Monday, March 7, 2011

NXB THƯ QUÁN BẢN THẢO PHÁT HÀNH 2 TÁC PHẨM của ĐẶNG KIM CÔN

8.3.2011

Anh là tác giả của vanchuongviet.org. Đầu Tháng Ba 2011, Thư Ấn Quán phát hành 2 tác phẩm của anh:

-Thi phẩm "Để Trăng Khuya Kịp Rót Đầy Sớm Mai" gồm 80 bài thơ viết từ 1973 đến 2010, bìa Đinh Cường, với lời tựa của Du Tử Lê và Cảm nhận qua Lương Thư Trung.

-Tập truyện "Một Ngày, Một Ngàn Ngày" gồm 12 truyện ngắn viết từ 1972 đến 2010, Bìa Đinh Cường, Nguyễn Xuân Hoàng viết giới thiệu và Trần Hoài Thư nhận xét.


Vài ý kiến về thơ và văn của Đặng Kim Côn :

du tử lê,

Tính định đề (ít, nhiều) trong thơ đặng kim côn, Tới hôm nay và, có lẽ muôn sau, tôi vẫn nghĩ người ta có thể sẽ còn tranh luận, bàn cãi ì xèo về những thành tố của một bài thơ. Như vai trò
của ngữ pháp, âm tiết, tới hình ảnh, tư tưởng, ẩn dụ hay hoán dụ, trí tuệ, hay, cảm xúc…

Cũng như với thời gian, vì nhu cầu làm mới, sự bức bách phải tìm cho bằng những chiếc áo khác (gồm cả loại vải, thớ vải, cách may cắt mới) cho thơ, để xác lập sự hiện hữu độc lập, tách, thoát khỏi mọi bóng rợp thi ca quá khứ - Với nhiều ni tấc đầy…ấn tượng.

Thậm chí kết quả đầu tiên và, cuối cùng, có chỉ là những nỗ lực nhập nhoạng vô nghĩa (vì chúng bước ra từ những mặc cảm yếu, kém, nhu cầu nổi tiếng đốt giai đoạn…) thì, nhu cầu kia vẫn là những hăm hở dời non, lấp biển…

Nhưng tôi tin, khó ai có thể bài bác định nghĩa tiên khởi: Thơ là sự quánh đặc hay, sắc xuống phần tinhchất- của-ngôn-ngữ.

Khi nói tới sự quánh đặc hay, sắc xuống phần tinh chất của ngôn ngữ, theo tôi, là nói tới sự bước ra khỏi một bài thơ, của những câu thơ mang tính định đề.
Câu thơ mang tính định đề, nói cách khác, là câu thơ tự thân thơ vượt qua được bản chất xóa bỏ không ngưng nghỉ, rất cần mẫn của thời gian!

Lại nữa, những câu thơ nhiều, ít mang tính định đề, vẫn theo tôi, không nhất thiết là kết quả của những suy tưởng lao lung, những chủ tâm, toan tính ngặt nghèo mà, nó thường là một “sẩy chân.”

Câu thơ “sẩy chân” ngã vào bài thơ. Câu thơ “sẩy chân” rớt vào cõi giới thi ca một tác giả.
Tôi muốn nói, nó tình cờ. Nó tự nhiên (đương nhiên) hiện ra, có đó như khí trời. Như mưa / nắng…

Ở phương diện siêu hình, tôi cho nó tựa như một mặc khải. Một tương thông hữu cơ giữa đất trời và, tác giả.

Hôm nay, dù chúng ta đã bước vào thế kỷ thứ 21, tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta vẫn còn thấy thấm thía khi nhớ hoặc, nghe:

Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Nguyễn Du).

Hay:
Chiếu chăn không ấm người nằm một (Huy Cận).

Hoặc:
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng” (Nguyên Sa).

Hoặc nữa:

Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu).

(Có người sẽ nhăn mặt, lớn tiếng bỉ thử câu thơ này…cải lương, rẻ tiền!? Nhưng khi trút bỏ được cái vỏ ngoài chứng tỏ, giả tạo, trở về với bản chất thật, tôi nghĩ, họ sẽ khó thể phủ nhận nghĩa đương nhiên của câu thơ ấy)

Lý do tôi nhấn mạnh tới tính định đề trong thơ của chúng ta, nơi bài viết này, bởi vì, tôi tìm thấy tính chất ấy đã có ít, nhiều trong thơ Đặng Kim Côn.

Nói như thế không có nghĩa cõi-giới thơ Đặng Kim Côn không mở ra, không đi tới những chân trời lien tưởng ngậm ngùi. Những nhân cách hóa, ẩn dụ hay hoán dụ mới mẻ, tương hợp tới nao lòng trong thơ của họ Đặng. Thí dụ:

muốn tao gửi luôn mày cặp nạng?
“tay bước thay chân tiếu ngạo giang hồ
“mang về bển đi, một đời la lết
“làm mồi nhậu với bạn bè xưa.”
……
“chút bẽn lẽn cũng trôi vào mộng
“cài áo lại em kẻo lạnh chiêm bao”
……
“em bỏ con đường ngơ ngác bóng
“tách trà lỗi hẹn với vô vi.”
vân vân…

Nhưng với tôi, tính định đề (ít, nhiều) trong thơ Đặng Kim Côn vẫn là một bất ngờ đáng kể và, cũng không kém phần thao thiết. Như:

biển mời ta uống biển
“ta mời biển uống ta
“có say chiều cũng hết
“không say ngày cũng qua.”
……
“già chưa râu tóc tranh nhau trắng”
……
“có say cứ gục lên bàn ngủ
“dễ được mấy khi thực tiếng cười.”
……
“một tang chồng, một quê hương cay đắng
“nuốt nước mắt vào cho cứng đôi chân.”
……
“tuổi mẹ, sớm đôi vai nhói buốt
“gánh đầu đời trĩu xuống bóng mồ côi.”
……
“xin em cạn một chén này
“để trăng khuya kịp rót đầy sớm mai.”
……
“mai kia mầm mộng lên cây
“nghe trong may rủi đã đầy cỏ hoa.”
……
“dòng sông đâu có biết
“con nước nào không trôi.”
……
“Có giọt rượu nào vương trên mắt tháp
“để buồn không vẫy nổi bàn tay.”
vân vân…

Nhằm tôn trọng quyền khám phá cõi-giới thơ Đặng Kim Côn, trong thi phẩm Đề trăng khuya kịp rót đầy sớm mainày, chúng tôi xin ngưng bài viết của mình ở đây, với lời ước mong tác giả tiếp tục ở với thi ca.
Tiếp tục đi tới với những câu thơ ít, nhiều mang tính định đề, đáng kể của Đặng.

Du Tử Lê
(Calif. tháng 10 - 2010.) 


PHỤ LỤC

Trần Hoài Thư
Tản mạn về phong cách hành văn trong truyện của Đặng Kim Côn

Từ vai trò của một người tạm gọi là chủ bút, tôi rất vui vì ít ra tạp chí Thư Quán Bản Thảo là tạp chí đã cho khai sinh những đứa con tinh thần đầu lòng của anh. Vui vì tác giả chọn TQBT là một mái nhà để gửi gấm. Vui vì những trang bản thảo ngày ngày hiện trên màn ảnh, những chuyện, những nhân vật, những tình tiết, càng ngày càng nở rộ, càng già dặn, càng lôi cuốn người đọc. Vui là sau mỗi kỳ báo, có độc giả gọi điện thoại khen ngợi truyện ĐKC.
ĐKC là một người khiêm nhường, ham học hỏi. Có vài sáng tác gởi về, tôi có một vài ý kiến. Anh lắng nghe. Anh không tự ái. Anh chịu khó sửa đổi. Viết đi. Viết lại. Thật khó tìm một người viết văn chịu khó trau dồi, học hỏi, và lắng nghe phía độc giả đến như vậy.
Anh có một lối viết rất thông minh, những nhận xét rất tinh tế, những chữ nghĩa rất óng mượt mà gợi cảm làm sao. Ví dụ:

“…Rồi cũng qua những đêm lây lất đâu đó một chỗ nằm, ôm cứng lấy nhau giữa trời sương, lạnh và muỗi. Nhưng ở đó, những nụ hôn đã thấm thía hơn, ngọt ngào hơn, ngấu nghiến hơn như thể ngày mai sẽ dừng lại trên nụ hôn vĩnh biệt này, dù là những đêm, những ngày đó chẳng những không ngắn mà còn dài hơn họ tưởng. ” (Mùa Xuân Nếu Có Thật) “…Hình như cả hai chúng tôi cùng đang trôi bềnh bồng về một giấc mơ, nơi có hình ảnh một phi trường mà mũi tên của thần Cupid đã đáp xuống ngày nào, xuyên suốt qua hai quả tim, nhẹ nhàng, ngọt xớt. Anh nhắm mắt lại, trên khuôn mặt nhòe nhoẹt của anh, đã không còn phân biệt được là nước mắt của ai. ” (Sông Núi Trở Màu)

còn rất nhiều, rất nhiều đọan văn như thế trong tập truyện.
Ưu điểm thứ hai là cách viết đối thoại của anh. Có một số nhà văn viết feuilleton đã lợi dụng sự dễ dãi của đối thoại để câu thêm trang. Cho nhân vật nói thả dàn, nói mệt nghỉ, nói bất cứ vấn đề gì.
Cũng có một số người ghét nói, ầm ừ vài câu, rồi hết. Nhân vật bây giờ trở thành nhân vật câm, được tác giả đẩy đưa tùy thích…
Riêng đối với tác giả ĐKC, anh biết ngừng lại chỗ nào, nói chỗ nào và nói cái gì. Ví dụ những lời đối thoại của một đôi nam nữ xa lạ trên một chuyến xe đò miền núi, “tản mạn” về vai trò cái vai, đọc rất lý thú:

-…. Có còn buồn ngủ không?
-Dạ có. Nhưng mà tội nghiệp cái vai của anh.
-Có đâu. Cái vai nó thích mà. Nó cứ ngỡ nó đang mơ có một nàng tiên đang hôn nó. Có phải đi xe nào cũng ngủ thế không?
-Ghen bậy rồi. Chỉ mỗi cái vai này thôi đã bị đánh giá rồi. Tội lỗi là do hai ngày qua phải đi một quãng đường dài quá, đến Tuy Hòa nhỏ bạn lại dắt đi dạo phố đến khuya, về nhà lại nấu nướng ăn uống, nói chuyện thâu đêm. Sao không nói là cái vai anh kiếp trước khéo tu? Hì hì. Ờ mà cái vai anh nó đi tới đâu
vậy?
-Nó đi theo cô.
-Nó biết cô nó đi đâu mà theo?
-Nói cho nó biết được không?

Hay khi tả lại cảnh một đêm khuya với đôi nam nữ mới quen ở vùng lạ lẩm sau năm 1975. Mỗi người đều có con riêng. Họ nhường nhau chiếc giường. Và họ đã “tản mạn” về chiếc giường rất thú vị:

-Nhường tới nhường lui rồi không ai nằm giường
hết. Chiếc chiếu này lãnh đủ.
-Sao gọi là lãnh đủ? Nó đau khổ hả? Em tưởng nó vui. Thôi em đi ngủ đây.
Anh lính quýnh:
-Ồ anh nói vui mà, tưởng mình văn vẻ, hoa lá cành một chút hóa ra trật đường rầy rồi. Có cho xin lỗi
không?
-Dẹp.
-Cho anh xin địa chỉ viết thư đi
(Thế Kỷ nào)

Ôi cái tiếng Dẹp phát ra từ nhân vật nữ thật là kỳ diệu và lạ lùng làm sao !
Hay trong một mẫu đối thoại khác cũng của một đôi tình nhân, họ đã “tản mạn” về chim như sau:
-Đố em chim có yêu nhau không?
-Chim mái thì có. Nó biết yêu và biết đau khổ, biết hy sinh và chịu đựng.
-Không hiểu, nói toàn chuyện tốt, sao không nói nó cũng biết phản bội và ác độc?
-Thì đó không phải là con chim mái của anh.
Chàng ôm siết nàng:
-Thương em quá.
-Hình như anh muốn nói về ai đó phải không? Em sợ phải nghĩ là anh có nhiều “kinh nghiệm chiến trường” quá. Chim khác thì em không biết.
-Em biết gì?
Nàng tát yêu lên má chàng:
-Biết yêu anh đó.          
-Sao giống xạo quá vậy?
-Xạo thôi, không thèm nói nữa.
(Chíêc bánh Giáng Sinh).

ĐKC đã biết khai thác đối thoại như là một yếu tố cần thiết để làm tươi mát thêm, sinh động thêm cái cốt chuyện đầy màu đen tối... Chúng như những tia nắng ấm giữa một mùa đông u ám. Chúng cũng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về nhân vật. Không phải dễ dàng để sắp xếp một đoạn đối thoại cho mạch lạc, hào hứng, thi vị, để độc giả cùng vui, cùng buồn, cùng mỉm cười, hay cùng cay đắng với người trong cuộc.
ĐKC có biệt tài làm như vậy. Riêng tôi, được cơ hội giúp người bạn văn để thực hiện tác phẩm đầu tay của anh là một niềm hạnh phúc rất lớn.
Đó là một niềm vui trọn vẹn. Khởi đi từ những trang bản thảo đầu tiên anh gởi đến tòa soạn Thư Quán Bản Thảo, cho đến bây giờ là tác phẩm được in ra do chính tay tôi chăm sóc, in ấn và Thư Ấn Quán xuất bản.
Mong rằng anh sẽ vui. Anh vui có nghĩa là tôi vui. Vui và hãnh diện.
.
New Jersey tháng 2-2011.
.
.
.

No comments: