Lưu Việt
8h:9' - 9/3/2011
Nga tìm cách khắc phục cân bằng quân sự mong manh ở Viễn Đông, đối phó với người Trung Quốc di cư và định cư vĩnh viễn tại Siberia-Viễn Đông.
Năm 2011 chứng kiến một số sự kiện quan trọng đánh dấu sự tham gia của Nga vào các quá trình chính trị-kinh tế Đông Á. Tháng 10, Tổng thống Nga sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và dự các hoạt động kỷ niệm 60 năm quan hệ Nga-Việt. Hội nghị APEC sẽ diễn ra tại Vladivostok. Việc Nga và Mỹ tham dự Diễn đàn Đông Á là bước quan trọng đánh dấu việc Nga tham gia vào cơ cấu quyền lực tại khu vực rộng lớn này theo hướng tích cực.
Ngoài việc tăng cường liên kết chính trị, Nga đề ra hàng loạt các dự án khác như sân bay vũ trụ phía Đông ở tỉnh Amur, các dự án công nghệ hoàn chỉnh ở Viễn Đông. Hợp tác năng lượng đã có sự khởi đầu tốt đẹp với các dự án “Xakhalin 2”, hệ thống đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương… Trong chương trình hiện đại hóa quốc phòng 640 tỷ USD cho các năm 2011-2020, 1/4 chi phí sẽ được dành để nâng cấp Hạm đội Thái Bình Dương, trong đó mua khoảng 20 chiến hạm, trong đó có đội tàu ngầm tấn công, tàu ngầm phóng hỏa tiễn, một số tàu khu trục và tàu sân bay.
Các nỗ lực trên nhiều hướng cho thấy Liên bang Nga bắt đầu cuộc hành quân thứ tư về phương Đông. Cuộc hành quân đầu tiên diễn ra vào giữa thế kỷ XIX khi Anh và Pháp đối đầu với Nga ở châu Á. Cuộc hành quân thứ hai là chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-05. Cuộc hành quân thứ ba diễn ra những năm 1970-80 mở rộng ảnh hưởng ra Thái Bình Dương, lần đầu tiên thiết lập căn cứ quân sự tại Đông Nam Á (Cam Ranh).
Về cơ bản, chiến lược của Nga vẫn dựa vào hướng Tây, ổn định hướng Nam và đi ra hướng Đông. Có thể xem hướng Đông là ưu tiên loại hai. Nhưng có nhiều yếu tố, đặc biệt là những tính toán chiến lược lâu dài của Trung Quốc đối với Viễn Đông, khiến Nga ngày càng phải quan tâm tới hướng này.
Trung Quốc có thể đánh chiếm Viễn Đông dễ dàng
Nhà Trung Quốc học người Nga, ông Alegsandr Aladin, gần đây trả lời mạng News (Mông Cổ) đặt câu hỏi: “Người Trung Quốc muốn gây chiến tranh chăng?”. Nội dung chính sau: Nhiều tuyến đường bộ đang được thi công từ lãnh thổ Trung Quốc hướng về phía biên giới Nga, được đổ bằng bê tông, có khả năng vận chuyển các trang thiết bị và vũ khí quân sự. Khi các tuyến đường này được đưa vào sử dụng, ngoài việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị, vũ khí đến dọc biên giới Nga, Trung Quốc sẽ không có trở ngại nào khi thực hiện tập kích tấn công chiến lược. Năm 2004, Tổng Thống Vladimir Putin và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ký Hiệp định bổ sung về biên giới của hai nước, theo đó, Nga trao trả cho Trung Quốc 337 km2. Vùng đất mà Nga trao trả cho Trung Quốc đang đe dọa đến an ninh chiến lược của thành phố Khabarovsk và vùng Viễn Đông của Nga. Nếu chiến tranh xảy ra, chỉ trong vòng 2-3 giờ, quân đội Trung Quốc có thể chiếm lĩnh được thành phố Khabarovsk. Khi thành phố này bị chiếm thì con đường sắt trên sông Amur cũng bị chiếm, các tuyến đường bộ, đường sắt khác trên con sông này cũng bị chiếm giữ. Như vậy, khu vực Viễn Đông sẽ hoàn toàn bị chia cắt. Trên thực tế, Nga không có năng lực để giúp đỡ khu vực này. Phần lớn trang thiết bị quân sự, vũ khí ở khu vực Viễn Đông rất lạc hậu, lực lượng lại mỏng; vì vậy lá chắn bảo vệ vùng Đông Siberia và khu vực Viễn Đông hầu như bị bỏ rơi.
Trung Quốc có từ tên lửa chiến lược cho đến vũ khí tấn công hiện đại. Tên lửa của Trung Quốc có thể tấn công bắn tới thủ đô Moscow và thành phố Hạ Novogorod. Còn các khu vực khác như Ural, Đông Siberia, Kamtratka và Viễn Đông đều nằm dưới tầm ngắm của tên lửa Trung Quốc. Máy bay Trung Quốc có thể tự do ra vào tại khu vực này; bởi vì, trên thực tế ở đó Nga không có lực lượng bảo vệ. Các tàu chiến của lực lượng Hải quân Trung Quốc về số lượng và chất lượng đã đuổi kịp và thậm chí còn vượt cả Nga. Tàu ngầm của Trung Quốc có thể tự do ra vào gần hải phận của Nga. Quân đội Trung Quốc có 2,250 triệu người, nhưng khi chiến tranh xảy ra, con số này sẽ là 208 triệu người. Quân đội Trung Quốc nếu bắt đầu tấn công theo đường bộ và đổ bộ hàng không thì họ sẽ nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn tại khu vực này và có thể tấn công đến vùng Ural và vùng đất Nga.
Lãnh đạo Nga đã đồng ý chương trình hợp tác giữa khu vực Viễn Đông và vùng Đông Siberia của Nga với các địa phương của khu vực Đông Bắc Trung Quốc để đến năm 2018, biến khu vực này trở thành Đối tác chiến lược. Thực chất của các chương trình này là hợp tác khai thác các mỏ tại Nga, song lại xây dựng các nhà máy chế biến thành phẩm tại lãnh thổ Trung Quốc. Người Trung Quốc đang khẩn trương xây dựng các trạm kiểm tra biên giới, cầu đường đến các mỏ. Các nguyên liệu của Nga được chở sang Trung Quốc để chế biến thành sản phẩm. Nhìn từ góc độ chính sách quân sự, Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh khu vực này và khi cần lực lượng quân sự của Trung Quốc có thể tiến nhanh vào sâu trong vùng đất Nga. Các mỏ vàng bạc và các nguyên liệu chiến lược khác của Nga như vofram, đồng, vanadium cũng đang được trao cho Trung Quốc. Công việc xây dựng các khu nhà dân cư cần phải có lao động Trung Quốc. Do đó, người Trung Quốc luôn nghĩ đến kế hoạch di cư sang Nga và định cư vĩnh viễn tại đây. Người Trung Quốc đã bắt đầu chui vào ban lãnh đạo địa phương của Nga. Họ đã bắt đầu cung cấp tài chính cho các hoạt động bầu cử Thống đốc địa phương và các cuộc vận động tranh cử khác. Họ mua đại diện của chính quyền và các quan chức nhà nước. Tầng lớp tinh hoa chính trị và kinh tế địa phương đã bị người Trung Quốc mua chuộc.
Mật độ dân cư tại khu vực phía Trung Quốc giáp với Nga đông gấp nhiều lần. Riêng dân cư của 2 tỉnh Trung Quốc giáp với khu vực Viễn Đông của Nga có tới 114 triệu người, trong khi đó cả khu vực Viễn Đông và vùng Đông Siberia của Nga chỉ có 6 triệu người Nga sinh sống; và họ lại đang có khuynh hướng di chuyển về phần lãnh thổ châu Âu của Nga để định cư, do họ lo ngại về sự an toàn của mình và không tin tưởng vào tương lai. Sắp tới, người Trung Quốc ở khu vực này sẽ đông gấp nhiều lần người Nga bản địa, như vậy người Trung Quốc sẽ dễ dàng áp đặt điều kiện, nội quy, điều lệ của mình cho người dân bản địa tại đây. Như vậy, Nga sẽ mất khu vực Viễn Đông.
Nga đối phó với Trung Quốc như thế nào?
Theo Reuters (Moscow 1/3), trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Nga đang phải xem xét lại chiến lược quốc phòng được hoạch định từ thời kỷ nguyên Xôviết, chuyển trọng tâm từ tranh giành đất đai ở châu Âu và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân với Mỹ sang chú trọng khu vực phía đông nước Nga.
Cuộc cạnh tranh giữa nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, Nga, và nước tiêu thụ năng lượng của Nga nhiều nhất, Trung Quốc, làm nảy sinh câu hỏi: Làm thế nào để Moscow có thể cung cấp dầu cho con rồng Trung Quốc mà vẫn hài lòng trước sức mạnh ngày càng tăng của quốc gia này?
Nỗ lực của Nga nhằm khôi phục ảnh hưởng tại Viễn Đông, khu vực đầy rẫy những tranh chấp lãnh thổ và được cả hai quốc gia chi tiêu cho quân sự nhiều nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Trong số những vũ khí đầu tiên mà Nga sẽ triển khai tới phía Đông có hai tàu sân bay Mistral mà Moscow mua của Pháp cuối năm ngoái và dự kiến sẽ được chuyển giao cho Nga vào cuối năm 2013. Một trung đoàn thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, có thể đánh chặn tên lửa và máy bay, cũng sẽ được triển khai tại Viễn Đông. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Ekho Moskvy hồi tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Nikolai Pankov cho biết quân đội coi Viễn Đông là khu vực “quan tâm số một”.
Với Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ, Kremli rảnh tay hơn để tập trung thêm nguồn lực cho phía Đông. Tháng trước, Tổng thống Dmitry Medvedev đã cam kết sẽ triển khai vũ khí tới một số hòn đảo nhỏ thuộc Kuril. Song một số người cho rằng những tuyên bố nhằm vào Nhật Bản chỉ là vỏ bọc, trên thực tế Nga đang tìm cách ngầm đối phó với Trung Quốc mà không làm Bắc Kinh “nổi đóa”. Nga đã giành được vùng đất rộng giàu tài nguyên ở miền đông Siberia từ tay Trung Quốc thông qua đàm phán kết hợp với sức mạnh quân sự hồi giữa thế kỷ 19. Phần lớn chính sách của Moscow đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nga với kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 9,5 tỷ USD, xoay quanh những nỗi lo sợ rằng Bắc Kinh muốn lấy lại vùng đất dân cư thưa thớt trên để đưa dân đến sinh sống và khai thác các mỏ khoáng sản, dầu và khí đốt ở đây.
Năm 2008, Moscow đã nhượng lại cho Bắc Kinh vùng đất rộng tại biên giới chung dọc các sông Ussuri và Amur, tại đây hai cường quốc này đã đấu pháo vào năm 1969, khiến gần 60 người thiệt mạng. Dmitry Gorenburg, nhà phân tích kỳ cựu của Viện tư vấn quân sự và hành chính công, nói: “Nga vẫn lo sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ xâm lược Siberia để giành giật tài nguyên bởi lẽ đây là một khu vực dân cư thưa thớt, khó phòng thủ, và rất xa trung tâm nước Nga.
Trung Quốc là khách hàng lớn mua vũ khí của Nga, song đơn đặt hàng của Trung Quốc trong năm nay nhiều nguy cơ sẽ giảm, mà một trong những lý do là ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đã bắt đầu đáp ứng được nhu cầu trong nước một phần nhờ sao chép công nghệ của Nga.
Bắc Kinh đã gây lo ngại cho các nước láng giềng bằng những tuyên bố chủ quyền đối với hàng loạt hòn đảo không có người ở mà Nhật Bản cũng coi là của mình. Tuyệt nhiên Nga không muốn gây chiến với Trung Quốc, song một số nhà phân tích cho rằng Moscow muốn đảm bảo chắc chắn rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không làm đảo lộn thế cân bằng quyền lực mong manh tại vùng Viễn Đông./.
Lưu Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment