Wednesday, March 9, 2011

THỜI CƠ CÁCH MẠNG DÂN CHỦ VIỆT NAM (Lê Duy Nhân)

Lê Duy Nhân
Đăng ngày 09/03/2011 lúc 01:34:33 EST

Cảm hứng cách mạng dân chủ từ Bắc Phi và Trung Đông đã tạo nên một khí thế mới cho phong trào dân chủ trong và ngoai nước. Nhiều tổ chức, đảng phái chính trị, lên tiếng kêu gọi dân chúng xuống đường đòi tự do – dân chủ nhưng cho tới nay đảng CSVN vẫn kiểm soát được tình hình khiến một cuộc biểu tình đòi dân chủ như nhiều người trông đợi vẫn chưa xảy ra được.

Không ai lường trước được cuộc đối đầu giữa hai thế lực bao giờ bắt đầu, sẽ diễn tiến như thế nào: quần chúng hay guồng máy cai trị, ai thắng ai? Máu sẽ đổ nhiều hay ít? Tuy có nhiều tiếng nói kêu gọi dân chúng xuống đường nhưng cũng có ý kiến phản bác, cho rằng tình thế chưa chín muồi cho cuộc xuống đường đòi dân chủ mà đã kêu gọi dân chúng xuống đường khi thời cơ chưa tới là hành động vô ý thức và vô trách nhiệm.

Người bày tỏ ý kiến chống lại kêu gọi xuống đường (trong thời điểm này) cho rằng khi chưa có “thời thế cơ” mà đã phát động cách mạng là phung phí xương máu nhân dân, phung phí tiềm lực cách mạng; là rơi vào bẫy chính quyền; là bệnh ấu trĩ cách mạng của những người làm cách mạng “salon”, cách mạng “mồm”, và nặng hơn nữa là "phạm tội ác”… Thiện chí đóng góp cho tiến trình dân chủ của những người không đồng ý việc kêu gọi nhân dân xuống đường cũng bị “phản bác”. Vì bất đồng ý kiến? Vì bị nhục mạ? Hay vì một lý do nào khác?

Làm thế nào để biết được thời cơ đã đến hay chưa đến? Nhiều cuộc cách mạng đã xảy ra ngoài tiên liệu của những nhà phân tích thời cuộc đao to búa lớn nhất, nhiều kinh nghiệm nhất. Có ai đoán trước được sự sụp đổ của bức tường Berlin, có ai dám tin rằng Liên Bang Xô Viết sụp đổ sau 70 năm ngự trị. Cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia đã làm cho cả thế giới sửng sốt. Mặc dầu có hàng trăm tình báo chiến lược ở Ai Cập, Hoa Thịnh Đốn vẫn “giật mình” khi Cairo dậy sóng biểu tình truất phế Mubarak. Các lý thuyết gia, các nhà bình luận chính trị phải chăng vì dựa vào những nguyên tắc cách mạng “cổ điển” mà quên rằng nguyên tắc của các cuộc cách mạng cũ đã bị cách mạng truyền thông hiện đại đào thải.

Cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia, ở Ai Cập, ở Lybia… đã sổ toẹt phương châm: “Không có thời cơ thì không có cách mạng”. Hãy chỉ cho tôi biết thời cơ cách mạng ở Tunisia, ở Ai Cập, ở Lybia đến từ lúc nào. Hãy chỉ cho tôi biết ai đã sách động nhân dân các nước này lật đổ bạo quyền. Hãy chỉ cho tôi biết tổ chức nào đã lãnh đạo các cuộc cách mạng này.

Nếu trả lời được các câu hỏi trên thì ta mới có câu trả lời rõ ràng về “thời cơ chín muồi” cho cách mạng dân chủ ở Việt Nam.

Khi các cuộc cách mạng ở Bắc Phi và Trung Đông nổ ra rồi người ta mới nhận định rằng các cuộc cách mạng này xảy ra vì đại bộ phận quần chúng đã không chịu nổi cuộc sống hiện tại chứ không phải được phát động bởi một tổ chức cách mạng.

Người dân Việt Nam đã cảm thấy không thể sống nổi trong xã hội hiện tại chưa? Người dân đã cảm thấy uất ức về nạn tham nhũng bất trị của đảng cầm quyền thối nát chưa; rằng hố ngăn cách giàu nghèo đã làm họ tức giận chưa; rằng họ đã cảm thấy công an ức hiếp, giết người vô tôi vạ như vậy là dã man chưa; rằng hành động vơ vét tài sàn nhà nước, cướp ruộng đất của nông dân có còn chấp nhận được nữa không; rằng chính quyền khiếp nhược, dâng đất dâng biển cho ngoại bang còn xứng đáng lãnh đạo đất nước nữa không; rằng xã hội đang xuống cấp như thế, giáo dục lạc hậu như thế, đời sống của dân lao động túng thiếu, cực khổ như thế có nên kéo dài nữa không; rằng họ có cảm thấy bị nhục mạ khi hàng chục ngàn thiếu nữ Việt Nam bị bán ra nước ngoài làm nô lệ tình dục, làm người chửa thuê, đẻ mướn… rằng nhân dân trong nước sẽ phải kéo dài kiếp nô lệ đọa đầy như thế này bao nhiêu năm nữa để chờ thời cơ cách mạng đến?


Mặt khác nếu nói rằng phải chờ khi có tổ chức cách mạng đã thì nhân dân mới có thể đứng lên đòi dân chủ thì chẳng bao giờ có cuộc xuống đường đòi dân chủ ở Việt Nam được, vì cho đến nay không có tổ chức cách mạng dân chủ ở trong nước nào sống sót qua thời trứng nước. Các nhà hoạt động dân chủ trong nước mới lên tiếng đòi dân chủ một cách ôn hòa đã bị ghép vào tội lật đổ chính quyền và bị ném vào nhà tù mà không cần xét xử nói chi đến thành lập một tổ chức “cách mạng”.

Nói rằng người trong nước xuống đường là do người Việt hải ngọai xúi giục là luận điệu tuyên truyền xảo trá của chính quyền Việt Nam. Hãy hỏi Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Toàn, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần… và hàng ngàn chiến sĩ dân chủ trong nước xem họ dấn thân có phải do “người ngoài” xúi giục không. Nếu người Việt hải ngoại mà sách động được biểu tình trong nước thì chế độ CSVN đổ từ lâu rồi.

Cách mạng là sáng tạo. Không có thời cơ thì phải tạo ra thời cơ. Thời cơ chưa chín muồi thì phải làm cho thời cơ chín mùi. Sống dưới búa liềm XHCN mà chờ thời cơ để đòi Dân Chủ thì chẳng khác người đại lãn nằm chờ sung rụng; trái sung Dân Chủ thì chẳng bao giờ rụng mà phải tự tay hái lấy.


Cách mạng Dân Chủ nằm trong tay giới trẻ trong nước. Bao giờ thực hiện, thực hiện như thế nào đều phụ thuộc giới trẻ. Vì họ là hy vọng và tương lai của đất nước. Hãy trông gương giới trẻ Ai Cập, không ai xui họ làm cách mạng, không ai dạy họ làm cách mạng và cũng không ai giúp họ làm cách mạng. Họ tự đứng lên, tự lãnh đạo và tự tiến hành cách mạng.

Giới trẻ Việt Nam có đủ trí tuệ, dũng cảm và tự tin để đòi quyền làm chủ cuộc đời họ không? Nếu niềm hy vọng này cũng mất nốt thì còn biết trông cậy vào ai để đưa đất nước ra khỏi bóng tối của áp bức, bất công và nguy cơ nô thuộc phương Bắc.

Lê Duy Nhân
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: