Tuesday, March 8, 2011

SỨC MẠNH NHÂN DÂN - DÒNG THÁC CÁCH MẠNG CỦA THẾ KỶ 21 (Time)


Cập nhật ngày: 8/03/2011

Trong 25 năm qua, Sức Mạnh Nhân Dân đã là dòng thác cách mạng mới, cuốn đi các chế độ độc tài, giải thoát hàng trăm triệu con người, và mở tung cánh cửa hy vọng cho phần còn lại của nhân loại đang ngụp lặn trong bóng tối của độc quyền độc đảng.

Sức Mạnh Nhân Dân, Philippines , 1986
Từ ngữ “Sức Mạnh Nhân Dân” (People Power) bắt đầu được xử dụng khi cả thế giới theo dõi phong trào quần chúng nổi dậy tại Philippines hạ bệ nhà độc tài lâu năm Ferdinand Marcos. Nhà lãnh đạo tinh thần của phong trào được nhiều người ngưỡng mộ lúc đó là bà Corazon "Cory" Aquino, (đứng giữa trong hình). Bà là góa phụ của một lãnh tụ chính trị được người dân yêu mến nhưng sau đó bị mật vụ của Marcos ám sát. Sau giai đoạn đấu tranh oai hùng, bà Aquino đã phục vụ trong vai trò tổng thống trong sáu năm và được tạp chí TIME bầu chọn là Người phụ nữ đứng đầu của năm 1986. Thừa hưởng được sự thương mến mà người dân Phi Luật Tân dành cho gia đình Aquino, con trai bà là ông Benigno Aquino III, còn gọi là Noynoy, cũng đã được bầu làm tổng thống vào năm 2010.

Cuộc Cách Mạng Nhung, Tiệp Khắc, 1989
Trong lúc Liên bang Xô Viết đang lê dần từng ngày đến huyệt mộ, dân chúng khắp nơi trong khối Xô viết - từ Ba Lan qua Hungary, tới Romania, rồi đến các nước Cộng hòa Baltic – xuống đường biểu tình chống lại các chế độ độc tài Cộng sản đã đè nén họ từ nhiều thập niên. Cuộc cách mạng ngoạn mục và bất ngờ nhất xảy ra tại Tiệp Khắc. Ngày 17 tháng 11 năm 1989, sinh viên tụ tập tại thủ đô Pra Ha chỉ một tuần sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Công an đã ra tay đàn áp, nhưng hành động đó chỉ càng đẩy nhanh hơn đến cái hậu quả sau cùng không thể tránh. Trong những ngày kế tiếp, lịch sử đã chứng kiến các cuộc xuống đường của gần nửa triệu người ở Pra Ha và các nơi khác. Ngày 28 tháng 11, giới lãnh đạo Cộng sản đồng ý hủy bỏ độc quyền chuyên chính. Các cuộc bầu cử dân chủ đã được tổ chức vào tháng 6 năm sau đó.

Cuộc Đảo Chính Tháng 8 Bất Thành, Nga, 1991
Trước tình hình Liên bang Xô Viết đang trên đường phân ra thành nhiều nước nhỏ và tiến tới dân chủ dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev, một nhóm lãnh tụ ngoan cố thuộc bộ công an KGB và quân đội cố gắng chận đứng tiến trình cải tổ này. Họ khởi động cuộc đảo chính với việc quản thúc ông Gorbachev ở Crimea vào ngày 18 tháng 8, rồi tìm cách chiếm giữ các cơ quan nhà nước tại Moscow. Nhưng cuộc đảo chính đã bị đẩy lui bởi các cuộc biểu tình đông đảo của dân chúng, do chính ông Boris Yeltsin, Tổng Thống Liên bang Nga vừa đắc cử, lãnh đạo. Hình ảnh ông Yeltsin đứng trên một chiếc xe tăng để cổ vũ dân chúng tham gia biểu tình và kêu gọi quân đội rút lui đã trở thành 1 biểu tượng nổi tiếng. Đến ngày 22 tháng 8, hầu hết các lãnh tụ đảo chính đã bị bắt. Biến cố này được xem như tia lửa mồi dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô Viết.

Cuộc Cách Mạng Xe Ủi Đất, Serbia, 2000
Khi cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2000, Tổng thống Slobodan Milosevic, một người gốc Serbia theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, đã cai trị đất nước này cả một thập niên rồi. Chính sự hiếu chiến của ông ta đã dẫn tới tình trạng phân rã đầy chết chóc của nước Nam Tư. Những trò gian lận quá lộ liễu trong cuộc bầu phiếu đã làm dân chúng tức giận, dẫn đến cao điểm vào ngày 5 tháng 10 khi hàng trăm ngàn dân chúng tràn ngập thủ đô Belgrade. Cuộc nổi dậy đã được đặt tên là "Cuộc Cách Mạng Xe Ủi Đất" sau khi một công nhân lái chiếc xe bốc hàng hạng nặng của anh ta đâm vào văn phòng đài truyền hình quốc gia, mở đường cho người biểu tình chiếm giữ đài này. Ông Milosevic, tức nhân vật trong tấm bích chương đang bị người biểu tình dẫm lên trong hình, từ nhiệm hai ngày sau đó.

Cuộc Cách Mạng Hồng, Georgia, 2003
Cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 năm 2003 đã bị các quan sát viên quốc tế lên án là đầy rẫy những gian lận. Kết luận này dẫn đến những cuộc biểu tình khổng lồ tại Tbilisi để đòi dân chủ và phản đối ông Eduard Shevardnadze, một cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao của Liên Bang Sô Viết và đã giữ chức Tổng Thống của nước Georgia độc lập được tám năm.
Chỉ trong vòng vài tuần lễ, ông Shevardnadze nhượng bộ và từ nhiệm, mở đường cho việc bầu chọn ông Mikheil Saakashvili - một người thân Tây Phương - lên làm Tổng Thống vào năm 2004. Kể từ đó, ông Saakashvili, một người bị lắm khen chê và còn bị xem là mị dân, cũng đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ dân chúng.

Cuộc Cách Mạng Cam, Ukraine, 2004
Lên tinh thần từ các biến cố tại nước láng giềng Georgia, những nhà hoạt động và dân chúng Ukraine bắt đầu biểu tình tràn ngập những khu chính yếu của thủ đô Kiev vào tháng 11 năm 2004. Hành động này nhằm phản đối những gian lận bầu cử của phe ứng viên thân Nga, ông Viktor Yanukovych, trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống với ứng viên thân Tây Phương, ông Viktor Yushchenko. Cuộc bầu cử này cũng phản ảnh sự phân rẽ giữa nửa nước miền Đông có nhiều di dân Nga sinh sống và nửa nước miền Tây của đại khối dân Ukraine. Trong cuộc vận động tranh cử trầy trụa trước đó, người ta tin là ông Yushchenko đã bị đầu độc bằng chất dioxin. Ông Yushchenko thoát chết nhưng việc mưu sát đen tối đó càng làm tình hình nóng bỏng hơn. Cuối cùng, các cuộc biểu tình đã ép phải tổ chức lại cuộc bầu cử. Và lần này, ông Yushchenko đã thắng một cách dễ dàng. Nhưng Cuộc Cách Mạng Cam sau đó đã để mất động lượng, và trong cuộc đầu phiếu vào năm 2010 ông Yanukovych đã trở lại nắm quyền.

Cuộc Cách Mạng Tuyết Tùng (cây Cedar), Lebanon, 2005
Ngày 14 Tháng 2, 2005, đoàn xe của ông Rafig Hariri, người từng làm thủ tướng 2 lần và có nhiều ảnh hưởng tại Lebanon, bị đặt bom nổ tung. Vụ ám sát này làm rúng động Lebanon, một quốc gia với nhiều chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng chính trị. Cả nước rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ngay sau đó, hàng mấy chục ngàn người biểu tình, tin rằng Syria đã nhúng tay vào vụ ám sát, đã kéo về thủ đô Beirut để phản đối Tổng Thống thân Syria là Emile Lahoud, cũng như phản đối sự hiện diện của quân đội Syria trên đất Lebanon. Mặc dù cuộc Cách mạng Cedar thành công trong việc buộc quân đội Syria phải rút khỏi Lebanon và đưa con trai của ông Hariri lên nắm quyền, nhưng cuộc cách mạng này vẫn không đủ để làm suy yếu phe cánh được xem là người đứng sau vụ ám sát Thủ Tướng Hariri. Đó là nhóm cực đoan Shi’ite Hezbollah. Nhóm này vẫn được sự ủng hộ đáng kể của quần chúng. Vào đầu năm 2011, khi có kết quả điều tra về sự liên hệ của một số thành viên Hezbollah với vụ ám sát, nhóm này rút ra khỏi liên minh cầm quyền. Trong bức hình trên, người biểu tình cầm chân dung của ông Hariri (mặc áo vét) và những thân nhân mà họ cho biết đã bị thủ tiêu trong các nhà tù Syria.

Cuộc Cách Mạng Hoa Tulip, Kyrgyzstan, 2005
Sau khi được độc lập vào năm 1991, Kyrgyzstan, một quốc gia nhỏ bé ở Trung Á, cũng giống như các nước cựu cộng hòa Sô Viết khác, bị cai trị bởi một nhà độc tài có gốc cán bộ cộng sản cao cấp thời Liên Xô. Chế độ của Tổng Thống Askar Akayev, mặc dù thoạt đầu được ưa thích, dần dần bị mất lòng dân khi ngày càng trở nên tham nhũng và nặng tay trấn áp. Các cáo buộc gian lận bầu cử trong tháng 2 năm 2005 dẫn đến các cuộc bạo loạn và biểu tình trong tháng sau đó. Cuộc cách mạng Hoa Tulip đã ép được ông Akayev (có chân dung bị xé rách trong bức hình) phải chạy trốn khỏi nước và dẫn đến việc hình thành của một chính phủ mới với những hứa hẹn về minh bạch và dân chủ. Nhưng đó chỉ là những lời hứa suông. Năm 2010, dân chúng lại phải biểu tình để lật đổ Tổng Thống Kurmanbek Bakiyev. Ông Bakiyev là người từng có những phát biểu cấp tiến, nhưng sau đó cũng tỏ ra độc đoán y như người tiền nhiệm của ông. Tình hình chính trị tại Kyrgyzstan vẫn còn rất mong manh.

Cuộc Cách Mạng Vàng Nghệ (màu áo Saffron), Miến Điện, 2007
Cuộc sống của người dân bình thường đã quá khổ tại Miến Điện, một trong những nước nghèo, và áp bức nhất thế giới. Việc nhà nước tăng giá nhiên liệu năm 2007 đã vượt quá sức chịu đựng của người dân và dẫn đến một cuộc nổi dậy táo bạo nhưng bất bạo động để chống lại nhóm quân phiệt cầm quyền. Trong khoảng hơn một tuần vào tháng 9, hàng ngàn nhà sư của đất nước này, mặc xà-rông màu vàng nghệ, đi biểu tình ngoài đường phố tại nhiều thành phố trên cả nước. Họ đã được sự tham gia của vô số người Miến Điện bình thường. Nhưng sự hiện diện của các vị cao tăng vẫn không cản được tính hung hãn của các tướng lãnh. Một cuộc đàn áp tàn nhẫn đã diễn ra để giải tán các cuộc biểu tình. Số người bị giết, theo Liên Hiệp Quốc, là 31 người, nhưng các nhóm nhân quyền cho rằng số người chết cao hơn nhiều. Mặc dù cuộc xuống đường đã tạo nhiều sự vui mừng trên khắp thế giới, nhưng cuộc Cách Mạng Vàng Nghệ đã không đủ để tháo gỡ bàn tay kềm kẹp của chế độ quân phiệt tại Miến Điện.

Cuộc Cách Mạng Xanh, Iran, 2009
Không khí vận động cho kỳ bầu cử tổng thống năm 2009 ở Iran đã tạo nhiều vui mừng và hy vọng — Một bằng chứng hùng hồn về ước vọng dân chủ tại một nước Hồi giáo. Tuy nhiên, kết quả sau đó cho thấy đường đi đến đích còn xa lắm. Đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã thẳng tay gian lận để chiến thắng đối thủ mạnh nhất của ông là Mir-Hossein Mousavi. Hàng triệu dân chúng mặc quần áo màu xanh, tức là màu của nhóm vận động bầu cử Mousavi, tụ tập trên toàn quốc, phối hợp các cuộc biểu tình của họ qua các phương tiện kết nối xã hội như Twitter. Tuy nhiên, giới lãnh đạo tại Tehran đã trấn áp tàn bạo, vây bắt các nhà bất đồng chính kiến và cho lực lượng dân phòng Basij cầm dùi cui và những vũ khí khác xông vào hàng ngũ đoàn biểu tình. Các nhà bất đồng chính kiến cho biết tổng số tử vong hơn cả trăm người. Tuy nhiên, Ahmadinejad vẫn ngang nhiên làm Tổng thống Iran. Ông Mousavi (mà người phụ nữ đang cầm trong hình vào năm 2009) tiếp tục tranh đấu tại Iran và có thể bị truy tố cùng với những nhân vật đối lập khác.

Cuộc Cách Mạng Hoa Lài, Tunisia, 2011
Vào ngày 17 tháng 12 năm 2010, một sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp đã tự thiêu tại trung tâm một thị trấn ở Tunisia. Đây là hành động phản đối của anh trước tình trạng bí lối tương lai của giới trẻ. Sau đó, ông đã qua đời vì thương tích quá nặng. Tuy nhiên, cái chết của anh đã không trở nên vô nghĩa, nhưng đã dấy lên làn sóng biểu tình trong nhiều tuần lễ, để sau cùng, ép được nhà độc tài lâu năm tại Tunisia, Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali, phải từ chức và chạy trốn khỏi nước vào ngày 14 tháng 1 năm 2011. Các cuộc biểu tình phần lớn khởi đầu vì các lo lắng về kinh tế nhưng đã dần dần chuyển sự phẫn nộ của toàn dân vào giới quan chức tham nhũng của chế độ Ben Ali. Mặc dù còn quá sớm để phán quyết về kết quả, nhưng một số nhà bình luận đã ca ngợi các biến cố tại Tunisia như khởi điểm tốt cho cuộc cải cách dân chủ rộng khắp thế giới Ả Rập.

.
.
.

No comments: