Trầm Hương
Cập nhật ngày: 3/03/2011
.
Sự kiện thể hiện tính bất an của thể chế cầm quyền cộng sản tại Việt Nam khi phải dùng chiêu hạ cấp “túi cao su đã qua sử dụng” để cuồng trói ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã tạo ra một phản ứng hết sức gay gắt và phức tạp ngay trong bộ máy cai trị đảng cộng sản và trong nhân dân. Sau đó, ngày 15 tháng 11 năm 2010, Cơ quan an ninh điều tra Công an. Hà Nội lại khởi tố và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật hình sự. Chiều 17 tháng 12 năm 2010, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố ông về tội danh như trên.
Đây là một nhân vật, một vụ án hết sức nổi tiếng về nhiều mặt. Cuộc đời, sự nghiệp, gia thế của ông đáng cho nhiều người ao ước. Với những tiếng nói chỉ trích đanh thép đối với sự sai trái, độc đoán của nhà cầm quyền đương thời, ông càng trở nên nổi tiếng và được nhân dân khâm phục hơn. Một nhân vật ở giữa hai thế đối nghịch nhau, một bên là đảng cộng sản độc tài cai trị, một bên là nhân dân bị trị, bị tước đoạt tất cả các quyền căn bản của con người, ngay cả lòng yêu nước. Ông Vũ đã chọn và đứng về phía nhân dân.
Phân tích nguyên nhân ông Vũ bị độc quyền cộng sản bắt giam và ghép tội danh thì có đến cả một thư viện sách đã chép lại. Trong bài này chỉ xin được nhắc lại để làm dẫn chứng cho “nhu cầu được ở tù của nhân dân” đối với ông Vũ trong trường hợp ông bị giam cầm. Như quí vị nhân sĩ, trí thức yêu nước biết, thậm chí ngay đến nông dân ít chữ bây giờ cũng biết. Hầu hết những ai lên tiếng kêu gọi lòng yêu nước, kêu gọi dân quyền, dân chủ và dân sinh đều bị độc tài cộng sản bắt giam và qui chụp vào hai cái tội gọi là 79 và 88, tức hoạt động lật đổ hay tuyên truyền nói xấu chế độ. Đây là những điều luật mà theo các luật gia phân tích thì rất phản động và vi hiến. Ông Vũ cũng là nạn nhân.
Vậy ông Vũ đã làm gì?
Ông Vũ kêu gọi cần đa đảng để chống lạm quyền tham nhũng là sai ư? Để có được việc thực thi một cách nghiêm túc những quy định pháp luật, bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người dân, Cù Huy Hà Vũ đã khẳng định: “Cách duy nhất là phải có chế độ đa đảng tại Việt Nam”. Đứng từ phía nhân dân ông thấy rằng hiện tượng quan chức chính quyền ngang nhiên và bao che cho nhau phá nhà cướp đất của người dân là sản phẩm chính hiệu của cơ chế độc tài, chà đạp lên pháp luật. Và để ngăn chặn điều này thì cần phải có biện pháp chế tài của một nhà nước pháp quyền thật sự do dân chọn lựa, và đồng thời có sự kiểm soát của những chính đảng khác.
Ông Vũ kêu gọi hòa giải dân tộc, nhân danh các anh hùng đã ngả xuống vì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Muốn hòa giải, hòa hợp dân tộc nhà cầm quyền cần phải thả những tù nhân chính trị của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, những nhà bất đồng chính kiến, xây dựng tượng đài nhớ ơn các chiến sĩ VNCH đã bảo vệ Hoàng Sa trước sự xâm lược trắng trợn của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Đó là những thái độ, lên tiếng hết sức chân tình của ông Vũ, cho một nước Việt Nam phát triển, hưng thịnh, yêu thương và đại đoàn kết. Ý nguyện của ông Vũ cũng là ý nguyện của toàn dân tộc Việt Nam, trong nước cũng như ở hải ngoại. Tại sao nhà cầm quyền không thực hiện điều đó, trái lại còn bắt bớ, bịt miệng và khép tội cho ông Vũ? Ai đang phản động lại dân tộc Việt Nam đây?
Và còn nhiều vấn đề khác nữa mà ông Vũ đã lên tiếng phản đối, đặc biệt là những điều luật hết sức phi lý mà đảng cộng sản đang áp dụng, bên cạnh một chế độ tam quyền như một để thi đua làm giàu bất kể những hại dân hại nước.
Đã có một biến chuyển tâm thức nơi người dân vô cùng lớn sau khi họ tiếp cận được các thông tin sau vụ việc bắt ông Vũ. Nhân dân khắp nơi như được sáng mắt, sáng lòng với những tin tức dồn dập về ông Vũ qua cả báo chí của đảng và “báo chí nhân dân”. Một điều hết sức bất ngờ là nay ở nơi đâu, tuổi nào, ngành nghề nào, người ta đều nhắc đến sự kiện Cù Huy Hà Vũ. Họ nhận thấy ông Vũ nói đúng, nói hay, nói chính xác với nhu cầu, suy nghĩ của họ. Họ thấy đảng đang hành xử thô bạo đối với ông Vũ để che lấp sự đuối lý của mình. Như vậy, có thể nói đang có một sự đồng phạm rõ ràng của nhiều người Việt theo cùng quan điểm của ông Vũ !
Các hãng thông tấn lớn như BBC, VOA, RFA, các nhà báo như Trâm Oanh phóng viên không biên giới từ Đức quốc, ông Phạm Trần của mục Bản tin Hoa Thịnh Đốn thuộc Hệ thống Truyền hình SBTN, v.v... đã nhiều lần phỏng vấn, hội luận với ông Cù Huy Hà Vũ liên quan đến vấn đề lãnh hải, cho ngọai quốc thuê rừng, khai thác Bauxite trên Tây Nguyên, phục hồi danh dự và truy điệu những Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận chiến chống quân Trung Quốc cưỡng chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Nếu xét theo điều luật “tùy nghi mở rộng số 88” của nhà cầm quyền, thì tất cả các cá nhân và hãng thông tấn nêu trên đều chịu trách nhiệm chung và phải bị kéo ra làm bị cáo hay nhân chứng trước tòa. Các vị và cơ quan này là những chủ thể liên quan chặt chẽ đến vụ án của ông Vũ. Thậm chí có thể coi là những “đồng phạm”.
Còn các nhân sĩ, trí thức khắp nơi thì sao? Trước hết phải kể đến trang mạng Bauxite Việt Nam, một diễn đàn được rất nhiều người yêu quí và thán phục, do nhà giáo Phạm Toàn, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, và Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng và quản trị. Đây là nơi đăng tải nhiều bài viết của ông Vũ và cũng đăng tải nhiều ý kiến ủng hộ, hoan hô của giới trí thức và đồng bào khắp nơi. Nhưng các bài vở xuất hiện tại diễn đàn này cũng đã bị viện kiểm sát chưng ra làm bằng cớ cho “tội tuyên truyền chống phá nhà nước” của ông Vũ. Như vậy, các nhân sĩ, trí thức, và đồng bào từng đồng tình ủng hộ, tiếp tay phát tán, và khuyến khích ông Vũ “tiến nhanh tiến mạnh”, đều đáng mang vinh dự là “đồng phạm” của ông.
Còn những người đã đọc và tiếp tay phát tán các bài viết của ông Vũ trên cả nước thì sao? Điều luật “tùy nghi mở rộng số 88” nếu cột cho ông Vũ thì cũng phải áp dụng cho những công dân Việt Nam khác trong việc tiếp tay phát tán những “tài liệu” của ông. Chắc chắn công an, mật vụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chứng kiến cảnh nhiều người dân đã in bài viết của ông Vũ để truyền tay nhau đọc một cách say sưa. Và chính vì chứng kiến mức độ lan tràn, công an mới phải tìm mọi thủ thuật, bất kể mức hèn kém, để bắt ông gấp rút như vậy. Vậy thì các đồng bào đã đọc và tán phát cũng có vinh dự là “đồng phạm”.
Theo lời tường thuật của nhà giáo Phạm Toàn về một lần gặp gỡ gần đây, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận xét rằng: “Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ, còn Vũ thì đã nói ra được những điều đó. Vũ không nói, thì người khác cũng nói. Vì đó là những điều hiện thời mọi người lo lắng cho đất nước”. Với câu nói đó, tướng Vĩnh đã tình nguyện đứng làm “đồng phạm”. Còn những đồng bào đã từng nghĩ như ông Vũ và thầm cám ơn ông Vũ đã nói giùm mình, thì sao?
Tại điểm này, ngoài các báo, đài “phải nói theo lệnh” của đảng, thật hiếm có ai phủ nhận sự kiện: ông Vũ đã đại diện cho toàn nhân dân Việt Nam để nói lên điều họ muốn nói từ lâu. Với sự can đảm và tri thức của mình ông Tiến sĩ Luật đã lên tiếng. Và kết quả là bị đảng núp bóng pháp luật trả thù.
Một điều cần làm rõ ở đây. Nếu người dân nhận thấy rằng đảng cộng sản độc tài đang đi ngược lại lợi ích chung của toàn thể nhân dân và đất nước Việt Nam và vì thế họ phản đối các sai trái đó, họ chống lại đảng, thì có gì sai không? Chống lại sự sai quấy mà đảng đang áp đặt lên nhân dân là một điều hết sức bình thường. Nhưng những ai lên tiếng chỉ trích sai lầm của đảng thì lại bị đảng này đánh tráo khái niệm để qui kết cho họ tội phản quốc. KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI ĐẢNG KHÔNG PHẢI LÀ CHỐNG TỔ QUỐC. Ngược lại, chính vì yêu tổ quốc mà những người như ông Vũ đã phải lên tiếng để chận đứng những bàn tay đang làm thiệt hại lớn lao và vĩnh viễn lên tổ quốc. Như tác giả Trương Hùng đã viết trong bài Phản động là gì?: “Đảng có thể kết tội tôi phản Đảng. Tội ấy tôi xin nhận. Nhưng đừng suy diễn rằng phản Đảng là phản quốc và kết tội tôi chống lại đất nước. Đó là sự xúc phạm ghê gớm nhất đối với mỗi con người Việt Nam còn giữ trong mình lòng tự hào và sự khắc khoải chờ mong về tương lai dân tộc.”
Ngoài các bài viết, trong vụ án Cồn Dầu, văn phòng luật của Cù Huy Hà Vũ còn can đảm đứng ra bảo vệ các đồng bào Công giáo khi cuộc tranh đấu đòi lại đất đai của họ bị nhà cầm quyền khoác lên cho những tội danh khác. Sự việc ông Vũ bị bắt không lâu sau khi nhận lời bào chữa cho các bị cáo tại Cồn Dầu đã làm cho người Công giáo rất xúc động. Hiển nhiên, tuyệt đại đa số đồng bào Công giáo tại đây không chỉ ủng hộ mà còn thán phục quan điểm của ông Vũ về công bằng xã hội và quyền con người. Bà con Cồn Dầu, do đó, cũng hội đủ điều kiện làm “đồng phạm” với ông.
Vậy khi một vụ án có đến hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn đồng phạm thì hệ thống pháp luật không thể chỉ bắt phạt một người. Vì như vậy là không thực thi pháp luật một cách nghiêm chỉnh, không thể có kết quả điều tra chính xác vì thiếu quá nhiều người liên hệ, và bản án chỉ có thể được xem là kết quả của trả thù cá nhân.
Hoặc có một đề nghị khác: Hãy để cho các đồng phạm cùng chia bản án. Thí dụ, nếu ông Vũ bị mức án 5 năm, tức là 60 tháng, hãy để 1.800 người trong tổng số 85 triệu dân đi tù cùng với ông Vũ. Mỗi người chỉ phải ăn cơm tù một ngày. Còn nếu nhân đôi số người tự nguyện thì mỗi người chỉ mất nửa ngày.
Trong thời gian qua, dân tộc chúng ta đã lập nhiều bản lên tiếng chung cho nhiều vấn đề. Nay kính đề nghị quí nhân sĩ khắp nơi khởi động một loại danh sách mới – danh sách những người tình nguyện ĐI TÙ VỚI TIẾN SĨ CÙ HUY HÀ VŨ.
Thái độ, tình cảm và lòng yêu nước nồng nàn của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam. Nhưng nếu vì điều đó mà ông Vũ bị bắt, bị truy tố và bị bỏ tù, thì mỗi người chúng ta có nên viết tiếp tên mình vào trang sử hào hùng đó để con cháu mai sau được biết về giai đoạn độc tài cộng sản cai trị hôm nay không? Và cũng để các thế hệ tương lai thấy rõ, trong mọi lúc đen tối của đất nước, «Anh hùng hoà kiệt thời nào cũng có».
Hà Nội 1.3.2011
Trầm Hương
Trầm Hương
.
.
.
No comments:
Post a Comment