blog của BS, tôi được biết BS đang sinh sống tại Sài Gòn. Chính vì vậy tôi khuyên BS từ bỏ ý định nhận cháu bé ấy về nuôi. Có thể môi trường văn hóa, giáo dục và sự nền nếp, truyền thống gia phong tốt đẹp của gia đình một trí thức như BS không thua kém, có khi còn hơn nhiều gia đình của không ít người Nhật bình thường. Nhưng hẳn BS cũng đồng ý với tôi rằng, xét một cách toàn diện về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đạo đức xã hội cho đến quan trí, dân trí, trách nhiệm cộng đồng, ý thức tuân thủ pháp luật và rất nhiều thứ khác nữa thì môi trường mà người dân Nhật đang hưởng thụ tại đất nước họ trong sạch và tốt đẹp hơn gấp hàng trăm lần môi trường ở Sài Gòn nói riêng, nơi mà BS đang sinh sống, cũng như Việt Nam hiện nay nói chung.
Xin đừng bảo tôi nói thế là nói xấu Việt Nam. Đây là sự thật mà chúng ta phải thừa nhận một cách cay đắng!
BS có thể đủ khả năng nuôi dạy đứa bé Nhật ấy. Nhưng dù môi trường văn hóa, giáo dục, đạo đức trong gia đình BS có tốt đến mấy thì BS cũng không thể suốt ngày chỉ nuôi dạy cháu trong bốn bức tường trong ngôi nhà mình. Cháu vẫn phải đến trường, ra đường, tiếp xúc với xã hội của chúng ta. Mà môi trường chung quanh chúng ta như thế nào thì hẳn BS cũng biết. Chỉ e rằng, chính trong môi trường ấy, cháu bé người Nhật đáng thương ấy mới phải gồng mình lên để “chống trọi với cuộc đời ô trọc” để không bị nhiễm những thói xấu, cho dù với sự trợ giúp của BS, cháu có thể đỡ vất vả hơn phần nào trong cuộc “chống trọi” ấy.
Vì thế, thưa BS, nếu thương cháu thì xin BS, và cả tôi nữa, hãy để cháu bé ấy lớn lên trong vòng tay của nhân dân Nhật Bản vĩ đại, những người hiện tại có đầy đủ điều kiện và khả năng hơn hẳn chúng ta để mang lại cho cho cháu một cuộc sống hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần, để cháu có thể tự hào là công dân của một đất nước vĩ đại – đất nước Nhật Bản!
Xin gửi BS lời chào kính trọng,
Blogger Hahien
————————————————————————————————-
(*) Câu chuyện về đứa bé Nhật ấy do anh Hà Minh Thành, một người Nhật gốc Việt, hiện đang làm cảnh sát tại Nhật, kể lại trong bức thư anh viết cho nhà văn Phạm Viết Đào (đã đăng toàn văn trong blog của ông) , xin được trích lại đoạn có liên quan đến entry này như sau:
“…Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm.Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhiìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: ” Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: ” Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.”
.
.
.
No comments:
Post a Comment