Tuesday, March 22, 2011

SỰ THẬT QUANH CHUYỆN SẢN XUẤT CÁ TRA VIỆT NAM (Phương Tôn)

Phương Tôn
22-3-2011

Sau một thời gian tranh cãi giữa Quỹ Quốc tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) và nhà nước Việt Nam, vào cuối tháng giêng vừa qua Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phấn khởi đưa ra thông tin: "…cá tra Việt Nam đã được gỡ bỏ trên tất cả các mạng đăng tải danh sách đỏ của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) tại sáu nước châu Âu…" VASEP nhấn mạnh: " Một Biên bản Thỏa thuận hợp tác phát triển cá tra Việt Nam theo hướng bền vững (ngày 17/12/2010) giữa WWF quốc tế, WWF Việt Nam cùng với VASEP và Hội Nghề cá Việt Nam, tổ chức WWF tại Na Uy, Thụy Si, Hà Lan tiếp tiếp tục rút tên cá tra ra khỏi "danh sách đỏ” trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010. Vào cuối tháng 1.2011 VASEP chính thức cho biết WWF Thụy Điển là đơn vị cuối rút cá tra ra khỏi danh sách đỏ.". Cũng như để trấn an dư luận, Bà Lê Thị Thu Nguyệt, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển còn cho biết thêm: "…WWF Thụy Điển đã đưa những tin mới và tích cực về cá tra Việt Nam."[1]

WWF Thụy Điển đưa tin tốt về cá tra Việt Nam như thế nào thì bà Lê Thị Thu Nguyệt lại không nêu rõ tuy nhiên đúng một tuần sau khi WWF Thụy Điển rút tên cá tra ra khỏi "danh sách đỏ”, vào ngày 7.2 đài phát thanh "Sveriges Radio” tại Thụy Điển đã tung ra một bài phóng sự về việc nuôi cá tra gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam cũng như đưa ra lời tuyên bố của Mark Powell, đại diện của WWF Thụy Điễn: "đại diện chính quyền còn đến tận văn phòng đại diện của Quỹ ở Việt Nam để đe dọa đình chỉ cấp giấy phép hoạt động của WWF ở Việt Nam. Các nhân viên của chúng tôi tại Việt Nam rất lo ngại là họ sẽ không thể làm được việc gì nữa, thậm chí, tệ hơn là họ có thể bị mất việc làm"[2]

Từ đó đến nay cũng đã hơn một tháng, nhà nước Việt Nam cũng như người không hiểu về những tổ chức bảo vệ môi trường như WWF hoặc Green Peace v.v… có thể tưởng rằng chuyện cá tra Việt Nam với WWF đã được trôi vào quên lãng nhưng thật sự một khi những tổ chức này đã tìm thấy đích nhắm họ không dễ dàng buông thả mà lại dai dẳng bám sát để vạch mặt kẻ thù gây tác hại môi trường.

Theo chiến thuật "dai dẳng bám mục tiêu" WWF Đức tiếp tục bám sát điều tra. Vào buổi tối ngày 9.3 vừa qua, đài truyền hình ARD được tín nhiệm nhất tại Đức quốc đã trình chiếu tập phim phóng sự về ô nhiễm và tàn phá môi trường do việc nuôi cá tra Việt Nam gây ra. Hai phóng viên Michael Höft và Christian Jentzsch thuộc đài ARD cùng Catherine Zucco, một nữ chuyên gia về cá thuộc WWF Đức quốc có trụ sở chính tại thành phố cảng Hamburg đã đi từ các siêu thị có bán cá tra Việt Nam tại Đức quốc cho đến trung tâm kỹ nghệ sản xuất cá tra tại Long Xuyên để điều tra tình trạng nuôi, sản xuất và xuất khẩu loại cá rẻ đang được ưa chuộng tại châu Âu.

Trong vòng hai năm trở lại, người Đức tiêu thụ hàng năm chừng 40 000 tấn cá tra được xuất khẩu từ châu Á trong đó 90% có nhập cảng từ Việt Nam. Cá tra Việt Nam có mặt hầu hết tại các siêu thị trên toàn nước Đức, được đóng gói đẹp mắt, nhìn thoáng qua rất hợp tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm châu Âu và giá cả lại thật nhẹ nhàng. Tính chung trên toàn cầu, Việt Nam xuất cảng hàng năm 600 000 tấn cá tra đến 126 quốc gia, thu về được 1,5 tỷ Dollar. Đây là một món lợi lớn cho người Đức tiêu thụ và cho cả người dân Việt Nam. Tuy nhiên do đã có tỳ vết trong qua khứ do lối làm việc cẩu thả, bất hợp pháp về phía Việt Nam cho nên việc kinh doanh về cá tra đã lọt vào "tầm nhắm” của các tổ chức bảo vệ môi trường và cơ quan bảo vệ người tiêu thụ của người Đức.

Tập phim phóng sự "Die Pangasius-Lüge” (Cá tra – sự dối trá) trưng bày những bằng chứng rõ ràng cho thấy người tiêu thụ cá tra Việt Nam không những bị con buôn lừa dối trắng trợn mà sức khỏe của họ lại còn bị đầu độc, môi trường sống và sức khỏe của người dân Việt Nam sinh sống dọc theo sông Cửu Long bị bị ảnh hưởng nặng nề.

VIDEO : "Dirty Waters, Dangerous Fish"

Ăn cá tra nuôi trong hồ để giữ sinh tồn cho loài cá biển? Đây là một lối biện luận không chính đáng. Kỹ nghệ nuôi cá tra Việt Nam hiện nay cần một lượng thực phẩm chế biến khổng lồ hàng ngày. Thực phẩm nuôi cá tra Việt Nam được gọi là "Bột cá”. Nguồn cung cấp không đâu khác hơn là từ biển cả. Theo dõi một tàu đánh cá đang chất hàng lên kho cho một cơ xưởng chế biến thực phẩm nuôi cá tra khán giả nhận ra ngư dân Việt Nam đánh bắt cá nhỏ bất kể tiêu chuẩn bảo tồn cá nhỏ và cá hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đã được định ra. "Tổng thể đa dạng sinh học của biển cả bị đổ vào trong máy xay của các cơ xưởng chế biến " theo lời của Catherine Zucco. Trong cơ xưởng chế biến thực phẩm cá, từng túi Nylon cá nhỏ được đưa vào một máy xay, sấy khô đóng thành bao để bán lại cho chủ hồ nuôi cá. Tính ra để tiêu thụ được một con cá tra nuôi hồ, biển cả lại mất đi hàng trăm con cá biển, trong khi đó loài cá tra lại là loài cá có thể ăn tất cả mọi thứ đặc biệt là rong cỏ chứ không nhất thiết phải ăn bột cá.

Cá nhỏ và cá hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng được dùng chế tạo bột cá

Tình trạng nuôi và sản xuất cá phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh và bảo vệ thú vật như EU đòi hỏi? Hoàn toàn khác hẳn với hình ảnh quảng cáo trên các bao bì như hình ảnh chiếc tàu đánh bắt cá cộng thêm lời chú thích ‘cá đang sống tự do trên sông nước chảy thoát’, nhưng sự thật hàng trăm ngàn con cá tra Việt Nam được nuôi trong vô số ao đào nhỏ chật hẹp không có hệ thống nước thông thoát.

Hình ảnh quảng cáo lừa dối tàu bắt cá nuôi trên sông nước chảy thoát

Theo Michael Höft đồng tác giả của tập phim "Từ 60 đến 80 con cá được nhét vào trong một mét khối nước”. Để ngừa cá bị bệnh dịch do bị giam giữ trong một môi trường sống chật hẹp và dơ bẩn không thể tránh khỏi do thức ăn thừa và phân cá tạo nên, các chủ hồ nuôi cá tống vào hồ khoảng chừng 50 loại thuốc trụ sinh khác nhau và thuốc trừ sâu (Pestizide).

Kho chứa thuốc trụ sinh và thuốc trừ sâu

Người xem sững sờ, muốn ói mửa khi nhìn thấy cảnh ao hồ nuôi cá tra sủi bọt lềnh bềnh cộng thêm xác cá trôi nổi không được vớt múc.

Ao hồ nuôi cá tra Việt Nam- Ai còn muốn ăn cá nuôi trong những ao hồ này?

Theo ước tính hàng năm các ao hồ nuôi cá tra tống thải tối thiểu một triệu tấn phân cá, thuốc trụ sinh và thuốc trừ sâu ra dòng sông Cửu Long chưa kể đến những chất độc hại nêu trên ngấm dần xuống mạch nước trong khu vực. Con người và hệ sinh thái trong vùng đồng bằng sông Cửu Long chính là những nạn nhân đầu tiên của lối doanh thương thiếu trách nhiệm này.

Tống thải nước ao hồ nuôi cá ra sông Cửu Long

Mặc dù vậy, nhóm thực hiện tập phim đã cho khám nghiệm một số mẫu cá được bán tại Đức quốc. Kết quả cho thấy không có dấu hiệu thuốc trụ sinh trên các mẫu cá. Michael Höft cho biết, đây không phải là điều khó hiểu vì chủ nuôi cá đã cho ngưng kịp thời việc dùng thuốc khoãng ba tuần lễ trước khi bắt cá.

Người tiêu thụ bị lừa dối, sức khỏe bị đầu độc? Khác với thị trường Việt Nam bán nguyên con hay từng khúc, cá tra xuất cảng sang Âu châu chỉ là hai miếng Phi-lê. Cá được vớt từ ao tù chất chồng lên nhau chuyển về xưởng chế biến. Những miếng Phi-lê sau khi được lóc ra liền được vào một cổ máy tròn xoay như hình thức một máy giặt trộn chung với nước có pha trộn Phosphat hoặc Citra. Đây là những chất có khả năng ngậm nước. Thông thường nhà sản xuất cá tra tại Việt Nam trộn theo tỷ lệ 4 tấn Phi-lê với 1 tấn nước có pha Phosphat. Trong cổ máy xoay tròn sau khi Phi-lê cá hút hết nước, liền được đưa vào phòng đông đá rồi cho vào bao bì. Nói tóm lại người tiêu thụ bị lừa đảo trắng trợn vì họ không biết rằng, khi mua bịch 1 kí Phi-lê cá tra Việt Nam họ chỉ được 800 gram cá hay nói một cách khác cứ mỗi 5 Euro trả tiền mua 1 ký cá họ phải trả 1 Euro cho tiền nước đá!

Phosphat không những chỉ giúp con buôn đánh lừa người tiêu thụ mà lại còn gây tác hại lên sức khỏe con người. Người tiêu thụ nhiều Phosphat sẽ bị hoại thận, làm giảm bớt chất Calcium trong cơ thể gây nên chứng loãng xương. Trong một thí nghiệm mới nhất trên loài chuột các nhà khoa học đã tìm thấy Phosphat có thể gây nên bệnh ung thư phổi.

Trộn chung Phi-lê cá và nước hòa trộn Phosphat vào máy xoay

Xem tập phim những lừa đảo quanh con cá tra Việt Nam làm người ta nhớ lại chuyện trà Pu-Erh của Tàu xảy ra tại Đức cách đây cũng đã khá lâu. Vào thời đó không hiểu do thông tin từ đâu, người dân Đức bổng nhiên đồng loạt đi sục sạo mua trà Pu-Erh của Tàu để uống cho xuống ký. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn trên toàn cõi nước Đức không tìm ra một cọng trà này. Thấy phong trào uống trà lạ nỗi lên, đài truyền hình ARD cũng nhảy vào cuộc đi truy tìm thật hư về loại trà Tàu này. Chỉ cần hai bài phóng sự cho thấy sự lừa dối nham hiểm của người Tàu khi dùng thuốc trừ sâu, DDT để bảo quản cây trà, gian dối trong việc ướp sấy … trong vòng một thời gian ngắn sau đó trà Pu Erh của Tàu xem như tuyệt tích.

Một khi nhà sản xuất Việt Nam vẫn tiếp tục không chịu thay đổi não trạng làm ăn lừa dối, nhắm mắt làm ngơ trước những hậu quả sức khỏe xấu cho người tiêu thụ, xem thường tác hại môi trường sống của người dân thì liệu cá tra Việt Nam một ngày nào đó sẽ cùng chung với số phận như trà Pu Erh của Tàu?

Khi nhắc đến chuyện WWF đòi đưa cá tra Việt nam lên "danh sách đỏ” chắc hẳn người Việt chúng ta không khỏi cau mày khó chịu vì đây là một trong một vài ít ỏi sản phẩm nội địa thu lại nhiều nguồn lợi cho người dân Việt Nam mà không phải đi làm gia công cho người khác hoặc phải đào xới quặng mỏ, của quý hiếm dưới lòng đất mà không bao giờ được tái tạo để bán ra nước ngoài. Tuy nhiên nếu xét cho kỹ, hành động của WWF không nhằm chống đối lại nhân dân Việt Nam mà thật ra họ lại cố tình bảo vệ tài sản thiên nhiên, bảo vệ quyền sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân nghèo Việt Nam. Có thua lổ chăng chỉ là nhóm nhỏ doanh nhân làm ăn phi pháp không kể đến đạo đức, quyền lợi của dân tộc.

Trong chuyện con cá tra, vì quyền lợi chung của nhân dân, ai là bạn, ai là thù chúng ta phải nhìn cho rõ.

Phương Tôn

--------------------


.
.
.

No comments: