Sunday, March 13, 2011

NHỮNG KẺ NÀO PHẢN ĐỐI QUỐC TẾ CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC CỦA MỘT QUỐC GIA?

NGUYỄN TRẦN SÂM
10/03/2011

Trong những ngày này, cuộc chiến giữa một bên là quân nổi dậy cùng nhân dân lao động Libya và bên kia là các lực lượng trung thành với tên mặt chó ngao Gaddafi đang diễn ra ác liệt.

Việc đánh đổ chính quyền của Gaddafi đã không đơn giản như người ta tưởng lúc đầu. Gaddafi và vợ con hắn ghê gớm hơn Ben Ali và Mubarak rất nhiều. Thương vong của cả hai phía đang tăng lên. Quân khởi nghĩa rõ ràng đang gặp những khó khăn do chưa được tổ chức chặt chẽ và chưa được trang bị vũ khí – khí tài hiện đại như quân của Gaddafi. Nếu không có sự can thiệp kịp thiệp kịp thời từ bên ngoài thì lực lượng nổi dậy sẽ phải chịu những thất thiệt to lớn.

Những cuộc can thiệp quân sự trước đây của Hoa Kỳ và đồng minh vào một số quốc gia có nền chính trị cực đoan đã không diễn ra như kịch bản mà các tổng thống Hoa Kỳ dự kiến. Chúng thường kéo dài, gây tổn thất nhiều cho nền kinh tế và uy tín của quốc gia này, đặc biệt là những lần can thiệp không có sự đồng thuận quốc tế rộng rãi. Vì vậy mà lần này, mặc dù rất muốn hất gia đình Gaddafi xuống Địa Trung Hải, tổng thống Barack Obama vẫn không dám liều lĩnh đơn phương can thiệp quân sự vào Libya. Thậm chí cả NATO cũng không dám làm việc đó mà không được Liên Hợp Quốc cho phép.

Trở ngại chính đối với việc can thiệp vào Libya hiển nhiên là quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc. Các nước khác cũng phản đối can thiệp đều là những quốc gia thân với hai nước này.

Vì sao những quốc gia này phản đối việc can thiệp? Có hai lý do chính cho việc phản đối. Thứ nhất, các nước phản đối là những nước chưa thực sự có nền dân chủ. Sự cai trị của chính quyền các nước này chủ yếu dựa vào sức mạnh, vào sự đàn áp những lực lượng đối lập. Họ biết rằng ở nước họ cũng có rất nhiều tầng lớp dân chúng bất bình với họ. Họ biết rằng kiểu cai trị của họ cũng gần giống như của những Ben Ali, Mubarak, Gaddafi,… Đối với họ, việc hợp thức hóa can thiệp quân sự của cộng đồng quốc tế vào một quốc gia là vô cùng nguy hiểm, vì nó tạo ra tiền lệ để quốc tế có thể can thiệp vào chính nước họ. Thứ hai, họ sợ rằng sau khi chính quyền độc tài hiện tại ở các nước kia bị lật đổ thì họ sẽ mất đi những hợp đồng làm ăn béo bở và ảnh hưởng của họ ở những khu vực đó cũng sẽ mất theo.

Chính vì vậy, họ luôn đòi xem biên giới quốc gia là tuyệt đối, luôn hô hào về quyền bất khả xâm phạm của quốc gia và lớn tiếng đòi không “can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.

Chẳng cần lý luận gì cao siêu cũng có thể thấy ngay rằng lý thuyết về sự tuyệt đối hóa biên giới quốc gia là không chấp nhận được. Bởi nó sẽ ngay lập tức phủ nhận công lao của Liên bang Soviet và đồng minh đã cứu nhân loại khỏi họa phát-xít, phủ nhận công lao của Việt Nam đã cứu dân tộc Campuchea khỏi họa diệt chủng. Quân Nga và đồng minh liệu có thể tiêu diệt bọn phát-xít nếu không vượt ra khỏi biên giới quốc gia nước họ? Quân đội Việt Nam liệu có thể đuổi bọn Pol Pot ra khỏi Campuchea nếu “không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”?

Và hãy nhớ rằng chính một tập đoàn những kẻ hay dùng quyền phủ quyết để chống lại việc can thiệp lại là những kẻ đã xua quân sang nước ta để hòng “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Vậy, những kẻ lớn tiếng phản đối sự can thiệp quốc tế vào những nơi mà người dân đang bị chính quyền chà đạp chính là những kẻ cũng đang chà đạp nhân dân.

NGUYỄN TRẦN SÂM
.
.
.

No comments: