Friday, March 18, 2011

QUỐC SÁCH ĐẠO VĂN - KHỔ CHO DÂN LÀO (Xích Tử)

Xích Tử

Thứ Sáu, 18/03/2011
Đài truyền hình VTV1 tối 17/3/2011 dành một thời lượng lớn để tường thuật về Đại hội lần thứ IX Đảng Nhân dân cách mạng Lào. 
Bản tin tường thuật đã trích dịch nhiều đoạn dài của báo cáo chính trị do ông Chủ tịch Chummaly Sayasone trình bày tại Đại hội. Trong văn kiện đó, người xem Việt Nam được nghe bằng tiếng Việt những từ ngữ, đoạn văn hết sức quen thuộc.
Ở phần phương hướng phát triển đất nước thời gian đến, văn kiện nói đến “tiếp tục đổi mới”, “tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc và thống nhất trong nội bộ đảng”, phát triển “nhanh và bền” (không hiểu dụng ý gì mà biện tập viên bỏ đi từ tố “vững”), “quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”, “công nghiệp hoá hiện đại hoá”, “hoàn thiện nền dân chủ nhân dân”, “đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển”, “duy trì tăng trưởng GDP bình quân trên 8%”, tăng thu nhập bình quân đầu người từ 1050$ (2010) lên 1700$ (2010), giàm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 19% …
Một số báo chí phương Tây cho rằng chiều hướng chính trị của Đại hội nói trên là có lợi cho phe thân Việt Nam. Nhận xét đó chủ yếu dựa vào đường lối đối ngoại được xác định trong báo cáo chính trị và nghị quyết sẽ có của Đại hội. Đó là cách làm của báo chí dựa trên thông tin công khai, đặc biệt là về việc tiếp tục phát triển mối quan hệ đặc biệt với Vịệt Nam. 
Chính sách đối ngoại đó có thể là thành thật do những nhà lãnh đạo Lào đánh giá được ở tầm chiến lược lâu dài những tác động tích cực của nó, hoặc chỉ thỏa mãn trước mắt những đầu cơ ngoại giao trong những tình thế ngắn hạn, có lợi cho một nhóm nào đó trong một nhiệm kỳ (chẳng hạn có liên quan đến những nguồn đầu tư FDI của Việt Nam vào Lào hiện nay đã trên 9 tỉ USD). Dù sao, đó cũng chỉ là một phần của toàn bộ chính sách của đất nước này sau Đại hội. Điều cần quan tâm là những từ ngữ, đoạn văn rất giống Việt Nam trong cách diễn đạt các mục tiêu phát triển đất nước trong văn kiện được trích dịch nói trên của Đài truyền hình Việt Nam. Nếu đó là sự phiên dịch tồi, các dụng ý tuyên truyền của báo chí Việt Nam trở nên lộ liễu đối với người nghe trong nước. Nếu đấy là bản dịch tốt, rõ ràng văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng Nhân dân cách mạng Lào là sự trích góp, sao chép từ các văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng CSVN. Và đã như vậy, sự đạo văn đã được nâng cấp lên hàng quốc sách.
Lâu nay trong nước rộ lên chuyện đạo văn trong nghiên cứu khoa học, làm luận văn, luận án tốt nghiệp, kể cả trong sáng tác tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, âm nhạc và liên quan đến nó là bằng cấp giả, giải thưởng giả. Nhiều bậc trí lự lên án đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, là thói vô sỉ có nguồn gốc từ lỗi hệ thống. Ở nước ngoài, mới đây, Bộ trưởng quốc phòng của Đức cũng phải đến mức từ chức vì hành vi như vậy. Tuy nhiên, sự đạo văn ở tầm quốc gia thì có thể được xem là tiếng nói đồng thuận của các xu thế chính trị hợp thời, ít nhất là theo cách phân tích có mục đích tuyên truyền của Việt Nam.
Chỉ khổ cho nhân dân Lào; cũng như nhân dân và đảng viên lớp dưới của Việt Nam, đã hy sinh xương máu, hy sinh quyền tư hữu và tài sản riêng, hy sinh quyền dân chủ với những múc độ mở rộng ban phát khác nhau tùy thời và tùy hứng của nhà cầm quyền suốt từ năm 1945 đến nay, hy sinh rất nhiều quyền tự do các nhân, kể cả sự tự do nghi ngờ… để bị cưỡng chế phải có và mang vác suốt đời của mấy thế hệ, niềm tin vào một xã hội mơ màng sương khói trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Thời gian đó đã đủ cho những biến động thời cuộc đến mức nội dung lý tưởng chính trị mơ màng sương khói một thời đã xoay ngược 180 độ và cũng đủ cho một số đồng chí mới lớn của mình trở thành những nhà tư bản đỏ, giàu có hơn nhiều so với những người của giai cấp ấy lúc cuộc cách mạng khởi đầu (mà bây giờ xét ra họ có tội lớn hơn với dân tộc vì đã làm đối tượng ảo của cuộc cách mạng), liên kết và được có chỗ tựa chính trị vững chắc hơn nhiều so với các thế hệ trước (thậm chí cả chỗ tựa vào quan hệ gia đình ở nước ngoài và vào các thể chế tôn giáo đã được thế tục hoá, thương mại hoá trong nước). Chỉ khác là trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, sự tích tụ tư bản của họ không phải chỉ dựa vào bóc lột thặng dư được làm nên bởi sức lao động của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà còn chủ yếu bằng tham nhũng, ăn cắp ngân sách, hoa hồng từ các dự án đầu tư, hối lộ từ FDI, lót tay bôi trơn từ các dịch vụ công, các loại phí thu từ nhân dân ngoài thuế.
Xích Tử
.
.
.

No comments: