Wednesday, March 16, 2011

RA MẮT SÁCH "KÝ ỨC HUỲNH VĂN LANG" TẬP 1 (Người Việt)

Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Tuesday, March 15, 2011 7:39:56 PM

WESTMINSTER (NV) - Ðời người, sống đến 90 kể là đại thọ. Càng được coi là đại thọ hơn khi còn tinh tường minh mẫn, viết lại được cả ngàn trang ký ức về cuộc đời mình trong bối cảnh lịch sử của đất nước và dân tộc như trường hợp cụ Huỳnh Văn Lang. Do đó, cuốn “Ký Ức” của cụ đã có được sức lôi cuốn độc giả mãnh liệt.

Tác giả Huỳnh Văn Lang trong buổi ra mắt “Ký Ức Huỳnh Văn Lang” tại nhật báo Người Việt.

Vào chiều hôm Chủ Nhật, 13 tháng 3, tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt, Tập I của cuốn “Ký Ức Huỳnh Văn Lang” được tuần báo Thời Luận của nhà văn Ðỗ Tiến Ðức tổ chức ra mắt và bảo trợ.

Khi ấy là một nhà trí thức đang theo học tại Hoa Kỳ, được Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm mời về nước năm 1954 để trao giữ chức Giám Ðốc Viện Hối Ðoái Quốc Gia thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, cụ Huỳnh Văn Lang được nhiều người coi như nhân chứng cho một giai đoạn phức tạp trong lịch sử đất nước và dân tộc VN. Ngay chính cụ cũng từng nhận là như thế qua một tác phẩm được xuất bản trước đây ít năm, đó là cuốn “Nhân Chứng Một Chế Ðộ.”

Vì thế buổi ra mắt sách này, nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, người đứng ra tổ chức cho biết: “Hôm nay không có văn nghệ giúp vui. Bởi, tác giả và những diễn giả nói về cụ hôm nay đã quá đủ vui cho mọi người đến tham dự, đó là Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, Giáo Sư nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và nhà biên khảo Ðỗ Hải Minh.”

Giới thiệu về tác giả Huỳnh Văn Lang, cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc nhắc đến thời gian từng là học trò của cụ và, chính cụ đã mở trí cho biết thế nào là cộng sản. “Thầy Huỳnh Văn Lang đã dẫn giải cho học trò chúng tôi biết đến cộng sản. Sự soi sáng của thầy về cộng sản cho chúng tôi đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những hoạt động của chúng tôi sau này, ảnh hưởng đến nhận thức của chúng tôi để không bị lầm lẫn khi vào đời.” Cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc đã phát biểu như thế.

Vẫn theo cựu Nghị Sĩ Lộc, cụ Huỳnh Văn Lang khi về nước đã không chỉ là một công chức cao cấp sáng vác ô đi tối vác về mà cụ đã phải gian lao với công việc tài chánh cho một quốc gia mới được hình thành chưa có được nguyên tắc hay tiền lệ nào để làm việc.

Một độc giả lên trao đổi ý kiến với tác giả Huỳnh Văn Lang về tạp chí Bách Khoa.

Ðã thế, theo nhà văn Ðỗ Tiến Ðức, cụ Huỳnh Văn Lang còn “hăng hái bước sang ngành giáo dục, để thực hiện một kế hoạch mở hệ thống trường Bách Khoa Bình Dân trên khắp nước để nâng cao dân trí.”

Chưa hết, nhà nghiên cứu Ðỗ Hải Minh còn nhắc đến công lao sáng lập và duy trì được tạp chí Bách Khoa của cụ Huỳnh Văn Lang và trong dịp này đã trân trọng xin được gửi đến cụ lời tri ân sâu xa vì chính từ tờ báo này, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Ðỗ Hải Minh mới có chỗ để học hỏi và thảo luận, truyền bá những suy tư của mình.

Với Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Giáo Dục của VNCH, thì giáo sư đã nói về cụ Huỳnh Văn Lang rằng: “Ký ức của cụ đã ghi lại rất trung thực. Những chuyện mà tác giả kể lại không chỉ rất trung thực mà lại được trình bày rất nghệ thuật không kém gì những truyện ngắn trong văn chương. Ðọc Huỳnh Văn Lang, chúng ta thấy lịch sử được phân tích như dưới con mắt một sử gia. Trong khi đó thì trên phương diện văn học, Huỳnh Văn Lang đã vẽ rất rõ nét về một nền văn minh của người dân các tỉnh trong lưu vực sông Ðồng Nai-Cửu Long, đó là nền văn minh ‘miệt vườn.’”

Ba diễn giả lại thêm một nhà văn, nhà báo Ðỗ Tiến Ðức đã thay nhau giới thiệu đến người tham dự về tác giả Huỳnh Văn Lang mà chắc chắn hầu hết người đến tham dự đều đã biết về tác giả không nhiều thì ít. Tuy thế mọi người tham dự vẫn rất chăm chú theo dõi các diễn giả thuyết trình vì hình như với người đến tham dự, tác giả Huỳnh Văn Lang đã như một đại diện cho một thế hệ người Việt trong một bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp.

Xuất thân từ thành phần đại điền chủ của gia đình, Huỳnh Văn Lang được ăn học đến nơi đến chốn, nhưng cũng ý thức được rằng “nếu không về nước giúp nước thì học cao để làm chi” nên đã bỏ cả một học bổng 1,500 đô la (thời giá vào năm 1954 thì học bổng này rất lớn) để về nước giúp chính phủ Ngô Ðình Diệm. Ðến thời Ðệ II Cộng Hòa, Huỳnh Văn Lang không chịu hợp tác với những “người lính cai trị” nên đã gặp không ít phiền phức, cản trở đến những hoạt động văn hóa, văn học của mình. Sau khi CS chiếm được trọn vẹn miền Nam, Huỳnh Văn Lang rất ngao ngán cho đất nước và dân tộc nên đã bỏ công sức ra viết khá nhiều sách, từ những hồi ký về Cờ Bạc, Chuyện đường rừng, Nhân Chứng Một Chế Ðộ... cho đến những khảo luận về lịch sử, du ký... để như cố thoát ra khỏi những suy tư dằn vặt về đất nước và dân tộc.

Nhà văn Ðỗ Tiến Ðức có lần đề cập đến vấn đề viết sách để làm gì thì tác giả trả lời ngay: “Xin kính dâng tập sách này cho Má. Trăm lần con xin lạy tạ. Má ơi.”

Ký Ức của Huỳnh Văn Lang gồm 3 tập, mới ra mắt độc giả được tập đầu nói về thời kỳ VN còn thuộc Pháp. Tập II và III lần lượt sẽ ra mắt độc giả với nội dung VN trong thời kỳ quốc gia độc lập (1955-1975) và thời kỳ lưu vong.

Ký Ức tập I dầy trên 600 trang, giá đề 25 Mỹ kim do tác giả xuất bản và trình bày, hiện đang được bày bán tại các tiệm sách Việt Ngữ.
.
.
.

1 comment:

Unknown said...

Sách có dạng PDF trên mạng không ạ nếu có thì tải sách ở đâu