Monday, March 14, 2011

TAI HỌA GIÁNG XUỐNG NHẬT BẢN (Kiêm Hương)


Kiêm Hương
Đăng ngày 14/03/2011 lúc 11:37:28 EDT

Thứ sáu 11-3-2011, lúc 2g46, một trận địa chấn dữ dội cấp độ 9,0 Richter, kéo theo nhiều đợt sóng thần (tsunami) đã ập vào bờ biển phía đông-bắc đảo Honshu Nhật Bản, gây nhiều thiệt hại về nhân mạng lẫn vật chất, đặc biệt là các lò phát điện nguyên tử đe dọa tính mạng của nhiều người. Đây là trận động đất dữ đội nhất lịch sử Nhật Bản trong 140 năm qua. Hòn đảo chính, Honshu, nơi tập trung hơn phân nửa dân số Nhật Bản, đã bị cơn địa chấn đẩy lệch đi 2,4m. Thủ tướng Naoto Kan nói đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất Nhật Bản từ sau đệ nhị thế chiến : đông đất, sóng thần và nhiễm phóng xạ.

Cũng nên biết, Nhật Bản là một quốc gia hải đảo trải dài từ bờ biển phía đông nước Nga xuống đảo Đài Loan (dài 3 300 km, rộng 377 944 km2, hạng 62 trên thế giới về diện tích). Quần đảo Nhật Bản qui tụ 6 852 đảo, trong đó chỉ 430 đảo có người ở nhưng dân chúng Nhật Bản chỉ sinh sống tập trung trên 4 đảo lớn, tượng trưng 95% diện tích : Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Về mặt địa lý, Nhật Bản nằm trên vòng đai lửa Thái Bình Dương, nơi giao tiếp giữa ba mảnh địa cầu: Thái Bình Dương, Philippines và Âu Á. Chính vì thế mỗi năm cơ quan đo lường địa chấn ghi nhận hàng ngàn trận động đất cấp độ từ 4 đến 7,3 Richter. Một dữ kiện khác ít ai biết tới, Nhật Bản có tới 270 núi lửa trong đó 20 trái vẫn còn hoạt động. Cũng may lần này không núi lửa nào bị tác động, nếu không lượng khí độc thải ra từ lòng đất sẽ gây thêm thiệt hại về sức khỏe cũng như môi trường. Sống kề cận với động đất và sóng thần, người Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm để đối phó: xây nhà chống động đất, bình tĩnh di tản hay trú ẩn khi có động đất với thiên tai.

Trở về với cơn địa chấn và sóng thần ngày 11/3 vừa qua, theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, trung tâm địa chấn nằm sâu dưới lòng biển 24,4 km: ba mảnh Thái Bình Dương, Philippines và Âu Á va chạm vào nhau gây ra sụt lở khiến mặt nước biển sụp xuống và tạo ra nhiều đợt sóng thần, thật ra là làn nước đẩy những lớp bùn đen (magma) từ lòng biển trồi lên vào bờ ập vào các tỉnh Iwate, Miyagi, Fukushima, Irabaki và Chiba. Riêng thành phố Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi, cách trung tâm địa chấn 130 km về phía đông, bị thiệt hại nặng nề hơn cả : đợt sóng thần cao 10 mét đã tàn phá một vùng đất rộng lớn dọc bờ biển, nhiều làng chài lưới và thị trấn nhỏ ven duyên bị biến mất trên bản đồ sau cơn hồng thủy. Tất cả các cơ sở vật chất và nhà cửa trên một chu vi rộng lớn đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là Tokyo, thủ đô hành chánh. Dư luận quốc tế đã có dịp xem trực tiếp diễn tiến của trận động đất và sóng thần này qua truyền hình và mạng internet. Từ sau 11-3 tới nay, mỗi ngày cơ quan đo lường địa chấn ghi nhận hàng trăm cơn dư chấn cấp độ từ 6,4 đến 7,3 Richter tiếp tục lay động khu vực đông bắc Nhật Bản.

Nhiều người nhận xét cơn sóng thần ập vào bờ biển Nhật Bản trên truyền hình không khác gì nạn hồng thủy trong phim giả tưởng "2012, ngày tận thế" của đạo diễn Roland Emmerich phát hành năm 2009. Đặc biệt lần này, địa chấn và sóng thần chỉ gây thiệt hại chính cho Nhật Bản mà thôi vì các nơi khác như Philippines, Hawaii, Polynesia, các vùng bờ biển phía tây Bắc, Trung và Nam Mỹ rất ít bị ảnh hưởng.

Theo thống kê sơ khởi, cho đến chủ nhật 13-3, tức hai ngày sau trận động đất và sóng thần, đã có hơn 10 000 người thiệt mạng và thiệt hại vật chất ước lượng trên 34,6 tỷ USD, hơn 380 000 người di tản sang nơi khác. Hơn 2/3 nạn nhân, phi trường, bến cảng, kho xăng dầu, hãng xưởng dọc bờ biển do các đợt sóng thần gây hại. Tất cả nhà cửa đều đứng vững sau cơn địa chấn nhưng bị kéo sập bởi sóng thần. Những con số này sẽ còn gia tăng hơn nữa trong những ngày sắp tới khi các đội cấp cứu phát hiện thêm thi thể những nạn nhân bị vùi lấp dưới lớp sình đen hay trong các căn nhà bị đổ nát. Nhưng trầm trọng nhất là lượng phóng xạ thoát ra từ các lò nguyên tử bị trận động đất làm hư hại. Chính quyền Nhật Bản đã di chuyển hơn 210 000 người sinh sống quanh một chu vi 20 km cạnh các lò phát điện nguyên tử bị hư hại.

Theo các công ty TEPCO (Tokyo Electric Power), cơ quan cung cấp điện lực các vùng phía đông, lượng nước giảm nhiệt tại các lò phát điện nguyên tử số 1 và 3 của trung tâm Fukushima 1 (có hơn 40 tuổi đời), cách Tokyo 240 km về phía bắc, bị hư hại nặng, lò số 1 bị nổ. Lượng nước giảm nhiệt của các lò phát điện nguyên tử tại các trung tâm khác: Fukushima 2, Onagawa và Tokai thuộc các tỉnh Fukushima, Miyagi cũng bị ảnh hưởng.

Các ngành kỹ nghệ Nhật Bản đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp điện, nhiều nơi mất hẳn nguồn điện, có nơi bị cúp điện cách khoản từ 3 đến 10 giờ/ngày. Chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan đã yêu cầu Nga cung cấp khí đốt và điện cho Nhật qua các ống dẫn dưới biển từ Vladivostok. Các quốc gia khác đã gởi người đến giúp chính quyền Nhật Bản dò tìm những nạn nhân còn sống sót trong các căn nhà bị sụp đổ. Hoa Kỳ cũng đã gởi hạm đội 6 và 7 đến trợ giúp.

Trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã đặt ra bài toán tuy không mới nhưng không có giải pháp là có nên duy trì nguồn năng lượng nguyên tử hay không. Nhắc lại, từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng dầu hỏa năm 1973, các quốc gia phát triển phương Tây đã cùng nhau phát triển nguồn năng lượng nguyên tử. Những lò nguyên tử có nhiều rủi ro thải chất phóng xạ vào bầu khí quyển là những lò được xây dựng trong những năm 1970, lúc đó kỹ thuật xây dựng và khai thác chưa được hoàn hảo như bây giờ, với các thế hệ thứ ba và thứ tư, an toàn và tôn trọng môi sinh và môi trường hơn các thế hệ một và hai. Tai nạn đầu tiên xảy ra tại Hoa Kỳ tháng 3 năm 1979, do bất cẩn hệ thống giảm nhiệt của một lò phát điện nguyên tử tại Three Mile Island, tiểu bang Pennsylvania, bị hỏng làm hàng trăm ngàn người bị nhiễm phóng xạ. Tai nạn nguyên tử lớn thứ hai xảy ra tại Ukraine, cựu Liên Xô, tháng 4-1986 khi lò phát điện nguyên tử số 4 của trung tâm Tchernobyl phát nổ làm ô nhiễm cả bâu trời Châu Âu, làm hàng ngàn người chết và hàng chục ngàn người khác mắc bệnh ung thư.

Từ sau 1986 đến nay, dư luận thế giới đã tỏ ra dè dặt trong việc sử dụng uranium tái sinh (phutonium) để dùng làm nguyên liệu phát điện. Nhiều đảng chính trị và tổ chức phi chính phủ được khai sinh dưới tên gọi Môi sinh (Greenparty, Greenpeace) để phản đối việc sử dụng nguyên tử làm nguyên liệu phát điện. Sự tranh cãi lợi hại đến nay vẫn còn tiếp diễn và chưa ngã ngũ. Trừ than đá chỉ còn các quốc gia kém phát triển hay đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng để làm nguồn phát điện, các quốc gia phát triển ngày nay sử dụng những nguồn năng lượng sạch khác như quạt gió, thủy điện, gương mặt trời. Nhưng hiệu quả của những phương tiện sạch này không cao và không đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao về điện trong tiêu dùng và sản xuất tại các quốc gia phát triển, đo đó chỉ là thứ yếu, nhất là giá nhiên liệu (dầu khí) ngày càng cao.

Cho dù có thế nào, Nhật Bản sẽ còn tiếp tục sử dụng năng lượng nguyên tử trong ít nhất vài thập niên nữa vì chưa tìm ra nguồn phát điện thay thế như gió và thủy triều, hai yếu tố mà Nhật có nhiều.

Kiêm Hương
(Kanagawa)
© Thông Luận2011
.
.
.

No comments: