Thursday, March 17, 2011

"QUYỀN" HY SINH (Tạ Phong Tần)

Tạ Phong Tần
17/03/201

Theo Hiến pháp hiện hành, người Việt Nam có rất nhiều quyền, được quy định rõ ràng từ Điều 52 đến Điều 81, đọc lên nghe rất “văn minh” và phù hợp luật pháp quốc tế. Ví dụ như: quyền “tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 53), “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình” (Điều 69), quyền tự do tín ngưỡng (Điều 70), “quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm” (Điều 71), “quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở” (Điều 73), “quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào” (Điều 74), v.v…

Túm lại là tất cả các quyền công dân được liệt kê trong Hiến pháp tuân thủ nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” là câu khẩu hiệu suốt mấy chục năm nay bất cứ người Việt già trẻ bé lớn, nam phụ lão ấu nào cũng nghe lặp đi lặp lại nhai nhải trên báo, đài, chương trình sách giáo khoa.

Tuy nhiên, người dân Việt cứ thử thực hiện các quyền của mình được quy định mà xem. Thực tế sẽ cho họ được “nếm” thêm “mùi vị” của câu “ranh ngôn” cửa miệng phổ biến thời nay: “Nói một đường làm một nẻo”.

Người dân thường làm sao tham gia quản lý xã hội được khi “làm cán bộ quản lý” là đặc quyền đặc lợi dành cho một nhúm người có “lý lịch trong sạch”, “con ông cháu cha” hoặc những kẻ biết “cuốn theo chiều gió” chạy chức mua bằng và phải là đảng viên đảng CSVN. Mấy chục năm nay, Việt Nam không hề có luật trưng cầu ý dân, bàn luận, khiếu nại, nói nhiều quá đến các chính sách xã hội, chỉ ra những sai trái của nhà cầm quyền thì nhìn vào “tấm gương” của các nhân vật “tiền Cù Huy Hà Vũ” và Cù Huy Hà Vũ mà liệu thần hồn thần xác giữ mình.

Muốn tự do báo chí, tự do ngôn luận, biểu tình… à? Nhìn vào “tấm gương” của blogger Điếu Cày và các thành viên CLB Nhà Báo Tự Do rồi so sánh xem mình có đủ “bản lĩnh” để đối phó với bọn “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” ban ngày ban mặt kéo bầy đàn lũ lượt xông vào tư gia ngang nhiên cướp tài sản, cướp đồ vật, cướp giấy tờ… Cướp là chuyện nhỏ, đối phó với âm mưu đã đánh người rồi vu cáo là bị đánh để bỏ tù nạn nhân mới kinh khủng hơn. Người may mắn thoát nạn là nhờ ơn trên che chở.

Thời gian gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam dự định thu thêm loại phí gọi là “bảo trì đường bộ” đối với lũ dân nghèo mạt hạng chỉ di chuyển bằng xe máy (nhưng lại là số đông) dù ai cũng biết rõ xe máy chưa bao giờ là thủ phạm làm hư hỏng đường xá. Mà thủ phạm chính là những kẻ làm ra các công trình kém chất lượng mới đưa vào sử dụng đã lún, đã sụt, là những bên A, bên B, bên C… quanh năm suốt tháng “bới lên đào xuống”, là những kẻ có quyền dung túng cho các loại “hung thần” chở quá tải ngang nhiên hoành hành như chốn không luật pháp… Lâu nay, người dân vẫn phải đóng đủ các loại phí cho nhà nước (chiếm đến 40% giá tiền) khi mua xăng sử dụng nhưng không ai được biết con số 40% kia được sử dụng như thế nào.

Hoặc ngành điện năm nào cũng kêu lỗ để đòi tăng giá điện, nhưng cứ thấy ngành điện đầu tư ào ào vào viễn thông, cho thuê văn phòng, kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản, dịch vụ quảng cáo thương mại…, không biết ngành điện lấy tiền ở đâu ra để đầu tư? Chưa bao giờ ngành điện công khai các khoản thu, chi cho người dân biết dù ngành điện là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động bằng tiền ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của dân.

Trước Tết Tân Mão, tiểu thương các chợ kêu rầm rĩ rằng các loại thuế tăng vô tội vạ, người ta tăng thuế mà không buồn hỏi đến tiểu thương xem tình hình kinh doanh thế nào, có đủ khả năng nộp thuế không, tăng bao nhiêu thì vừa, trong khi tiểu thương buôn bán ế ẩm, còn đồng tiền thì mất giá.

Nói chung là người dân Việt Nam hãy ngoan ngoãn như bầy cừu, chỉ nên biết cái gì nhà cầm quyền muốn cho biết, chỉ nên nói theo ý nhà cầm quyền, ai nói khác thì liệu hồn coi chừng bị quy cho tội “chống phá nhà nước”.

Tuần rồi, đồng thời với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển Đông, thì báo Thanh Niên cũng làm một bài lớn về liệt sĩ Lê Đình Chinh, tiếp đó là báo Tuổi Trẻ cũng có bài to về liệt sĩ Trần Văn Duẫn. Không cần thông minh lắm, người đọc cũng biết người ta đang cần “lòng yêu nước” của đám thường dân để giữ yên bờ cõi, nước có yên thì “ghế” mới còn nguyên chứ!


Mĩa mai thay, thế hệ đàn em Lê Đình Chinh như tôi, khi còn ngồi trên ghế nhà trường những năm 79-80, đã được “nhà nước ta” cho giáo viên phổ biến về sự hy sinh của liệt sĩ Lê Đình Chinh. Website của trường tiểu học mang tên Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) ghi rõ: “Lê Đình Chinh là chiến sĩ công an nhân dân vũ trang (nay là công an biên phòng). Anh tham gia nhiều trận chiến chống quân Pôn Pốt – Iêng Xa-ri xâm phạm biên giới Tây Nam, với thành tích là làm bị thương và diệt nhiều tên địch. Sau đó anh tham gia cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược tại biên giới phía bắc. Ngày 26/08/1978, bọn côn đồ và công an Trung Quốc cải trang đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Bằng tay không, Lê Đình Chinh đã tấn công địch, đánh gục hàng chục tên, góp phần cùng đơn vị đẩy lùi bọn côn đồ Trung Quốc về bên kia bên giới, giữ vững được an ninh ở khu vực biên phòng Ải Bắc”. Thì bài trên báo Thanh Niên ngày 16/2/2011 chỉ viết “một toán “côn đồ” từ bên kia biên giới kéo sang đánh giết cán bộ và nhân dân địa phương” mà không dám chỉ đích danh hung thủ chính.

Bài của báo Tuổi Trẻ (20/2/2011) với tít “Sông Hồng khóc gọi tên anh!” cũng viết y chang mô-típ báo Thanh Niên, thay vì “côn đồ” thì thay bằng “tàu lạ”. Báo Nhân Dân, tuy không nói thẳng tên, nhưng qua lời kể của đồng đội anh Duẫn được nhà báo ghi chi tiết lại, cũng biết kẻ thủ ác là ai khi chúng ngang nhiên “xâm phạm chủ quyền biên giới” không phải một lần, mà đã rất nhiều lần: “Theo Đại úy Đinh Văn Lào, những chiếc thuyền “lạ” kiểu này là những chiếc ghe sắt đánh bắt cá bằng xung điện, máy nổ khói đen mù mịt. Với bộ kích điện để tận diệt các loại thủy sản, những chiếc ghe này có thể lợi dụng đêm tối hay lúc vắng vẻ để tranh thủ lấn qua đường phân thủy, xâm phạm chủ quyền biên giới.” (Nhân Dân 20/2/2011). Núi sông khóc gọi tên người liệt sĩ Trần Văn Duẫn là đúng rồi, khóc vì uất nghẹn cho người thân Trần Văn Duẫn, vì nỗi nhục kẻ thù ngay trước mắt mà những kẻ luôn xưng mình “thay mặt nhân dân” không dám để cho báo chí gọi đích danh.

Mới nhất là tin Trung Quốc tăng cường lực lượng Hải quân (đồng nghĩa với đe dọa khu vực biển Đông) được đăng đồng thời với bài viết thật “quành cháng” chiếm hết một trang báo khổ giấy A2 về trận đánh của quân đội Việt Nam với Trung Quốc: “Một ngày cuối tháng 2.2011, tại thành phố Lạng Sơn đã diễn ra cuộc gặp mặt đầy xúc động giữa những cựu quân nhân Quân đoàn 14 nhân kỷ niệm 32 năm thành lập đơn vị. Chính tại mảnh đất biên cương này, hàng nghìn đồng đội của họ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…”. Đau đớn thay, hơn một ngàn sinh mạng con em người dân lao động Việt Nam ngã xuống mãi mãi cho Tổ quốc không đủ để nhà cầm quyền Việt Nam cho phép báo chí gọi đích danh tên thủ phạm! (Thanh Niên, ngày 05/3/2011).

Mấy ngày nay, báo chí Việt Nam lại “nói gần nói xa” lặp đi lặp lại “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, nhưng không nói rõ thời gian qua ai chỉ có “quyền cho” và ai luôn “ung dung nhận”.

Phải chăng ngoài những thứ quyền trên giấy, thực tế người dân Việt Nam bây giờ chỉ có hai thứ quyền: “quyền” thường xuyên è cổ nộp đủ thứ tiền cho “nhà nước ta” và “quyền” hy sinh mạng sống của mình?

Tạ Phong Tần
.
.
.

No comments: