Trần Doãn Nho
Sunday, March 6, 2011
Đó là một trong những ngày tuyết lớn của mùa đông 2010: 20 inches. Tiểu bang tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tất cả các trường học đều đóng cửa. Nhưng theo quy định của tiểu bang, văn phòng tôi làm việc vẫn phải mở cửa vì là nơi phụ trách ghi danh cho học sinh vào các trường công lập thành phố. Vất vả lắm, tôi mới lọt ra khỏi cái driveway tuyết phủ để đến sở làm. Thành phố vắng tanh như trong tình trạng giới nghiêm. Không có bóng một cái gì chuyển động ngoài tuyết rơi và những chiếc xe xúc tuyết.
Trong thời tiết như thế này, dù đi đứng phiền hà, đám nhân viên chúng tôi vẫn có cái thú vị của nó: được hưởng một ngày vắng khách và (đôi khi) hoàn toàn không có khách. Tôi mang theo cuốn sách để giết thì giờ.
Ấy thế mà, đến khoảng 10 giờ thì có khách. Thấy có người vào, tôi rủa thầm trong bụng: thời tiết như thế này mà ai đó lặn lội đi ghi danh thì quả là “điếc không sợ súng”! Ra mở cửa đón khách, tôi sửng sốt khi thấy, không phải chỉ một ai đó, mà là một đoàn đông đến… mười người. Người nào người nấy sướt mướt run rẩy trong những bộ áo ấm không cách gì đủ ấm trong thời điểm giá rét cao điểm của miền đông bắc này. Thì ra, đó là một gia đình di dân từ Iraq vừa mới đến định cư. Gia đình gồm có 8 người, hai vợ chồng và 6 đứa con. Đi kèm là một người thân và một người quen làm thông dịch. Tôi hỏi người thông dịch tại sao không đợi ngày nắng ráo rồi đi ghi danh? Người thông dịch cho biết, tuy mới đến định cư có một tuần, nhưng ai cũng nóng lòng muốn cho con đến trường. Hơn nữa, vừa mới đến định cư, ở nhà không biết làm gì, cả gia đình muốn vừa đi ngắm tuyết vừa đi ghi danh “cho biết nước Mỹ”. Xem hồ sơ mới hay, tuy họ là người Iraq, con cái sinh đẻ ở Baghdad nhưng lại lớn lên ở trại tỵ nạn ở Syria. Người cha và bà mẹ thì trông quê mùa, nhưng sáu đứa con của họ đứa nào đứa nấy mặt mày sáng sủa, xinh xắn; đứa nhỏ nhất 5 tuổi, đứa lớn nhất 15 tuổi. Có em đi học qua ít lớp, có em chưa hề đi học ngày nào. Cha mẹ không biết tiếng Anh đã rồi (dường như cũng thuộc loại mù chữ) mà các em, chẳng em nào biết nói một chữ tiếng Anh. Đã thế, người đi theo làm thông dịch, tiếng Anh cũng giới hạn. Đây là một trong những trường hợp “khó” đối với việc ghi danh.
Đến trưa, tuyết rơi càng nặng. Ông trưởng phòng cho biết là nhân viên có thể được phép về sớm vì thời tiết quá xấu. Nhưng lại bất ngờ có khách. Lần này là hai gia đình cũng vừa mới đến định cư, một gia đình có một con và gia đình kia có hai đứa. Họ không phải từ vùng Trung Đông, mà là từ châu Á. Một gia đình người Karen, một sắc tộc thiểu số ở Miến Điện (Burma, bây giờ được đổi tên là Myanmar) đến từ một trại tỵ nạn ở vùng đông bắc Thái Lan. Gia đình kia người Nepal, nhưng đến từ một trại tỵ nạn ở Butan, nước láng giềng của Nepal. Hai gia đình sau này tương đối dễ hơn vì có người “cán sự xã hội” (social worker) đi kèm theo. Do công việc, người cán sự xã hội phải tìm người thông dịch trước khi mang gia đình tới ghi danh, hoặc nếu không, họ cũng nắm đủ các chi tiết về hồ sơ, lý lịch và trình độ của các học sinh.
Trong thời tiết như thế này, dù đi đứng phiền hà, đám nhân viên chúng tôi vẫn có cái thú vị của nó: được hưởng một ngày vắng khách và (đôi khi) hoàn toàn không có khách. Tôi mang theo cuốn sách để giết thì giờ.
Ấy thế mà, đến khoảng 10 giờ thì có khách. Thấy có người vào, tôi rủa thầm trong bụng: thời tiết như thế này mà ai đó lặn lội đi ghi danh thì quả là “điếc không sợ súng”! Ra mở cửa đón khách, tôi sửng sốt khi thấy, không phải chỉ một ai đó, mà là một đoàn đông đến… mười người. Người nào người nấy sướt mướt run rẩy trong những bộ áo ấm không cách gì đủ ấm trong thời điểm giá rét cao điểm của miền đông bắc này. Thì ra, đó là một gia đình di dân từ Iraq vừa mới đến định cư. Gia đình gồm có 8 người, hai vợ chồng và 6 đứa con. Đi kèm là một người thân và một người quen làm thông dịch. Tôi hỏi người thông dịch tại sao không đợi ngày nắng ráo rồi đi ghi danh? Người thông dịch cho biết, tuy mới đến định cư có một tuần, nhưng ai cũng nóng lòng muốn cho con đến trường. Hơn nữa, vừa mới đến định cư, ở nhà không biết làm gì, cả gia đình muốn vừa đi ngắm tuyết vừa đi ghi danh “cho biết nước Mỹ”. Xem hồ sơ mới hay, tuy họ là người Iraq, con cái sinh đẻ ở Baghdad nhưng lại lớn lên ở trại tỵ nạn ở Syria. Người cha và bà mẹ thì trông quê mùa, nhưng sáu đứa con của họ đứa nào đứa nấy mặt mày sáng sủa, xinh xắn; đứa nhỏ nhất 5 tuổi, đứa lớn nhất 15 tuổi. Có em đi học qua ít lớp, có em chưa hề đi học ngày nào. Cha mẹ không biết tiếng Anh đã rồi (dường như cũng thuộc loại mù chữ) mà các em, chẳng em nào biết nói một chữ tiếng Anh. Đã thế, người đi theo làm thông dịch, tiếng Anh cũng giới hạn. Đây là một trong những trường hợp “khó” đối với việc ghi danh.
Đến trưa, tuyết rơi càng nặng. Ông trưởng phòng cho biết là nhân viên có thể được phép về sớm vì thời tiết quá xấu. Nhưng lại bất ngờ có khách. Lần này là hai gia đình cũng vừa mới đến định cư, một gia đình có một con và gia đình kia có hai đứa. Họ không phải từ vùng Trung Đông, mà là từ châu Á. Một gia đình người Karen, một sắc tộc thiểu số ở Miến Điện (Burma, bây giờ được đổi tên là Myanmar) đến từ một trại tỵ nạn ở vùng đông bắc Thái Lan. Gia đình kia người Nepal, nhưng đến từ một trại tỵ nạn ở Butan, nước láng giềng của Nepal. Hai gia đình sau này tương đối dễ hơn vì có người “cán sự xã hội” (social worker) đi kèm theo. Do công việc, người cán sự xã hội phải tìm người thông dịch trước khi mang gia đình tới ghi danh, hoặc nếu không, họ cũng nắm đủ các chi tiết về hồ sơ, lý lịch và trình độ của các học sinh.
*
Đó là các “khách hàng” đặc biệt của tôi, đúng hơn, “khách hàng” đặc biệt của cái văn phòng ghi danh này. Đặc biệt là vì họ mới, hoàn toàn mới đối với môi trường Mỹ. Đặc biệt vì họ đều không biết tiếng Anh. Và đặc biệt vì họ còn mang tất cả dấu ấn của quê hương cũ, đậm nét trên từng cử chỉ, dáng nét và ngôn ngữ. Và còn đặc biệt hơn nữa, họ gợi nhớ cho tôi về những ngày chân ướt chân ráo bước chân vào chính cơ quan này để ghi danh cho ba đứa con tôi đi học, gần hai thập niên trước.
Cũng như tôi, họ đến từ những nơi xa xôi trên thế giới. Từ Kenya, Ghana, Côte D’Ivoire (Bờ Biển Ngà) cho đến Lào, Butan, Nepal; từ Palestine, Iran, Iraq, Kosovo cho đến Uruguay, Mexico, Nicaragua, hay Latvia, Armenia, Kyrgyzstan. Đến từ những nước mà tình hình kinh tế, chính trị ổn định như Pháp, Đại Hàn, Nhật chẳng hạn thì số lượng không đáng kể, chủ yếu là những gia đình đi theo diện bảo lãnh hay du học, phần đông không phải là di dân. Riêng các vùng khác, thì tùy thời điểm và tùy tình hình trên thế giới mà người ở xứ này đến ghi danh nhiều hơn ở xứ kia. Có chiến tranh ở Kosovo thì có nhiều người đến từ Kosovo. Có đàn áp ở Miến Điện thì có nhiều người đến từ Miến Điện. Có động đất ở Haiti thì có nhiều người đến từ Haiti. Có chiến tranh ở Uganda thì có nhiều người đến từ Uganda… Cũng như trước đây, có hiện tượng thuyền nhân thì có nhiều người đến từ Việt Nam. Chiến tranh, thiên tai, đàn áp… – tóm lại, những biến động đâu đó trên thế giới - là nguyên nhân mang thêm người di dân đến xứ sở này. Chẳng hạn như tình hình ở Lybia hiện nay. Tôi đoán thế nào trong thời gian sắp tới cũng sẽ có nhiều gia đình từ xứ Lybia dẫn con cái đến ghi danh vào trường học ở thành phố tôi.
Hoa Kỳ như cái túi chứa những bất hạnh của thế giới.
Thành thử, việc ghi danh ở một địa phương như thế này lại mang tính cách quốc tế. Tôi chứng kiến đủ loại sắc dân với giấy tờ, tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới và được nghe nhiều tiếng nói khác nhau. Danh sách các ngôn ngữ bản xứ (native languages) được sử dụng để tham khảo và tra cứu khi cần, là một bản danh sách khá dài, bao gồm cả những tiếng chỉ dùng trong một địa phương hay một bộ lạc. Nào là Twi, Swahili, Tigrinya, Dinka , nào là Urdu, Creole, Samoan, Bengali, Tamil, nào là Farsi, Lesotho, Kinyarwandu…
Tôi vẫn tự hỏi: mình đang làm việc cho một nước hay cho một trung tâm quốc tế?
Quốc tế chẳng phải vì các khách hàng mà ngay chính trong cơ quan. Này nhé: người ngồi kế tôi trong cùng một phòng là một bà người Hy Lạp, có cái họ khá dài, Giannopoulos. Bà sang định cư ở đây đã hơn 40 năm, có chồng là người gốc Áo. Người làm việc ở phòng bên cạnh là một phụ nữ người Puerto Rico, gốc Tây Ban Nha, Carmen. Bà ta sinh trưởng ở Hoa Kỳ, cha vốn là cựu quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ đã từng tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi những năm 1950. Người ở phòng kế là một bà lão người gốc Armenia, một trong những nước Cộng Hòa Sô Viết cũ. Cha mẹ bà theo gia đình sang Mỹ từ đầu thế kỷ 20 để trốn tránh cuộc tàn sát của người Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Người cùng phòng là một ông trung niên, có họ là Latkovskis, người gốc Latvia, một nước cộng hòa ở vùng Balkan, bị Nga sáp nhập vào Cộng Hòa Sô Viết cho đến năm 1990. Bên cạnh ông là một bà khác, Dolores. Bà này là một trong những người “Mỹ” nhất ở trong cơ quan tôi. Tổ tiên bà đã định cư ở đây từ thế kỷ 19. Bà ta chỉ nói tiếng Anh và không mấy hào hứng khi đề cập đến gốc gác cũ của mình. Một bà khác nữa, Barbara, da đen, thuộc tổ tiên bị bán làm nô lệ từ thế kỷ 17. Ở lầu hai, coi sóc một chương trình song ngữ là một người thuộc nước Cộng Hòa Dominic, Nam Mỹ. Phòng kế là Theresa, một cô gái gốc Ý, một trong những thành viên hoạt động tích cực cho cộng đồng người Ý ở thành phố. Một bà khác, Cynthia, gốc Albania. Bà ta sinh trưởng ở đây, nhưng nói rất rành cả hai thứ tiếng Mỹ và Albanian, chuyên môn đi thông dịch cho các gia đình Albania mới định cư. Một bà khác, Norma, gốc Pháp di dân từ Québec, Canada. Ở lầu ba, Stella, một phụ nữ gốc Trung Hoa. Frank Putzkammer, cấp trên của chị ta là một người đàn ông gốc Đức. Một bà mới chuyển đến, Nasrin, là dân Iran, di cư sang Mỹ sau cuộc cách mạng Hồi Giáo lật đổ nhà vua Palevi.
Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 phá hủy tòa Tháp Đôi Nữu Ước (Twin Towers), nhiều người trong cơ quan tôi bỗng dưng bàn tán việc trở về tái định cư tại… quê hương. Bà Carmen bảo là sẽ trở về lại Puerto Rico; bà Maria đòi trở về với căn nhà nhỏ ven bờ biển ở ngoại ô thành phố Athenes, thủ đô nước Hy Lạp; bà Cynthia thì đòi về Tyrana, Albania, quê nội của bà, dù bà ta thú nhận là chưa có dịp về đó bao giờ kể từ khi được sinh ra trên đất Mỹ; bà Norma thì muốn trở về Québec với bà chị họ; cô gái Thérésa thì đòi trở về Rome. Bà Nasrin thì đòi trở lại Tehran, dù bà cho biết là bà chẳng hề thích chút nào cái chính quyền cực đoan lệ thuộc tôn giáo này. Một số người khác thì cũng muốn đi, nhưng phân vân chưa biết đi đâu, vì quê hương cũ đối với họ thì tuy có đó, nhưng chỉ thực sự dính dáng đến những người của hai, ba thế hệ trước.
Nghe họ bàn tán, dù chẳng có mảy may ý định trở về, nhưng tôi cũng đâm ra hoang mang: về hay ở? Sau 11 tháng 9, giấc mơ Mỹ (American Dream) nghe chừng như rạn nứt. Chấn động về một nước Mỹ bất an, nên đâm ra xôn xao trở về một nơi gọi là quê hương đã từng bị bỏ lại xa tít mù mịt trong quá khứ! Đột nhiên, người ta bắt đầu có một cái mặc cảm mới mẻ: mặc cảm (làm người) Mỹ.
Còn nhớ một lần, tay trưởng phòng – ông chủ trực tiếp của tôi, gốc Li Băng (Lebanon), tổ tiên lai cả Nga và Do Thái - than thở về chuyện khủng bố: tại sao họ ghét nước mình thế nhỉ?!
Nước mình, our country! Đúng thế, Mỹ là nước mình.
Nước mình, nhưng không phải là quê hương.
Michael Walzer, trong bài viết có tựa đề “What does it mean to be an ‘American’?”, cho rằng người Mỹ thực sự không bao giờ nói về đất nước của họ như là một tổ quốc (fatherland/motherland). Hoa Kỳ không phải là một quê hương (homeland), hiểu như là nơi mà những gia đình có cùng nguồn gốc (national family) cư ngụ như các xứ sở khác. Đó là một xứ sở của những di dân, mà dù họ biết ơn nơi dung thân mới mẻ này đến mức nào đi nữa, vẫn không hề quên quê quán cũ. Và con cái họ biết rằng họ có gốc gác ở một nơi khác. Không nghi ngờ gì nữa, họ tuy sinh trưởng ở đây vẫn không sao tránh được cái cảm giác ngượng nghịu lúng túng của một người mới đến, vẫn cố cưỡng chống lại việc gọi nơi này là quê hương[1].
Đã không có quê hương, tổ quốc, khái niệm đồng bào lại càng xa lắc xa lơ. Người Mỹ chẳng nở ra từ một trứng, mà nở từ hàng ngàn hàng vạn thứ trứng vô cùng khác nhau. Không đồng bào nên chẳng đồng hương. Có thể dùng lại cách nói của người Trung Hoa xưa: tứ hải giai... công dân. Ở Mỹ, chỉ có công dân, chứ không có huynh đệ, là nơi người ta nói về quốc tịch, về nhập tịch, chứ không nói về quê quán, quốc gia. Đó là nơi người ta nói về luật, về hiến pháp, về tu chính này tu chính nọ, chứ không nói về tình tự quê hương. Đó là nơi người ta nói về những sự kiện đã trở thành lịch sử, chứ không nhắc nhở về những giai thoại. Họ không có thánh Gióng, không có thần Thái Dương, không có vua Hùng… Họ không cần truyền thống, nên cũng chẳng âu lo về chuyện bảo vệ bản sắc dân tộc. Làm một người Mỹ y như thể làm một kẻ vô căn, thiếu những huyền thoại lập quốc. Philip Gleason nhận xét: Để trở thành một người Mỹ, một người không cần phải thuộc về một quốc gia, một ngôn ngữ, một tôn giáo hay một chủng tộc. Tất cả cái mà ông/bà ta cần là phải có một cam kết trung thành với một ý thức hệ tập trung vào những lý tưởng trừu tượng: tự do, bình đẳng và cộng hòa[2]. Đó là một thứ quốc gia của những quốc gia (nation of nationalities).
Nói cho chết lý, một người chỉ có thể thành người Mỹ thực sự nếu anh/chị ta là nặc danh về phương diện chủng tộc (ethnically anonymous). Vâng, anh/chị ta có quyền nặc danh. Và phải hiểu đó là một phần của tính cách Mỹ. Đó là một nơi của “nhiều trong một” (many-in-one). Tiến trình Mỹ hóa là tiến trình tinh thần xóa bỏ một cách thành công tất cả những căn cước có trước (the mental erasure of all previous identities), nghĩa là quên, một sự quên lãng tuyệt đối (absolute forgetfulness), theo Kallen Horace[3].
Khác với cách nói đượm mùi triết lý nói trên, Michel-Guillaume-Jean De Crevecoeur, bằng một ngôn ngữ bình dân hơn, cho rằng một người Mỹ là người, “để lại đàng sau hắn tất cả những thành kiến và lề thói cũ, tiếp nhận những cung cách mới từ một cách sống mới mà hắn nắm lấy, từ chính quyền mới mà hắn tuân theo, và vị trí xã hội mới mà hắn giữ. Hắn trở thành một người Mỹ bằng cách được ôm ấp trong tấm lòng bao dung của Dưỡng Mẫu vĩ đại của chúng ta. Ở đây, cá nhân của mọi quốc gia tan hòa vào trong một chủng tộc mới, mà công sức và con cháu của họ một ngày kia sẽ đưa đến thay đổi lớn lao trên thế giới”[4].
Tôi chịu cách diễn đạt này!
Mỹ trộn lẫn hàng trăm sắc dân khác nhau, đến từ khắp chân trời góc bể. Theo tài liệu thống kê năm 2006, người Mỹ gốc Đức đông nhất, chiếm hơn 17% dân số Mỹ, khoảng trên dưới 50 triệu người, sau đó mới đến người gốc Irish, chiếm khoảng 12%, chừng 36 triệu. Kế đó là người Mỹ gốc Anh (Anglo-Saxon), khoảng 9,4%, 28 triệu, rồi người Mỹ gốc Pháp, 10-11%, gốc Ý, xấp xỉ 6%, gốc Ba Lan, hơn 3%,… và thổ dân Mỹ (Idian American) khoảng 1%[5]. Có 20 triệu người tự khai rằng họ là người Mỹ (Americans), không kèm theo gốc này gốc kia, nghĩa là người Mỹ thuần túy. Thực ra, theo phân tích của cơ quan làm thống kê, những người gọi là Mỹ (thuần túy) đó, cũng thuộc trong nhóm các người Âu Châu chiếm ưu thế như English, Irish hay Scottish… hoặc là những người lai, không thể nói hẳn là mình thuộc nhóm chủng tộc nào. Mỹ thuần túy, nói như Kallen Horace vừa trích ở trên, đúng là những kẻ nặc danh về phương diện chủng tộc. Họ là người Mỹ gốc… Mỹ!
Mỗi ngày đi làm, vào cơ quan, nhìn quanh nhìn quấc chỉ thấy toàn là những người “ngoại quốc”. Có thể nói chúng tôi là những ngoại quốc của nhau. Hầu hết đều nói tiếng Anh như ngoại ngữ. Đàng sau những đôi mắt đó, đàng sau bộ áo quần đó, đàng sau thứ tiếng Anh lơ lớ đó là cả những thế giới hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Nhưng vẫn làm việc với nhau, trò chuyện, giao tình với nhau như những… đồng hương. Đồng hương của một “contrat social”, khế ước xã hội.
Dẫu vậy, trong lúc làm việc, thú thật, tôi nhiều lần không tránh khỏi cảm giác bị kỳ thị. Đồng thời cũng không tránh khỏi cảm giác kỳ thị những sắc dân khác, nhất là đối với những người đến từ Phi Châu hay từ các xứ Nam Mỹ. Và trong thời gian gần đây, tôi không mấy thiện cảm với người gốc Trung Hoa, đặc biệt là những ai mới đến từ Trung Cộng. Một mặt, do thái độ hung hăng hiếu chiến của Trung Cộng đối với các nước Đông Nam Á, nhất là đối với quê hương tôi, Việt Nam; mặt khác, do sự tranh chấp kinh tế và cả quân sự giữa Trung Cộng với chính nước mình, Hoa Kỳ. Ấy thế mà, tôi cố gắng phục vụ mọi người một cách bình đẳng. Do phải tuân theo luật pháp và nhiều quy định riêng biệt khác, do phải tỏ ra là tác phong của một Mỹ thứ thiệt, lúc nào tôi cũng tỏ ra tận tâm, tận tình. “Tỏ ra” riết thành thói quen. Lâu dần trở thành bản chất. Bây giờ tôi có thể tự hào là mình nói “Thank you” hay “May I help you”, hay “My pleasure”, hay “I’m sorry” hay “I apologize”…một cách hết sức trơn tru (và đầy quán tính!) cùng với những cử chỉ lịch sự hao hao kiểu Mỹ.
Ăn nói đi đứng nằm ngồi… tất cả, tất cả đều hao hao như thế.
Bị hóa thân mất rồi!
Chung quanh đây không thiếu gì đồng hương, nhưng chẳng có láng giềng. Không thiếu gì chim chóc nhưng chẳng có tiếng chim hót đầu rào (làng cũ); không thiếu gì cây trái nhưng tìm đâu ra chùm khế ngọt (để trèo hái mỗi ngày!); không thiếu gì cây lá nhưng tìm đâu thấy lũy tre làng; không thiếu gì nông trang nhưng tìm đâu ra con diều bay trên đồng chiều đầy gió… Ở đây chỉ có cuộc sống, bươn chải và hối hả. Hình ảnh, khái niệm, tập tục, thói quen dường như tan thành… hoài niệm. Loay hoay làm việc, loay hoay hội nhập với môi trường mới, loay hoay nuôi con nuôi cái cho thành người (Mỹ), loay hoay để sống còn, để tồn tại, loay hoay cho ra vẻ Mỹ, tóm lại là một nỗ lực “americanize”, rốt cuộc, những lúc tỉnh táo suy gẫm về mình, về quê hương mình, về nước (Mỹ) mình, tôi ngậm ngùi tự hỏi:
TÔI
LÀ
AI?[6]
So với ngày chân ướt chân ráo bước đến xứ sở này với một tâm hồn ăm ắp quê hương và ăm ắp khát vọng được trở về, bây giờ tôi đã khác, khác lắm.
Tôi chẳng còn là tôi nữa.
Tôi tan dần, tan dần, tan dần… trong cái nồi hỗn hợp.
The melting pot!
Trần Doãn Nho
Tháng 2 (thiếu)/2011
Ghi chú:
[1] Michael Walzer, What does it mean to be an "American?”, Social Research, Fall, 2004. “Americans have never spoken of their country as a fatherland (or motherland). (…) Similarly, the United States isn't a "homeland" (where a national family might dwell), not, at least, as other countries are, in casual conversation and unreflective feeling. It is a country of immigrants who, however grateful they are for this new place, still remember the old places. And their children know, if only intermittently, that they have roots elsewhere. They, no doubt, are native grown, but some awkward sense of newness here, or of distant oldness, keeps the tongue from calling this land "home."
Xem ở http://findarticles.com/p/articles/mi_m2267/is_3_71/ai_n6364147/?tag=content;col1
[2] Dẫn theo Michael Walzer, bài đã dẫn
[3] Như trên
[4] He is an American, who, leaving behind him all his ancient prejudices and manners, receives new ones from the new mode of life he has embraced, the new government he obeys, and the new rank he holds. He becomes an American by being received in the broad lap of our great Alma Mater. Here individuals of all nations are melted into a new race of men, whose labours and posterity will one day cause great change in the world. Xem ở http://asjournal.zusas.uni-halle.de/103.html
Michel-Guillaume-Jean De Crevecoeur là một quý tộc Pháp, năm 1755, di cư sang vùng lãnh thổ Bắc Mỹ do Pháp kiểm soát, chiến đấu trong hàng ngũ Pháp chống Anh. Sau khi Pháp thua, ông nhập tịch Mỹ, lập một nông trại lớn ở Orange County (New York). Năm 1783, ông cho xuất bản tại Luân Đôn một tập sách có tựa đề Letters from an American Farmer diễn tả đời sống mới ở Hoa Kỳ và thăm dò khái niệm American Dream. Trích đoạn trên rút ra từ lá thư thứ ba (Third Letter) là lá thư nổi tiếng nhất trong tập sách nói trên có tựa đề là “What is an American?".
[5] Source: U.S. Census Bureau, 2006 American Community Survey.
[6] Xin xem thêm: Bùi Văn Phú: “Tôi là ai? Nhưng không phải Việt kiều”, http://www.talawas.org/?p=7487
Và Trần Mộng Tú: “Tôi là ai?”, http://www.talawas.org/?p=7736
.
.
.
No comments:
Post a Comment