Wednesday, March 16, 2011

NHỮNG BIẾN ĐỘNG TRONG TUẦN SẼ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN VIỆT NAM ?

Đoàn Hưng Quốc
Đăng ngày 16/03/2011 lúc 18:12:53 EDT

Nước Nhật bị ảnh hưởng tai hại bởi 3 sự kiện liên tiếp: động đất, sóng thần và nguy cơ tại các lò điện hạch nhân. Các ước tính đầu tiên đánh giá thiệt hại trên 180 tỉ USD. Rủi ro tệ hại nhất là thêm một cơn bão hay sóng thần khiến phóng xạ lây lan đến mức phải sơ tán Tokyo và các vùng lân cận.

Nhật là một trong các nước viện trợ và đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, nên con số này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều trong 1-2 năm sắp tới khi Nhật tập trung tái thiết. Nhật đang dự trù tăng cường sự hiện diện tại vùng Đông Nam Á để đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc; kế hoạch này sẽ chậm lại tạo ra kẽ hở để Bắc Kinh khai thác.

Điểm tín dụng của Việt Nam ngày càng bị hạ thấp trong hoàn cảnh Âu-Mỹ-Nhật không thể giúp đỡ nhiều vì kinh tế bị trì trệ hay khủng hoảng. Trung Quốc có đủ điều kiện để: (a) thúc đẩy các biến động về lương thực, năng lượng, ngoại tệ, chứng khoán và địa ốc nhằm gia tăng áp lực lạm phát; (b) mở ra lối thoát ngắn hạng qua các khoản cho vay và đầu tư chiến lược về điện, đường sắt, quặng mỏ; (c) siết chặc dài hạn thị trường Việt Nam vào Trung Quốc và khu vực đồng Nhân Dân Tệ.

Hoa Kỳ sẽ ưu tiên giúp Nhật Bản tái thiết và bảo vệ an ninh vùng Đông Bắc Á trong trường hợp Bắc Hàn và Trung Quốc thừa nước đục thả câu. Ngược lại nếu Bắc Kinh chọn chiến lược ngoại giao tầm xa, hoà hoãn và giúp đỡ Nhật trong hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo quyền lực mềm đánh bật ảnh hưởng của Mỹ [1] sẽ càng khiến Hoa Kỳ lo ngại và nỗ lực đối phó.

Nói tóm lại 2 năm tới đây sẽ vô cùng quan trọng cho vùng Đông Bắc Á trong lúc nước Nhật bị suy yếu và Bắc Hàn thay đổi lãnh đạo. Liệu Mỹ-Nhật còn đủ khả năng để tranh giành ảnh hưởng toàn vùng Đông Nam Á hay chỉ chú trọng vào một vài ưu tiên chiến lược (như Nam Dương, Phi Luật Tân)? Câu trả lời sẽ dựa vào các thực tế là tiền và nhân vật lực.

*

Có thể là còn quá sớm, nhưng làn sóng của Cách Mạng Hoa Lài dường như đang rút lui sau khi đã thành công tại Tunisia và Ai Cập.

Binh lính của nhà độc tài Ghadaffi tiến vào những vùng đất bị quân cách mạng chiếm đóng. Cuộc nổi dậy tự phát tại Bahrain biến thể thành nơi tranh chấp quyền lợi chiến lược khi Saudi Arabia (Hồi Giáo Sunni) đưa quân đội can thiệp bảo vệ an ninh để đối trọng với âm mưu giành chính quyền của Iran (Hồi Giáo Shiites)

Hoa Kỳ đang rơi vào một bàn cờ phức tạp chưa từng thấy:

1. Giúp đỡ Tunisia và nhất là Ai Cập xây dựng một nền dân chủ vững mạnh dung hoà Hồi Giáo với các giá trị về nhân quyền và tự do (!);

2. Giải toả nỗi bất mãn của giới cầm quyền tại Saudi Arabia và Bahrain rằng Mỹ đã bán đứng đồng minh thân cận trong 40 năm là tổng thống Mubarak;

3. Mặt khác, phải tăng cường đối thoại với thành phần cấp tiến và thúc đẩy các bước cải tổ xã hội vì làn sóng tranh đấu dù chậm lại nhưng không chấm dứt, và vì nhà vua già nua của Saudi Arabia sẽ ra đi một ngày không xa;

4. Quan trọng nhất là Mỹ không thể bị xem lỡ chuyến tàu dân chủ vì những quyền lợi chiến lược tại Trung Đông;

5. Ngăn chận Iran liên kết với Syrie và bành trướng thế lực sang Lebanon, Bahrain, Iraq;

6. Ngăn chận Iran đẩy mạnh chương trình nguyên tử để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ hay Do Thái;

7. Ổn định và xây dựng dân chủ tại Iraq;

8. Không để tranh chấp Do Thái – Palestine bùng nổ trong hoàn cảnh Trung Đông vô cùng bấp bênh;

9. Xa hơn nửa là bảo đảm tình hình an ninh tại Afghanistan và Pakistan.

Điều tạm gọi là may mắn, rằng các biến cố tại Nhật Bản và hiện trạng (status quo) tại Trung Đông giúp giá dầu thô ổn định không tạo thêm một cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

*

Trong thập niên 1970 khi Mỹ phải đối phó với bốn trọng điểm Âu Châu & Trung Đông & Đông Bắc Á & Đông Nam Á họ đã chọn lựa rút lui ra khỏi ba nước Đông Dương.

An ninh châu Âu nay đã bảo đảm (cho dù còn những tranh chấp với Nga). Đâu là ưu tiên chiến lược giữa ba vùng còn lại Trung Đông – Đông Bắc Á – Đông Nam Á, nhất là trước một Trung Quốc đang nổi dậy?

Hoa Lục hiện chiếm giữ nhiều ưu thế chiến lược nhất trong số các cường quốc:

1. GDP nhảy vọt qua mặt Nhật Bản tiến lên hàng thứ nhì vào năm 2010;

2. Qua mặt Hoa Kỳ, đứng hạng nhất về sản xuất toàn cầu vào tháng 3-2011 [2];
3. Trữ lượng ngoại tệ 3000 tỉ USD để đối phó với lạm phát và các biến động kinh tế trên thế giới; dùng đó làm vũ khí trong các cuộc thương lượng với Mỹ;

4. Phát triển xuống vùng Đông Nam Á và Phi Châu trong lúc Âu-Mỹ-Nhật đều suy yếu;

5. Khai thác cơ hội đầu tư với các nhà nước mới tại Trung Đông vốn là khu vực truyền thống và huyết mạch của Âu-Mỹ-Nhật;

6. Tiếp tục hỗ trợ Iran và Bắc Hàn để làm hao mòn tiềm năng của Hoa Kỳ tại Trung Đông và Bắc Á.

Dù vậy, Bắc Kinh vừa mừng vừa sợ nên phản ứng hốt hoảng và quá độ trước những lời kêu gọi vu vơ cho biểu tình “đi bộ”. Lý do vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ hơn ai hết là dù họ thành công rực rỡ về chính trị kinh tế nhưng đã bị con tàu dân chủ bỏ rơi.

Thế giới ngày này không còn chỉ nằm trong các toan tính địa chiến lược của các siêu cường mà còn thay đổi theo thông tin, ý thức của dân chúng và các vấn đề môi trường. Nói cho cùng, nhà nước toan tính nhưng Trời (hay lòng dân) quyết định.

Đoàn Hưng Quốc

[1] "In Japanese Quake Disaster, a Chinese Opportunity", Tạp chí Atlantic 03-11-2011:.
[2] "China Ends America’s Century Old Manufacturing Dominance", Yahoo! Finance, 4/03/2011.

© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: