Tuesday, March 8, 2011

SỰ THAY ĐỔI CHÓNG MẶT . . .(!) (Trần Hoàng Lan)

Trần Hoàng Lan
Tháng Ba 7, 2011 · 10:15 chiu

Cách đây vài ngày bài viết “Nghĩ về một cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Việt nam” đã được rất nhiều blog, trang mạng đăng tải. Chỉ cần gõ “Nghĩ về một cuộc cách mạng hoa nhài …” vào ô tìm kiếm của google độc giả sẽ có ngay ít nhất là ba trang ghi tên của bài viết này. Vào đọc nội dung của bài viết trên mỗi trang mạng khác nhau lại thấy rất nhiều comment của độc giả. Có tán đồng, có bất đồng, có khen, có chê. Cũng dễ hiểu vì chủ đề cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi, Trung Đông hiện đang là chủ đề thời sự nóng bỏng, hơn nữa đây lại là bài viết của tác giả Kami nổi tiếng. Là một người quan tâm ủng hộ cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi, Trung Đông nên một bài viết như vậy khiến tôi không thể bỏ qua. Trừ phần đầu nói về quan điểm viết blog chính trị, thanh minh với độc giả về sự vắng mặt lâu ngày trên diễn đàn, phần lớn nội dung của bài viết tác giả nhằm vào mục đích phân tích, chứng minh cho độc giả thấy : “ với dân tộc Việt nam chắc nhiều khả năng sẽ lỡ chuyến tàu cách mạng Hoa Nhài lần này. Chính nội dung này đã khiến một số độc giả nghi ngờ tác giả là “hai mang” vì nó vừa như nhắc nhở các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ biết thực lực của mình còn yếu để củng cố phát triển lực lượng chờ thời cơ, vừa như là “gáo nước lạnh” dội vào hy vọng của những người đang khát khao tự do, dân chủ mong muốn xảy ra một cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Việt Nam, vừa như củng cố tinh thần cho nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam sau những gì họ chứng kiến sự sụp đổ thảm hại của các nhà nước độc tài ở Bắc Phi, Trung Đông. Tuy không quan tâm tới tác giả là “hai mang”hay “một mang” nhưng những nghi ngờ của độc giả với tác giả làm tôi đọc kỹ hơn bài viết này.

Phần nói về quan điểm viết blog chính trị có lẽ không cần nhắc lại và bàn đến nữa.
Về lý do hiện nay ở Việt Nam chưa thể có cách mạng Hoa Nhài tác giả nhận xét về người Việt Nam trong nước hiện nay như sau: “theo tôi người dân Trung quốc, Ai cập hay người dân Tunisia và nhất là người dân Libya không có cái sự vô cảm và thờ ơ với cộng đồng giống người Việt nam ta. Ở các nước đó, dân chúng có ý thức và biết đoàn kết để đòi lại những quyền của họ bị nhà cầm quyền tước đoạt dưới sự lãnh đạo của lực lượng tri thức cấp tiến, điều đó ngược hẳn với ở Việt nam hoàn toàn không có ”. Nhận xét này không những chỉ tác giả mà khá nhiều người cũng đã đánh giá về người Việt Nam hiện nay như vậy. Tuy nhiên sự vô cảm, thờ ơ với cộng đồng của người Việt Nam đâu phải là đặc tính vốn có từ xưa. Một dân tộc đã đứng vững để giữ toàn vẹn lãnh thổ, để không bị đồng hóa từ phương Bắc hàng nghìn năm nay không thể là một dân tộc vô cảm, thờ ơ với cộng đồng được. Rất dễ nhận thấy đặc tính trên chỉ trở thành phổ biến trong những năm gần đây và cũng không mấy khó khăn để nhận ra nhà nước cộng sản là thủ phạm gây nên. Bởi họ “có trong tay một rừng luật nhưng lại quen dùng luật rừng để cai trị”. Bởi họ không dùng luật pháp để bảo vệ cho người dân. Bởi chính nhà nước vô cảm với dân. Người dân vô cảm thì nhà nước độc tài rất dễ cai trị và đó cũng chính là lý do nhà nước rất muốn và tìm mọi cách để các “thần dân” của họ có đặc tính này. Dù thói vô cảm, thờ ơ của người dân có làm giảm đi khả năng xảy ra cách mạng Hoa Nhài nhưng cũng không loại trừ yếu tố bất ngờ: từ những sự thật về các hành động bán nước, những điều xấu xa lâu nay vẫn bị bưng bít che giấu của đảng cộng sản bị phơi bày, những biến động xấu về kinh tế như nợ nần lạm phát gia tăng, những bất công sâu sắc của xã hội,… sự uất ức, căm thù lâu nay bị sự vô cảm kìm nén sẽ bùng phát làm mồi lửa cho cuộc cách mạng Hoa Nhài.

Nhận xét về các tổ chức đấu tranh dân chủ tác giả cho rằng : “sự thiếu tổ chức, thiếu liên kết trong chủ trương và phối hợp hành động của các tổ chức Hội đoàn hay Đảng phái chính trị đối lập trong và ngoài nước” và mượn câu hỏi của một người bạn là “trí thức cấp tiến” để đánh giá sự “ yếu kém” của các tổ chức này “Một khi chính quyền Trung quốc hiện nay sụp đổ, chính quyền Việt nam chấp nhận đàm phán để đa nguyên đa đảng. Xin hỏi họ sẽ đàm phán với ai?”. Đồng ý với tác giả là các tổ chức đấu tranh cho dân chủ trong những năm qua chưa tổ chức được những hoạt động với quy mô rộng lớn làm đối trọng với nhà nước cộng sản. Nhưng nhìn vào hoàn cảnh các tổ chức đó ra đời trong lòng một chế độ độc tài đã có hàng chục năm tồn tại, kinh nghiệm “đầy mình” trong đàn áp và bịt miệng dân, thoát hiểm khi cả phe cộng sản sụp đổ, được sự “bảo kê” của Trung Quốc, luôn đặt các nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh cho tự do dân chủ ra ngoài vòng pháp luật ..thì thấy những gì các tổ chức đó làm được là những cố gắng rất lớn. Nói các tổ chức đó “thiếu liên kết trong chủ trương”là chưa đúng vì có thể các tổ chức có các phương thức hoạt động khác nhau nhưng họ đều hướng tới việc xây dựng một đất nước có tự do dân chủ thực sự, tiến bộ, xóa bỏ chế độ độc tài đảng trị, xóa bỏ điều 4 hiến pháp, thực hiện đa nguyên đa đảng, hình thức đấu tranh bất bạo động,..Đây chính là nguyện vọng của đại đa số những người mong muốn cho một nước Việt Nam tiến bộ có tự do, dân chủ thực sự.
Câu hỏi : Một khi chính quyền Trung quốc hiện nay sụp đổ, chính quyền Việt nam chấp nhận đàm phán để đa nguyên đa đảng. Xin hỏi họ sẽ đàm phán với ai?”mà tác giả đã mượn lời một người bạn đưa ra có lẽ nhằm để mỉa mai, chê bai các tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ là chính vì thực ra câu trả lời cũng hết sức đơn giản. Khi chính quyền Trung Quốc hiện nay sụp đổ nếu nhà nước cộng sản Việt Nam chấp nhận đàm phán để đa nguyên đa đảng một cách thực sự thì trước hết họ phải thực hiện ngay lập tức: trung lập hóa quân đội, công an, các quyền tự do dân chủ, thả hết các tù chính trị, sửa đổi hiến pháp, tổ chức bầu cử tự do lúc đó những đại diện ưu tú của nhân dân Việt Nam bất kể đảng phái, tổ chức sẽ nắm quyền điều hành đất nước. Chắc chắn sẽ có một thủ tướng điều hành kinh tế giỏi hơn ông Dũng. Chắc chắn sẽ bớt đi được những ông suốt ngày chỉ tụng bài kinh “kiên định với con đường đi lên CNXH” như ông Trọng, ông Rứa, ông Huynh. Chắc chắn sẽ bớt được một đội ngũ công an chìm nổi tiêu tốn một lượng ngân sách khổng lồ mà chỉ để đàn áp kìm kẹp dân lành. Còn nếu trước khi đàm phán mà nhà nước cộng sản không thực hiện các điều trên có nghĩa là đàm phán giả hiệu và cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ vẫn phải tiếp tục.

Sau khi “dội một gáo nước lạnh” làm hy vọng “có một cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Việt Nam” thì đoạn kết bài viết tác giả lại làm “dấy lên hy vọng” cho những người mong muốn một Việt Nam tiến bộ có tự do dân chủ thực sự : “Vậy không lẽ chúng ta lại ngồi chờ một chuyến tàu cách mạng sau 20 năm nữa? Câu trả lời là không phải thế, Không cần tới 20 năm. Một khi họ (đảng cộng sản) đã hiểu một nhà nước pháp quyền, cộng với một xã hội dân sự với nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh là xu thế tất yếu của thời đại tiến bộ văn minh thì tất nó sẽ phải đến, không có thế lực nào ngăn cản nổi”. Theo như tác giả thì vì “họ” “chậm hiểu” nên đất nước ta mới lâm vào tình cảnh hiện nay vì thế nên khi “họ” “hiểu ra” dân ta sẽ có tất cả những gì mong muốn. Do vậy chỉ cần “há miệng chờ “họ” hiểu ra” hạnh phúc, tự do dân chủ,.. tất tật sẽ “chui tọt” vào miệng người dân.

Chừng như sợ những người “dấy lên hy vọng” sốt ruột tác giả tiếp : “ Với sự thay đổi chóng mặt về mặt chính trị của đảng CSVN như hiện nay, trước sự thay đổi của quan hệ chính trị trên thế giới và khu vực , điển hình là với việc chính quyền cộng sản Việt nam chấp nhận cho Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế được tại ngoại sau khi bắt giữ với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là một minh chứng hùng hồn”. Có lẽ vì bài viết đã dài nên tác giả không muốn đưa tiếp thêm những dẫn chứng “ hùng hồn” cho “sự thay đổi chóng mặt” đó.

Xin phép được thay tác giả bổ sung thêm một số dẫn chứng “hùng hồn” gửi tới độc giả.
Về đường lối: Cương lĩnh đại hội 11 nền tảng vẫn là cương lĩnh 1991 có sửa đổi chút ít nghĩa là vẫn kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo nền kinh tế.
Về nhân sự: Bộ chính trị sau đại hội 11 có 5 khuôn mặt mới thay cho 5 vị cũ nghỉ vì tuổi cao, vì không ăn cánh, có thêm thành phần trong ngành công an, tuyên giáo là những ngành “đóng vai trò quan trọng”trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vốn là “khát vọng của nhân dân ta ” như lời đồng chí tổng bí thư thường nói. Ban chấp hành trung ương khóa 11 thêm một số nhân vật trẻ như đồng chí Nông Quốc Tuấn con ông Mạnh cựu tổng bí thư, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị con ông Dũng đương kim thủ tướng, đồng chí Nguyễn Xuân Anh con ông Chi cựu ủy viên bộ chính trị. Chắc chắn các đồng chí này sẽ thừa hưởng “gien di truyền” của bố đưa nước ta “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” mà vì viết tắt nên người ta vẫn hiểu lầm là “xuống hố cả nút”.
Về phát ngôn: ông Huynh đã thay mặt BCT, tiện thể luôn cho cả dân chúng Việt Nam nói rằng “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng”.
Không hiểu tác giả đứng ở “hệ quy chiếu” nào để nhìn sự thay đổi của chính trị của ĐCS Việt Nam (?)
Hay là “tại thằng đánh máy”đã đánh nhầm từ “giá cả” thành từ “chính trị”(!?)
Đến nước này thì những độc giả đang muốn xác minh tác giả là “một mang”, “hai mang” hay “ba mang” cũng đành botay.com.

3/2011
TRẦN HOÀNG LAN
.
.
.

No comments: