Wednesday, March 23, 2011

NHẬT KÝ 2011 (TUẦN IX - XI) - Vương Trí Nhàn

Vương Trí Nhàn
23-03-2011

1-3
ĐẾN QUÁ MUỘN

Tạp chí Văn học nước ngoài ra được mười lăm năm, 180 số. Nhìn vào mục lục thấy bao nhiêu thứ mà giá ngày xưa, trước 1975, trong cảnh bị bưng bít , thì dân viết văn đã vồ lấy để đọc. Nay thì không mấy người đọc. Cái mà xã hội hôm nay chuộng là những cái đàng điếm trước mắt. Theo sự quay cuồng của thị trường, người làm văn chương không còn đủ bình tĩnh để mà đón nhận những gì thật hạt những gì sâu xa những gì thực sự là bền vững trong cái trôi chảy của đời sống hiện đại. Những cuộc gặp gỡ muộn mằn chẳng có thể gây ra hiệu quả gì đáng kể.
Tôi đã tính thử làm cái việc là lần hồi kể lại một ít kỷ niệm về sự thâm nhập của văn học thế giới vào đời sống văn học Hà Nội từ sau 1954 mà mãi không bắt đầu được. Dù viết gì, thì cũng chỉ nhắc một điều, lúc xã hội mở cửa thì một số chúng tôi không đủ sức để tiếp nhận những gì cần thiết nữa. Nền văn học này đã văng ra khỏi dòng chảy của cái mạch chung và từ ngoài nhìn vào hẳn thấy ngay cái tình thế lạc lõng của ta trên thế giới..

3-3
LAN RA THEO CHIỀU RỘNG
Phát triển ở ta bây giờ là thế này: Thiếu cán bộ có trình độ đại học ư? Thì cho phép thả cửa mở ra vài trăm trường. Nhưng trường không có thầy, thầy không biết dạy, cơ sở nửa đời nửa đoạn, tiên thiên bất túc. Bây giờ “chổng mông lên mà gào”, tranh nhau lôi kéo, miễn sao dụ được đám học sinh các trường trung học phổ thông vừa tháo khóan đỗ tốt nghiệp gần 100% mỗi năm vào để thu học phí cao.
Bởi các trường là gì – phần lớn chỉ là những công ty những xí nghiệp lo kiếm ăn trên cái đói nghèo lạc hậu của VN.
Từ chỗ chỉ có 900 ngàn bây giờ có tới 1,6 triệu SV. Một mạng nước ngoài viết: mặc dù Việt Nam có tỷ lệ biết chữ rất cao-- 90% dân số-- nhưng các trường đại học của nước này lại đã bỏ phí hàng thập kỷ vào việc dẹp bỏ dạy dỗ kỹ năng cứng (hard skill, nghĩa là khả năng chuyên môn, sự thành thạo về chuyên môn ) mà ưu tiên khả năng ghi nhớ như vẹt và học các lý thuyết cổ lỗ.
CÓ MÀ KHÔNG KHÔNG MÀ CÓ
Sau chiến tranh, còn ai tha thiết phát triển hơn chúng ta. Vừa hiểu rằng đó là một nhu cầu thì lại cảm thấy ngay là không cách gì biến cái nhu cầu đó thành hiện thực.
Có lẽ vì thế mà chúng ta thường kêu tướng lên vì đủ mọi điều vu vơ. Sống nhiều với những khái niệm nhập khẩu, cứ tưởng rằng hiểu. Thích mơ đến những cái tốt đẹp, cứ đinh ninh rằng mình cũng có, rồi mình sẽ khá hơn, rồi mình sẽ bằng người. Thế nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy rằng chúng ta đã đánh mất một cái gì rất lớn trong chiến tranh và cuộc mưu cầu hạnh phúc hôm nay biến thành một câu chuyện “ vay nợ để mà trụy lạc”, sự hiện đại hóa đến muộn chỉ sinh ra những kỳ dị.
Sau đây là hình ảnh về cái kỳ dị đó, lấy từ một mẩu tin trên báo:
Chuyện bắt đầu vào trước Tết Nguyên đán, một người dân ở Làng Trui, xã Ba Tiêu huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi trong lúc ngồi uống rượu bỗng hứng chí “bật mí” rằng: Có lần nghe cha mình nói là quan tài chôn ông nội được làm bằng gỗ huỳnh đàn.
Chẳng bao lâu sau, tin này lọt đến tai một trùm thu mua huỳnh đàn trong huyện. Ban đầu X từ chối thẳng thừng, nhưng sau nhiều lần nghe ông trùm gạ gẫm sẽ trả rất nhiều tiền để mua nên anh đã đồng ý, với điều kiện phải có một chiếc quan tài mới để thay vào; đồng thời mua trâu, rượu đến cúng thì mới chịu đào lên bán.
Và từ đó, "cơn sốt" huỳnh đàn đã bị thồi bùng lên.

4-3
ÂM U BÓNG TỐI
Có lần đọc tin thấy HN có lễ hội đường phố. Xưa VN có loại hình này đâu, bây giờ thấy các nước bên Âu Mỹ người ta làm nên cũng bắt chước .
Bắt chước, học đòi, hình như chúng ta bây giờ mới tập làm người ?
Nhiều việc học đòi đã diễn ra trên phạm vi rộng, học mà không cần biết là có hợp với mình không. Cuộc sống mù lòa cuốn đi. Làm văn hóa hiện nay là kéo người ta đến những địa điểm công cộng làm vài trò múa hát rồi nhân đó bán hàng.
Cho đến cả việc bầu chọn quốc hoa quốc tửu cũng vậy. Ai đó đã nói hụych toẹt-- Cẩn thận! nếu không chúng ta sẽ trở nên lẩn thẩn.
Nhớ mấy câu thơ về tình trạng nước đôi của đời sống, tôi đọc từ đâu đó :

Trời hôm nay vừa mưa vừa nắng
Mây hôm nay vừa trắng vừa đen
Nước hôm nay vừa trong vừa đục
Biển hôm nay vừa động vừa yên

Còn đây, nhân việc thông báo rằng sông Hồng không chỉ ô nhiễm mà còn có nguy cơ ngập mặn và cạn kiệt, một nhà khoa học lưu ý một điều đơn giản “ một con sông là một cơ thể sống, nó cần một lưu lượng nhất định để sinh tồn, để duy trì hệ sinh thái của mình. Chỉ mất đi một lượng nước nhất định cũng có nghĩa là con sông đó sẽ suy thoái và chết dần. “

9-3
NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT
Luôn luôn đọc thấy những chuyện kỳ cục kiểu như thế này
* Trưởng thôn Đọi Nhất (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) ông Trần Kim Hạ cho hay: "Cả thôn chỉ có 800 nhân khẩu với khoảng 200 nóc nhà mà tính sơ sơ cũng đã hàng chục người bị điên. Đấy là số còn sống, chứ nếu tính cả những người đã vĩnh biệt cõi trần thì khá nhiều. Không biết làng tui ăn phải cái gì mà lụi bại dần mòn ghê gớm như vậy?".
* Đinh tặc rải gần nửa tấn đinh, vật nhọn khắp thành phố HCM.Trong đó, riêng Đội xung kích chống rải đinh Q.Thủ Đức, từ tháng 9.2010 đến nay đã thu gom khoảng 260kg đinh và vật nhọn, gây nguy hiểm cho người đi đường. Còn Đội xung kích Q.9 thì thu gom được gần 100kg đinh và vật nhọn.

* Trộm tiền tỷ để đi làm từ thiện. Sau khi cuỗm được gần 3 tỷ tại chùa Hàm Long ở TP Bắc Ninh, thủ phạm trích 100 triệu đồng đi ủng hộ cho một số tổ chức cùng người lang thang, cơ nhỡ. Số còn lại, anh ta mang đến trao trả lại nhà chùa.Tại phiên tòa, thủ phạm bật khóc và được các nhà sư chùa Hàm Long tha thiết xin giảm án.
-- Hà Nội bò lê bò càng cứu cụ rùa Hồ Gươm một bài báo nước ngoài có cái đầu đề như vậy.

11-3
GHI CHÉP TỪ CÁC CHUYÊN KHẢO
VỀ XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Theo A. Touraine, tính hiện đại có thắng ở lý trí hoá con người thì lại bại ở chủ thể hoá con người. Phải có chiến lược hiện đại hoá mang tính nhân văn.
Tự do là “biết được khả năng vùng vẫy đến đâu trong sợi dây tất yếu”
Sự giả dối là bạn song hành của hèn nhát và mặc cảm.
Kafka nói tới những tội lỗi mỗi cá nhân.Orwell nói tới sự lãng quên trong một xã hội phi cá nhân, nơi ký ức bị nhào nặn và xuyên tạc. Lịch sử trở thành một công cụ của quyền lực.
Con người nước đôi biết đưa nhận hối lộ là xấu, vẫn cứ làm. Lý do tất cả đều làm thế.
Tất cả đều giả vờ. Chúng tôi giả vờ làm việc, họ giả vờ trả lương. Họ giả vờ là đạo đức của giai cấp vô sản, là dân tộc. Chúng tôi giả vờ tin điều đó. Sự giả vờ đó được coi là thiêng liêng. Họ để cho bạn căm ghét nhưng bạn không được lật tẩy họ, bảo họ diễn; bạn phải diễn với họ.
Dân đen hạnh phúc trong ngu dốt và tự do
Không chọn tự do, họ chỉ cần bánh mì, không cần trí thức.

12-3
NHANH &CHẬM
Đọc một bài người Trung Quốc viết về Bắc Triều Tiên, thấy kể ở đó chỉ có một đường cao tốc, nhưng số lượng xe qua lại rất ít, trung bình khoảng 20 phút mới gặp một xe. Công cụ đi du lịch đường dài ở Bắc Triều Tiên chỉ có xe lửa. Theo diện tích Bắc Triều Tiên, đến bất kỳ nơi nào chỉ cần ngồi xe lửa một ngày là tới, nhưng ở đây tình hình xe lửa đến chậm giờ khiến người ta kinh ngạc, chậm một, hai ngày được coi là đúng giờ, chậm ba, năm ngày được coi là bình thường, chậm mười ngày cũng chẳng coi là việc kỳ lạ, cho nên muốn đi du lịch bằng xe lửa cần mang theo nửa tháng ăn đường.
Nhiều người đọc đến đây hẳn cũng thấy tự an ủi. Dân mình chưa đến nỗi nào. So ra chúng ta đang quá năng động nữa kia!
Thế nhưng sự trì trệ kia có thực là xa lạ với ta không? Tôi nhớ những vạt cỏ hoang dại ngay giữa phố xá. Nhớ những bãi rác ven làng hoặc dọc theo những con đường mới mở. Những trạm khai thác vàng tạm bợ nơi con người chui rúc làm thuê cho bọn chủ thầu. Đi trên đoạn cầu Long Biên bên sông Hồng mạn Phúc Xá bao giờ cũng thấy thoang thoảng mùi thối và nhìn xuống thì nhiều cống rãnh dồn lại thành những vũng đất đen ngòm.
Cuộc sống của chúng ta có những chỗ chẳng những trì trệ mà còn thoái hóa. So với Triều Tiên, liệu có đáng tự hào hơn?
Lại có những cái nhanh khác, nhanh đến phát sợ. SGTT có bài Khi công bố đồng nghĩa với tận diệt kể các loài cây cá quý hiếm như lan hải cảnh, thạch tùng răng cưa , cá rồng... vừa được các nhà nghiên cứu tìm thấy thì đã thấy có người thuê cướp về, phục vụ cho sinh hoạt của họ. Các cây thuốc ở Sapa cũng đã có lúc rơi vào tình trạng đó.
Trước đây, đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự tiến hoá hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy vậy, con người đã làm tốc độ tuyệt chủng vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài.

17-3
TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN
VỀ “SỰ CÓ MẶT CỦA NHỮNG NGÀY XƯA”
Hai nghĩa trang Trước 1945 Hà Nội có một nghĩa trang ở Hoàng Mai. Lịch triều tạp kỷ --- một bộ sử thế kỷ XVII XVIII của Ngô Cao Lãng -- cho biết nghĩa trang ở nam thành phố này vốn được hình thành từ 1723, rộng 14 mẫu để cùng với một nghĩa trang khác ở Dịch Vọng rộng 17 mẫu được coi là nghĩa địa chuyên chôn cất những người nghèo khó vô thừa nhận .
Gần ba trăm năm đã trôi qua mà người sống và kẻ chết của đất Thăng Long xem ra vẫn được chốt đặt trong cái hình thế như vậy.

Và nạn cướp bóc. Cũng đọc lịch sử Đàng ngoài thời vua Lê chúa Trịnh thì thấy đặc trưng của cái thời ấy là nạn cướp bóc. Liên hệ hôm nay: nếu thống kê sẽ thấy trên các trang tin tức xã hội chắc chắn bên cạnh những từ ăn nói, đi, phóng xe cãi nhau , ăn cắp... từ cướp thuộc loại có tần xuất lặp đi lặp lại cao nhất

Báo Người lao động 18/03/2011 đăng bài Học sinh rủ nhau đi... cướp với đoạn mở đầu “ Không phải là phổ biến nhưng thông tin về học sinh rủ nhau đi… cướp cũng không còn hiếm hoi, cá biệt. Đáng báo động, chuyện đi cướp đối với các học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường đã trở nên chuyên nghiệp, không phải vì bồng bột, ham vui, bị lôi kéo hay vô tình phạm tội.”

20-3
Từ cuối năm ngoái có tin là Thụy Điển đóng cửa ĐSQ và họ bảo là do họ bị hạn chế về kinh phí nên phải làm vậy?
Nhưng có tin là họ vừa mới lập ĐSQ tại Campu chia. Vậy hư thực là thế nào ? Hay là họ rút chỉ vì họ đã ngán mình quá, thấy rằng có giúp mình cũng vô ích?
Sau 1975 Thụy Điển là một trong những nước đến với mình sớm nhất. Ký ức về họ gắn với tên tuổi Nhà máy giấy Bãi Bằng. Hồi ấy, dân cán bộ công chức Hà Nội đã rỉ tai nhau rằng các trong các kỹ sư ở nhà máy này có lưu truyền một nhận xét về người Việt :
” Một dân tộc không thể cộng tác “.
“ Một dân tộc không thể sửa chữa” .
Là người thích tìm hiểu và thu thập nhận xét về dân ta từ con mắt người nước ngoài, mấy chục năm nay tôi cứ nhớ mãi mà không biết hỏi ai xem chuyện này có đúng thế không?
.
.
.

No comments: