Tuesday, March 8, 2011

NHỮNG TƯỚNG LÃNH và HOA HỒNG - (CÂU CHUYỆN về BÀ AUNG SAN SUU KYI )

Tác giả: Witold Szablowski


Lời người dịch: Aung San Suu Kyi, niềm hy vọng của nhân dân Miến Điện, người phụ nữ được thế giới mến phục vì những hy sinh, cống hiến cho hòa bình và dân chủ. Chính quyền độc tài Miến Điện đã trả tự do cho bà sau 15 năm bắt và giam cầm tù bà tại nhà.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài phóng sự của Witold Szablowski, phóng viên nhật báo WYBORCZA (nhật báo lớn nhất của Ba Lan.) mới đi thăm Rang Gun gần đây.
Chúng tôi mong muốn đem lại cho bạn đọc một số những hiểu biết về bà Aung San Suu Kyi, về đất nước Miến Điện. Ngoài ra chúng tôi còn hy vọng đem đến cho những người đang đấu tranh chống chế độ độc tài cộng sản Việt Nam môt vài kinh nghiệm của những nhà đấu tranh cho dân chủ của Miến Điện.

-------------------------------

Bà mặc chiếc váy màu tím, áo màu tím nhạt, đôi khuyên tai ngọc trai, bước đi nhanh, chắc chắn. Bà làm nhiều nhà báo ngạc nhiên, tưởng rằng bà yếu ớt, vì đã mấy lần phải đi bệnh viện.
Ngoài hàng rào nhà bà, hàng ngàn những người hâm mộ tụ tập. Giờ đây bà được tự do, họ reo hò theo mỗi lời bà nói, họ hô lớn: “Chúng tôi quý trọng bà”, rồi ca hát để chúc mừng bà.

Bà bước vào chiếc cổng nhỏ, đẩy barie và mỉm cười. Sau cùng đám đông đã yên lặng để nghe bà nói, bà bắt đầu: “Tôi đã không được gặp các bạn trong một quãng thời gian”. Đám đông lại hò reo. Bà nói thêm: “Chúng ta có rất nhiều công việc chung cần làm trước mắt”. Và như để khẳng định điều mình nói, bà bước vào chiếc Toyta cũ để đi đến văn phòng của đảng mình.

Mấy tuần sau đó, bà tiếp tôi tại văn phòng này.
- Khi đó bà cảm thấy thế nào? Tôi hỏi.
- Tôi sẽ làm ông ngạc nhiên, tôi hoàn toàn chẳng cảm thấy điểu gì cả. Bà trả lời.

Một mình trong nhà

Trong 21 năm gần đây, bà Aung San Suu Kyi đã trải qua hơn 15 năm bị bắt giam tại nhà, trong ngôi biệt thự cũ trên bờ hồ. Lần đầu vào năm 1989, với bản án 6 năm. Sự kiện này là động lực thúc đẩy bà bước vào sân khấu chính trị của Miến Điện.

- Tôi đã nghĩ rằng, giống như các bạn trong đảng, tôi sẽ phải vào nhà tù. Tôi đã chuẩn bị bàn chải đánh răng, một ít quần áo. Các con trai tôi cũng đang nghỉ hè ở Miến Điện, chúng tôi ngồi chơi ở trước nhà, cho đến khi những người lính đi đến, ra lệnh cho tôi phải vào trong nhà. Bà kể lại trong buổi tiếp tôi.

Bà đã sống nhiều năm ở nước ngoài. Tại Miến Điện, bà không có tiền tiết kiệm, bà không nhận sự giúp đỡ từ nước ngoài vì bà không muốn mình được đối xử đặc biệt so với các bạn bè trong đảng. Hậu quả là bà thường nhịn ăn. Bà kể với các nhà báo Mỹ: “Có nhiều ngày tôi không rời khỏi giường để tiết kiệm năng lượng”.

Tuy vậy, một năm sau, đảng của bà đã thắng trong cuộc bầu cử quốc hội (nhưng phe quân đội đã không công nhận). Riêng bà, đã được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Thưởng Hòa Bình Nobel.

Số phận của bà phụ thuộc vào tính khí thất thường của các tướng lĩnh Miến Điện. Khi nào tính hung bạo của họ lên cao, họ cho bắt giam bà, khi nào họ bớt hung bạo, họ thả bà. Một trong những trường hợp bà đã trải qua và kết thúc bi thảm. Năm 2003, những kẻ tội phạm giấu mặt đã bắn vào người dân trong cuộc gặp gỡ của bà với dân làng thôn Depayin ở phía bắc Miến Điện. Aung San Suu Kyi đã chạy thoát, nhưng mấy chục người đã bị bắn chết. Sau cuộc thảm sát này các tướng lĩnh trở nên hung bạo (chắc là vì bà sống sót-That Oo, nhà sử học, nhà hoạt động đối lập của Miến Điện, hiện đang sống ở Băng Cốc nói). Cuộc mưu sát này là do lực lượng đặc biệt của quân đội tổ chức.

Trong các vụ bắt giam bà tại nhà, chính quyền quân sự đã mấy lần gia hạn. Lần gần đây nhất cách đây 2 năm, một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, bơi qua hồ vào nhà bà không biết nhằm mục đích gì, họ đã dựa vào lý do này để gia hạn bắt giam bà.
Đây là sự viện cớ-Thait Oo giải thích. Trong tháng 11-2010 chính quyền quân sự tổ chức bầu cử, nếu bà được tự do, có thể bà sẽ vận động người dân Miến Điện tẩy chay bầu cử. Đó là cuộc bầu cử? Không, đó chỉ là dịp các tướng lĩnh thay bộ sắc phục quân đội bằng thường phục để tiếp tục cầm quyền.

- Tất cả các bản án đã kết thúc, giờ đây họ thật sự không còn lý do gì để giam giữ tôi nữa- Aung San Suu Kyi nói.
- Những gì mà tôi đã biết, các tướng lĩnh có thể bắt bà vào tù mà không cần bản án. Tôi nói.
- Đúng là như vậy. Tôi vẫn chuẩn bị sẵn sàng để vào nhà tù một lần nữa, bất cứ lúc nào.
- Như vậy công việc không bị ngưng trệ?
- Ông cũng có thể bị chính quyền của chúng tôi trục xuất bất cứ lúc nào và họ không cần đưa ra một lý do nào. Ông có luôn nghĩ đến điều này hay không?
- Không. Tôi trả lời.
- Như vậy đó. Tốt hơn là ông nên thu thập các tư liệu tốt nhất. Còn tôi. Tôi cũng cố gắng để tận dụng tốt nhất thời gian hiện có.

Ở đây khách không bị nghe lén

Để phỏng vấn bà Aung San Suu Kyi, tôi đã bay đến Rangun. Đây là thành phố mấy năm trước còn là thủ đô của Miến Điên. Giây phút máy bay hạ cánh là khoảng thời gian thú vị nhất trong cuộc hành trình của tôi. Rangun là sự pha trộn giữa kiến trúc hậu thuộc địa (hiện nay trong tình trạng hư hại) và một loại kiến trúc tương tự như của Ba Lan thời xã hội chủ nghĩa.
Từ sân bay về trung tâm, những taxi mafia đòi giá không dưới 10 $, tương đương với 1/3 lương tháng của một giáo viên. Trong khách sạn, nấm mốc ngự trị, vải trải giường còn dính tóc của các khách ngủ đêm trước. Trên tường treo tấm bảng nhỏ vẽ chiếc microfon bị gạch chéo cùng với dòng chữ: “Đừng sợ! Tại đây, khách không bị nghe lén”. -Những chỗ như thế này lại là những nơi đáng sợ nhất- Một nhà báo mà tôi làm quen từ Đức, yêu cầu giấu tên nói. Họ sẽ không cho tôi nhập cảnh nếu muốn đến đây một lần nữa. Anh bạn nhà báo giải thích thêm.
Chắc chắn là anh bạn nhà báo có lý. Trong khách sạn, lúc tôi đi ăn cơm trưa về, ba lô hành lý của tôi bị lục soát, một nửa số đồ đạc họ cũng chẳng thèm cất lại, vất tung tóe trên sàn nhà.

Không có gì ngạc nhiên. Miến Điện, đất nước của mật thám, của nghe lén, của những mưu mô kiếm tiền. Tại đây không có máy rút tiền tự động, vì vậy đô la phải đổi ra tiền Miến Điện. Đổi trong ngân hàng Miến Điện, một đô la được 6 kia (tiền Miến Điện), ngoài chợ đen một đô la ăn 1000 kia, nhưng thường bị tráo, bị lừa, số tiền cuối cùng nhận được thường thấp hơn rất nhiều.

- Khi các ông biết đất nước chúng tôi có bao nhiêu dầu hỏa, than đá, đá quý, ngọc trai, rồi các ông nhìn những người dân chúng tôi phải cực nhọc để kiếm sống, các ông cảm thấy lạnh sống lưng. Vì vậy khi người con gái của vị tướng cho chúng tôi một hy vọng để thay đổi xã hội, chúng tôi đi theo bà- Thait Oo nói .

Vị tướng đã chuyển đổi mặt trận

Trước tòa nhà của chính phủ tại Rangun, một chiếc xe gíp quân sự đi đến, 5 người đàn ông che mặt bước xuống. Họ đi lên tầng một, nơi tướng Aung San đang có cuộc họp với các bộ trưởng, Đó là ngày 19-07-1947.
Tướng Aung San chính là bố của bà Aung San Suu Kyi, người đã sáng lập quân đội Miến Điện. Trong chiến tranh thế giới lần thứ II, đầu tiên quân đội đã hợp tác với Nhật chống lại quân Anh. Nhưng quân Nhật đã hợp tác với một số lính hoàng gia với ý định chiếm giữ Miến Điện lâu dài, tướng Aung Suu đã quyết định chuyển sang liên minh với Luân Đôn để chống lại quân Nhật. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai , ông đã đàm phán với Anh để Miến Điện độc lập và đứng đấu chính quyền lâm thời.

“Cha tôi cả cuộc đời đã cống hiến cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho Miến Điện, nhưng ông đã không được sống để nhìn thấy Miến Điện được độc lập”. Bà Suu Kyi đã viết về người cha của mình như vậy.

Năm người đàn ông che mặt nói trên đã nổ súng, tướng Aung San chết ngay tại chỗ với 13 viên đạn, sáu bộ trưởng, thư ký và bảo vệ cũng bị giết hại. Cuộc mưu sát do U Saw, cựu thủ tướng tổ chức. Ông ta hy vọng thay thế vị trí của tướng Aung San, nhưng đã phải kết thúc cuộc đời bằng bản án treo cổ. Aung San Suu Kyi lúc đó mới tròn 2 tuổi.

Khi nước Miến Điện độc lập, tướng Aung San trở thành người anh hùng nổi tiếng nhất. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962 của tướng Ne Win (một ngưởi bạn của ông) , Aung San trở thành nhân vật huyền thoại. Tên của ông được đặt cho các đường phố, các sân vận động, các chợ, ảnh của ông xuất hiện trên các tờ giấy bạc, trên đồng tiền.- Thait Oo kể. Ngay cả việc Aung San hứa đem lại dân chủ cho Miến Điện, không khuyến khích khủng bố của giới quân sự cũng không làm cho tướng Ne Win bận tâm. Chỉ đến khi người con gái của ông, bà Aung San Suu Kyi hoạt động chính trị, đấu tranh đòi hỏi dân chủ cho Miến Điện, Ne Win mới ngừng đề cao ông và đàn áp con gái ông.

Để không rơi vào tay bọn chỉ điểm

Để đi đến văn phòng đảng của bà Suu Kyi, có thể thực hiện bằng hai cách: Đi trực tiếp hoặc đi đường vòng. Johann đã hướng dẫn tôi.
Phương pháp thứ nhất rất đơn giản: bắt taxi và yêu cầu người lái dẫn đến văn phòng, tất cả mọi người đều biết văn phòng đó nằm ở đâu. Nhưng có thể gặp taxi chỉ điểm, hoăc gặp những người lái sợ liên lụy vì tội liên quan đến Liên Minh Dân Chủ Miến Điện( LMDCMĐ),có thể bị đi tù.

Tôi đã lựa chọn cách thứ hai. Người lái taxi đưa tôi đến chùa Szwe Dagon, nằm trên núi Ánh Sáng Phật Giáo, từ đây tôi đi bộ đến văn phòng của LMDCMĐ, hết khoảng 20 phút.
Tôi đã liên lạc và hẹn với bà Suu Kyi trước hai tuần. Nhưng cùng thời gian này, người con trai thứ hai của bà là Kim cũng bay đến Miến Điện thăm bà. Hai mẹ con đã 10 năm rồi không được gặp nhau. Ngoài ra, bà còn có các cuộc gặp gỡ quan trọng hơn. Hàng ngày tôi đi đến văn phòng của bà và kiên trì chờ đợi.
Văn phòng trông giống như một ngôi chùa nhỏ, tôn thờ tướng Aung San. Trước lối vào văn phòng, có 10 tấm ảnh chào mừng khách. Dưới những bức tường kê các ghế băng và các bàn dài, trên các bàn đặt các dụng cụ nấu ăn, ấm và cốc uống nước.

- Chúng tôi làm việc cho LMDCMĐ với tinh thần tự nguyện, không có lương- ông giám đốc văn phòng nói và giải thích thêm. Mỗi người làm việc được phát xuất ăn và nước uống. Ông đưa mắt nhìn tôi khi mỗi lần nói đến công tác cán bộ của đảng. Thế hệ trẻ đầu tiên đi theo bà Suu Kyi đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ trong lao tù, thế hệ trẻ thứ hai cũng tương tự như vậy. Hiện tại, những người tham gia phong trào chống đối chính phủ do các nhà sư khởi xướng từ năm 2007, vẫn tiếp tục ngồi tù. Rất nhiều người dân sợ liên lụy khi tham gia các phong trào đấu tranh đòi hỏi dân chủ- ông giám đốc thừa nhận.

Sợ hãi chỉ là một lý do. Ở một đất nước mà hàng ngày mỗi người phải vật lộn để kiếm sống, thật khó mà tìm được những người làm việc chỉ với thù lao gạo và nước chè. Thait Oo nói thêm.
Những người hưu trí hiện đang lãnh đạo LMDCMĐ, họ đang trong tuổi 80. Một trong những người lãnh đạo chủ chốt đã gần tròn 100 tuổi. Chúng tôi thường gọi họ bằng „Các ông bác”. Đó là phong tục của Miến Điện gọi những người đàn ông đáng kính trọng. Thật khó mà tưởng tượng, trong kỷ nguyên của internet và điện thoại cầm tay, những người ở lứa tuổi này, có thể hoạt động chính trị có hiệu quả tốt.

Bà Suu Kyi cũng lần đầu tiên sử dụng điện thoại cầm tay vào ngày 13-11-2010, đó là ngày bà được trả tự do.
- Trước đây tôi chỉ được nghe nói có điện thoại cầm tay, bây giờ mới được thấy nó. Nhưng tôi vẫn chưa được phép sử dụng , vì chính quyền chưa cho phép- Aung San Suu Kyi kể.

Hary Potter và hai cậu con trai

Hàng ngày các cuộc viếng thăm diễn ra trong văn phòng LMDCMĐ, khi Kim trở về Anh, tôi được đưa vào lịch tiếp khách của bà. Trước khi tiếp tôi, bà đã tiếp những người lãnh đạo của nhóm dân tộc thiểu số Karen. Đã nhiều năm họ đấu tranh vũ trang để giành quyền tự trị. Xếp hàng sau tôi là ê kíp của tuần báo “Time”, đã mấy tuần nay họ như sống giữa ba bức tường, vì bị các nhân viên an ninh theo sát từng bước.

- Chắc chắn là họ cũng theo sát anh, chỉ có điều là anh không chú ý đó thôi. Những người đồng nghiệp nói với tôi.

Tôi có một tiếng đồng hồ để phỏng vấn bà. Bà đưa tiễn con trai ra sân bay, rồi từ sân bay bà đi thẳng về văn phòng. Khi văn phòng nhận được tín hiệu bà đã rời sân bay, tất cả mọi người ùa ra phố, đứng dọc theo hai bên. Khoảng 15 phút sau, chiếc toyota cũ đi đến, Hơn chục thanh niên trong đồng phục màu đen truyền thống chạy vào trong ngôi nhà của văn phòng, đó là đội bảo vệ cho bà Suu Kyi. Sau khi họ kiểm tra trong ngôi nhà, mọi trật tự và an ninh đảm bảo, bà Aung San Suu Kyi bước ra khỏi ô tô. Không lâu sau đó, thư ký của bà mời tôi vào phòng.

- Bà vừa tiễn cậu con trai thứ hai về Anh. Khi nào thì bà lại có dịp gặp lại Kim? Tôi hỏi bà.
- Thật đáng tiếc, chưa biết bao giờ chúng tôi mới lại được gặp Kim. Tôi cũng không biết bao giờ mới được gặp hai đứa cháu nội mà tôi chưa biết mặt. Chúng là con của Aleksandr, con trai đầu của tôi. Bà nói.
- Tôi nghe nói, bà cũng đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này?
- Vâng, tôi đã đọc qua”Harry Potter”(cười). Nếu khi nào mà tôi nhìn thấy các cháu của tôi, tôi phải biết chúng là ai.
- Bà thích thú “Harry Potter”?
- Có vài cảnh thú vị. Tôi nghĩ rằng, điều hay nhất của quyển sách là cái tốt cuối cùng đã chiến thắng.
- Giữa những năm 90, lần đầu tiên các tướng lĩnh đã cho phép bà ra khỏi nhà. Lúc đó bà nói rằng, bà không cảm thấy sự khác nhau giữa bị giam giữ và tự do. Vậy bây giờ có sự khác nhau?
- Khi đó tôi không nói về con người vật chất của tôi, tôi nói về tinh thần và trí tuệ, và lần này cũng vậy thôi. Tất nhiên là quân đội đã cầm giữ tôi trong nhà, nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do.Tôi luôn suy nghĩ độc lập, không theo sự áp đăt của người khác. Tôi chỉ nghe những nhận xét và nếu đồng ý với ai đó, tôi có thể thay đổi những suy nghĩ của mình. Nhưng do tôi quyết định, không phải do người khác ép buộc.
- Bà thật sự vui mừng được trả tự do?
- Tôi không có thời gian để nghĩ đến điều đó. Ý nghĩ đầu tiên khi tôi không bị giam giữ nữa, đó là có quá nhiều việc cần làm! Bắt đầu từ việc nào đây? Tương tự như vậy mỗi lần tôi được thả tự do.

Những kẻ độc tài sợ những nụ cười

Aung San Suu Kyi giữ một khoảng cách rất xa với những gì người ta nói và viết về mình.
Trong một lần tiếp các nhà báo Mỹ, Bà nói: “Tôi lấy làm lạ vì những sự nhầm lẫn về tôi. Người ta coi tôi như một nữ anh hùng, biểu tượng cho ai đó không biết. Những người dân nghĩ rằng, tôi là người cao siêu, bởi không tin được tôi chỉ là người đơn giản như thế này.”
Bà đã ngắt lời tôi khi tôi mới nói chưa hết hai chữ “hy sinh”, để nói về bối cảnh gia đình của bà.
- Tôi đã chẳng bao giờ chú ý là tôi đã làm được gì để ”hy sinh”. Đó là những quyết định của tôi mà tôi chịu trách nhiệm về những hậu quả của nó. Bà nói một cách rất nghiêm chỉnh, sau đó nở nụ cười.

Tôi dừng lại sau nụ cười của bà. Bà cười ngay cả khi nói về cái chết của những người thân hay những lần bị bắt. “Các ông bác” của LMDCMD cười khi kể về công an đã đánh gẫy răng họ như thế nào.

- Nụ cười giúp đỡ cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ- bà nói. Cho đến khi chúng tôi còn có thể cười, chúng tôi là những người tự do. Những kẻ độc tài sợ nụ cười.
- Tại sao?
- Bởi vì họ coi cười là vấn đề nghiêm túc. Đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất của họ. Họ quá bận tâm để ý đến xem nhân dân nói gì. Tôi rất thích ai đó coi tôi như một phụ nữ quê mùa, như một thành viên trong gia đình. Đó thật là một điều tuyệt diệu: được nghe người dân nói, được chuyện trò với họ , được cười nữa. Gía như các nhà độc tài cũng thử làm như vậy, có thể họ thấy thích thú.

Các tướng lĩnh với những con số may mắn

Chiếc trực thăng của chính phủ lượn trên ngôi chùa Szwe Dagon đến 9 vòng. Đó là mùa hè năm 1987. Người khách trên máy bay đội mũ cát, quân phục màu xanh với cặp kính đen. Đó là tướng Ne Win, nhà độc tài với bàn tay sắt của Miến Điện. Bay đến đây để cầu nguyện trước khi đi đến một trong những quyết định quan trọng nhất.
Sau cuộc đảo chính năm 1962, Ne Win lên cầm quyền, chọn Trung Quốc là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên. Khi trở về với một ấn tượng rõ rệt- Thait Oo kể, Tôi không biết chủ nghĩa cộng sản và cách mạng văn hóa đã thu hút Ne Win như thế nào, nhưng chắc chắn cách thức đồng chí Mao tập trung quyền lực trong tay của mình đã làm ông tâm đắc.
Sau khi đi thăm Trung Quốc về mấy tháng, Ne Win công bố chương trình tiến lên chủ nghĩa xã hội của Miến Điện và đã lãnh đạo thực hiện chương trình này đền năm 1988. Ông đã bay trên chùa Szwe Dgon và cầu nguyện cho một trong những quyết định trong quá trình thực hiện chương trình này. Quyết định này là gì?

- Nhà chiêm tinh học nói với cha tôi rằng, số 9 là con số mang lại may mắn cho ông, rằng nếu ông tin và nghe theo ông ta. Trong tình trạng sức khỏe tốt, ông có thể sống đến 90 tuổi. Sau này người con gái được cưng chiều Sandar Win của nhà độc tài Ne Win đã giải thích. Vì vậy ông ta đã lượn chín vòng trên chùa Szwe Dagon, và cũng vì vậy sau này tiến hành cải cách tiền tệ ông ta cho phát hành hai tờ giấy bạc 45 và 90 kia.

Thật vô nghĩa và tồi tệ khi tiến hành cải cách, dẫn đến hậu quả là những công dân từng ngày, từng ngày mất hết số tiền mà họ đã chắt chiu, tiết kiệm được. Họ trở nên nghèo khó với hai bàn tay trắng. Một năm sau đó, Liên Hợp Quốc đã công bố, Miến Điện là một trong những quốc gia lạc hậu nhất thế giới. „Tôi nghĩ rằng, ngay quân đội cũng không còn ủng hộ tướng Ne Win nữa”-Thait Oo nói. Mặc dù vậy, việc ông từ chức vào tháng 07-1988 là một bất ngờ cho mọi người. Ngoài ra, trùng hợp với dự đoán của môt nhà chiêm tinh học khác nói rằng , bốn con số 8 mang lại tư do cho Miến Điện, Đó chính là ngày 8 tháng 8 năm 1988 phe đối lập đã tiến hành các cuộc đình công , biểu tình phản đối . Khi đó tưởng như dân chủ đã ở trong tầm tay.

Thiên An Môn của Miến Điện

Người phụ nữ nhỏ nhắn đứng trước ngôi chùa vàng lớn trong Szwe Dagon. Xung quanh bà, trên các bậc thang, cạnh các tượng phật và các di tích khác, hơn nửa triệu người tụ họp. U Win Tin nhà báo, nhà hoạt động đối lập, người có mặt bên cạnh bà Suu Kyi ngày 26-08-1988 kể lại:”Tôi không biết bao nhiêu người trong đám đông nghe được những gì bà nói, nhưng không nghi ngờ gì, họ tụ tập về đây để được nghe bà nói. Đó là lần đầu tiên bà đọc diễn văn trước đám đông.”

Những người dân có thể không tin hoàn toàn khi bà nói, rằng bà rất kính trọng quân đội, rằng bà vẫn nhớ từ tuổi thơ, nhiều giới chức quân đội đã bồng bà trên tay.
Nhưng ngay sau đó bà tiếp: rằng tướng Aung San đã hứa đem dân chủ về cho Miến Điện, giờ đây dân chủ cần cho Miến Điện hơn bao giờ hết.

- Tôi cũng thấy bất ngờ đối với bản thân mình. Bà trả lời khi tôi hỏi về bài diễn văn nổi tiếng tại Szwe Dagon. Bà kể tiếp: Trước đó mấy năm, tôi theo dõi nhũng gì liên quan đến Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan (CĐĐK-Solidarnosc), tôi rất ủng hộ các bạn và mơ ước một tổ chức tương tự như thế được thành lập tại Miến Điện. Nhưng đứng đầu một tổ chức như vậy thì chẳng bao giờ tôi mong muốn, dù chỉ trong ý nghĩ.
- Chúng tôi phải thuyết phục bà một thời gian dài- U Win Tin kể.- Chính trị đã chưa có chỗ đứng trong suy nghĩ của bà. Tình cờ, bà trở về Miến Điện vào thời gian rối loạn nhất. Cuối cùng bà đã đồng ý và niềm phấn khởi , hy vọng và mong đợi của nhân dân ngày một tăng.
- Trong thời gian này các tướng lĩnh quân đội cũng bị chấn động vì cuộc biểu tình của quần chúng – Thai Oo nói. – Họ đã tập trung lực lượng thành lập chính phủ mới, đứng đầu là viên tướng kỹ trị Than Shwe. Binh lính bắt đầu bắn vào người biểu tình. Ít nhất hơn ba nghìn người chết,nhiều hơn số người chết trong cuộc biểu tình của sinh viên tại Thiên An Môn của Trung Quốc một năm sau đó.
Cuối cùng thì chính quyền mới cũng tìm được giải pháp đối với người con gái kiên cường của vị tướng-người anh hùng của dân tộc Miến Điện. Lần đầu tiên bà bị bắt giam tại nhà.

Hư hỏng nhẹ

Cách đây không lâu, xung quanh ngôi nhà này được bao bọc bởi hàng rào dây thép gai. Quân đội canh gác ngày đêm, chỉ cần chụp một ảnh nhỏ có thể bị bắt giam.
Hiện nay, những thứ kể trên không còn để lại một dấu tích nào. Trên cổng ra vào treo tấm ảnh chân dung tướng Aung Suu, bao quanh là hàng rào tre cao.
Căn nhà do bà Khin Kyi mẹ của bà Suu Kyi mua từ những năm 50. Sau khi chồng chết, rồi người em trai của Suu Kyi chết đuối dưới ao cá cạnh ngôi nhà cũ, gia đình quyết định thay đổi chỗ ở. Căn biệt thự xinh đẹp xây từ thời thực dân, nằm trên bờ hồ Inye đã trở thành nơi ở mới.
Thời thơ ấu Suu Kyi sống ở đây không lâu. Khi mẹ bà trở thành đại sứ tại Ấn Độ, bà đã cùng mẹ rời Miến Điện. Sau đó bà sang sống tại Anh. Trong một lần trả lời phỏng vấn bà kể:”Tôi chỉ cảm nhận đầy đủ về ngôi nhà này, khi năm 1988 tôi trở về chăm sóc mẹ tôi ốm. Tôi cũng không nghĩ rằng, sẽ ở lại đây lâu dài.”

Nội thất trong căn nhà này như thế nào? Tôi phải tin lời nữ nhà báo Mỹ Barbara Victor, người đã thăm bà Suu Kyi trong những năm 90, bà viết “Các bức tường xung quanh ngôi nhà sơn đã bong. Trong nhà, những mảng bẩn lớn do mốc từ tường lan lên trần nhà, có mảng rộng đến mấy mét vuông. Nhiều chỗ vữa đã bong và gạch đã mục nát.”
Đã 21 năm bà Suu Kyi phải tự vật lộn với hệ thống điện quá cũ kỹ, luôn hư hỏng và mái ngói mục nát. Nhưng ngay cả mái mục nát cũng bị trận bão Nargis cuốn đi. Trận bão này cũng đã cướp đi hơn 100 nghìn người dân Miến Điện.
- Sau những năm tháng đầy biến động bà vẫn yêu thích ngôi nhà này? Tôi hỏi bà.
- Tất nhiên rồi. Đây thật sự là nơi phong cảnh đẹp. Tại đây, tôi có nhiều những kỷ niệm đẹp đẽ.
- Bà đã trải qua thời gian bắt giam tại đây như thế nào?
- Lặng lẽ và bình tĩnh. Tôi dậy từ 5 giờ sáng để thiền. Sau đó ăn sáng và để nhiều thời gian để nghe đài, chủ yếu là BBC, tôi muốn biết những tin tức mới nhất trên thế giới.
Sau bữa sáng, tôi cũng đi quanh nhà để xem mọi thứ có trong trật tự không. Tôi có 2 phòng nhỏ nhưng điện đều hỏng, tôi đã phải tự sửa chữa.
- Bà tự sửa chữa điện?
- Chỉ là những hư hỏng nhẹ. Nếu mất điện toàn nhà như một vài lần đã xẩy ra, phải yêu cầu thợ điện thành phố, qua nhiều năm tôi đã học và biết tự sửa chữa.
Căn nhà của tôi rất rộng và cũ, cho nên lúc nào cũng có việc để sửa chữa . Nhiều người lấy làm lạ khi nghe tôi nói là qua nhiều năm bận rộn không có thời gian để thực hiện những dự định sửa chữa.
Đấy, thiếu thời gian, đến giờ mọi người thấy. Hàng ngày tôi có ngần ấy cuộc gặp gỡ, tôi không có thời gian để chú ý xem ngày tháng trôi đi ra sao, không có thời gian để nghỉ ngơi.
- Bà nói về những sự viêc trên đây với nụ cười, dường như không có gì nghiêm trọng xẩy ra trong 7 năm gần đây. - - Nhưng bà đã bị bắt, bị giam cầm, đã có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe?
- Tôi không thích bi kịch hóa các sự việc. Không phải mọi việc tốt, nhưng cũng chưa phải là những sự việc tồi tệ nhất. Trong ngôi nhà của mình vẫn tốt hơn ngồi trong nhà tù.
- Xin bà cho biết, nếu không bi kịch hóa sự việc thì khó khăn nhất của người bị bắt giam tại nhà của Miến Điện là gì?
- Có hai vấn đề. Thứ nhất, tôi rất đau khổ là những người cùng cộng tác và cổ võ mình bị vào tù. Họ đã chịu một sức ép rất lớn. Như U Win Htein, thư ký cũ của tôi mà ông đã làm quen, đã hơn mười năm trong nhà tù, xa gia đình, bị tra tấn, bị giam đơn độc một mình trong phòng kín mấy năm. Đã có hàng nghìn những người bị tù đầy như vậy. Hiện nay chúng tôi có trên hai nghìn tù nhân chính trị.
Tôi cũng rất buồn khổ về các con trai của tôi. Đặc biệt là sau khi chồng tôi chết. Cho đến khi ông còn sống, tôi biết rằng ông làm việc cho các con. Giờ đây thiếu vắng cả bố lẫn mẹ, không biết chúng sẽ lo liệu ra sao.
- Bà vừa được gặp Kim trong hơn mười ngày. Kim đã tự thu xếp như thế nào ?
- Chúng tôi cảm thấy gần gũi như cả cuộc đời.

Bài ca tình yêu ở Oksford

- Cuộc sống của tôi sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu những đứa con trai- bà trả lời như vậy trong một lần phỏng vấn.
Bố của những cậu con trai, Michael Aris chuyên gia về phật học của Anh, Suu Kyi làm quen trong thời gian thời gian học đại học. Bà không muốn ràng buộc với ông, nhưng ông không thất vọng.”Suu Kyi dự định sẽ lấy chồng là một người Miến Điện, tôi đã mất nhiều thời gian thuyết phục Suu thay đổi quyết định này.” Michael đã kể như vậy trong một lần phỏng vấn.
Giữa những năm 70, Aung San Suu Kyi đi New Jork để làm việc cho văn phòng Liên Hợp Quốc. Aris là giáo viên của triều thần vua Bhutan. Sự kiên trì trong tình yêu của Aris đã mang lại kết quả: trong 2 năm nhận được 187 thư của Suu.
Ngay từ đầu bà đã xác định, rằng có thể một ngày nào đó bà sẽ phải trở về Miến Điện và hỏi Michael, liệu sau này có ủng hộ quyết định như vậy của bà không – Anthony Aris, người anh chồng của bà kể.
Trong một lá thư gửi cho Mchael, cuối thư bà viết: ”Sự lo ngại của em là không cần thiết, ngay khi chúng ta yêu nhau mãnh liệt, chúng ta đã gắn bó với nhau, em tin rằng cuối cùng thì tình yêu của chúng ta sẽ chiến thắng.”
Không lâu sau đó bà đã bay đến Bhutan và cùng Michael quyết định tổ chức đám cưới.
Hơn 10 năm bà Aung San Suu Kyi sống với chồng tai Oksford, Michael làm công tác nghiên cứu.”Suốt cả thời gian chung sống, tôi đã cảm thấy bài ca tình yêu sẽ không vĩnh cửu. Những gì xẩy ra tại Miến Điện ngày một xấu, Suu cảm thấy bổn phận đối với tổ quốc của mình.”
Aris đã tâm sự như trên với các nhà báo Anh.

Không thể chữa bệnh bằng chi phí của Miến Điện

Bà Suu Kyi đã nhầm lẫn khi viết trong một lá thư, rằng tình yêu sẽ chiến thắng.
Lần cuối cùng bà gặp Michael trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1995. Lúc đó các tướng lĩnh cho phép ông vào Miến Điện vì nghĩ rằng ông sẽ thuyết phục được bà từ bỏ chính trị, trở về với mái ấm gia đình.
Một năm rưỡi sau đó, Aris được bác sỹ cho biết, ông bị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối, Hội Đồng Tướng Lĩnh Miến Điện khẳng định, không cho phép cho ông vào Miến Điên để thăm bà Suu Kyi lần cuối. Mặc dù Liên Hợp Quốc, giáo hoàng Jan Paolo II và nhiều nhà chính trị khác trên toàn thế giới kêu gọi, chính quyền quân sự Miến Điện vẫn không thay đổi quyết định. Tờ báo Ánh Sáng Mới Miến Điện viết:”Ông ta muốn tận dụng việc chữa bệnh bằng quỹ y tế của nước Miến Điện nghèo khó.”
- Aung San Suu Kyi có thể đi Luân Đôn bất cứ lúc nào-người phát ngôn của các tướng lĩnh Miến Điện nhắc lại mỗi khi có cơ hội. Vì họ biết rất rõ bà không bao giờ đi, vì các tướng lĩnh sẽ không cho bà trở lại Miến Điện.
Michael Aris mất ngày 27-03-1999 , ngày sinh nhât thứ 53 của ông.

Kẻ độc tài ra đi

Tướng Ne Win đã sống đến tuổi mà nhà chiêm tinh học đã tiên đoán cho ông ta, ông mất tháng 12-2002, thọ 91 tuổi. Nhưng một tháng trước khi chết, ông đã bị bắt giam tại nhà. Tướng Than Shwe và các cộng sự đã kết án con rể và ba đứa cháu của nhà độc tài tội tham nhũng và gia đình trị. Ba đứa cháu của Ne Win đã bị kết án tử hình, sau đươc giảm xuống tù chung thân.
Những người Miến Điện cho rằng, đó là sự trả thù của tướng Than Shwe đối với Ne Win, vì sau khi rời chức vụ nhiều năm, Ne Win vẫn tiếp tục “đá hậu” Than Shwe. Quan hệ giữa các cá nhân trong Hội Đồng Tướng Lĩnh Miến Điện là mối quan hệ không an toàn và nghi kỵ lẫn nhau, một trong những tài liệu do Wikileak đã công bố mới đây đã nói về mối quan hệ đó. Các nhà ngoại giao Ấn Độ ghi nhận rằng, trong dịp đi thăm Ấn Độ, tướng Than Shwe đã mang theo vợ của hai tướng lĩnh khác, như một hình thức cầm giữ con tin. Vị tướng độc tài sợ rằng, trong thời gian ông ta vắng mặt tại Miến Điện, các tướng lĩnh ở nhà sẽ làm đảo chính.

Thait Oo kể: “Sandar Win, con gái của tướng độc tài Ne Win, mẹ của ba người con trai vừa bị kết án tử hình, cũng vừa hết hạn bắt giam tại nhà, hàng ngày ngồi nhà với con chó và người đầu bếp, trong ngôi nhà nằm ở phía bên kia bờ hồ Inye. Thật là sự trùng hợp khác thường của lịch sử, hai người con gái của hai người anh hùng cùng đấu tranh giành độc lập của Miến Điện, sống ở trên bờ của cùng một cái hồ, trong cùng thời gian bị bắt giam tại nhà về hai tội danh khác nhau.”

Metta-hạnh phúc cho bạn bè

Nhiều người cho rằng, giống như các tướng lĩnh, Sandar Win căm thù Aung San Suu Kyi. Họ ghen tỵ với những tình cảm yêu thương và kính trọng mà những người dân Miến Điện dành cho bà Suu Kyi. Những tình cảm này bắt nguồn từ đâu? Chắc chắn là một phần từ tình cảm đối với tướng Aung San, phần nữa là do những hoạt động, những cống hiến của bà cho cuộc đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân Miến Điện.
Với tư cách một nhà chính tri, bà hâm mộ Mahatma Gandhi, bà mong muốn thay đổi xã hội như ở Nam Phi và một số quốc gia thuộc Đông Âu. Bà kết hợp đường lối của các cuộc cách mạng nói trên với nguồn cảm hứng tâm linh phật giáo, đặc biệt thức tỉnh lòng nhân ái của con người.
Để thực hiện tư tưởng trên đây của phật giáo, đầu tiên thiền để mang tình yêu thương đến cho bản thân, sau đó cho bạn bè và những người thân, sau cùng là cho những người không phải bạn bè. Thait Oo giải thích và cho biết, đa số những người Miến Điện hàng ngày đều thiền.
- Thiền đã giúp tôi sống qua được những năm trong nhà tù. Nếu như không có metta, hôm nay có thể tôi đã trở thành con người mất hết lòng tin, già nua, căm thù tất cả mọi người. Ngay cả các tướng lĩnh, tôi cũng chúc họ những điều tốt lành. Tôi chỉ mong muốn họ trả lại chính quyền cho nhân dân. U Win Htein bộc bạch.
- Tất cả đều rất đep, nhưng chắc chắn sẽ có khó khăn. Chương trình của LMDCMĐ ngoài vấn đề tâm linh phật giáo, có thể tóm tắt: Đầu tiên là dân chủ, sau đó sẽ xem xét sau. Johannes, người bạn Đức nói với tôi.
Tất nhiên là khó nói đến những ý tưởng cụ thể để lãnh đạo quốc gia.
Kinh tế? Bà Suu Kyi không phải là tín đồ của chủ nghĩa tư bản. Nhưng lấy hình thái kinh tế nào để thay thế cho mô hình già cỗi của Miến Điện hiện nay? Thật khó trả lời.
Các dân tộc thiểu số? Miến Điện có 40% dân số là dân tộc thiểu số, nói 135 thứ tiếng khác nhau. Ít nhất có 4 dân tộc đòi hỏi quyền tự trị.
LMDCMĐ tuyên bố, cần thiết chung sống hòa bình với các dân tộc thiểu số, nhưng không được phá vỡ sự thống nhất quốc gia.
Trong thời gian có mặt tại văn phòng của LMDCMĐ, tôi đã cố gắng hỏi về những điểm đặc biệt trong chương trình hiện tại của đảng.
- Làm sao chúng tôi có thể có một chương trình rõ ràng, cụ thể khi mà bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể vào tù ? Một trong những người lãnh đạo đã phản đối câu hỏi của tôi. Ông nói thêm: Chúng tôi ra khỏi nhà tù sau 5 năm, 7 năm, 10 năm, tình hình đã thay đổi rất nhiều, những ý tưởng cũ của chúng tôi không phù hợp với tình hình mới.
Thait Oo: “Không biết chính quyền mới được dựng lên có đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề của Miến Điện không. Nhưng tình hình không cho phép họ điều hành chính quyền kém hơn các tướng lĩnh trước đây. Dưới thời tướng Aung San, chúng tôi đã là một quốc gia giầu có nhất trong vùng. Hiện nay chúng tôi là một quốc gia cổ lỗ, nghèo khó bị chê cười”.

Aung San Suu Kyi phải là thủ tướng

Ngôi nhà của văn phòng LMDCMĐ có hai tầng.
Tầng trệt có thể vào tự do. Tại đây có thể mua ảnh của bà Suu Kyi, áo phông có in ảnh của bà, những bức tranh nhỏ và ngay cả đồ nữ trang.
Tầng một là nơi không được vào tự do. Muốn lên phải được một trong „những ông bác”dẫn đường. Các cán bộ lớn tuổi, thành phần chủ chốt của LMDCMĐ ngồi ở đây. Một số người tôi đã làm quen.
U Win Tin nhà báo độc lập đầu tiên. Chính quyền đã đóng cửa các tờ báo nối tiếp của ông. Khi ông bị vào tù, tất cả các tổ chức nhà báo trên toàn thế giới đã đấu tranh, đòi chính quyền quân sự thả ông ngay lập tức. Tuy vậy ông đã 20 năm trong các nhà tù.
U Win Htein là một sỹ quan cao cấp của quân đội. 50 tuổi ông về hưu và cũng như nhiều sỹ quan về hưu khác, ông bắt đầu kinh doanh.
- Công việc kinh doanh của tôi phát triển tốt, công ty của tôi nhận xây dựng các công trình lớn. Tôi có 4 chiếc ô tô, nhà ở ngoại thành. Thật sự tôi chẳng thiếu thốn một thứ gì. Nhưng tại sao tôi lại trở thành nhà hoạt động đối lập ư? Đó là một câu hỏi hay, nhưng thật khó trả lời. -U Win Htein kể.
U Tin Oo đã giữ chức tham mưu trưởng quân đội Miến Điện. Ông kể: ”Trong những năm 70 tôi nhận ra rằng, hệ thống lãnh đạo không đủ khả năng quản lý xã hội. Tôi lên tiếng công khai phê phán một số chính sách và đưa ra các giải pháp, nhưng không ai muốn nghe. Sau một thời gian họ cách chức tôi và đuổi tôi ra khỏi quân đội, kết tội vợ tôi tham nhũng.” Đó là một người trong bộ máy lãnh đạo, muốn thực hiện sự thay đổi hệ thống lãnh đạo và trở thành một nhà đối lập.

Năm 1988 chính U Tin Oo, U Win Tin và một số nhà hoạt động đối lập đã thuyết phục bà Suu Kyi tham gia hoạt động chính trị. “Chúng tôi cần một người để lôi cuốn quần chúng. Tuy vậy, chúng tôi đã không lường hết được là quyết định này đã gây khó khăn cho cuộc đời bà và cả chúng tôi.” U Win Tin nói với tôi.
Năm 1990, những người lãnh đạo quan trọng nhất của LMDCMĐ do bà Suu Kyi đứng đầu bị bắt vào tù, chính quyền quân sự công bố tiến hành bầu cử. Theo Thait Oo, không ai giải thích được tại sao giới quân sự lại cho bầu cử, và cuộc bầu cử đã được tiến hành thật sự tự do.
Bà Suu Kyi trong cuộc nói chuyện với các nhà báo Mỹ đã nói:”Có thể các tướng lĩnh không dự đoán đựơc thất bại. Họ muốn nắm cả quốc hội, và qua đó chính quyền vẫn trong tay họ. Khi họ thấy số phiếu của mình không được đa số, như thường lệ, họ trở nên điên cuồng.”
U Tin Oo: Giới quân sự không bao giờ cho phép quốc hội này họp. Từ thời điểm đó, chúng tôi đấu tranh đòi hỏi họ công nhận kết quả bầu cử năm 1990 để bà Suu Kyi giữ chức thủ tướng, nhưng đến nay vẫn không có kết quả.

Jaruzelski hãy đến Miến Điện

Trong văn phòng của bà Suu Kyi- người mà lẽ ra đã giữ chức thủ tướng- chỉ có những dụng cụ rất khiêm tốn. Một cái bàn giấy nhỏ, bốn chiếc ghế và một đi văng. Bà Suu Kyi mặc ào màu cam, tóc đính hoa sen.
- Ở Ba Lan chúng tôi, những thay đổi quan trọng nhất đã bắt đầu từ Hội Nghị Bàn Tròn. Chính quyền đã hiểu rằng, họ không đủ khả năng giải quyết những vấn đề xã hội, đã mời đối lập đến để bàn bạc, tìm giải pháp.
Bà có thể hình dung một Hội Nghị Bàn Tròn như vậy tại Miến Điện?
- Vâng! Miến Điện cần một sáng kiến tương tự như vậy. Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần một người như tướng Dzarazu…hãy giúp tôi…
- Jaruzelski.
- Đúng thế. Tôi rất mong muốn tướng Jaruzelski khi nào đó , có thể đến Miến Điện. Ông sẽ giải thích cho các tướng lĩnh của chúng tôi, tai sao nên ngồi vào bàn để thương lượng với phe đối lập.

Tôi đã nói chuyện với U Tin Oo, người đã từng là tướng trong quân đội, ông nói: chúng tôi biết những điều tốt đẹp của dân chủ, vì vậy không có gì bất bình thường, khi chúng tôi đấu tranh vì nó. Các tướng lĩnh không biết điều này. Trong tương lai, nếu họ cùng ngồi vào bàn với chúng tôi, đó sẽ là một hành động anh hùng thật sự.
- Bà có thể hình dung một hội nghị bàn tròn và bà sẽ ngồi cạnh các tướng lĩnh để bàn thảo?
- Tất nhiên rồi, càng sớm càng tốt! Đối với tôi, không có khó khăn nào. Tôi biết rằng, có thể tìm một giải pháp tốt nhất cho các tướng lĩnh. Tôi đã môt vài lần găp họ. Lần đầu khi tôi nhận Giải Thưởng Hòa Bình Nobel.
Lần tiếp theo, năm 2004 , chúng tôi đã tiến hành thảo luận sâu rộng để đảng của chúng tôi tham gia chính quyền. Các cuộc thảo luận không đem lại kết quả, nhưng tôi không có bất cứ một khó khăn nào để gặp gỡ, nói chuyện với các tướng lĩnh. Bố tôi đã là một tướng lĩnh và từ khi còn nhỏ tôi đã rất kính trọng quân đội.
- Có thể họ sợ rằng, họ sẽ phải thanh toán với những năm tháng họ cầm quyền?
- Bởi vây họ cần thiết nói chuyện với chúng tôi! Để họ hiểu rằng, chúng tôi không muốn trả thù họ. Chúng tôi mong muốn cùng với họ xây dựng đất nước.Tôi luôn luôn nói với các tướng lĩnh: họ hãy tiến hành dân chủ hóa đất nước , dân chủ thật sự chứ không phải dân chủ bề ngoài, cả đất nước sẽ tôn sùng họ như những anh hùng. Thời gian vẫn chưa muộn đối với họ.

Warszawa 02-2010
Nguồn: Nhật báo WYBORCZA Ba Lan
Bản tiếng Việt
© Đinh Minh Đạo
© Đàn Chim Việt Online
.
.
.

No comments: